Chất thơ trong hát Đúm

Một phần của tài liệu Làn điệu hát đúm ở xã phục lễ thủy nguyên hải phòng (Trang 46 - 51)

6. Bố cục của đề tài

2.3.1. Chất thơ trong hát Đúm

Thiên nhiên đã dành cho Hải Phòng những ưu đãi lớn, có đủ sông biển, núi rừng. Ra đời trên mảnh đất đẹp và thơ ấy, hát Đúm Thủy Nguyên đã được các tác giả dân gian xúc cảm, bồi đắp thành những bài ca đầy chất thơ. Ở đó,

vẻ đẹp của thiên nhiên được miêu tả quyện lấy tình người hài hòa, trong sáng. Nội dung bài hát có nhiều đề tài, nhiều góc độ tình cảm khác nhau. Có những bài “huê tình” thổ lộ tình yêu nam nữ mặn mà, nhưng cũng có những bài đố, hát họa gay go, có lúc hát giữa mùa xuân hội làng, cảnh vật nên thơ, nhưng cũng có những lúc hát giữa bãi biển ầm ầm sóng vỗ, hoặc trong lúc kéo lưới quăng chài mệt nhọc.

Khi tiếng hát chào mở đầu một cuộc hát vừa cất lên thì mọi người đều như bị cuốn trong tiếng hát. Giọng hát không to rất ấm, nhưng có độ âm vang và sức quyến rũ lạ thường. Nội dung những bài hát chào đều na ná giống nhau, nhưng khi đã cất lên thì mỗi người đều có riêng một vẻ, một sức lay động tâm hồn độc đáo của mình. Có được sự cuốn hút ấy chính là do hát Đúm Thủy Nguyên đã có những lợi thế riêng, có một chất thơ đồng điệu với những tình cảm, tâm hồn vốn rất trữ tình, rất thơ của con người Việt Nam. Quả vậy, nếu chỉ tìm hiểu trên lời ca - có khi còn đơn sơ, ước lệ thì không ai có thể cắt nghĩa được sức mạnh ấy. Nhưng khi nghe tiếng hát thì thật sự đã chinh phục được lòng người, đã khơi dậy trong lòng mỗi người một tình cảm đầm ấm cổ truyền rất Việt Nam.

Sự kết hợp hài hòa giữa cảnh và tình, giữa vẻ đẹp thiên nhiên với tình cảm con người là nội dung của cái đẹp mà các tác giả dân gian đã hiểu một cách sâu sắc. Thiên nhiên quyện lấy con người, ủng hộ con người, và con người chi phối thiên nhiên, đẹp lên trong vẻ đẹp của thiên nhiên. Trong những tác phẩm dân gian có lẽ ít có tác phẩm nào mà ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên một cách đơn lẻ, con người đứng ngoài thiên nhiên. Hát Đúm cũng vậy, chất thơ không bao giờ là sự thuần túy tự nhiên, không bao giờ là vẻ đẹp thiếu con người.

Mùa xuân là mùa đẹp nhất, thơ nhất trong cả bốn mùa, là mùa sinh sôi, nảy nở, mùa hứa hẹn mọi sự tốt lành. Mùa xuân diễn ra tết cổ truyền của dân tộc, các hội làng được tổ chức, có lẽ vì vậy mà được các tác giả dân gian đưa vào hát Đúm như một hình tượng trung tâm của lời ca, như một chất keo dính

giữa con người và tự nhiên. Trong cảnh đẹp như vậy những đôi trai gái gặp gỡ nhau, cầm tay nhau hát lên những tiếng hát say đắm lòng người, tiếng hát mở đầu cho ngày hội, mở đầu cho một mùa xuân, và cũng có thể mở đầu cho một mối tình, ở vào khung ảnh ấy con người đã thổi linh hồn và làm sống lại vẻ đẹp của thiên nhiên.

Mùa xuân bắt đầu cho một năm mới luôn được dùng làm nền cho nhiều bài hát, nhất là hát chào:

Thoạt vào chào đám hội xuân Chào các quý chúc xa gần ngồi chơi”

“Hôm nay năm cũ đã qua

Bước sang năm mới đôi ta chơi chùa…”

[18, tr. 37]

Để rồi từ đó thổ lộ những tình cảm đẹp trong hoàn cảnh đẹp, thiên nhiên đẹp. Mùa xuân đã là mùa của thơ, mùa của tình yêu và tạo nên trong hát Đúm Thủy Nguyên một chất thơ giàu mỹ cảm và sức sống.

Độc đáo hơn nhiều dân ca khác, hát Đúm Thủy Nguyên có hàng ngàn bài đố, bài họa về các hiện tượng tự nhiên, về những đồ ăn, vật dụng, về những động vật dưới biển, trên rừng. Qua đây, chứng tỏ người Hải Phòng hiểu rất sâu về tự nhiên và đặc biệt là những hiện tượng tự nhiên ở khu vực miền biển và những sản vật của biển. Những thứ ấy có cái là tai họa nữa. Nhưng dưới con mắt của tác giả dân gian tất cả đều gần gũi gắn bó với con người, vì nó đều là phương tiện là cái cớ để thể hiện tình cảm con người. Yêu thương - hờn giận và mọi trạng thái khác không phải lúc nào cũng thể hiện khi sóng yên biển lặng, mà chính trong lúc sóng gió dữ dội những tình cảm đẹp ấy càng thêm đẹp. Thiên nhiên trong hát Đúm Thủy Nguyên không phải chỉ có mùa xuân ấm áp, mà còn có cả mùa hạ bức nồng, không phải chỉ có trời đẹp, trăng cao mà còn có cả gió mưa bão tố.

Nhưng bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, tình cảm con người cũng thủy chung son sắt trong vẻ đẹp của thiên nhiên. Đọc nội dung hát Đúm Thủy Nguyên

càng thấy con người lao động thật thông minh, giàu trí tưởng tượng và rất yêu thiên nhiên, vũ trụ của mình. Bầu trời bao la xanh vời vợi, với con người ngày xưa thì đó là cả một thế giới bí mật vô cùng. Nhưng với lòng yêu thiên nhiên, những nghệ sĩ dân gian đã hình dung bầu trời rất cụ thể, rất gần gũi và gắn bó với con người:

“Trên trời có sao thất tinh

Có sao cân nước trung bình phương nam Trên trời sấm chớp đã vang

Có giăng, có cuội, có bàn cờ tiên Trên giời có cửa phật tiền Có ông cầm quyền giũ mục nắng mưa

Làm cho thiên hạ được mùa Vạn vật thảo mộc bốn mùa kỳ sinh”

[18, tr.38]

Đất càng gần gũi hơn đáng yêu hơn, đất là cội nguồn của mọi sự nảy nở sinh sôi, cội nguồn của sự sống:

“Đất sinh vạn vật cỏ cây Đình chùa Phật tự nay là đất gần

Đất có đài các phương dân Quan sởn địa lý cửu nhân hợp hòa

Đất sinh ra ngói lợp nhà…”

[18, tr.38]

Đất trời không bao giờ độc lập với con người mà gắn bó và ủng hộ con người, tạo nên vẻ đẹp rất thực mà rất thơ cho cuộc sống con người.

Ngay cả những hiện tượng tự nhiên bất lợi cho con người cũng được các tác giả dân gian miêu tả bằng những mỹ cảm riêng biệt của người lao động, vì người ta không nghĩ đến thời tiết mà chỉ nghĩ đến tình yêu hạnh phúc. Hoặc có nghĩ đến cũng chỉ là để lo cho hạnh phúc, tình yêu trọn vẹn hơn. Chính vì vậy mà cái bức nồng ở đây đã đến với con người cùng với sự âu yếm, thiết tha của tình yêu thương đằm thắm:

“Tháng ba bức nực chàng ơi Em đi xuống chợ mua đôi quạt ngà

Đem về mà để trong nhà Phòng khi có bức đôi ta sẽ dùng”

[18, tr.39]

Mưa là một hiện tượng tự nhiên dễ gợi buồn cho nhiều thi sĩ ngày xưa, nỗi buồn đêm mưa vốn là một nỗi buồn lê thê dai dẳng. Với tâm hồn thơ trong sáng, người lao động nhìn mưa vẫn đẹp, vẫn gần gũi:

“Mưa từ trong Quảng mưa ra Mưa khắp Hà Nội, mưa ra Hải Phòng

Hạt mưa trong thật là trong Mưa khắp Hải Phòng, mưa cả mọi nơi”

[18, tr.40]

Mỗi hạt mưa, mỗi tháng mưa đều gắn bó với cuộc sống thiết thực của con người, gắn với tình yêu xứ sở, với hạnh phúc gia đình. Mưa mát mẻ trong lành mang đến no ấm yên vui cho người lao động:

“Thanh minh sang tiết tháng ba Hễ đi chơi hội mưa đà dù che Tư, năm, tháng sáu mưa hè…”

[18, tr.40]

Yêu mến và gần gũi thiên nhiên hơn cả vẫn là người lao động. Nói đúng hơn là người trực tiếp vật lộn với thiên nhiên để sinh tồn. Trước mắt họ bao giờ cũng là một thiên nhiên rộng lớn. Từ đó, họ thấy được và tự hào về vị trí của mình trong trời đất. Cái nhìn của họ, tình yêu của họ bao giờ cũng bắt đầu từ một vũ trụ bao la.

Hát Đúm Thủy Nguyên - Hải Phòng, đặc biệt là hát họa và hát chèo đã tận dụng vẻ đẹp của thiên nhiên tạo nên một chất thơ độc đáo. Nghe tiếng hát, người nghe được thưởng thức những bài thơ trữ tình đầy chất họa. Hát Đúm ở Thủy Nguyên - Hải Phòng là tiếng hát trái tim của người lao động. Đối với

người lao động, thiên nhiên vốn gắn bó mật thiết trong đời sống sản xuất cũng như trong tình cảm, tâm hồn. Những người lao động miền biển cũng vậy, khí hậu miền biển, địa dư miền biển và nghề làm ăn trên sông nước khiến những sản vật của thiên nhiên như cá, chim, những hiện tượng tự nhiên như gió, mưa, sấm, chớp đều có mặt sinh động trong hát Đúm. Ở thời đại khoa học chưa phát triển, nền kinh tế còn bị phong kiến kìm hãm, thì những điều kiện tự nhiên ấy là cơm áo, là hạnh phúc của con người.

Chính vì vậy, trong hát Đúm ở Thủy Nguyên - Hải Phòng, những hiện tượng tự nhiên đã được in sâu khắc đậm trong tình cảm con người, được con người thổi cho sức sống tâm hồn và nâng lên thành vẻ đẹp, thành chất thơ trong sáng. Và cũng chính trong điều kiện sống ấy mà tình cảm, tình yêu của con người ở đây lúc nào cũng trong sáng, tha thiết và mãnh liệt. Đó là những tâm hồn khỏe đẹp, dào dạt chất thơ và những tiếng hát đậm đà tâm hồn dân tộc.

Một phần của tài liệu Làn điệu hát đúm ở xã phục lễ thủy nguyên hải phòng (Trang 46 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(81 trang)