1980)
Thắng lợi toàn diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1975) đã mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đưa cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới - giai đoạn cả nước độc lập, thống nhất cùng thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Từ đầu năm 1977, Đảng và Nhà nước đã đề ra chủ trương hợp nhất các huyện, với mục đích: “ Xây dựng huyện thật vững mạnh, thật sự trở thành đơn vị kinh tế công - nông nghiệp; lấy huyện làm địa bàn tổ chức lại sản xuất, phân công lại lao động một cách cụ thể; kết hợp công nghiệp với nông nghiệp, kinh tế toàn dân với kinh tế tập thể, công nhân với nông dân; xây dựng chính quyền cấp huyện thành một cấp Nhà nước quản lý kế hoạch toàn diện và có ngân sách, một cấp quản lý sản xuất, quản lý lưu thông và đời sống của huyện…” [23].
Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội IV của Đảng (tháng 12/1976) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phú lần thứ III (tháng 4/1977), ngày 5
tháng 7 năm 1977, Hội đồng chính phủ ra Quyết định số 178 về việc hợp nhất các huyện trong tỉnh Vĩnh Phú. Theo tinh thần đó, hai huyện Lâm Thao và Phù Ninh được hợp nhất thành huyện Phong Châu. Vào thời điểm sau khi sáp nhập, toàn huyện có 34 xã với 170.197 nhân khẩu, trụ sở của huyện đặt tại huyện lỵ Phù Ninh cũ [1; 135].
Về tiềm năng kinh tế, phía Đông Bắc Phong Châu có sông Lô, phía Tây Nam có sông Thao tạo nên giải đất phù sa màu mỡ, vùng đồng bằng phì nhiêu, dải đất giữa nổi lên vùng đồi thoai thoải, có những ngọn núi cao xen kẽ, tạo nên vùng đất đai đa dạng, có khả năng phát triển cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp, cây dược liệu, đẩy mạnh ngành chăn nuôi gia súc và thủy sản.
Trong huyện có tuyến đường sắt và đường bộ chạy qua từ phía Nam lên phía Bắc, kết hợp với các tuyến vận tải sông Thao và sông Lô tạo thành hệ thống vận tải thủy, bộ rất thuận tiện.
Thêm nữa, khu công nghiệp lớn của Trung ương nằm tại vùng trung tâm của huyện và ngày càng mở rộng gần với khu công nghiệp và thành phố Việt Trì ở phía Nam, thị xã Phú Thọ ở phía Bắc cũng là điều kiện thuân lợi cho việc phát triển nền kinh tế - xã hội của huyện. Đây chính là điều kiện quan trọng sớm thúc đẩy việc phân công lao động nhất là việc phát triển nền kinh tế thủ công nghiệp và tiểu công nghiệp địa phương theo hướng mới.
Đảng bộ Phong Châu tiến hành Đại hội lần thứ nhất từ ngày 14 đến ngày 17 tháng 5 năm 1978. Đại hội đã xác định rõ nhiệm vụ phát triển kinh tế của huyện trọng tâm là nông nghiệp, trong đó tập trung vào sản xuất lương thực. Trước hết để tận dụng tốt nguồn tài nguyên đất, sử dụng phù hợp với việc phát triển các loại cây trồng, trong năm 1977 huyện đã phân loại xong đất trồng cây lương thực, rau màu và đất lâm nghiệp. Huyện đã chuyển gần 600 ha đất trồng cây bạch đàn và 671 ha đất có khả năng canh tác khác ở ven
sông và vùng đồi đưa vào sản xuất. Đi đôi với việc mở rộng diện tích canh tác, huyện chú trọng chỉ đạo công tác thuỷ lợi. Nhiều hồ, đập được đắp thêm để chống lũ ở những vùng đồi như đập Chu Hoá, đập Cây Sen…, trồng cây xanh quanh vành đai ruộng bậc thang, tổ chức khơi ngòi, mương máng, xây trạm bơm, điển hình là trạm bơm Vĩnh Lại đảm bảo tưới tiêu cho trên 3000 ha lúa và hoa màu. Để đảm bảo kịp thời vụ gieo trồng và thu hoạch, huyện thường xuyên phát động các phong trào thi đua như: “ Đông Xuân tấc đất, tấc vàng toàn dân làm lương thực”, “Vụ mùa quyết thắng”, “Mùa xuân đồng khởi”…
Trong những năm 1977 -1980, công cuộc tập thể hoá vẫn tiếp tục được thực hiện ở Phong Châu. Tuy có một số thành tựu, nhưng tính hiệu quả của kinh tế tập thể ngày càng tỏ ra yếu kém, nhất là yếu kém về năng suất sản lượng cây trồng, vật nuôi và phương thức quản lý kinh tế tập thể. Có thể thấy, cũng như các địa phương trên địa bàn tỉnh, hiệu quả kinh tế nông nghiệp đưa lại chưa tương xứng với tiềm năng của huyện, nếu không muốn nói là còn thấp so với số vốn đầu tư ban đầu.
Là huyện có nền kinh tế thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp trồng lúa và một số cây trồng, vật nuôi khác nên đời sống của nông dân không sao tránh khỏi những khó khăn nếu như tình trạng thiên tai hạn hán, úng lụt thường xuyên xảy ra. Mặt khác, vốn là huyện mới được sáp nhập nên hạ tầng cơ sở vật chất của huyện còn nghèo nàn, địa bàn của huyện quá rộng nên việc hoạch định về tình hình đặc điểm, về đất đai, khả năng lao động và tập quán canh tác của từng vùng chưa đầy đủ; trình độ và khả năng lãnh đạo, quản lý, nhất là quản lý kinh tế của cấp huyện có hạn; nguyên nhiên liệu, vật tư phục vụ nông nghiệp thiếu nghiêm trọng; giá cả có biến động lớn, thêm vào đó là thiên tai nặng nề xảy ra liên tiếp, trong 5 năm có 10 vụ sản xuất chính thì 7 vụ bị hạn, bị úng...
Tất cả những khó khăn đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người nông dân trong huyện. Do vậy, sản xuất nông nghiệp của huyện Phong Châu từ năm 1978 trở đi ngày càng sa sút dần, sản lượng lương thực năm sau thấp hơn năm trước, các chỉ tiêu về diện tích gieo trồng, năng suất, sản lượng đều không đạt kế hoạch so với chỉ tiêu đề ra. Bảng thống kê dưới đây sẽ phản ánh rõ thực trạng về tình hình kinh tế của huyện Phong Châu trong những năm 1978-1980.
Bảng 2. 1: Diện tích, năng suất, tổng sản lượng lương thực của Phong Châu từ năm 1978 – 1980
TT Nội dung 1978 1979 1980
1 Diện tích gieo trồng
(ha) 19.221 18.906
2 Năng suất (kg/ha) 1.971 1.940 1.550 3 Tổng sản lượng quy
thóc (tấn) 30.127 27.201 22.086
(Nguồn: Ban chấp hành Đảng bộ huyện Phong Châu tỉnh Vĩnh Phú,
Lịch sử Đảng bộ huyện Phong Châu, tập 2, Xuất bản năm 1998, trang 143)
Bảng thống kê trên cho thấy, so với năm 1978, diện tích gieo trồng của huyện năm 1979 giảm chỉ còn 18.906 ha. Tiếp đến, năm 1980 vụ chiêm bị hạn 3.000 ha và vụ mùa bị úng là 4.000 ha.
Tương tự, năng suất năm 1978 đạt 1.971kg/ha, năm 1979 chỉ đạt 1.940 kg/ha và sang năm 1980 giảm chỉ còn 1.550 kg/ha. Tổng sản lượng quy thóc năm 1980 (22.086 tấn) so với năm 1978 (30.127 tấn) giảm 26,8%.
Sự sa sút trong thu nhập lương thực đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế chăn nuôi của các hộ nông dân trong huyện và cũng không đạt so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, các ngành kinh tế khác như công nghiệp, thủ công nghiệp địa phương tuy có nhiều cố gắng nhưng do khó khăn về nguyên nhiên liệu, về điện, than, gỗ... nên cũng không đạt chỉ tiêu kế hoạch. Hàng tiêu dùng của nhân dân khan hiếm, nhất là công cụ sản xuất, vật liệu xây dựng, hàng hoá “...chất lượng xấu, hàng hoá tham gia thị trường nghèo nàn, hàng xuất khẩu ít, giá trị xuất khẩu cao nhất của sản phẩm trong nông nghiệp mới đạt 840.000 đồng...” [10; 3].
Nền kinh tế yếu kém trong những năm 1978 - 1980 đẫ dẫn đến cuộc sống khó khăn, bấp bênh của người nông dân, nhiều địa phương trong huyện đã xuất hiện nạn đói. Theo Báo cáo của Huyện uỷ Phong Châu 6 tháng đầu năm 1978: “lúc cao nhất trong huyện có hơn 5.000 người thiếu đói, cán bộ công nhân viên nhà nước có tháng phải ăn 100% màu...” [11; 2].
Trong khi đó, tại một số địa phương trong huyện vẫn đạt năng suất và sản lượng lương thực cao. Năm 1978 có 4/34 hợp tác xã của huyện đạt năng suất lúa hơn 5 tấn/ ha/ năm. Trong đó, hợp tác xã Cao Xá đạt cao nhất là 5.872 kg/ ha, hợp tác xã Sơn vi đạt 5.574 kg/ ha, hợp tác xã Cao Mại đạt 5.290 kg/ ha, hợp tác xã Tứ Xã đạt 5.053 kg/ ha [1; 145]. Một số cơ sở hợp tác xã vươn lên trở thành đơn vị tiên tiến. Chẳng hạn, thuỷ lợi tiên tiến có hợp tác xã Kim Đức, làm phân nuôi bèo giỏi có các hợp tác xã như Tiên Kiên, Từ Đà, Xuân Lũng, chăn nuôi giỏi có hợp tác xã Trị Quận...
Nhưng nhìn chung, trong thời gian 1977 – 1980, kinh tế Phong Châu đặc biệt là sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn, yếu kém, không đáp
ứng được nhu cầu lương thực thực phẩm cho nhân dân trong huyện. Sản xuất nông nghiệp luôn luôn bị thiên tai đe doạ, chưa có sự chuyển biến mạnh về thâm canh, chuyên canh. Sản xuất không đi liền với chế biến, ngành chăn nuôi phát triển chậm.
Nguyên nhân sa sút về kinh tế của huyện ngoài những yếu tố khách quan do thời tiết xấu, do chiến tranh biên giới, chính sách giá cả, tình hình kinh tế chung của cả nước... còn do những nhân tố chủ quan như chỉ đạo của Huyện uỷ chưa sâu sát, kịp thời, khâu chỉ đạo của huyện còn chậm và bị động, nhất là khâu chỉ đạo chuyển diện tích lúa sang màu khi bị hạn nặng; nhiều hợp tác xã yếu kém về quản lý, phát sinh nhiều tiêu cực, chất lượng giống kém, cơ cấu giống không ổn định, các biện pháp kĩ thuật thâm canh còn yếu, thuỷ lợi tuy đã cố gắng chống hạn như đào kênh mương, làm bờ thửa, nạo vét kênh ngòi, hệ thống kênh Diên Hồng phục vụ tưới nước chưa đều, chưa kịp thời. Một trong những nguyên nhân đặc biệt quan trọng làm cho sản xuất nông nghiệp sa sút là mô hình hợp tác xã, cơ chế vận hành, cơ chế quản lý bộc lộ những nhược điểm ngày càng lớn, tình trạng “Rong công phóng điểm” trở thành phổ biến... Tất cả những điều này đã không tạo được động lực cho sản xuất, động lực lao động, không khơi dậy được sự gắn bó, niềm hăng say lao động của người nông dân. Do vậy, vấn đề đặt ra là muốn khắc phục tình trạng này, nhất là muốn đưa sản xuất nông nghiệp tiến lên thì Huyện uỷ phải tìm ra biện pháp đúng đắn, kịp thời, trước hết là phải đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp.
Cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày như sơn, chè và một số cây công nghiệp ngắn ngày khác được chú trọng. Chè và sơn là 2 loại cây công nghiệp mũi nhọn của huyện đã đi dần vào hướng ổn định và tăng cường các biện pháp thâm canh trên diện tích 228 ha chè, 377 ha sơn, mỗi năm thu
hoạch từ 300 đến 350 tấn chè búp tươi, 31 tấn sơn nhựa. Toàn huyện mỗi năm thu hoạch được 120 tấn đỗ tương và 120 tấn lạc.
Đối với các gia đình xã viên, hợp tác xã hướng dẫn trồng trên đất vườn và đất 5%. Một số vùng có tập quán thâm canh tốt phát triển một số loại quả xuất khẩu như dưa chuột, tỏi, chuối. Năm 1978 toàn huyện có 198 ha chuối và 110 ha trồng dưa chuột xuất khẩu.
Về chăn nuôi, thực hiện phương châm “đưa chăn nuôi lên thành ngành sản xuất chính”, các hợp tác xã mở rộng chăn nuôi tập thể kể cả trâu, bò, lợn và gia cầm. Đến năm 1978 toàn huyện có gần 14.000 con trâu bò, về cơ bản đã tự túc được sức kéo và một lượng lớn phân bón cho cây trồng.
Về sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp địa phương, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng do thiếu nguyên - nhiện liệu sản xuất nên phần lớn các cơ sở thủ công không đạt kế hoạch. Công cụ sản xuất, vật liệu xây dựng và hàng tiêu dùng khan hiếm. Chất lượng sản phẩm kém, chủng loại nghèo nàn, hàng xuất khẩu ít. Giá trị hàng xuất khẩu năm cao nhất mới đạt 840 ngàn đồng.
Hoạt động thương nghiệp quốc doanh cũng gặp nhiều khó khăn do sản xuất thấp kém, hàng hoá khan hiếm. Toàn ngành vẫn phải tổ chức bán hàng theo chế độ tem phiếu.
Trong những năm 1977 – 1980, mặc dù đời sống bà con còn nhiều khó khăn, song về mặt văn hoá, giáo dục, y tế địa phương có nhiều bước biến chuyển.
Công tác y tế, vệ sinh phòng bệnh, xây dựng ba công trình vệ sinh trong xóm tiến triển tốt. Xã Bảo Thanh là đơn vị dẫn đầu dứt điểm ba công trình vệ sinh trong huyện.
Huyện Phong Châu Năm 1980 được công nhận là đơn vị toàn huyện phổ cập giáo dục cấp I.
Công tác xây dựng và củng cố Đảng luôn được chú trọng. Huyện uỷ rất quan tâm đến vấn đề giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng đảng viên nhằm nâng cao trình độ, năng lực quản lí của người đảng viên.
Từ năm 1977 – 1980 thực hiện Chỉ thị 83 của Ban Bí thư và kế hoạch của Tỉnh uỷ, Đảng bộ huyện tiến hành phát thẻ đảng cho đảng viên các cơ sở. Đến năm 1980 tổng số đảng viên đủ tư cách nhận thẻ đảng là 2.214 người, chiếm tỷ lệ 87, 44% tổng số đảng viên. Trong nhiệm kỳ khoá I, Đảng bộ Phong Châu đã kết nạp được 149 đảng viên mới [1; 151].
Ngày 8/5/1980 huyện Phong Châu tổ chức Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II nhằm tổng kết quá trình thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần 2 và Nghị quyết Đại hội đảng bộ lần I, từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho năm tới.