Nghệ thuật xây dựng nhân vật “người đàn bà” thể hiện qua việc miêu tả ngoại hình

Một phần của tài liệu Hình tượng người đàn bà trong những người khốn khổ của v huygô (Trang 35 - 42)

“NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ”

2.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật “người đàn bà” thể hiện qua việc miêu tả ngoại hình

tả ngoại hình

Ngoại hình là yếu tố bên ngoài tác động một cách trực tiếp và đầu tiên tới đối phương trong cuộc giao tiếp. Thấy được vai trò đó, người nghệ sĩ khi sáng tác những tác phẩm văn học luôn chú trọng tới việc khắc họa ngoại hình của nhân vật. Việc nhà văn mô tả ngoại hình sẽ giúp nhân vật hiện lên vừa cụ thể, vừa sinh động, có thể mang những dấu ấn riêng của cá nhân hoặc có những đặc điểm chung của một lớp người trong xã hội.

Ngoại hình có thể hiểu là diện mạo, vẻ bề ngoài của nhân vật. Khi xây dựng nhân vật, các nhà văn đều chú ý xây dựng ngoại hình cho nhân vật để góp phần thể hiện tính cách, cá tính. Ngoại hình như tấm gương phản chiếu tâm hồn, tính cách, cuộc sống hiện tại của nhân vật. Trong văn học, ngoại hình của nhân vật được khắc họa qua lời miêu tả trực tiếp của tác giả hoặc qua lời miêu tả của nhân vật khác. Trong tiểu thuyết “Những người khốn khổ” phần lớn ngoại hình của các nhân vật “người đàn bà” được khắc họa qua lời miêu tả trực tiếp của tác giả. Những nhân vật “người đàn bà” chính được khắc họa đậm nét về ngoại hình nhưng không phải vì thế mà những nhân vật

Khóa luận tốt nghiệp

“người đàn bà” phụ khác bị lu mờ. Rất nhiều nhân vật nữ phụ, mặc dù chỉ được miêu tả sơ sài, chấm phá nhưng bức chân dung về ngoại hình của họ vẫn hiện lên khá rõ nét. Trong số hơn 150 nhân vật Huygô tập trung miêu tả một cách tỉ mỉ, chi tiết 4 nhân vật chính: Phăngtin, mụ Tênacđiê, Êpônin, Côdet. Ngoài ra có khoảng gần 20 nhân vật khác cũng được Huygô phác họa qua. Bằng nghệ thuật xây dựng nhân vật tài tình Huygô đã làm hiện lên một thế giới nhân vật đa dạng với nhiều ngoại hình, nhiều dáng vẻ khác nhau. Dù được miêu tả chi tiết hay chỉ được phác họa qua nhưng Huygô luôn miêu tả ngoại hình sao cho phù hợp với tính cánh của nhân vật. Vì thế ngay từ ngoại hình, người đọc đã có thể hình dung ra phần nào tính cánh của nhân vật. Điều đó được thể hiện rõ nhất ở những nhân vật chính diện.

Huygô tả mụ Tênacđiê “mụ là một con đàn bà tóc hung, to béo, vóc người thô lỗ…lúc nào mụ cũng ra dáng ẻo lả… Trông mụ tưởng là một người đàn ông làm duyên õng ẹo” [Quyển 1, trang 229]. Với ngoại hình như vậy hẳn ngay từ đầu đã không thể gây thiện cảm trong lòng người đọc. Ngay cả Huygô cũng không ngần ngại đưa ra những lời bàn luận về ngoại hình ấy: “giả sử mụ đứng thẳng dậy thì có lẽ vóc người cao lớn, cái thân hình hộ pháp đáng làm diễn viên cho rạp xiếc lưu động ấy đã làm cho khách phải giật mình, ngần ngại mà không dám bày tỏ ý định” [Quyển 1, trang 229]. “Lúc còn xuân xanh, cả khi đứng tuổi, khi người thiếu phụ đú đởn đã trở thành một người đàn bà tai nghiệt, một con nặc nô rồi, thì mụ chỉ còn là một con mụ béo xị, nanh ác với một mớ những tiểu thuyết lảm nhảm trong đầu” [Quyển 1, trang 235]. Chưa giới thiệu, chưa có lời nào nói về tính cách nhân vật thì ngoại hình của nhân vật đã lên tiếng. Chỉ cần vài nét phác họa qua về ngoại hình ta có thể phần nào dự cảm được sự thô lỗ, độc ác ở người đàn bà này. Cứ thế qua mỗi trang sách Huygô lại bổ sung thêm vào bức chân dung ấy một nét vẽ mới, một nét tính cách mới. Sau nhiều năm, đến khi gặp lại mụ ngoại hình ấy vẫn không có gì

Khóa luận tốt nghiệp

thay đổi. Vẫn là con người xấu xí thô lỗ như ngày nào: “mụ cũng chỉ mặc một cái áo trong và một cái váy bằng vải vá chằng vá đụp những mụn dạ cũ. Mụ đeo một cái tạp dề vải thô che lưng chừng váy. Tuy mụ cúi gập người xuống và co ro lại nhưng cũng thấy mụ rất cao lớn” [Quyển 2, trang 378].

Nếu bức chân dung về ngoại hình của mụ Tênacđiê càng xấu xa, kinh tởm bao nhiêu thì bức chân dung về ngoại hình của Phăngtin càng đẹp, càng lộng lẫy bấy nhiêu. Với Phăngtin, Huygô giành tới 12 trang sách chỉ để miêu tả ngoại hình của nàng. Đây cũng là nhân vật nữ duy nhất trong tác phẩm được Huygô miêu tả ngoại hình một cách tỉ mỉ, chi tiết đến vậy. Vẻ đẹp ngoại hình của nàng gần như hoàn hảo “Hàm răng tuyệt mĩ… Mớ tóc dày vàng óng rất dễ sổ… cái mớ tóc thường xuyên như muốn bồng bồng, tung bay ấy hình như đặt trên đầu nàng tiên Galatê…Đôi môi hồng thỏ thẻ như giọng oanh…Khóe miệng xếch lên, dáng say sưa…hàng mi dài đen thẫm lại rủ bóng e ấp thùy mị… Cách ăn mặc của nàng có cái gì bừng bừng và thánh thót. Nàng mặc cái áo dài len màu hoa cà, chân đi đôi giày đế cao màu nâu đậm có ánh vàng, mấy dây buộc đan thành những chữ X trên mặt bít tất trắng” [Quyển 1, trang 195,196]. Mọi chi tiết về ngoại hình của nàng đều được Huygô miêu tả, không hề bỏ sót. Sau khi miêu tả ngoại hình, Huygô bao giờ cũng thêm vào đó những lời bình luận. Không dưới ba lần, Huygô phải thán phục về vẻ đẹp của nàng: “Phăngtin rất đẹp. Nàng cố giữ cho mình trong trắng mãi” [Quyển 1, trang 190]. “Nhìn Phăngtin đằng trước thì lộng lẫy, nhìn một bên thì thanh tao”, “nhìn chung mọi vẻ đẹp đều như tạc và vô cùng ý nhị” [Quyển 1, trang 196]. Khi xây dựng hầu hết các nhân vật, Huygô đều sử dụng bút pháp thuần túy lãng mạn. Những nhân vật này được lí tưởng hóa cao độ theo ý muốn chủ quan của nhà văn. Bút pháp lãng mạn ấy chi phối đến cả nghệ thuật xây dựng ngoại hình nhân vật. Với Huygô, nhân vật đẹp phải là những con người đẹp từ ngoại hình đến tính cách, nhân vật xấu thì từ ngoại

Khóa luận tốt nghiệp

hình đến tính cách đều xấu. Bao giờ Huygô cũng giành nhiều những lời ngợi ca, thán phục về vẻ đẹp ngoại hình của những nhân vật có phẩm chất tốt đẹp. Lời văn miêu tả vẻ đẹp ngoại hình của Phăngtin rất mượt mà, đầy tính chất ngợi ca, còn những lời văn miêu tả vẻ đẹp của mụ Tênacđiê thì cộc lốc, suồng sã, mang đầy tính chất chê bai, châm biếm. Ngoại hình nhân vật phù hợp với tính cách của nhân vật. Điều đó không chỉ thể hiện ở những nhân vật “người đàn bà” chính mà còn thể hiện ở rất nhiều nhân vật “người đàn bà” phụ khác. Con gái của lão Gilơnormăng là “một mụ đàn bà trinh chánh tiết hạnh cổ lỗ với cái mũi dài nhọn hoắt, và một bộ óc tối tăm, thô thiển bậc nhất…Cái yếm ngực của cô không bao giờ đủ dày, không bao giờ đủ cao” [Quyển 2, trang 183]. Huygô không che lấp những khuyết điểm của nhân vật mình mà thẳng thắn lên tiếng, bày tỏ thái độ quyết liệt với nhân vật của mình, đôi khi ông lại thêm vào một vài câu châm biếm: “Cắt rất nhiều lính canh cho một pháo đài không bị đe dọa, âu cũng là thói quen của những cô gái già tiết hạnh”. Cả khi miêu tả hai người hầu gái của bà Huysơlu, Huygô miêu tả sự xấu xí, thô thiển của nhân vật mà không hề ngần ngại. Matơlốt thì “to tròn, tóc hung, mồm xoen xoét, một người đàn bà xấu xí, xấu hơn bất cứ con quái vật huyền thoại nào”. Còn Gibơlốt thì “dài thượt, mảnh khảnh,trắng nhợt như người bị bệnh máu trắng, mắt có quầng, mí sụp xuống”.

Ngoại hình không chỉ nói lên tính cách của nhân vật mà còn nói lên nhiều điều về tầng lớp, nguồn gốc đặc biệt là cuộc sống hiện tại của nhân vật. Ngoại hình nhân vật như thế nào sẽ toát lên cuộc sống hiện tại của nhân vật như thế ấy. Bà Anbecti là người đàn bà điên trong nhà tu Pơti Picpuyt. Ngoại hình của bà khiến người ta tưởng bà như một bóng ma: “Bà lướt nhẹ hơn là bước chân đi. Bà không bao giờ nói một lời”. Nhưng nhìn kĩ hơn người đàn bà ấy “chưa đầy ba mươi tuổi, da hơi nâu, khá đẹp, hai mắt đen to, nhìn lúc nào cũng mơ màng” [Quyển 2, trang 28]. Vài nét phác họa đó cũng đủ để

Khóa luận tốt nghiệp

người đọc hình dung về một người đàn bà trẻ, mang nhiều nét mơ màng của những người phụ nữ quý tộc. Ngoại hình của bà ẩn chứa những tò mò, bí ẩn về cuộc đời bà.

Cô Baptistin “người cao lép, nước da xanh tái, nét mặt hiền hậu, dáng người mảnh dẻ của thời con gái nay đã nhuốm vẻ thanh cao trong sáng của bậc thiên thần”. Vẻ đẹp ấy không phải bởi vì cô là người có nhan sắc mà “một đời tận tụy làm việc thiện đã làm cho cô có một vẻ gì trong trắng, lúc về già thêm cái vẻ đẹp nhân hậu”. Cuộc sống bình lặng, âm thầm đã phản chiếu lên cả dáng hình của cô.

Khi cuộc sống của nhân vật thay đổi thì ngoại hình của nhân vật cũng đổi thay theo đó. Về phương diện này, đặc biệt phải nói đến Phăngtin, Êpônin, Côdet. Như ở trên đã nói Phăngtin đẹp là vậy nhưng khi cuộc sống của nàng thay đổi, vẻ đẹp trước kia không còn nữa. Vẻ đẹp ấy mất đi dần dần theo thời gian và sự nghèo khổ. Lần thứ nhất Phăngtin đẹp lộng lẫy. Lần thứ hai: “Chị mặc như một người thợ sắp trở về làm nông dân… Bàn tay rám nắng của chị lấm tấm những vệt đỏ, ngón trỏ đầy những vết kim châm sần sùi. Chị mặc một cái áo choàng nâu bằng len xấu, một chiếc áo dài vải thô và đi đôi giày lớn” [Quyển 1,trang 226]. Huygô dùng nhiều từ ngữ có tính chất hồ nghi: “có lẽ”, “chắc là”, “hình như”, “chừng như” thể hiện sự hoài nghi của chính Huygô. Mặc dù, cả Huygô cũng “thật khó nhìn ra” ngoại hình của người đàn bà ấy lại là Phăng tin nhưng với ông “nom cho kĩ nàng vẫn đẹp”. Khi mới xuất hiện, để miêu tả ngoại hình của Phăng tin, Huygô đã sử dụng nhiều câu văn ngắn, dùng nhiều từ ngữ so sánh, ví von, ngòi bút lãng mạn bay bổng làm cho nàng đẹp một cách lí tưởng, hoàn hảo. Nhưng đến lần thứ ba gặp lại Phăngtin, vẻ đẹp ấy không còn lại chút nào. Những câu văn trở nên dài hơn, chất hiện thực xâm chiếm. Người ta chỉ còn thấy một “người đàn bà trông như con ma dại trát phấn đi đi lại lại trên tuyết, tiếng chửi rủa khàn khàn

Khóa luận tốt nghiệp

vì rượu văng ra từ một cái mồn đen ngòm thiếu hai cái răng”, “đầu trần, không răng, không tóc, mặt tái nhợt”. Sự khốn khổ đè nặng lên ngoại hình của nhân vật. Đến đây, Huygô cũng không thể nào khỏa lấp đi những nét xấu xí, ghê tởm của Phăngtin. Bởi thế khi Phăngtin mới xuất hiện, Huygô đã dùng tới 4 trang sách chỉ để miêu tả vẻ đẹp của nàng, nhưng đến đây, ông chỉ dùng vài dòng để miêu tả ngoại hình của nàng. Điều đó vừa thể hiện niềm ưu ái lẫn sự xót thương của Huygô khi vẻ đẹp ngoại hình của người phụ nữ bị biến sắc bởi sự khốn khổ.

Êpônin cũng vậy. Khi còn là một đứa trẻ, Êpônin cũng đẹp và xinh xắn. Nhưng khi lâm vào hoàn cảnh khốn khó, cả tính cách lẫn ngoại hình của cô đều trở nên khác hẳn. Hầu như tất cả các nhân vật “người đàn bà” trong tác phẩm đều được miêu tả ngoại hình một cách trực tiếp qua điểm nhìn của tác giả. Vì thế cùng với miêu tả ngoại hình của nhân vật bao giờ cũng kèm theo những đánh giá, nhận xét chủ quan của tác giả. Nhưng riêng Êpônin, vẻ ngoài của cô (khi đã thành thiếu nữ) được miêu tả chủ yếu qua điểm nhìn của Mariuyt. Không giống với các nhân vật khác: sự đánh giá ngoại hình của nhân vật rất rõ ràng, nhưng với Êpônin, khó mà xác định được cô đẹp hay xấu bởi hai lần cô xuất hiện là hai dáng vẻ khác nhau. Lần đầu tiên Mariuyt nhìn thấy cô “xanh xao, gầy gò, hốc hác, chỉ phong phanh một cái áo trong và một cái váy…Thắt lưng bằng dây, búi tóc cũng bằng dây, hai vai gầy giơ cả xương ra ngoài. Nước da nhợt nhạt, xương vai xám xịt, bàn tay thì đỏ bầm, miệng mất mấy cái răng, con mắt đục, táo tợn, nhìn ngược” [Quyển 2, trang 363]. Huygô không miêu tả nhiều về ngoại hình của nhân vật này nhưng thỉnh thoảng ông lại điểm xuyết thêm vài chi tiết vào bức chân dung đáng thương của người con gái này: “váy thủng nhiều chỗ, để lộ cả ống chân khẳng khiu và đầu gối gầy giơ cả xương”, “cô đi lại lăng xăng, thân thể lõa lồ cũng mặc, thỉnh thoảng cái áo tụt xuống tận bụng”. Ngoại hình ấy cho thấy một người con gái

Khóa luận tốt nghiệp

có phần táo tợn và liều lĩnh. “Nhưng cái dáng táo bạo của cô như vẫn ngượng ngùng, bâng khuâng, e thẹn. Ta nhân thấy cả Mariuyt, cả Huygô đều không lăng mạ người phụ nữ này, trái lại họ nhìn cô bằng con mắt đầy cảm thông, thương xót: “cái yêu kiều của tuổi trẻ còn đang chống chọi với một cái già cỗi ghê tởm đến quá sớm trong cảnh đời trụy lạc, nghèo khổ. Một chút nhan sắc đang tàn tạ trên gương mặt mười sáu tuổi” [Quyển 2, trang 364]. Một lần khác cô nghèo đi nhưng lại đẹp thêm. “Cô vẫn đi chân không và ăn bận rách rưới… quần áo rách nát của cô hai tháng nay đã cũ thêm, các lỗ thủng rách toạc ra to thêm, các mảnh vải cũng xấu xí đi… mấy cọng rơm lẫn trên mái tóc của cô bé… với tất cả những hình dung như thế cô bé vẫn đẹp”. Trong con mắt của Mariuyt lúc này Êpônin thật đáng thương và đáng yêu. Ngoại hình của cô làm người ta thương tâm, ái ngại hơn là ghét bỏ, chê bai. Không giống với Êpônin, Côdet là nhân vật được miêu tả ở nhiều điểm nhìn: qua mắt một người đi đường, bà giúp việc, Mariuyt, Giăng Vangiăng và qua chính mắt Côdet khi nàng soi mình trong gương. Nhưng dù vậy nàng vẫn chỉ hiện lên là một vẻ đẹp rực rỡ, chói sáng. Dù phải trải qua một tuổi thơ cay đắng, nhọc nhằn nhưng lớn lên nàng vãn là một thiếu nữ xinh đẹp: “mái tóc nàng hung nâu đẹp vô cùng với những đường vân vàng óng ả, trán nàng trắng như cẩm thạch, mà mơn mởn như cánh hồng, thắm nhạt và trắng mượt mà, miệng xinh nở nụ cười trong sáng, giọng nói êm như tiếng đàn, cái mũi không đẹp nhưng mà xinh, mắt nàng xanh thăm thẳm như da trời” [Quyển 2, trang 319]. Mariuyt đã hai lần phải thốt lên; “nàng xinh quá”, “quả thật nàng rất đẹp”. Ông Giăng Vangiăng cũng không thể phủ nhận: “nó đẹp thật”. Cả người qua đường và bà vú già cũng không thể dửng dưng trước vẻ đẹp của nàng. Chính Côdet khi ngắm mình trong gương cũng phải thú nhận: “nàng đẹp và xinh”. Huygô đã dùng rất nhiều phép so sánh để miêu tả ngoại hình của Côdet. Mỗi

Khóa luận tốt nghiệp

một nét vẽ, ông đều so sánh nàng với những gì đẹp nhất, thanh tân, trong sáng nhất.

Nhiều nhân vật khác cũng được Huygô phác họa vài nét về ngoại hình. Mẹ nhất - tiểu thư Đơbơlơmơ trạc sáu mươi tuổi, người thấp béo. Tiểu thư Busa “tươi trẻ có gương mặt hồng hồng, xinh xinh”. Bà xơ Pecpêtuy là người “đẫy đà, da mặt lúc nào cũng đỏ gay”. Bà xơ Xempơlit lại trắng như bạch lạp. Bà Magơloa thấp bé, da trắng béo tròn. Bà Huysơlu có râu, xấu xí, hình thù dị hợm, bà khá giống người trong thơ, sốm chiều đi lại trước bài thơ tứ tuyệt một cách ung dung. Mặc dù không nói lên nhiều về tính cách, cuộc sống của nhân vật nhưng những nét phác họa ấy làm cho nhân vật của Huygô trở nên cụ thể, sống động hơn.

Với việc miêu tả ngoại hình Huygô đã làm cho nhân vật của ông không còn trừu tượng mà như những con người có thật trong đời sống.

Một phần của tài liệu Hình tượng người đàn bà trong những người khốn khổ của v huygô (Trang 35 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(74 trang)