Hát Đúm thể hiện cá tính và sinh hoạt của người Hải Phòng

Một phần của tài liệu Làn điệu hát đúm ở xã phục lễ thủy nguyên hải phòng (Trang 51 - 57)

6. Bố cục của đề tài

2.3.2. Hát Đúm thể hiện cá tính và sinh hoạt của người Hải Phòng

Trên mỗi miền đất nước đều có những địa danh, tên gọi khác nhau, có nghề nghiệp làm ăn sinh sống khác nhau nên văn nghệ dân gian cũng như văn học nghệ thuật nói chung phản ánh cuộc sống tình cảm con người mỗi nơi ấy cũng có những nét cá tính khác nhau. Hát Đúm Hải Phòng cũng vậy, ngoài những nét chung của ca dao dân ca cả nước thì có một số nét riêng nào đó về nội dung, hình thức đã thể hiện cá tính con người Hải Phòng.

Những câu ca xưa của người Hải Phòng đã nói lên tác phong của những chàng trai Hải Phòng đến với người tình rất đỗi tự nhiên, mạnh bạo. Nó có gì tưởng như thô bạo, sỗ sàng, nhưng xét cho cùng thì chỉ là tình cảm hồn nhiên chân thực:

“Anh nay con trai Hải Phòng Chạy tàu Phi Hổ vào trong Ninh Bình

Thấy em vừa đẹp vừa xinh Anh thuận nhân tình anh nắm cổ tay

Nắm rồi anh hỏi cổ tay Ai nặn nên trắng ai day nên tròn”

[18, tr.27]

Trong các cuộc hát Đúm, bao giờ các chàng trai cũng cầm tay cô gái đang hát với mình. Có phải do tục hát Đúm mà các chàng trai có thói quen cầm tay con gái hay do tác phong của người Hải Phòng mà thói quen ấy được hình thành trong hát Đúm xưa nay. Nhưng trong văn học dân gian Hải Phòng ta thấy hầu như lúc nào đôi trai gái gặp gỡ yêu nhau thì phút đầu các chàng trai cũng đến cầm tay. Mới gặp nhau người con gái đã bị nắm cổ tay, bị chất vấn:

“Gặp đây cầm lấy cổ tay Ai vuốt lên trắng, ai day lên tròn

Gặp đây anh hỏi nước non Em có chồng chửa hay còn giá cao

Còn không cho chúng anh vào Hay là đã có nơi nào thì thôi…”

[18, tr.27]

Các chàng trai không cần rào mở, đón đưa mà gặp nhau là để bõ lúc xanhau:

Gặp nhau ta nắm cổ tay Bõ đêm quên ngủ bõ ngày quên ăn

Đến nỗi các cô gái muốn giữ phần e lệ, giữ tình yêu kín đáo hơn, vẫn thường phản đối với các chàng:

“Xin chàng buông tay em ra Để em đi chợ kẻo đà chợ trưa”

“Xin chàng buông tay em ra Kẻo rầu long thiếp xót xa lòng chàng”

[18, tr.27] Tuy vậy, họ yêu nhau là yêu tha thiết, là đến với nhau bằng tất cả sự

lúc “Mình chăn trâu ta cũng chăn trâu”. Chính vì vậy mà nó có cơ sở vững chắc, có chiều sâu của tình cảm:

“Yêu nhau quá đỗi quá chừng Trèo non quên mệt ngậm gừng quên cay

Nói đây lại bảo nói hay

Ta yêu mình từ thuở trên tay bác mẹ bế bồng”

[18, tr.28]

Yêu nhau là tất cả vì nhau. Dù có phải gian truân, đau đớn cũng vẫn

coi thường:

“Vì nàng anh phải đi đêm Ngã năm ba cái đất mềm không đau

Vì nàng anh phải đi thầm

Ngã sấp đầu gối, ngã thâm bánh chè”

[18, tr.28]

Tình yêu không câu lệ vào vật chất, không quản ngại gần xa: “Yêu nhau xa mấy cũng gần”, yêu nhau thì “Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”:

“Yêu nhau như bát nước sung

Chồng hôi như cú em cũng nằm chung một giường

Yêu đến nỗi:

Một điều mình quyết lấy ta Thì ta bán cửa bán nhà ta theo

Bán từ cái cối đâm bèo Cái chày đâm rốc ta theo cô mình

Yêu đến liều lĩnh:

Em trông thấy anh em cũng yêu rồi Biết rằng chị cả không rời anh ra

Dù anh chín vợ mười con Thì em cũng ghé mình con em vào

Chị cả có bảo làm sao

Dao găm cất váy, em vào chơi xuân.”

Gần nhau thì yêu nhau tha thiết, xa nhau thì nhớ nhau và giữ lòng chung thủy. Sau những ngày hội vui, những buổi gặp gỡ, họ phải tạm biệt nhau ra về, ai về nhà nấy, một nỗi bâng khuâng, nhớ nhung da diết tràn ngập trong lòng:

“- Ra về mở cửa trông trời

Trông đường đường vắng, trông người người qua - Ra về thiếp chỉ nhớ chàng

Chàng nhớ thì ít, em thương thì nhiều”

[18, tr.29]

Họ không muốn rời nhau ra:

“Gặp nhau ở chốn linh đình Anh đi em quyết gieo mình xuống đây

Dao vàng cắt ruột em này Không bằng chàng bỏ em đây mà về”

[18, tr.29]

Khi phải xa nhau họ ước ao mình như con chim biết bay để đi tìm người yêu gặp lại:

“Ước gì mình thiếp như chim Thiếp xin chắp cánh đi tìm tận nơi

Ước gì có cánh mà bay

Thì em bay tới nước Tây tìm chàng”

[18, tr.29]

Nói chung, tình yêu của người lao động ở đâu cũng mạnh bạo, hồn nhiên, thủy chung, tha thiết. Nhưng ở đây từ phút đầu gặp gỡ đến cách thổ lộ tâm tình, ước mong, thương nhớ vẫn có gì cụ thể, mạnh bạo hơn, tự nhiên và mộc mạc hơn. Mạnh bạo đến xô bờ nhưng không thô lỗ, tầm thường, sỗ sàng mà vẫn giữ được vẻ trong sáng của tình cảm người lao động.

Cuộc sống của người Hải Phòng hàng ngày tiếp xúc với thuyền bè, sông nước, bến bãi, kho tàng. Dưới chế độ phong kiến người nông dân rất nghèo, cái nghèo của người nông dân nói chung là:

“Lấy anh em chẳng làm gì Sáng thì đi mót tối về lại rang

Chày tra cối đất sẵn sàng

Đèn trăng, quạt gió, trấu càng sạch tinh”

[18, tr.30]

Nhưng cái nghèo của người nông dân miền biển có khác, ngoài việc đi mót, họ có sông để kiếm thêm con cua, con cá cải thiện đời sống gia đình:

“Lấy em thì sướng bằng vua Em đi bắt cáy, bắt cua, bắt càng

Em về em nấu em rang

Em đi mua rượu mời chàng xơi cua”

[18, tr.30]

Người Hải Phòng chịu khó lam lũ làm ăn sinh sống trong những ngày khó khăn, sau mùa gặt hái rỗi rãi họ lại rủ nhau đi ra sông kiếm thêm con cáy làm mắm, đồng tiền mua rau. Tuy có cực nhọc vất vả nhưng đó là nguồn sống, là lối thoát cảnh chết đói trong những ngày giáp hạt.

Là nơi trên bến dưới thuyền nên người Hải Phòng đã sớm có mối quan hệ buôn bán với các tỉnh. Những chiếc tàu của hãng Bạch Thái Bưởi đã thành cái tên quen thuộc với người Hải Phòng lúc ấy. Họ từ Hải Phòng đi Bắc Ninh, đi Nam Định, Ninh Bình, Hà Nội, Hòn Gai… và nhiều tỉnh khác trên miền Bắc. Họ buôn bông, buôn bè và mọi thứ khác cần dùng cho đời sống hàng ngày.

Những cô gái có thể nói: “Em là con gái Hải Phòng, em chạy tàu nước vào trong Ninh Bình”, có thể mua nón ở Bắc Giang, có thể tìm người yêu ở tỉnh Đông (Hải Dương) và những chàng trai từ tỉnh “Đáp Cầu” (Bắc Ninh) có thể “Chạy tàu Phi Hổ xuống chơi Hải Phòng”. Do mối quan hệ ấy mà trong lúc giao thông đường bộ chưa phát triển mấy thì cái cảnh thuyền bè đi lại tấp nập ở một nơi trên bến dưới thuyền như Hải Phòng là tất nhiên và đó là một đặc trưng riêng của Hải Phòng. Người Hải Phòng phải bươn trải với sóng gió

tạo cho họ bản lĩnh đứng trước khó khăn thử thách không nề hà, dám đương đầu với sông với biển để kiếm sống.

Hải Phòng ngoài những vùng đánh cá như Đồ Sơn, Cát Bà… còn có một số xã như Phả Lễ, Lập Lễ… có nghề câu cá biển rất phát triển. Hầu như cả xã chỉ có phụ nữ ở nhà làm ruộng, còn đàn ông quanh năm lênh đênh trên biển, hết mùa câu mực lại đến mùa câu các loại cá.

Những lúc thả câu rồi để chờ cá cắn câu, họ thường đánh thuyền vào một chỗ gần bờ, cắm sào cho thuyền đỗ rồi tranh thủ sửa sang đồ nghề hoặc nghỉ ngơi đôi chút. Những lúc ấy trên bãi sông nếu có dăm ba cô bắt cáy, hoặc cắt cỏ cắt lá ven đê là các chàng trai cất ngay lên tiếng hát:

“Ơ người trên đất kia ơi Ở nhà với mẹ nắng nôi nhọc nhằn

Xuống thuyền câu đé với anh

Mòi phèn cũng lắm, chiếu chăn cũng nhiều”

[18, tr.32]

Người Hải Phòng vốn cần cù xốc vác, dám hi sinh, dám chịu đựng gian khổ, dễ tiếp thu cách mạng, tiếp thu cái mới. Mặt khác, sống ở một hải cảng, va chạm nhiều nên người Hải Phòng có phản ứng tâm lý rất mau lẹ. Có khi xốc nổi bồng bột, nhưng giàu lòng vị tha, dễ xí xóa thù vặt để cùng nhau đoàn kết. Song do điều kiện sống, do nghề nghiệp mà cũng nổi lên một số thói quen, nhược điểm như thích ăn to nói lớn, có khi xô bồ, tản mạn. Có lẽ do cuộc sống trên sông dưới nước phải “Ăn sóng nói gió”, cuộc sống lênh đênh trên biển nay đây mai đó, tha phương cầu thực, hoặc tiếng đe ồn ào trong nhà máy, tiếng còi tàu xe huyên náo trên bến cảng…mà tạo nên những thói quen đó chăng? Có lẽ do dân ở đây là người tứ xứ hợp lại và cũng từ đây có người đi khắp mọi nơi. Cuộc sống nghèo túng nên ở tỉnh nào cũng có người tha phương cầu thực, đi tứ xứ phiêu bạt khắp nơi và người Hải Phòng cũng vậy. Công nhân mỏ Quảng Ninh nhiều người gốc tích Hải Phòng, ngoài ra các tỉnh khác người Hải Phòng cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể.

Mặt khác do tiếp xúc với nhiều lối sống, nhiều nguồn văn hóa khác nhau và ngay cả cuộc sống hàng ngày cũng đổi thay, có khi xáo trộn theo mỗi con nước, mỗi mùa nước. Nói tóm lại, mọi thứ ở đây đều luôn luôn biến đổi, nên một số nét về tác phong, tính cách của con người Hải Phòng cũng không bền vững không định hình.

Những nét cá tính đó, dưới nhiều góc độ tình cảm khác nhau, đã được thể hiện một phần trong hát Đúm Hải Phòng, nhất là trong tình yêu nam nữ, vì thực chất hát Đúm là những bài hát về tình duyên đôi lứa. Đây chỉ là một khía cạnh nhỏ về tính cách và cá tính người Hải Phòng. Qua hát Đúm cho ta thấy con người Hải Phòng với những cá tính riêng đó góp phần làm cho tính cách của con người Việt Nam phong phú hơn, đa dạng hơn.

Một phần của tài liệu Làn điệu hát đúm ở xã phục lễ thủy nguyên hải phòng (Trang 51 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(81 trang)