5 Nguyễn Văn
4.4.2. Tính chất than sinh học
4.4.2.1. pH của than sinh học
Kết quả đo pH của mùn gỗ là 6, pH của TSH sản xuất từ mùn gỗ đốt gián tiếp cho pH là 8,61 và pH của mẫu TSH đốt trực tiếp là 8,46. Kết quả này cho thấy TSH có tính kiềm nhẹ, ngoài ra theo nghiên cứu trước đó của tác giả Mai Thị Lan Anh cho thấy pH của TSH còn phụ thuộc vào điều kiện nhiệt
phân. Với tính chất này TSH khi đưa vào đất có thể giảm được tính chua của đất, góp phần giảm thiểu suy thoái đất.
Do tính chất kiềm của TSH mà có thể đưa ra khuyến cáo rằng không nên sử dụng TSH với lượng quá lớn để bổ sung cho đất trong thời gian ngắn, điều này có thể dẫn đến thay đổi tính chất của đất một cách đột ngột, thay đổi điều kiện sống phù hợp của các loài sinh vật có lợi sống trong đất mà không có thời gian để chúng thích nghi.
Hiện nay chưa có nghiên cứu về lượng bón tối đa, an toàn TSH cho đất. Trong thực tế có thể tùy vào loại cây trồng và loại đất canh tác có thể điều chỉnh lượng TSH bổ sung cho đất và lượng bón hiện nay các nhà khoa học đang khuyến cáo là từ 10 - 30g/1kg đất (Theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Hồng Sơn, Vũ Thắng)
4.4.2.2. Khả năng giữ ẩm của than sinh học
Bảng 4.10. Độ ẩm của TSH và mùn gỗ
Thành phần Độ ẩm (%)
TSH đốt gián tiếp 15,05
TSH đốt trực tiếp 14,94
Mùn gỗ 2,41
Theo kết quả phân tích thì TSH đốt gián tiếp là có độ ẩm cao nhất đạt 15,05%, sau đó là đến TSH đốt trực tiếp độ ẩm đạt 14,94%. Mùn gỗ có độ ẩm thấp nhất chỉ đạt 2,94%. Nguyên nhân là do TSH khi đốt gián tiếp có độ xốp tự nhiên cao nên khả năng giữ ẩm cao.
Tiến hành thí nghiệm kiểm chứng độ ẩm của TSH đốt gián tiếp đối với đất trồng tại khu thí nghiệm đồng ruộng thuộc bộ môn nông hóa thu được kết quả sau:
Hình 4.10: Biểu đồ thí nghiệm khả năng giữ ẩm của TSH trong đất
Trộn TSH vào các công thức thí nghiệm trong các ô thí nghiệm với diện tích 1.2 m2 với khối lượng lần lượt là 0g, 10g, 20g, 30g TSH, tương ứng
với 4 công thức CT0, CT1, CT2, CT3. Bổ sung độ ẩm cho các công thức đến khi đạt độ ẩm bão hòa (độ ẩm đạt 100%), sau 40 ngày đo lại độ ẩm và so sánh với độ ẩm ban đầu. Kết quả hình 4.10 cho thấy khả năng giữ ẩm cho đất của TSH tăng dần khi điều chỉnh lượng TSH bón cho đất. CT3 là công thức có lượng TSH lớn nhất (30g TSH) và khả năng giữ ẩm là tốt nhất, sau 40 ngày độ ẩm của đất là 4,21%. CT0 (CT đối chứng ) không bón TSH thì sau 40 ngày độ ẩm giảm chỉ còn 2,72%. Như vậy TSH có khả năng giữ ẩm cho đất, điều này được lý giải là do TSH có độ xốp rất cao, diện tích bề mặt lớn và cấu trúc lỗ rỗng phức tạp (1g có thể có một diện tích bề mặt hơn 1.000m2) nên có khả năng hấp thụ nước, tạo thành các “hồ”, các “bể” nước dưới mặt đất để giữ lại lượng nước và dinh dưỡng rất lớn cho đất. Vì vậy bón TSH cho đất có thể làm cho độ ẩm của đất tăng lên đáng kể và ổn định, đây là tính chất rất cần thiết đối với những loại đất có độ tơi xốp cao, khả năng giữ nước kém.
Ứng dụng của khả năng giữ nước còn được đánh giá rất cao trong việc giảm thiểu các nguy cơ xảy ra xói mòn do mưa lớn trên các vùng đất có nguy cơ xảy ra xói mòn cao. Với khả năng giữ nước tốt sẽ giảm một lượng lớn phần nước chảy tràn bề mặt do nước đã được tích trữ vào các hạt than.