Mục tiêu giáo dục trung học

Một phần của tài liệu Giáo trình giáo dục học 1 (Trang 33)

2. MỤC ĐÍCH GIÁO DỤC VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

2.4. Mục tiêu giáo dục trung học

Mục tiêu THPT được xây dựng trên cơ sở định hướng của giáo dục phổ thông “nhằm giúp học sinh củng cố và phát triển những kết quả của giáo dục trung học cơ sở, hoàn thiện học vấn phổ thông và có những hiểu biết thông thường về kỹ thuật và hướng nghiệp, có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học đại học, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động”. (Điều 27, Luật Giáo dục 2005).

Trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện mục tiêu trên trường phổ thông qua quá trình dạy học- giáo dục phải hình thành cho học sinh cơ sở nhân cách con người mới, sống, lao động phù hợp với yêu cầu xã hội Việt Nam phát triển theo hướng công nghiệp hoá- hiện đại hoá. Đó là những con người có lòng nhân ái, có hiểu biết và thái độ tôn trọng, chấp hành pháp luật; có trình độ học vấn phổ thông; có hiểu biết về kỹ thuật và nghề nghiệp; có năng lực lao động; thích nghi và phát triển trong điều kiện kinh tế thị trường; có sức khoẻ; biết cảm thụ, thưởng thức cái đẹp; được chuẩn bị và có khả năng học lên cũng như có tâm thế sẵn sàng đi vào đời sống xã hội, tham gia vào lao động sản xuất.

Thông qua quá trình giáo dục ở trường trung học với những hoạt động phong phú, đa dạng, tập trung vào các yêu cầu đảm bảo cho người học tốt nghiệp cấp học này có được các phẩm chất và năng lực sau:

- Có hiểu biết và thái độ đúng về những nội dung cơ bản của Hiến pháp và pháp luật, về quyền và nghĩa vụ công dân, về trách nhiệm tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế vì hoà bình và sự phát triển chung; có ý thức và hành vi thực hiện các chuẩn mực đạo đức, những quy định của Hiến pháp và pháp luật một cách nghiêm túc, trong lao động và trong quan hệ xã hội luôn luôn có ý thức và khả năng hợp tác, trung thực trong quan hệ kinh tế, biết làm giàu chính đáng cho bản thân, góp phần vào sự phát triển của xã hội.

- Có kiến thức cơ bản, tương đối hệ thống ở trình độ phổ thông về toán, tin học, tiếng Việt và các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, về lao động nghề nghiệp trong nền kinh tế thị trường; có ý thức tham gia vào các hoạt động như bảo vệ môi trường, dân số, hoà bình. Bước đầu có kỹ năng vận dụng các phương pháp đặc trưng của môn học vào luyện tập, thực hành, vào đời sống và sản xuất. Nắm vững các thao tác tự học, tự nghiên cứu, nắm được các thao tác tư duy khoa học; có niềm tin khoa học, biết sống hoà hợp với thiên nhiên và xã hội.

- Có hiểu biết về cái đẹp trong thiên nhiên, trong đời sống xã hội, trong văn học nghệ thuật...; hình thành nhu cầu thưởng thức cái đẹp, tham gia sáng tạo cái đẹp và có một số kỹ năng đưa cái đẹp vào lao động, vào cuộc sống một cách có ý thức, đấu tranh phê phán cái lạc hậu, cái xấu trong cuộc sống hằng ngày.

- Có kiến thức và kỹ năng trong việc rèn luyện thể lực, giữ gìn vệ sinh cơ thể, phấn đấu rèn luyện để phát triển thể lực đúng độ tuổi. Trong cuộc sống hàng ngày biết tổ chức, tham gia xây dựng lối sống lành mạnh, có trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng xã hội.

Một phần của tài liệu Giáo trình giáo dục học 1 (Trang 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(50 trang)