3. YÊU CẦU VỀ PHẨM CHẤT VÀ NĂNG LỰC CỦA NGƯỜI GIÁO VIÊN TRUNG
3.2. Về năng lực của người giáo viên trung học
Muốn làm tốt chức năng của nhà giáo dục, người giáo viên trung học phải học tập và tự rèn luyện để có được năng lực sư phạm cần thiết. năng lực sư phạm của người giáo viên là tổ hợp của một hệ thống kiến thức và kỹ năng khá đa dạng và phức tạp.
- Để dạy tốt, giáo viên phải nắm vững tri thức khoa học có liên quan đến các môn học mà mình phụ trách, đồng thời thường xuyên tự học, tự nghiên cứu, bắt kịp các yêu cầu đổi mới không ngừng trong nội dung và phương pháp dạy học.
+ Với tư cách là nhà giáo dục, giáo viên trung học cần nắm được các tư tưởng giáo dục tiến bộ, những thành tựu mới trong khoa học giáo dục và vận dụng có kết quả vào công tác tổ chức, thiết kế các quá trình sư phạm, biến thành năng lực sư phạm của bản thân.
+ Trong hoạt động sư phạm hằng ngày, người giáo viên phải có kiến thức và kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong mọi tình huống, không giới hạn trong mối quan hệ với học sinh mà cả với các bậc cha mẹ, các lực lượng xã hội tham gia vào quá trình giáo dục.
- Cùng với hoạt động thực tiễn sư phạm, mỗi giáo viên với tư cách là một chủ thể giáo dục phải không ngừng rèn luyện để có được những kỹ năng và kỹ xảo cần thiết cho nghề nghiệp;
+ Kỹ năng tổ chức thực hiện quá trình dạy học một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với mục tiêu, nội dung, tính chất của từng môn học, từng giờ học mà mình đảm nhiệm.
+ Trong công tác giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh, biết nghiên cứu, nắm bắt đặc điểm đối tượng, nắm vững trình độ phát triển nhân cách của học sinh (đặc biệt là với học sinh cá biệt), biết phân tích, đánh giá các hiện tượng sư phạm, tìm được nguyên nhân, cách biểu hiện của các hiện tượng để xác định đúng phương pháp, lựa chọn được biện pháp và hình thức giáo dục sát đúng với từng đối tượng cụ thể.
+ Có kỹ năng tự phân tích, đúc rút kinh nghiệm giáo dục của bản thân trong các môi trường giáo dục khác nhau, với các đối tượng khác nhau, biết dùng lý luận để phân tích kinh nghiệm và áp dụng kinh nghiệm một cách linh hoạt, sáng tạo.
Thông thường, các nhà lý luận xếp các kỹ năng sư phạm cần có ở người giáo viên thành:
- Các kỹ năng nền tảng (cơ sở) như: kỹ năng thiết kế, kỹ năng tổ chức, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nhận thức. Các kỹ năng này đảm bảo cho người giáo viên làm tốt các chức năng chung của nhà giáo dục.
- Các kỹ năng chuyên biệt: đảm bảo cho người giáo viên có cơ sở để rèn luyện, hình thành năng lực nghề nghiệp như: các kỹ năng dạy học, kỹ năng giáo dục, kỹ năng nghiên cứu khoa học giáo dục, kỹ năng hoạt động xã hội nhằm kết hợp các lực lượng giáo dục, kỹ năng tự nghiên cứu, tự hoàn thiện trình độ, năng lực sư phạm của bản thân.