Thực trạng áp dụng pháp luật về đại diện theo pháp luật của công

Một phần của tài liệu Người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần theo pháp luật ở Việt Nam (Trang 51)

công ty cổ phần

Các quy định pháp luật được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, cần phải được thực hiện trong đời sống xã hội. Chỉ có thế, pháp luật mới phát huy được vai trò điều chỉnh các quan hệ xã hội theo ý chí của Nhà nước. Thông qua quá trình thực hiện và áp dụng pháp luật, các nhà làm luật, các nhà nghiên cứu luật thực định sẽ thấy được các ưu điểm và nhược điểm, từ đó có những khuyến nghị để hoàn thiện pháp luật. Khi xem xét chế định người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần, cần phải xem xét thực trạng áp dụng pháp luật hiện nay.

2.2.1. Thực trạng áp dụng quy định về xác lập, thay đổi người đại diện theo pháp luật.

Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp có thể thay đổi chức danh và người đại diện theo pháp luật của công ty. Khi có quyết định của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông về việc bổ nhiệm hoặc bầu người thay thế. Về nguyên tắc, khi doanh nghiệp có sự thay đổi về người đại diện theo pháp luật, thì doanh nghiệp đó phải làm thủ tục thông báo thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh. Thủ tục thông báo hay đăng ký thay đổi Người đại diện theo pháp luật đến cơ quan đăng ký kinh doanh là một hình thức khẳng định tính hợp pháp việc thay đổi này của doanh nghiệp, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Tuy nhiên, nếu công ty chưa thực hiện xong thủ tục này, thì ai là người đại diện theo pháp luật của công ty để thực hiện các giao dịch với khách hàng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 27 Nghị định 102/2010/NĐ-CP: “Nếu Điều lệ công ty không quy định khác, nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị có hiệu lực thi hành kể từ ngày được thông qua hoặc từ ngày có hiệu lực được ghi rõ trong nghị quyết, quyết định đó…”.

Quy định này nhằm giải quyết một thực tế là quyết định trong công ty không được các bên có liên quan thực hiện nghiêm túc, góp phần làm kéo dài, khó khăn trong giải quyết tranh chấp trong nội bộ công ty. Mặt khác, giúp cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm cơ sở pháp lý để nhận định thống nhất hiệu lực của các quyết định trong công ty; giúp cho các bên có liên quan hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện quyết định của công ty; qua đó góp phần giảm tranh chấp kéo dài trong công ty.

Tuy nhiên, khi áp dụng quy định trên trong thực tế có hai trường hợp xảy ra, mà rất cần phải được nghiên cứu một cách xác đáng.

Thứ nhất, Nếu nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị không quy định ngày có hiệu lực:

Căn cứ Điều 27 Nghị định 102/2010/NĐ-CP quy định “Nếu Điều lệ công ty không quy định khác, nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị có hiệu lực thi hành kể từ ngày được thông qua ...”.

Các chủ sở hữu của công ty có toàn quyết định về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty, chứ không phải đợi đến khi được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp thay đổi người đại diện theo pháp luật mới cho công ty. Thời điểm chấm dứt tư cách của người đại diện theo pháp luật cũ và xác lập tư cách của người mới là khi quyết định của công ty có hiệu lực. Chứ không phải đợi đến lúc có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã thay đổi của công ty.

Theo ý kiến của tác giả, những vấn đề trên xuất phát từ quy định ghi danh người đại diện theo pháp luật trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty và từ sự hiểu biết khác nhau về vấn đề này. Về nguyên tắc, việc định đoạt các vấn đề trong nội bộ của doanh nghiệp, phải do doanh nghiệp quyết định. Vì thế, việc thay đổi người đại diện theo pháp luật là quyền tự quyết của doanh nghiệp, doanh nghiệp chỉ có nghĩa vụ thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh mà thôi. Việc ghi nhận thay đổi vào trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chỉ là ghi nhận thay đổi, không phải là thời điểm thay đổi.

Thứ hai, các nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị có xác định ngày có hiệu lực:

Thực tế các nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị quy định theo mẫu của cơ quan đăng ký kinh doanh như sau: “Thời điểm thay đổi đăng ký kinh doanh: Kể từ thời điểm Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội chấp thuận”. Đặc biệt là trong mẫu thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật ban hành theo quy định Thông tư

số 01/2013/TT-BKHĐT ngày 21/01/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì mục I: Người đại diện theo pháp luật hiện tại; Mục II: Người đại diện theo pháp luật dự kiến. Nếu theo mẫu này, người đại diện theo pháp luật mới (được quyết định, nghị quyết của công ty quy định) chỉ là dự kiến, và người đại diện theo pháp luật tại thời điểm đăng ký thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vẫn là người đại diện theo pháp luật cũ. Người đại diện theo pháp luật mới phải được cơ quan đăng ký kinh doanh chấp thuận, thể hiện qua kết quả giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới. Vậy thì, từ lúc có quyết định, đến khi được cơ quan đăng ký kinh doanh thay đổi, thì người đại diện theo pháp luật của công ty vẫn là người đại diện theo pháp luật cũ (người đã bị bãi nhiệm, miễn nhiệm…).

Theo tác giả, các quy định hiện nay chưa giải quyết được vấn đề nêu trên. Nếu quyết định của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông đã có hiệu lực, thì người đại diện theo pháp luật phải được đại diện cho công ty trong các giao dịch và đồng thời người đại diện theo pháp luật công ty đã bị miễn nhiệm hoặc cách chức phải chấm dứt việc đại diện. Không thể có một khoảng thời gian từ khi quyết định thay đổi người đại diện có hiệu lực đến khi công ty được thay đổi đăng ký kinh doanh, công ty không có người đại diện theo pháp luật.

2.2.2. Thực trạng áp dụng quy định về thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật

Theo Điều 120 Luật doanh nghiệp quy định về các “Hợp đồng, giao dịch phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận”. Theo đó, khi tham gia giao dịch đối với các bên liên quan, thì người đại diện theo pháp luật phải thông qua Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông chấp thuận.

Tuy nhiên, hiện nay có hai quan điểm khi áp dụng quy định này đó sự chấp thuận của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông là sự hạn chế

phạm vi thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật hoặc quy định này là các thủ tục mà người đại diện phải thực hiện trước khi giao kết các hợp đồng, giao dịch thuộc các trường hợp của Điều 120. Có thể luận giải hai quan điểm trên như sau:

Quan điểm thứ nhất: Quy định của Điều 120 Luật doanh nghiệp là sự giới hạn thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật. Bởi, những hợp đồng, giao dịch thuộc các trường hợp Điều 120 nêu ra nhằm:

Thứ nhất, ngăn ngừa các giao dịch tư lợi, nhằm mục đích cá nhân mà không vì lợi ích của công ty. Các giao dịch giữa công ty (do người đại diện theo pháp luật thực hiện) với cổ đông, người đại diện uỷ quyền của cổ đông sở hữu trên 35% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và những người có liên quan của họ hoặc Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có thể dẫn đến những bất lợi cho công ty nếu các giao dịch đó không vì lợi ích của công ty.

Thứ hai, quy định trên nhằm giải quyết sự mâu thuẫn giữa người quản lý và chủ sở hữu của công ty. Bản chất của vấn đề này là sự tham gia giám sát của chủ sở hữu công ty hoặc đại diện chủ sở hữu đối với các giao dịch mà người đại diện theo pháp luật tham gia xác lập thuộc các trường hợp mà Điều 120 nêu. Chủ sở hữu công ty hơn hết có quyền giám sát, quyết định đối với tài sản của mình trước những hoạt động của người đại diện theo pháp luật theo quy định của điều lệ hoặc pháp luật.

Thứ ba, quy định tại Điều 120 sẽ gắn trách nhiệm liên đới của chủ sở hữu công ty với người đại diện theo pháp luật trong các giao dịch. Việc chấp thuận của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông (các chủ sở hữu) cũng đồng thời gắn trách nhiệm của họ đối với người đại diện theo pháp luật trong các giai dịch. Trong trường hợp được sự chấp thuận, thì công ty hoặc các chủ

sở hữu công ty không có lý do gì để chối bỏ trách nhiệm của mình đối với hợp đồng, giao dịch mà người đại diện đã xác lập.

Quan điểm thứ hai: Quy định tại Điều 120 chỉ là thủ tục mà người đại diện theo pháp luật phải tiến hành khi xác lập các hợp đồng, giao dịch thuộc các trường hợp điều luật quy định. Bởi:

Thứ nhất, về nguyên tắc, người đại diện theo pháp luật công ty có thẩm quyền xác lập mọi giao dịch nhân danh công ty với bên thứ ba. Do vậy, việc chấp thuận của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông chỉ là thủ tục mà pháp luật hoặc điều lệ của công ty bắt buộc thực hiện trước khi người đại diện xác lập giao dịch.

Thứ hai, trong các trường hợp, thì người có thẩm quyền ký kết các giao dịch vẫn là người đại diện theo pháp luật. Người đại diện theo pháp luật của công ty là người chịu trách nhiệm đại diện nhân danh công ty tham gia xác lập các giao dịch, vì thế họ là người duy nhất có quyền xác lập, ký kết các giao dịch dù cho các chủ sở hữu công ty đã chấp thuận.

Theo tác giả, quy định của điều 120 Luật doanh nghiệp hoặc các quy định khác của điều lệ công ty nhằm mục đích giới hạn thẩm quyền mà người đại diện theo pháp luật tham gia xác lập. Các chủ sở hữu công ty tham gia giám sát, quyết định những giao dịch của công ty với những bên mà có thể dẫn đến nguy cơ làm tổn hại đến các tài sản thuộc sở hữu của mình, do người đại diện thực hiện giao dịch vì mục đích vụ lợi cá nhân mà không vì lợi ích của công ty. Và đây cũng là quyền mà luật trao cho các chủ sở hữu trong quá trình hoạt động của người mà họ cử ra để đại diện công ty tham gia xác lập các giao dịch đối với người thứ ba.

2.2.3. Thực trạng áp dụng quy định về đại diện công ty tham gia góp vốn vào doanh nghiệp khác vốn vào doanh nghiệp khác

Trong công ty cổ phần mà cổ đông là các pháp nhân tham gia thành lập Nếu cổ đông không đồng ý với quyết định của Hội đồng quản trị thì đứng đơn khởi kiện là pháp nhân của cổ đông đó hay thông qua người đại diện của pháp

nhân đó tại công ty cổ phần? Nếu người đại diện này đứng đơn khởi kiện nhưng không thông qua pháp nhân của mình thì có được chấp nhận không?

Có quan điểm cho rằng, người được pháp nhân (là cổ đông công ty) cử làm đại diện tham gia hoạt động với tư cách là cổ đông. Vì thế, khi không đồng ý với quyết định của Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông, người này hoàn toàn có quyền tự mình khởi kiện ra Tòa án yêu cầu hủy các quyết định trên để bảo vệ quyền lợi của cổ đông.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 91 Bộ luật dân sự năm 2005 và các khoản 2, 7 Điều 57 Bộ luật tố tụng dân sự thì pháp nhân hoạt động thông qua người đại diện của pháp nhân. Trong trường hợp này, trước khi khởi kiện tại Tòa án, thì người đại diện cho công ty cổ phần phải được người đại diện theo pháp luật của pháp nhân ủy quyền, thì đơn khởi kiện mới hợp pháp.

Phải xem xét vấn đề này trên cơ sở, nếu người đại diện cho cổ đông (là pháp nhân) có quyết định cử làm đại diện, trong đó xác định rõ các quyền và trách nhiệm của người đại diện, bao gồm cả thực hiện các quyền của một cổ đông. Thì người đại diện hoàn toàn có quyền đứng đơn khởi kiện, với tư cách đại diện hợp pháp của công ty tại tòa án có thẩm quyền.

2.2.4. Thực trạng áp dụng quy định về ủy quyền của người đại diện theo pháp luật

Trong quá trình hoạt động của công ty, người đại diện theo pháp luật có thể tự mình tham gia các giao dịch với các đối tác, hoặc có thể ủy quyền cho người khác thực hiện trong phạm vi của văn bản ủy quyền. Khi đó, người được ủy quyền, nhân danh công ty thực hiện các công việc trong phạm vi của văn bản ủy quyền.

Bên được ủy quyền chỉ thực hiện các công việc giới hạn trong phạm vi ủy quyền, việc thực hiện các công việc ngoài phạm vi ủy quyền phải được sự chấp thuận của bên ủy quyền. Như vậy, các công việc mà người được ủy

quyền thực hiện vượt quá phạm vi ủy quyền thì hậu quả từ hành vi đó sẽ do chính người được ủy quyền chịu trách nhiệm trừ trường hợp người ủy quyền biết về hành vi vượt quá phạm vi ủy quyền mà không phản đối.

Ngoài ra, luật cũng quy định rõ bên được ủy quyền có thể ủy quyền lại cho bên thứ ba thực hiện công việc ủy quyền khi được bên ủy quyền đồng ý hoặc pháp luật có quy định nhưng nội dung ủy quyền không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu và hình thức của hợp đồng ủy quyền lại cũng phải phù hợp với hình thức của hợp đồng ủy quyền ban đầu [43, Điều 583].

Tình huống thứ tƣ: Ngày 28-5-2007, công ty cổ phần bảo hiểm Viễn Đông (gọi tắt là VASS) và công ty Sơn Vũ ký hợp đồng bảo hiểm rủi ro xây dựng và lắp đặt cho công trình thủy điện Mường Hum, tỉnh Lào Cai. Hợp đồng này có giới hạn trách nhiệm gần 512 tỷ đồng và dự kiến kéo dài trong 30 tháng; với mức phí bảo hiểm gần 2,9 tỷ đồng. Như thỏa thuận, khoản phí nộp ba đợt (đợt 1, 40% phí nộp trong vòng 30 ngày sau khi ký hợp đồng; đợt 2, 35% phí trong 6 tháng sau khi ký hợp đồng; đợt 3,25% phí trong 12 tháng sau khi ký hợp đồng). Nhưng Sơn Vũ không thực hiện đóng hết số tiền bảo hiểm, VASS khởi kiện ra tòa án.

Trong quá trình giải quyết vụ án, Sơn Vũ phản tố, đề nghị Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu do người ký kết của VASS không có thẩm quyền. Cụ thể, đại diện theo pháp luật của VASS là chủ tịch hội đồng quản trị theo quy định tại điều lệ VASS. Tổng giám đốc VASS tại thời điểm ký kết hợp đồng đã ủy quyền cho phó tổng giám đốc ký kết. Nhưng chủ tịch hội đồng quản trị VASS không có văn bản nào ủy quyền cho tổng giám đốc thực hiện ký kết các hợp đồng; phó tổng giám đốc ký hợp đồng nhưng đóng dấu văn phòng đại diện.

Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán của Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn “hợp đồng kinh tế không bị coi là vô hiệu toàn bộ nếu người ký kết không đúng thẩm quyền nhưng trong quá trình thực hiện,

người có thẩm quyền ký kết chấp thuận hoặc người có thẩm quyền biết mà không phản đối”. Trường hợp này, người có thẩm quyền chủ tịch Hội đồng quản trị – đại diện theo pháp luật của công ty đã biết và chấp thuận nên không thể coi hợp đồng vô hiệu vì ký sai thẩm quyền.

Một phần của tài liệu Người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần theo pháp luật ở Việt Nam (Trang 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)