7. Bố cục của luận văn
3.2.4. Cần coi việc chống càn quét là một quy luật của chiến tranh du kích, từ đó
kích, từ đó chủ động đề ra các biện pháp chống càn
Trong các kế hoạch của mình, từ Rơve, Đờ lát, Xalăng cho đến Nava đều coi càn quét là yếu tố quyết định để bình định. Đây vốn là con bài quen thuộc để địch thực hiện âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”. Từ đó có thể thấy rằng, chống càn là một trong những nhiệm vụ căn bản của chiến tranh du kích. Vì vậy “Càn quét và chống càn quét là hình thức đấu tranh chủ yếu giữa ta và địch…là quy luật phát triển của cuộc đấu tranh ở vùng sau lưng địch [54, tr.281]. Chỉ có kiên quyết chống càn mới phá được âm mưu của địch, giữ vững được cuộc đấu tranh sau lưng địch. “Chống càn cũng là nhiệm vụ trường kì gian khổ [59, tr. 281].
Thực tế chiến tranh du kích ở Thái Bình luôn gắn liền với hiệu quả của việc chống càn của quân dân trong tỉnh. Lúc đầu do quân dân Thái Bình không đánh giá hết được âm mưu cũng như mức độ khốc liệt của các cuộc càn quét lớn của địch nên việc chống càn của quân dân trong tỉnh luôn ở thế bị động. Vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn từ tháng 3 đến tháng 10-1951, bằng các cuộc càn quét liên tiếp với quy mô lớn, tính chất khốc liệt cao lại được sự hỗ trợ đắc lực của bọn phản động, tay sai, thực dân Pháp đã gây ra những thiệt hại to lớn cho chiến tranh du kích ở Thái Bình. Từ sau Chiến dịch Hòa Bình, hoạt động chống càn của quân dân trong tỉnh mới đem lại hiệu quả, tất cả các cuộc càn quét lớn nhỏ của địch đều bị bẻ gãy, chiến tranh du kích ở trong tỉnh vẫn trụ vững bất chấp quy mô và mức độ của các cuộc càn quét ngày càng ác liệt. Ngoài những điều kiện thuận lợi mà Chiến dịch Hòa Bình đem lại, ta đạt được những kết quả này là do quân dân Thái BÌnh ngày càng thấy rõ tầm quan trọng của việc chống càn. Từ sự chuyển biến về nhận thức
101
đã dẫn đến những thay đổi trong hoạt động chống càn. Thay vì bị động như trước, ta luôn bám sát mọi âm mưu và hành động của địch từ đó chủ động đưa ra các chủ trương biện pháp đối phó có hiệu quả với ba mức độ càn nhỏ, càn trung bình và càn quét lớn của địch.
Đối với các cuộc càn quét nhỏ, công việc chính cần làm là tăng cường công tác bí mật, trừ gian đồng thời đánh chặn các đội biệt kích của địch trước khi chúng vào tới làng.
Đối với các cuộc càn trung bình, trước hết phải bám sát những vị trí lớn của địch trong vùng và lân cận để có kế hoạch chuẩn bị. Dân quân du kích phải tích cực, kiên quyết đánh tiêu hao khiến cho địch gặp nhiều khó khăn. Bộ đội địa phương tập trung lực lượng vừa giúp đỡ du kích vừa đánh những cánh quân nhỏ, yếu của địch theo lối đánh phục kích, tập kích, địa lôi, cạm bẫy và chú trọng giải thoát cho đồng bào bị bắt và trâu bò, thóc lúa bị địch cướp đi.
Đối với các cuộc càn quét lớn thì tập trung lực lượng du kích, bộ đội địa phương đánh tiêu hao bằng mìn, cạm bẫy, tìm cách luồn càn, thoát khỏi vòng vây để đánh vào sau lưng địch. Các nơi khác phối hợp chặt chẽ khi địch rút quân ứng chiến, địa bàn chiếm đóng của chúng bị sơ hở.
Xuất phát từ những biện pháp và chủ trương như vậy, ta thực hiện nội ngoại tuyến giáp công, hợp đồng tác chiến trong phạm vi xã, huyện, tỉnh, trong toàn khu, biết phân tán luồn càn, tránh chỗ mạnh đánh vào chỗ yếu và sơ hở bằng phương thức “chia ra để tránh, tụ lại để đánh” với yếu tố bí mật, bất ngờ, chớp nhoáng. Thực hiện phát động quần chúng, củng cố cơ sở, tổ chức phòng gian tích cực. Tăng cường cho lực lượng du kích và bộ đội địa phương về trang bị vũ khí và tổ chức. Xúc tiến xây dựng và củng cố làng chiến đấu làm nơi đứng chân cho bộ đội chủ lực.
Đối với bộ đội, chuẩn bị các phương án tác chiến, giữ bí mật, giấu kín lực lượng, bám sát tình hình địch đồng thời có kế hoạch cụ thể bảo vệ nhân
102
dân và tổ chức giải thoát cho dân khi bị địch bắt. Nhân dân có kế hoạch sơ tán cất giấu tài sản, thóc lúa.
Cán bộ, đảng viên bám sát dân khi họ đi sơ tán để giải thích, tuyên truyền, giữ vững tinh thần cho nhân dân. Đồng thời từng bước kết hợp chống càn bằng đấu tranh quân sự của lực lượng vũ trang với đấu tranh chính trị của nhân dân nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, hạn chế sự khủng bố, phá hoại của kẻ thù, hạn chế tác hại của các cuộc càn quét. Điểm cốt lõi để chiến tranh du kích chống được càn là phải huy động toàn dân tham gia chống càn, cả ba thứ quân cùng phối hợp chiến đấu khi địch càn, đánh địch ở khắp mọi nơi (trong làng, ngoài đồng) bằng mọi vũ khí có trong tay đặc biệt là chông, mìn, cạm bẫy, địa lôi khiến địch đi đến đâu cũng bị đánh, bị tiêu hao, bị quấy rối, bị đánh cả trước mặt, sau lưng, trong vòng vây và ngoài vòng vây, bị đánh ở bên sườn đội hình, thậm chí bị tiến công trực tiếp vào bộ chỉ huy cuộc càn như trong trận càn Con Trâu.