5.1.1 – Về nguồn lực tài chính của TCT HKVN:
Với tổng vốn của chủ sở hữu tính đến 31/12/1998 là 1.670.039 tỷ đồng (tương đương với 120 triệu USD), quy mô về vốn của TCT HKVN còn quá nhỏø bé, chỉ bằng một doanh nghiệp nhỏ ở các nước khác. TCT khó có thể chủ động trong kinh doanh vận tải hàng không và không thể thực hiện quản lý sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên bằng sức mạnh tài chính -đầu tư.
5.1.2 – Về cơ chế và các chính sách của Nhà nước liên quan đến hoạt động kinh doanh :
Để có thể đứng vững được trong cạnh tranh và có mức độ tăng trưởng như trong thời gian qua, một phần TCT HKVN đã có được sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước ( cho hãng hàng không quốc gia kinh doanh độc quyền ) thông qua các chính sách ưu đãi như :
− TCT HKVN là doanh nghiệp đại diện quốc gia được cấp thương quyền khai thác kinh doanh vận tải hàng không nội địa và quốc tế.
− Thông qua các chính sách : cấp chứng chỉ và thương quyền khai thác, thủ tục phê duyệt giá cước các đường bay quốc tế… Nhà nước đã hạn chế các hãng hàng không khác kinh doanh vận tải hàng không tự do trên lãnh thổ Việt Nam.
− Bảo lãnh để TCT HKVN vay vốn của các tổ chức tín dụng xuất khẩu cho đầu tư thuê mua máy bay.
− Bằng công văn số 211/CP-KTTH ngày 28/2/1998 Thủ tướng Chính phủ đả cho phép ghi thu, ghi chi tiền thuế doanh thu chưa nộp năm 1997, thuế doanh thu và thuế lợi tức từ năm 1998 đối với tiền thuê máy bay để cấp bổ sung vốn đầu tư cho TCT HKVN. Đồng thời, đối với nhiên liệu bay và đồ uống phục vụ trên các chuyến bay quốc tế, TCT HKVN được hưởng chế độ tạm nhập tái xuất, được hoàn thuế nhập khẩu và phụ thu (nếu có) kể từ ngày 01/3/1998 .
Ngược lại, những quy định cứng nhắc của Nghị định 59/CP và Quy chế tài chính mẫu của tổng công ty nhà nước đã làm hạn chế hoạt động kinh doanh của TCT HKVN, những nhược điểm của quy chế tài chính hiện nay biểu hiện cụ thể như sau :
• Để khắc phục tình trạng chủ sở hữu chung chung trước đây , Nhà nước bổ nhiệm Hội đồng quản trị thực hiện chức năng đại diện cho chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước, theo đề nghị của Hội đồng quản trị , bổ nhiệm Tổng giám đốc là đại diện pháp nhân của doanh nghiệp. Tổng giám đốc chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị , đồng thời trước Chính phủ - người ra quyết định bổ nhiệm- về điều hành hoạt động của doanh nghiệp. Điều này dẫn đến sự chồng chéo và không thống nhất trong quy trình ra quyết định của các cấp lãnh đạo TCT.
• Để thể hiện quyền của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp, Chính phủ đã :
− Quyết định mọi vấn đề liên quan đến việc thành lập, mục tiêu nhiệm vụ, chiến lược phát triển , điều lệ mẫu , cấp vốn đầu tư , bổ nhiệm cán bộ, kiểm tra giám sát việc bảo toàn vốn… của doanh nghiệp.
− Quy định cứng nhắc chế độ khấu hao, tỷ lệ phân chia lợi nhuận, phương án huy động vốn , góp vốn vào liên doanh với chủ sở hữu khác.
− Quy định các tiêu chuẩn , chế độ, định mức đơn giá tiền lương đối với sản phẩm làm cơ sở để TCT trả lương cho người lao động …
− Quy định giá cước đối với các đường bay trong nước.
Nói chung , khi điều hành hoạt động của TCT, nhà quản trị – Tổng giám đốc – phải luôn chấp hành những quy định, chế độ rất chặt chẽ của chủ sở hữu. Do đó, mặc dù nhà quản trị có quyền chủ động hơn so với trước đây, nhưng cũng không thể tự do đưa ra quyết định trái với các quy định cứng nhắc, dù quyết định đó cần thiết và theo nhà quản trị là có lợi cho TCT.
Nhà nước can thiệp sâu vào hoạt động của TCT như thế, nhưng vì chủ sở hữu không cụ thể nên sự kiểm soát đối với hoạt động quản trị doanh nghiệp không thật hiệu quả, thường có sự nghi kỵ sinh ra thủ tục hành chính rườm rà , trì trệ . Mặt khác, quyền lợi hợp pháp của nhà quản trị chưa tương xứng với hiệu quả sản xuất kinh doanh. Quản trị giỏi , doanh nghiệp hoạt động có lãi thì nhà quản trị không được tăng lương; mà quản trị kém, doanh nghiệp thua lỗ thì cũng không có quy định nào buộc nhà quản trị phải chịu trách nhiệm vật chất cụ thể.