- Về công nghiệp:
3.3 Đẩy mạnh sản xuất thủ công nghiệp, thực hiện mục tiêu phát triển hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu
hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu
Sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu cũng là một ngành kinh tế quan trọng của nhiều địa phương trong huyện. Dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ và chính quyền huyện, qua nhiều năm, nhân dân Phong Châu đã có nhiều cố gắng trong việc sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, góp phần đáp ứng được một phần nhu cầu hàng tiêu dùng cũng như cải thiện đời sống trong nhân dân.
Ở Phong Châu, ngoài những mặt hàng truyền thống như mành cọ, nón lá, ngói, xi măng...nhiều cơ sở còn mở rộng sản xuất các mặt hàng mới như dệt xô màn, khăn mặt, phèn chua...Các tổ hợp sản xuất xuất hiện ngày càng nhiều, tính đến cuối năm 1988, trong toàn huyện có 44 tổ hợp sản xuất. Điển hình là các tổ hợp sản xuất: cơ khí Lâm Thao, mộc Sơn Dương, ma ri Chu Hoá, gạch máy Tứ Xã, xô màn Sơn Vi... Đặc biệt trong đó phải kể đến hợp tác xã cơ khí Cao Mại là một trong những cơ sở sản xuất điển hình không chỉ
có định hướng làm ăn tốt, với sản phẩm uy tín, chất lượng, giá thành sản phẩm hợp lý, mà còn góp phần thu hút nguồn nhân lực lớn của địa phương, giải quyết nguồn nhân lực nhàn rỗi trong dân cư, tăng thu nhập, ổn định đời sống của nhiều hộ xã viên hợp tác xã.
Tuy vậy, tốc độ sản xuất hàng tiêu dùng của huyện nhìn chung phát triển còn chậm so với nhu cầu đặt ra, nhất là từ năm 1989 khi chuyển sang cơ chế vốn vay hoạch toán đầy đủ, xoá bỏ bao cấp thì nhiều cơ sở sản xuất bị đình vốn vì giá thành sản phẩm cao, chất lượng kém, nên sản phẩm không tiêu thụ được.
Nếu như trong hai năm 1987-1988, tổng giá trị sản lượng công nghiệp của huyện đạt 44,8 triệu/60 triệu đồng kế hoạch, thì đến năm 1989, 1990 chỉ đạt 36,9 triệu/62 triệu đồng kế hoạch so với chỉ tiêu Đại hội IV và Đại hội V Đảng bộ huyện đề ra [1; 181].
Các nghề truyền thống bị sa sút, hợp tác xã thủ công gặp nhiều khó khăn về vốn, không đổi mới được hình thức tổ chức sản xuất, thiếu linh hoạt trong liên kết kinh doanh, sản phẩm còn ứ đọng nhiều...nhiều tổ hợp phải đóng cửa và hoạt động không đúng mục đích, 4/9 hợp tác xã bị giải thể. Đến đầu năm 1990 huyện phải giải thể 30/44 tổ hợp do nợ không trả được, có tổ hợp tồn tại cũng chỉ là hình thức như Xí nghiệp vôi quốc doanh Tràng São nhiều tháng không sản xuất, công nhân không có việc làm...Vì vậy, yêu cầu đặt ra cho các tổ hợp sản xuất phải chuyển đổi hình thức quản lí, hình thức sản xuất kinh doanh sang một mô hình sản xuất kinh doanh mới.
Trước tình hình đó, sau khi nêu và phân tích tình trạng yếu kém về sản xuất thủ công của nhiều địa phương trong huyện, Hội nghị Thường vụ Huyện uỷ họp ngày 11/5/1989 chỉ rõ: “...ngoài nguyên nhân là do cơ chế chuyển đổi nhanh, tình trạng mất ổn định, hàng hoá tiêu dùng từ bên ngoài tràn ngập cạnh tranh; có nguyên nhân cơ bản là công tác quản lí của các cơ sở thiếu nhạy
bén, không thích nghi kịp thời với quy luật sản xuất hàng hoá cạnh tranh thị trường. Tư tưởng bao cấp nặng nề dẫn đến không chủ động về nguồn vốn ...” [15; 3] và về phía lãnh đạo huyện cũng “chưa định hướng được các mặt hàng, ngành hàng mũi nhọn, tìm kiếm công nghệ mới và thu hút thợ giỏi, tay nghề cao để sản xuất” [16; 2].
Về chương trình hàng xuất khẩu, do giá cả leo thang và lạm phát cao đã phá vỡ nhiều hợp đồng kinh tế giữa các công ty xuất khẩu và các hợp tác xã, nên trong 2 năm 1987-1988, bình quân đầu người rất thấp: đạt 4,6 đôla (1987) và 6,6 đôla (1988), không đạt chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV đề ra (10 đôla) [1; 182-183]. Tương tự, năm 1989-1990, mức thu nhập bình quân còn thấp hơn so với năm trước và chỉ đạt 4,8 đôla/năm. Nguyên nhân chủ yếu là do những biến động thị trường các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là có mặt hàng không còn thị trường tiêu thụ nên kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người của toàn huyện giảm.
Từ cuối năm 1989 do chuyển sang hoạch toán kinh doanh, thực hiện cơ chế một giá, xoá bỏ tình trạng chia cắt thị trường, cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác trên lĩnh vực lưu thông hàng hoá, toàn bộ các cửa hàng thực hiện hoạch toán độc lập, nên ngành thương nghịêp quốc doanh không đảm nhiệm được vai trò chủ đạo đối với các thành phần kinh tế trên địa bàn huyện. Hầu hết các cửa hàng kinh doanh thua lỗ, không thực hiện được chế độ giao nộp ngân sách cho Nhà nước, tài sản và tiền vốn của các cửa hàng quốc doanh ngày càng rơi vào tình trạng thiếu hụt.
Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, do thay đổi cơ chế xuất – nhập khẩu, nhiều mặt hàng không còn thị trường xuất khẩu như: chè, sơn, đay… và nhiều mặt hàng thị trường không ổn định như lạc, mành cọ, chiếu...
Về mặt chủ quan có thể thấy, nguyên nhân sự yếu kém của tình trạng này là do chưa chủ động khai thác được nguồn hàng xuất khẩu trong nông
nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; chưa tạo được mặt hàng mũi nhọn ổn định và có giá trị kinh tế; còn lúng túng về thị trường tiêu thụ, phương thức kinh doanh chủ yếu vẫn là mua gom và buôn bán tiểu ngạch.
Để chấm dứt tình trạng làm ăn thua lỗ kéo dài, ngày 20/7/1990 Ban Thường vụ Huyện uỷ họp với lãnh đạo ngành quyết định sắp xếp lại hệ thống thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán trong toàn huyện theo hướng giải thể công ty thương nghiệp huyện để thành lập 3 cửa hàng tổng hợp khu vực, thực hiện hoạch toán kinh tế độc lập trực thuộc Uỷ ban nhân dân huyện gồm Cửa hàng tổng hợp khu vực Phú Lộc, khu Bãi Bằng và khu Cao Mại.
Hoạt động ngân hàng, tín dụng trong thời gian này cũng gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới khó khăn cho ngành ngân hàng, tín dụng là do chính sách lãi suất tiền gửi tiết kiệm thay đổi đột ngột, nhân dân trong huyện không gửi tiết kiệm nhiều như trước, tạo ra tình trạng căng thẳng về vấn đề tiền mặt. Điều đó đã dẫn tới tình trạng nợ lương, chậm lương và phụ cấp của cán bộ, công nhân viên và các đối tượng chính sách đã trở nên phổ biến., “…tình hình phân phối lưu thông rất rối ren, đời sống người lao động chậm được cải thiện hơn bất cứ thời gian nào...” [14; 3].
Vào thời gian này, hoạt động tín dụng tuy có tăng, số dư nợ tăng từ 3 tỷ 444 triệu đồng (1988) lên 10 tỷ 203 triệu đồng (1989), nhưng số nợ quá hạn và khó thu tăng nhanh. Số nợ khó thu trong khu vực kinh tế quốc doanh dẫn đến 80% ngân hàng huyện bị thua lỗ vì nợ ứ đọng. Các hợp tác xã tín dụng xã cũng trong tình trạng khó khăn thu hồi nợ. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện còn xuất hiện một số kẻ xấu đã lừa đảo tập thể và cá nhân lấy tiền chơi hụi, làm thất thoát tài sản của nhân dân.
Tất cả những hiện tượng trên đã gây ảnh hưởng xấu đến lòng tin trong nhân dân, gây rối ren phức tạp trong xã hội. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng
trên là do ngành ngân hàng tín dụng thiếu biện pháp quản lí trong cơ chế phát triển kinh tế nhiều thành phần, thiếu kiểm tra, giám sát đối tượng vay vốn, thiếu sự giúp đỡ của các hợp tác xã tín dụng về nghiệp vụ tiền tệ, nhất là thiếu sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng nhà nước.
Để khắc phục tình trạng trên, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, tháng 5/1990 Thường vụ Huyện uỷ quyết định lập Ban thu hồi công nợ từ huyện đến cơ sở. Nhờ vậy, công nợ dần được thu hồi, trật tự xã hội trong toàn huyện được ổn định.
Bên cạnh đó, ngành tài chính đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát, điều tra để xác định mức thuế doanh thu ngày càng phù hợp với các thành phần kinh tế của huyện. Nhờ có những biện pháp kịp thời, trong những năm 1989-1990 huyện đã đạt được kế hoạch thu của Nhà nước giao. Khối các xí nghiệp Trung ương cũng đóng góp vào nguồn thu của huyện đạt tỷ lệ khá.
Do ngân sách còn hạn hẹp nên nguồn chi chủ yếu cho khu vực hành chính sự nghiệp, chi cho phát triển kinh tế- xã hội còn ở mức thấp, mới chỉ đạt từ 15-20%. Trong khi đó, ngành ngân hàng trong quá trình chuyển sang chế độ hoạch toán kinh doanh tiền tệ nên đã chú ý đầu tư cho các dự án phát triển sản xuất kinh doanh, ưu tiên trước hết cho khu vực quốc doanh (80-85%), kinh doanh tập thể (13-28%), kinh tế tư nhân (2-3%). Theo thống kê, ngân hàng huyện đã đầu tư 1,8 tỷ đồng cho 20 hợp tác xã xây dựng công trình điện, thuỷ lợi [16; 7]. Trong thời gian này, do có chính sách về lãi suất tiền gửi tiết kiệm nên đã huy động một lượng tiền khá lớn trong nhân dân góp phần hỗ trợ một phần tiền mặt phục vụ cho việc thanh toán, chi trả lương và phụ cấp xã hội...
Những kết quả bước đầu trong chuyển đổi cơ chế, thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng mà Đảng bộ và nhân dân Phong Châu đã đạt được là một thành tựu quan trọng, một mặt nhằm từng bước tạo ra thế ổn định và bước đầu
phát triển kinh tế của toàn huyện. Mặt khác, những thành tựu này đã góp phần khẳng định đường lối đổi mới đúng đắn có hiệu quả của Đảng và Nhà nước.
Như vậy, trong những năm 1986-1990, nền kinh tế – xã hội của đất nước gặp nhiều khó khăn, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước đang trong quá trình hình thành, còn chưa đầy đủ, thiên tai hạn hán, lụt lội liên tiếp xảy ra, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của các cấp Đảng bộ và chính quyền, nhân dân Phong Châu đã phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần cần cù lao động sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn thử thách, quyết tâm thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng nên đã đạt được một số thành tựu quan trọng góp phần nâng cao đời sống kinh tế- xã hội của nhân dân trong huyện, khẳng định tính đúng đắn đường lối đổi mới của Đảng nà Nhà nước ta. Trên thực tế: “...Đời sống kinh tế của nhân dân cơ bản được ổn định và khá hơn năm trước, đời sống văn hoá tinh thần được nâng lên, tuy chưa đạt được nhu cầu, mục tiêu đề ra, củng cố thêm lòng tin của nhân đối với Đảng và chính quyền các cấp nhưng đã bước đầu phát huy được tiềm năng lao động và trí tuệ của nhân dân lao động về khả năng khai thác điều kiện cơ sở vật chất kĩ thuật và mở rộng quan hệ sản xuất hàng hoá, về trình độ thâm canh và hạch toán hiệu quả...” [28]. Có thể thấy, những thành tựu trên đaylà tiền đề quan trọng giúp cho Đảng bộ và nhân dân Phong Châu càng phấn khởi và tin tưởng tuyệt đối vào đường lối đổi mới cảu Đảng và Nhà nước, phấn đấu đạt kết quả cao hơn nữa trong những năm tiếp theo.