Khuynh hướng coi đối tượng của mỹ học là cái đẹp tiến tới sự hà

Một phần của tài liệu Sự hình thành và phát triển của mỹ học mác xít ở việt nam hiện nay (Trang 34 - 38)

7. Kết cấu

1.2.2.Khuynh hướng coi đối tượng của mỹ học là cái đẹp tiến tới sự hà

hài hòa giữa hoạt động và hình thức (Arixtốt)

Arixtốt (384 – 322 TCN), là người đã phê phán chủ nghĩa duy tâm khách quan của Platôn và đứng trên lập trường của chủ nghĩa duy vật.

Arixtốt cũng như những bậc tiền bối của ông, cũng cho rằng đối tượng của mỹ học là cái Đẹp và từ đó ông đi tìm tòi quy luật khách quan của cái Đẹp. Nhưng khác với Platôn, ông tìm cái Đẹp không phải ở đâu đâu trên thế giới siêu cảm giác mà ở giữa thế giới thực tại. Theo ông, vẻ đẹp là một tính chất tồn tại khách quan và bao gồm nhiều phẩm chất: trật tự, hài hòa, tỷ lệ, xác định, số lượng… Và cái Đẹp không tách rời thực tại Đẹp, ý muốn về cái Đẹp dựa trên đặc tính của vẻ đẹp thực tại.

Arixtốt cho rằng cái Đẹp chân chính, mà nghệ thuật cần tập trung để bắt chước là cái Đẹp của con người, Arixtốt rất chú trọng coi con người là đối tượng chủ yếu của văn học nghệ thuật. Đối tượng trước hết của sự tái tạo nghệ thuật là con người, là cơ thể của con người cùng những phẩm chất của nó như sự hài hòa, cân xứng v.v

Arixtốt là một trong những người đầu tiên thấy rõ tính chất chủ quan và tính chất khách quan của cái Đẹp. ông khẳng định rằng, Đẹp chỉ có thể xác lập tính chất khách quan trong mối tương quan của những đặc tính của vật thể với sự cảm thụ của con người.

Qua đó, Arixtốt nghiên cứu cái Đẹp tĩnh và cái Đẹp động. Cái Đẹp tĩnh là cái Đẹp của các vật thể bất động như hòn đảo, núi non, phong cảnh v.v... Còn cái Đẹp động là cái Đẹp gắn với con người, cái Đẹp gắn với cái Thiện vì Thiện bao giờ cũng biểu hiện qua hành động, mà cái Đẹp nằm trong hành động đó. Nếu trong Siêu hình học, Arixtốt định nghĩa cái Đẹp bao gồm các thuộc tính như trật tự, hài hoà, cân xứng, tính tỷ lệ thì trong Thi pháp ông còn gắn cái Đẹp với tính hữu hạn, tính thống nhất, với cái Thiện. Như vậy ông đã nhìn thấy cả mặt tự nhiên và mặt xã hội của cái Đẹp.

Một trong những vấn đề chính trong mỹ học của Arixtote là mối quan hệ giữa cái Đẹp với cái Thiện hoặc cái Có ích. Các khái niệm này ở ông không bị đồng nhất, trong khi đó ở Platôn còn có một sự hòa nhập. Trong mối quan hệ giữa cái Đẹp với cái Thiện, cái tốt với cái Đẹp, ông phân biệt cái Đẹp tinh thần và cái Đẹp hình thức.

Về cái Đẹp tinh thần: Khi gắn cái Đẹp với cái Thiện, Arixtốt cho rằng

cái Thiện là cơ sở của cái Đẹp tinh thần. Ông phân biệt các loại Thiện: cái Thiện bao quát, cái Thiện thực tiễn và cái Có ích.

Cái Thiện bao quát là lĩnh vực của mục đích tốt đẹp. Cái Thiện là mục đích cuối cùng mà tất cả mọi hoạt động đều hướng tới. Xét mọi hoạt động, nhất là hoạt động của con người, đều là hoạt động có mục đích. Trong đó, đối với cái này thì cái kia trở thành phương tiện, cứ vậy, liên quan với nhau mà

tạo thành một hệ thống. Trong hệ thống nhất thiết phải xác định được yếu tố cuối cùng. Mục đích cuối cùng đó chính là cái Thiện bao quát, có đặc điểm là không thể trở thành phương tiện của cái Thiện khác. Trong lĩnh vực linh hồn cũng vậy, các ham muốn chỉ tồn tại là để tạo điều kiện cho lý trý hoạt động đạt được mục tiêu cuối cùng. Với cách hiểu này, Arixtốt tiến sát tới quan niệm về hoạt động của lý tưởng thẩm mỹ. Bởi vì, một trong những cơ sở quan trọng nhất của lý tưởng thẩm mỹ là cái hoàn thiện mà hoạt động thẩm mỹ hướng tới. Ở đây, lý tưởng thẩm mỹ chính là cái thiện bao quát, cái không thể là phương tiện của cái khác.

Về cái Thiện thực tiễn: Hoạt động có mục đích cũng là hoạt động của ý chí cố gắng đạt mục tiêu. Do đó, cái được thể hiện trong hành động là cái Thiện thực tiễn. Chẳng hạn, cái Thiện đối với đôi tai là việc nghe, cái Thiện đối với đôi mắt là việc nhìn. Nhưng cái việc nghe và việc nhìn ấy cũng có hai mặt: một là hoạt động thực tiễn của nghe và nhìn ấy chỉ thể hiện mục đích ham muốn tự nó nên nó không có tính tư lợi, hai là hoạt động thực tiễn ấy lại nhằm vì một mục đích khác nữa nên nó có tính tư lợi. Mặt thứ nhất có giá trị hơn và có tính thẩm mỹ hơn. Mặt thứ hai là cái có ích. Do đó, Arixtốt cho rằng, nếu chỉ chú ý cái có ích, con người dễ xa vào thói xấu. Người ích kỷ là người hành động chỉ vì cái có ích chứ không phải vì cái Thiện và cái Đẹp, bởi vì cái có ích là một cái Thiện cá nhân, còn cái Đẹp là cái Thiện tự nó. Về mặt này Aritxtốt đã tiến một bước khi ông nhận thấy tính vô tư, không vụ lợi để vào cuối thế kỷ XVIII. I. Kant – nhà mỹ học cổ điển Đức mới phát triển nó lên.

Phải có sự sáng suốt để đạt tới cái Thiện. Chính sự sáng suốt ấy là một phẩm chất đạo đức. Lĩnh vực của đức hạnh là sự tổng hợp của vẻ đẹp và đạo đức. Một hành động được gọi là đẹp khi tính vô tư của nó được bộc lộ một cách rõ rệt vượt ra ngoài phương hướng và mục đích cụ thể của hành động chỉ vì cá nhân. Thực hiện được mục đích vô tư là con người đã tiến tới cái cao cả. Sự cao cả của hành động là tiếp điểm thẩm mỹ.

Như thế, cái Đẹp là sự tổng hợp của hai mặt: tính vô tư và phẩm chất cao cả. Nhưng theo Arixtốt, cái Đẹp và cái Thiện có sự khác nhau: cái Đẹp là cái được chiêm ngưỡng còn cái Thiện là cái được thực hiện.

Về cái đẹp hình thức: Cái Đẹp tinh thần chưa đủ làm nên một sự vật

đẹp. Do đó, bên cạnh cái Đẹp tinh thần là cái Đẹp hình thức. Arixtốt rất coi trọng cái Đẹp tinh thần, điều ông quan tâm hơn cả là những đặc điểm riêng của lĩnh vực thẩm mỹ. Ông chú ý nhiều đến sự biểu hiện hình thức của cái Đẹp trong những sự vật và những mối quan hệ khác nhau của hiện thực.

Ông đã nhìn thấy cái cụ thể mang tính chất toán học của cái Đẹp hình thức. Trong tác phẩm Siêu hình học ông viết: Những hình thức tối cao của cái Đẹp là sự thích ứng với quy luật, tính đối xứng và tính xác định, chính những hình thức ấy tìm thấy trong toán học ; và bởi vì những hình thức ấy có vẻ là nguyên nhân của nhiều sự vật, nên toán học, ở một mức độ nào đó, xét nguyên nhân, là vẻ Đẹp.

Như vậy, những cơ sở của một hình thức Đẹp là:

Cơ sở thứ nhất: là sự thích ứng với quy luật. Hình thức đẹp không phải là sự võ đoán, ngẫu nhiên, phi lý tính. Vẻ đẹp đó là lý tưởng nâng lên thành quy luật. Trong cuốn Thi pháp Arixtốt còn nói rõ thêm: Cái Đẹp là sự vĩ đại và trật tự. Như thế, những hiện tượng rất khác nhau của tự nhiên, của xã hội, những đồ vật và những động vật có một đại lượng nhất định, có một sự cân đối nhất định, tất cả cái đó đem lại cho chúng một hình thức Đẹp. Cái tính nhịp nhàng trọng một tổng thể này phổ biến cả đến nghệ thuật. Trong Siêu

hình học, Arixtốt còn gọi trật tự trong không gian, tính đều đặn và tính xác

định là những hình thức của cái Đẹp. Nhờ có những nguyên lý chung này mà những yếu tố cá biệt làm thành một thể thống nhất, làm thành cái Đẹp chung.

Ưu điểm của Arixtốt là muốn xác định tính khách quan của hình thức đẹp, dù hình thức đó là sự sáng tạo của tự nhiên hay của chủ thể thẩm mỹ. Nhưng Arixtốt đã thái quá khi nhấn mạnh tính toán học. Ông đã không thấy hết tính chất phức tạp của tình cảm thẩm mỹ. Do đó, mỹ học của ông có

phần duy lý và khô khan. Bổ sung cho thiếu xót này Arixtote cố gắng đi từ lĩnh vực toán học sang lĩnh vực cảm quan, ông quan niệm màu sắc và âm thanh cũng tạo ra vẻ đẹp. Màu sắc là cái đẹp của thị giác, âm thanh là cái Đẹp cuả thính giác.

Cơ sở thứ hai là tính đối xứng, tính tỷ lệ. Tính đối xứng là tượng trưng của cái hoàn thiện. “Người đàn bà không cân đối là người nham hiểm”. Nhờ sự so sánh mà biết được tính đối xứng: có thể dùng thước đo, quy về đơn vị, hoặc chồng khít lên nhau.

Cơ sở thứ ba là tính xác định. Đó là sự xác định đặc tính cơ bản của sự vật này so với đặc tính cơ bản của sự vật khác. Đó cũng là sự định loại, định tính, định lượng và thậm chí là định nghĩa nữa. Cái hình thức đẹp cơ bản là cái hình thức xác định được bản chất.

Cái tốt đẹp: Đó là mối quan hệ giữa cái Đẹp và cái Tốt. Arixtote quan niệm, cái Đẹp cao nhất không chỉ nằm trong nội dung, không chỉ là hình thức mà là sự tổng hợp của cái duy lý và cái cảm quan, sự tổng hợp thể hiện trước hết ở con người. Vẻ đẹp con người bao gồm hình thức đẹp của cơ thể, hình thức đẹp ấy phải đi vào giác quan, phải tạo nên một hấp dẫn. Sự hấp dẫn này là một tổng hợp của hình thể đẹp và phẩm chất tốt. Như thế, Arixtốt đã đi từ cái Đẹp và cái Tốt đến cái Đẹp đạo đức, tức là cái Tốt đẹp. Cái Đẹp như vậy có tính chất duy lý và nằm sâu trong cảm quan, chứa đựng tính xã hội sâu sắc. Tính chất hiện thực, duy vật và biện chứng của mỹ học Arixtốt dựa trên học thuyết triết học của ông về sự thống nhất giữa “vật chất” và “hình thức”. Vì vậy, mà ông đã cho rằng đối tượng của mỹ học là cái đẹp tiến tới sự hài hòa giữa hoạt động và hình thức.

Một phần của tài liệu Sự hình thành và phát triển của mỹ học mác xít ở việt nam hiện nay (Trang 34 - 38)