Luật Đầu tư năm 2005 quy định hai hình thức đầu tư là đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp. Đầu tư trực tiếp là hình thức đầu tư do nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư và tham gia quản lý hoạt động đầu tư (khoản 2 Điều 3). Theo quy định tại Điều 21, đầu tư trực tiếp bao gồm các hình thức sau:
- Thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn của nhà đầu tư trong nước hoặc 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài.
- Thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
- Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC, hợp đồng BOT, hợp đồng BTO, hợp đồng BT.
- Đầu tư phát triển kinh doanh.
- Mua cổ phần hoặc góp vốn để tham gia quản lý hoạt động đầu tư. - Đầu tư thực hiện việc sáp nhập và mua lại DN.
Đầu tư gián tiếp là hình thức đầu tư thông qua việc mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu, các giấy tờ có giá khác, quỹ đầu tư chứng khoán và thông qua các định chế tài chính trung gian khác mà nhà đầu tư không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư (khoản 3 Điều 3). Theo quy định tại Điều 25, nhà đầu tư thực hiện đầu tư gián tiếp tại Việt Nam theo các hình thức: Mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu và các giấy tờ có giá khác; thông qua quỹ đầu tư chứng khoán; thông qua các định chế tài chính trung gian khác.
Trước đây, vấn đề đầu tư vốn của Nhà nước nói chung và đầu tư vốn vào DN được quy định rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau và cũng chưa có quy định nào chỉ rõ các hình thức đầu tư vốn của Nhà nước là trực tiếp hay gián tiếp. Tuy nhiên, căn cứ vào các quy định hiện hành có thể thấy Nhà nước đầu tư vốn vào DN bằng cả hai hình thức đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Cụ thể là:
• Điều 3 Nghị định số 99/2012/NĐ-CP quy định DNNN là DN mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, bao gồm DN mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty TNHH một thành viên; DN mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là CTCP, công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Như vậy, đây chính việc đầu tư vốn Nhà nước thành lập lập tổ chức kinh tế và góp vốn tham gia quản lý đầu tư - hình thức đầu tư trực tiếp. DN mà Nhà nước nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ là CTCP, công ty TNHH 2 thành viên trở lên, trong đó vốn góp của Nhà nước không quá 50% vốn điều lệ. Vốn góp được hiểu là vốn được Nhà nước đầu tư vào DN. Đây cũng là hình thức đầu tư trực tiếp.
• Điều 3 Nghị định số 151/2005 quy định SCIC đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước dưới các hình thức:
“Đầu tư vốn vào những ngành, lĩnh vực quan trọng mà Nhà nước cần chi phối để thành lập DN mới; Đầu tư góp vốn liên doanh, liên kết, góp vốn cổ phần với các DN khác; Đầu tư mua một phần tài sản hoặc toàn bộ DN
khác; Đầu tư trên thị trường vốn, thị trường chứng khoán thông qua việc mua
bán cổ phiếu, trái phiếu và các công cụ tài chính khác”.
Như vậy, hình thức đầu tư vốn Nhà nước của SCIC bao gồm cả hình thức đầu tư trực tiếp và gián tiếp.
• Mới đây nhất, Điều 5 Nghị định số 71/2013/NĐ-CP đã quy định cụ thể 5 hình thức đầu tư vốn của Nhà nước vào các DN là:
- Đầu tư vốn của Nhà nước để thực hiện các dự án, công trình quan trọng của Nhà nước tại các DN;
- Đầu tư vốn thành lập mới DN;
- Đầu tư, bổ sung vốn điều lệ cho các DN để mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng lực kinh doanh; đổi mới công nghệ, giảm ô nhiễm môi trường, phục vụ an ninh quốc phòng;
- Đầu tư vốn Nhà nước để duy trì quyền chi phối hoặc tỷ lệ vốn góp của Nhà nước tại CTCP, công ty TNHH nhiều thành viên;
- Mua lại phần vốn hoặc toàn bộ DN thuộc các thành phần kinh tế khác để thực hiện điều chỉnh cơ cấu kinh tế.
Có thể thấy các hình t hức đầu tư theo quy định tại Nghị định này đều là hình thức đầu tư trực tiếp.
Từ các quy định dẫn trên, có thể nhận xét rằng pháp luật Việt Nam hiện hành vẫn chưa có quy định trực tiếp về hình thức đầu tư vốn của Nhà nước vào DN là hình thức đầu tư trực tiếp hay gián tiếp. Hơn nữa, các quy định về hình thức đầu tư vốn Nhà nước vào DN hiện nay cũng được quy định ở nhiều văn bản khác nhau, gây khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật. Đây là điều cần được lưu ý khi hoàn thiện pháp luật về đầu tư vốn Nhà nước vào DN.