6. Bố cục của luận văn
3.2.2.1. Hoàn cảnh lịch sử mới và yêu cầu phát triển giáo dục
Bước vào thiên niên kỷ thứ III, tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến. Công cuộc đổi mới đất nước đã được thực hiện 15 năm (1986 - 2000), đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Đối với Quỳnh Lưu, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đề có chuyển biến mạnh, nhưng thực tế triển khai công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến năm 2000 cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác tổ chức quản lý kinh tế, xây dựng các mô hình kinh tế, đến sự phát triển kinh tế với an ninh quốc phòng...
Trong bức tranh chung đó, giáo dục đào tạo Quỳnh Lưu từ cấp Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, dạy nghề đều đạt được nhiều thành tựu, song khó khăn, thử thách không phải là ít. Giai đoạn 2001 - 2005 là giai đoạn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và thay sách giáo khoa Trung học cơ sở. Thực hiện kết luận của Hội nghị ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ 6 (khóa IX) và kết luận số 12/KL-TƯ của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc tiếp tục thực hiện Nghị Quyết Trung ương II (khóa VIII) về giáo dục đào tạo và phương hướng, nhiệm vụ phát triển giáo dục - đào tạo đến năm 2010, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm sâu sắc hơn, cụ thể hơn đến giáo dục. Huyện ủy, Uỷ ban nhân dân đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, chỉ thị chỉ đạo phát triển giáo dục - đào tạo giai đoạn 2001 - 2005 và những năm tiếp theo, và đặc biệt là chương trình phổ thông và sách giáo khoa mới, xây dựng trường chuẩn quốc gia và công tác phổ cập giáo dục. Ngành giáo dục và đào tạo huyện quyết tâm giữ vững phong trào, tạo sự chuyển biến có tính đột phá về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên cơ sở đầu tư nâng chất lượng đội ngũ, tăng cường kỷ cương nề nếp dạy và học, phối hợp các cấp các ngành làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.[21; 300-302]
Trong xu thế phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, nhu cầu học tập của nhân dân tăng, yêu cầu cao về chất lượng giáo dục đào tạo, trong khi trình độ giáo viên chuẩn và trên chuẩn còn thấp chưa đồng bộ, một bộ phận giáo viên yếu, kém về năng lực chuyên môn, cán bộ quản lí chưa năng động, cơ sở vật chất còn nghèo, trang thiết bị dạy học còn hạn chế. Việc phân công phân cấp quản lí, một số chính sách chế độ thay đổi chưa kịp tình hình thực tiễn phát triển giáo dục.
Căn cứ chỉ thị số 25/2004/Bộ giáo dục và đào tạo ngày 2/8/2004 của Bộ giáo dục và đào tạo, căn cứ hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục Trung học cơ sở
giai đoạn 2001 - 2005 của Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Nghệ An, từ thực tiễn giáo dục của huyện Quỳnh Lưu trong giai đoạn trước và yêu cầu nhiệm vụ của ngành trong giai đoạn 2001 - 2005 và những năm tiếp theo, ngành giáo dục đào tạo huyện Quỳnh Lưu đặt ra một số nhiệm vụ và chỉ tiêu cụ thể sau:
- Tiếp tục thực hiện đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục. Giữ vững kỷ cương, nề nếp dạy học, triển khai tốt chương trình sách giáo khoa mới Trung học cơ sở, chỉ đạo có hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo và khả năng tự học của học sinh. Xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục. Tăng cường công tác bồi dưỡng nghiệm vụ cho giáo viên, tổ chức tốt các hội thảo và đúc rút sáng kiến kinh nghiệm.
- Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất nhà trường. Đầu tư trang thiết bị dạy học theo yêu cầu của chương trình sách giáo khoa mới và theo hướng đạt tiêu chuẩn quốc gia. Xây dựng môi trường Xanh - Sạch - Đẹp. Đẩy mạnh việc phổ cập giáo dục Trung học cơ sở. phấn đấu trong giai đoạn này huyện hoàn thành phổ cập giáo dục Trung học cơ sở.
- Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và xây dựng xã hội học tập. Tiếp tục phát triển quy mô và chất lượng để đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Thu hút hết học sinh đã tốt nghiệp tiểu học vào trường Trung học cơ sở. Thực hiện phương châm lấy việc dạy chữ, dạy nghề để dạy người. Tiếp tục xây dựng và đưa các trung tâm hoạt động cộng đồng vào hoạt động có hiệu quả.
- Tăng cường các hoạt động giáo dục chính trị đạo đức, pháp luật, dân số, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống các tệ nạn xã hội, tham gia các hoạt động văn hóa và hoạt động từ thiện. Phát huy vai trò Đoàn - Đội trong việc tự quản, xây dựng nếp sống văn hóa ở trường và địa phương. Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm. Tăng cường công tác giáo dục
thể chất, hoạt động ngoài giờ lên lớp, Hội Khỏe Phù Đổng, tạo điều kiện cho học sinh phát triển toàn diện.
- Đẩy mạnh việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo và khả năng tự học của học sinh. Tổ chức tốt dạy học theo chương trình sách giáo khoa mới. Giữ vững kỷ cương nề nếp dạy học, thực hiện đúng quy chế chuyên môn, dạy đúng và đủ theo phân phối chương trình, sách giáo khoa. Thực hiện nghiêm chỉnh nội dung giáo dục toàn diện, phù hợp đối tượng. Tiếp tục củng cố trường chất lượng cao, lớp chất lượng cao góp phần bồi dưỡng nhân tài. Tích cực xây dựng các trường đạt tiêu chuẩn quốc gia. Phát hiện bồi dưỡng học sinh giỏi đi đôi với việc phụ đạo học sinh yếu, kém. Tiếp tục đổi mới phương pháp bồi dưỡng học sinh giỏi theo hướng lồng ghép để phát triển năng lực sáng tạo, toàn diện cho học sinh. Nâng cao năng lực dạy học cho giáo viên nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt và những năm tiếp theo bằng hình thức chuyên đề, khảo sát thiết thực. Đưa môn học tự chọn tin học vào dạy ở các trường có điều kiện.
- Lấy việc thực hiện đổi mới Phương pháp dạy học để tạo bước đổi mới Phương pháp dạy học trong toàn cấp học. Điều chỉnh linh hoạt kế hoạch thực hiện chương trình để có thể hoàn thành chương trình trước ngày thi tốt nghiệp Trung học cơ sở. Đối với các trường chưa có phụ tá thí nghiệm, trước mắt trường cử 2 đến 3 giáo viên môn đào tạo Lý, Hóa, Sinh có năng lực và trách nhiệm để phụ trách công tác bảo quản và hướng dẫn sử dụng thiết bị. Tạm tính cho trừ giờ cho giáo viên theo các mức sau: Trường có trên 28 lớp trừ 10 tiết, trường có từ 18 đến 27 lớp trừ 8 tiết, trường dưới 18 lớp trừ 6 tiết.
- Quản lí bằng kế hoạch khoa học, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn,… đều phải làm kế hoạch một cách khoa học và tổ chức thực hiện kế hoạch đạt hiệu quả cao. Việc đánh giá thành tích của tập thể và cá nhân dựa trên đánh giá việc xây
dựng và thực hiện kế hoạch. Quản lí đảm bảo phát huy sức mạnh của tập thể, xây dựng mối đoàn kết thực sự trong nhà trường; phối hợp hoạt động của Chi bộ Đảng, Ban giám hiệu, Công đoàn cơ sở, Ban thanh tra nhân dân… để đẩy mạnh hoạt động chuyên môn; tạo ra sự phối hợp hiệu quả giữa các tổ chức trong và ngoài nhà trường nhằm đảm bảo cho việc chăm lo phát triển giáo dục. Có đầy đủ các loại sổ sách chính xác về nội dung, ngày tháng, số liệu, hệ thống và khoa học. Đặc biệt chú trọng trọn bộ hồ sơ phổ cập giáo dục Trung học cơ sở. Các loại lịch công khai và ổn định nhằm tạo cho mọi người trong nhà trường chấp hành lịch một cách nghiêm túc. Hiệu trưởng, hiệu phó có kế hoạch học tập, nghiên cứu chương trình sách giáo khoa mới, đăng kí dự thi theo một môn trong kiểm tra khảo sát phần lí thuyết theo chuyên đề thay sách. Hiệu trưởng quản lí chặt chẽ mọi nội dung giảng dạy của giáo viên, nghiêm túc thực hiện chương trình và nội dung sách giáo khoa. Kiểm tra việc soạn bài, chấm bài, cho điểm, xếp loại học sinh. Nghiêm khắc xử lí các trường hợp vi phạm quy chế chuyên môn. Thực hiện tốt công tác kiểm tra thường xuyên của tổ chuyên môn, của lãnh đạo trường và của phòng giáo dục để kịp thời chỉ đạo tốt việc thực hiện ở cơ sở,…
- Xây dựng các phòng học đảm bảo đúng quy chuẩn của Bộ giáo dục, đảm bảo các khu vực sân chơi bãi tập, khu vực vệ sinh cho học sinh và giáo viên. Đảm bảo khuôn viên trường học khang trang sạch đẹp, diện tích tối thiểu 10m2/học sinh. Xây dựng thư viện có số lượng và chủng loại sách tham khảo phong phú, phòng thiết bị - thí nghiệm đảm bảo phục vụ dạy học; từng bước mua sắm trang thiết bị dạy học thay thế sách cho toàn cấp học; Xây dựng các loại phòng chức năng khác. Mỗi trường đảm bảo tối thiểu có 2 phòng thực hành Hóa - Sinh và Lý (tương đương diện tích 2 phòng học) trang bị đầy đủ giá, tủ, bàn ghế để bảo quản thiết bị và hướng dẫn sử dụng,.. Từng bước xây dựng các điều kiện trường học Trung học cơ sở đạt tiêu chuẩn Quốc
gia. Phấn đấu xây dựng đến năm 2005, toàn huyện có 4 trường đạt chuẩn Quốc gia. Đó là: Trung học cơ sở Quỳnh Bá, Quỳnh Mỹ, Hồ Xuân Hương, Hồ Tùng Mậu,…
Bên cạnh đề ra chủ trương nhằm nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông nói chung trên địa bàn huyện, Trung học cơ sở nói riêng nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu khóa XXI, nhiệm kỳ 2001 - 2005, phương hướng nhiệm vụ năm học của phòng giáo dục đào tạo huyện Quỳnh Lưu, phương hướng nhiệm vụ năm học của tất cả các trường Trung học cơ sở đóng trên địa bàn huyện tập trung vào việc đề ra các biện pháp, giải pháp cụ thể, nhằm phát huy những thành tựu đạt được trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đồ dùng phục vụ dạy học, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, chất lượng đội ngũ giáo viên đứng lớp, kiểm soát tình hình dạy thêm, học thêm,…