Sơ lược quá trình xây dựng và phát triển những quy định của pháp luật về

Một phần của tài liệu Pháp luật về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam - thực trạng và giải pháp (Trang 30 - 36)

luật về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam

Ở Việt Nam, hệ thống pháp luật thuế TNDN có quy định về ưu đãi thuế TNDN gồm: quy định mức thuế suất, quy định về các trường hợp được miễn, giảm thuế cho các ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn khuyến khích đầu tư theo chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, pháp luật về ưu đãi thuế TNDN ở Việt Nam hiện có phạm vi khá rộng và phức tạp với nhiều trường hợp được hưởng ưu đãi thuế, với những thời hạn và mức độ ưu đãi khác nhau.

Trước năm 1990 có một loại thuế đánh vào thu nhập của các cở sở sản xuất, kinh doanh gọi là thuế lợi tức. Loại thuế này chỉ áp dụng cho kinh tế ngoài quốc doanh, các DN quốc doanh thì áp dụng chế độ trích nộp lợi nhuận. Kể từ sau năm 1990, Nhà nước ta thực hiện cải cách căn bản hệ thống chính sách thuế và Luật thuế lợi tức mới được ban hành để áp dụng thống nhất đối với tất cả các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế có thu nhập thu được từ hoạt động kinh doanh trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, trong đó quy định về ưu đãi thuế TNDN. Trải qua quá trình áp dụng trong thực tiễn, Luật thuế lợi tức đã thu được nhiều kết quả hơn so với chế độ thu cũ. Song bên cạnh đó, do tình hình kinh tế - xã hội luôn có những bước phát triển mới, Luật thuế lợi tức đã ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế và gây ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến tiến trình phát triển của nền kinh tế nước ta. Đặc biệt, trong Luật thuế lợi tức, thuế suất áp dụng còn khác biệt quá lớn giữa DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài, gây ra sự bất bình đẳng lớn trong kinh doanh, trong cạnh tranh, không khuyến khích các nhà đầu tư trong nước tăng tích lũy để tái đầu tư, tạo tâm lí cho các DN trong nước luôn tìm cách để tránh thuế. Việc dành quá nhiều sự ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài không những không gây hứng thú cho họ mà làm cho họ hoài nghi về môi trường đầu tư ở Việt Nam. Nhiều quy định về miễn giảm thuế lợi tức trong Luật thuế lợi tức không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong giai đoạn mới [18, tr. 202].

Để khắc phục những nhược điểm cơ bản của Luật thuế lợi tức, để đảm bảo sự phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội của nước ta trong giai đoạn mới, ngày

Đinh Hải Yến – CH12 30

10/05/1997 Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua Luật Thuế TNDN thay thế cho Luật thuế lợi tức kể từ ngày 01/01/1999. Việc ban hành Luật Thuế TNDN thay cho Luật thuế lợi tức đã khuyến khích và thu hút đầu tư trong và ngoài nước thông qua chế độ ưu đãi về thuế suất, miễn giảm thuế; hệ thống hóa tất cả những quy định ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như: Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, Luật thuế lợi tức, Bộ luật lao động… và các văn bản cụ thể hoá và hướng dẫn các Luật trên nhằm khắc phục tình trạng tản mạn, chồng chéo; đồng thời đảm bảo được sự rõ ràng, thống nhất trong việc thực hiện các chế độ ưu đãi thuế. Sau 4 năm thực hiện Luật Thuế TNDN, kết quả thu được là khả quan, góp phần khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, khuyến khích đầu tư và thay đổi cơ cấu kinh tế thông qua ưu đãi thuế suất và miễn giảm thuế cho các dự án đầu tư. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Luật Thuế TNDN cũng đã bộc lộ một số hạn chế, đặc biệt trong chính sách ưu đãi thuế. Các quy định ưu đãi, miễn giảm thuế giữa Luật Thuế TNDN, Luật đầu tư nước ngoài, Luật khuyến khích đầu tư trong nước… chưa thống nhất với nhau về các điều kiện được hưởng ưu đãi; mức và thời gian ưu đãi, miễn giảm thuế… điều đó đã gây ra khó khăn cho việc áp dụng, không đảm bảo tính công bằng, bình đẳng về quyền lợi được hưởng giữa các loại hình DN. Còn có quy định khác biệt giữa DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài, chưa bảo đảm sự bình đẳng về nghĩa vụ thuế và cạnh tranh trong cơ chế thị trường, không phù hợp luật pháp các nước trong khu vực và thông lệ quốc tế. Chẳng hạn, các quy định về mức thuế suất hoặc quy định về thuế TNDN bổ sung đối với DN trong nước có thu nhập cao do lợi thế khách quan đem lại hoặc quy định về thuế chuyển thu nhập ra nước ngoài đối với các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam khi chuyển lợi nhuận về nước họ.

Để đảm bảo tính thống nhất của các quy định về ưu đãi, miễn, giảm thuế TNDN trong các văn bản pháp luật khác nhau, để thuận tiện cho việc áp dụng, bảo đảm tính công bằng, bình đẳng về quyền lợi được hưởng giữa các loại hình DN, trên cơ sở rà soát tập hợp các quy định về ưu đãi miễn, giảm thuế TNDN đã ban

Đinh Hải Yến – CH12 31

hành trong các văn bản quy phạm pháp luật khác vào trong Luật thuế TNDN, ngày 17/06/2003 Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã thông qua Luật Thuế TNDN năm 2003 sửa đổi để thay thế cho Luật thuế TNDN năm 1997. Luật Thuế TNDN sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2004, trong đó có quy định về các điều kiện ưu đãi, miễn giảm thuế TNDN tại Điều 17, 18, 19, 20, 21.

Luật Thuế TNDN năm 2003 có quy định về nội dung ưu đãi thuế TNDN bao gồm: quy định về mức thuế suất ưu đãi, quy định về các trường hợp được miễn, giảm thuế cho các ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn khuyến khích đầu tư theo chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, do chế độ ưu đãi thuế TNDN ở Việt Nam có phạm vi áp dụng khá rộng và phức tạp với nhiều trường hợp được hưởng ưu đãi thuế với những thời hạn và mức độ khác nhau. Chương IV Luật Thuế TNDN năm 2003 về miễn, giảm thuế TNDN quy định có 3 mức thuế suất ưu đãi là 10%, 15% và 20% cùng với nhiều mức thời gian miễn, giảm thuế (tối đa 4 năm miễn và 9 năm giảm 50%). Để được hưởng các ưu đãi này, Luật quy định nhiều tiêu chí khác nhau, vừa căn cứ vào ngành nghề, lĩnh vực ưu đãi, vừa căn cứ vào địa bàn đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. Thực tế, qua thời gian thực hiện, những quy định về ưu đãi thuế của Luật Thuế TNDN năm 2003 bộc lộ những hạn chế, bất cập dẫn đến tình trạng ưu đãi dàn trải và phức tạp, do dó chưa thực sự phát huy hết vai trò khuyến khích đầu tư của nó. Ví dụ như mục tiêu thu hút đầu tư vào các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn chưa đạt được.

Có thể thấy sự dàn trải trong chính sách ưu đãi thuế TNDN theo Luật Thuế TNDN năm 2003 qua sự thống kê sau đây: theo tiêu chí ngành nghề, lĩnh vực thì có tới 90% số lượng ngành kinh tế cấp II và 33% ngành kinh tế cấp III được hưởng ưu đãi thuế. Theo tiêu chí địa bàn thì có tới 32% địa phương thuộc diện ưu đãi và 24% số địa phương thuộc diện đặc biệt ưu đãi. Bên cạnh đó, còn có 154 KCN, Khu chế xuất, 10 Khu kinh tế, 23 Khu kinh tế cửa khẩu do Trung ương thành lập (bình quân mỗi tỉnh có 3 khu) và hàng trăm KCN nhỏ và vừa, cụm công nghiệp do địa phương thành lập (chưa kể các điểm công nghiệp) cũng thuộc diện ưu đãi. Theo số liệu

Đinh Hải Yến – CH12 32

thống kê năm 2007, tổng số DN được hưởng ưu đãi chiếm tới 70% tổng số DN đang kê khai, nộp thuế TNDN. Quả thực chính sách ưu đãi này không hề có sự tập trung vào một số đối tượng được ưu đãi nhất định mà đa số các ngành nghề đều được ưu đãi, đa số các địa bàn đều được ưu đãi cho nên không tập trung hướng các nhà đầu tư vào các ngành nghề và địa phương thực sự cần thu hút đầu tư. Ưu đãi thuế TNDN phải có mục tiêu rõ ràng, minh bạch, đảm bảo cho nhà đầu tư có thể dự đoán được chi phí và lợi ích mang lại. Nên điều tiết thuế TNDN theo hướng không cần ưu đãi nhiều, chỉ tập trung cho một số ngành mũi nhọn, vùng đặc biệt khó khăn để giảm bớt chi phí cho nhà đầu tư, coi trọng tính hiệu quả của chính sách thuế.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện cho thấy có nhiều dự án đầu tư theo nhiều hạng mục, ngành nghề, địa bàn khác nhau nên việc xác định điều kiện ưu đãi, mức ưu đãi, số thuế TNDN rất phức tạp, DN khó xác định đúng mức ưu đãi thuế TNDN được hưởng. Qua tổng kết đánh giá, có không ít DN được hưởng ưu đãi theo nhiều hướng khác nhau như: ưu đãi do mới thành lập, ưu đãi theo đầu tư mở rộng, ưu đãi do đáp ứng tỷ lệ xuất khẩu, ưu đãi do mới thành lập, ưu đãi theo đầu tư mở rộng, ưu đãi do đáp ứng tỷ lệ xuất khẩu, ưu đãi do sử dụng lao động nữ, ưu đãi sử dụng lao động là người tàn tật, ưu đãi do thực hiện các hợp đồng dịch vụ kỹ thuật phục vụ nông nghiệp… Ví dụ như, tại tỉnh Đồng Nai, có DN trong năm 2006 được hưởng ưu đãi về thuế TNDN theo 4 trường hợp (ưu đãi mới thành lập, ưu đãi theo đầu tư mở rộng, ưu đãi do đáp ứng tỷ lệ xuất khẩu, ưu đãi do sử dụng lao động nữ) dẫn đến DN gặp nhiều lúng túng trong việc tự xác định ưu đãi miễn, giảm.

Như đã phân tích ở phần trên, thuế TNDN thường được các nước sử dụng làm công cụ để thu hút đầu tư. Qua tham khảo các nước trong khu vực (như Trung Quốc, Malaysia, Philippines…) cho thấy xu hướng gần đây của các nước trong chính sách ưu đãi thuế TNDN là chuyển từ ưu đãi theo ngành sang ưu đãi theo diện rộng, khuyến khích tổng thể nền kinh tế bằng chính sách điều tiết thuế TNDN hợp lý mà không cần ưu đãi nhiều (chỉ tập trung cho một số rất ít ngành mũi nhọn và vùng đặc biệt khó khăn để giảm bớt chi phí cho nhà đầu tư). Thực tiễn nước ta trong giai đoạn này cũng như kinh nghiệm của các nước cho thấy: mặc dù chính sách ưu

Đinh Hải Yến – CH12 33

đãi thuế của Việt Nam có mức ưu đãi hấp dẫn hơn so với nhiều nước nhưng nếu như không sửa đổi để thu hút đầu tư có lựa chọn thì hiệu quả thu hút đầu tư trong nước cũng như nước ngoài để khuyến khích phát triển nền kinh tế sẽ rất khó có thể đạt được theo định hướng của Nhà nước. Để tạo điều kiện thuận lợi cho DN được hưởng ưu đãi đầu tư và thực hiện cơ chế tự tính, tự khai, tự nộp cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi các quy định về ưu đãi thuế TNDN đảm bảo tránh phức tạp và dàn trải theo hướng: có cơ chế ưu đãi minh bạch, thiết thực, phù hợp với xu thế chung về cải cách thuế của các nước trên thế giới; chuyển từ ưu đãi theo diện hẹp (miễn, giảm thuế) sang cơ chế hạ mức thuế suất phổ thông xuống thấp hơn mức 28% để khuyến khích cả nền kinh tế, đồng thời sắp xếp lại ưu đãi (miễn, giảm thuế) tập trung vào một số lĩnh vực mũi nhọn và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp luật thuế TNDN, cải thiện môi trường đầu tư theo hướng mở rộng hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài và tạo cơ sở vững chắc cho việc bổ sung nguồn NSNN trong giai đoạn hiện nay, ngày 03/06/2008, Quốc hội ban hành Luật Thuế TNDN mới, Luật này có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2009 thay thế Luật Thuế TNDN năm 2003. Luật Thuế TNDN số 14/2008/QH12 quy định về các chế độ ưu đãi, miễn giảm thuế TNDN tại Chương III gồm 5 Điều (từ Điều 13 đến Điều 18). Chính phủ đã ban hành Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế TNDN; Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN và Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ; và mới đây nhất là Thông tư số 18/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 28/02/2011 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12 và hướng dẫn thi hành Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế TNDN, trong đó quy định rất cụ thể về các chế độ ưu đãi thuế TNDN.

Đinh Hải Yến – CH12 34

Mặt khác, triển khai thực hiện chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn đối với DN và thực hiện những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội năm 2009 và năm 2010 (Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ ngày 11/12/2008), Chính phủ và Bộ Tài chính ban hành các Quyết định và Thông tư, gồm: Quyết định số 16/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số giải pháp về thuế nhằm thực hiện chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng, ngăn chặn suy giảm kinh tế, tháo gỡ khó khăn đối với DN; Thông tư số 12/2009/TT-BTC ngày 22/01/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện gia hạn nộp thuế TNDN năm 2009 đối với DN kinh doanh một số ngành nghề; Thông tư số 03/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 13/01/2009 hướng dẫn thực hiện giảm, gia hạn nộp thuế TNDN theo Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và Thông tư số 85/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 28/04/2009 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 58/2009/QĐ-TTg ngày 16/04/2009 của Thủ tướng Chính phủ bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm thực hiện chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng, ngăn chặn suy giảm kinh tế, tháo gỡ khó khăn đối với DN.

Năm 2011, triển khai Nghị quyết số 83/NQ-CP của Chính phủ ngày 05/6/2011, Bộ Tài chính vừa trình Thủ tướng Chính phủ các phương án miễn, giảm thuế TNDN đối với một số đối tượng để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XIII trong tháng 7 năm 2011. Đây là những giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011 - 2012.

Đinh Hải Yến – CH12 35

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ ƯU ĐÃI THUẾ THU NHẬP

Một phần của tài liệu Pháp luật về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam - thực trạng và giải pháp (Trang 30 - 36)