Họ Đậu Fabaceae
3.4.1.1. Đặc điểm nhận dạng
Cây Mai dương thuộc loại cây bụi, đa niên, thường mọc ở nơi trống, đất ẩm ướt, vùng nhiệt đới. Thân có chiều dài lên đến 6 m, phân rất nhiều nhánh, trên thân và cành có nhiều gai nhọn, gai dài khoảng 6 mm. Lá của cây mai dương có dạng hai lần kép chẵn, mọc đối xứng nhau, trên mỗi lá kép thường có 5 - 12 cặp lá chét, trên mỗi lá chét có trung bình 38 cặp lá chét con.
Hoa Mai dương có màu hồng hoặc tím, phát hoa hình đầu. Hoa mọc ở nách lá, thụ phấn chủ yếu nhờ gió hoặc nhờ côn trùng, ra hoa kết trái quanh năm. Trái khi non có màu xanh và chuyển dần sang màu vàng nâu khi chín, dài khoảng 5,5 - 11 cm, rộng 0,6 - 1,1 cm, chia thành nhiều đốt, mỗi đốt chứa một hạt, khi chín có màu nâu hay xanh oliu, kích thước hạt 4 - 6 mm. Đốt trái rất nhẹ, có lông, do đó rất dễ phát tán theo gió hay trôi theo dòng nước. [34]
3.4.1.2. Sinh học và sinh thái
Cây Mai dương hiện diện chủ yếu ở các vùng ven kênh rạch, bờ đê, ven đường nơi có tiếp giáp với nước. Từ các khu vực trên cây Mai dương có thể lan rộng vào những vùng ao hồ, ruộng lúa, đồng cỏ ngập nước. [35]
Sinh sản hữu tính bằng hạt. Ở những vùng đất ngập nước, cây ra hoa, tạo hạt quanh năm. Từ khi cây ra hoa đến lúc trái chín khoảng 5 tuần. [35]
3.4.1.3. Giá trị
Trồng nấm linh chi, nấm bàu ngư,... trên thân cây Mai dương đã qua xử lý. [15]
Lá và đọt non có thể làm thức ăn cho dê. [15]
Hình 3.35. Mai dương Mimosa pigra L.
A – Dạng sống, B – Cành mang hoa, C – Hoa, D – Quả
B
C A
3.4.1.4. Tác hại
Tác hại chính của Mai dương là làm thay đổi thảm thực vật, gây tác hại đến hệ động vật ở những vùng nó xâm lấn. Có rất ít loài thực vật khác có thể mọc được dưới tán Mai dương và hầu như cũng không có loài động vật nào sử dụng loài cây này làm thức ăn. Các bụi Mai dương dày đặc làm cản trở việc đi lại của con người, động vật và súc vật chăn thả. Ngoài ra, nó còn phát triển phủ kín cả những hồ nước cạn, cây tuy không sinh sản vô tính nhưng nẩy tược rất mạnh từ gốc đã chặt ngang thân. Nơi loài cây này phát triển thì mật số các loài chim, bò sát, thực vật thân thảo... giảm nhiều so với thảm thực vật bản địa. [15]
Cây Mai dương còn cạnh tranh với những đồng cỏ, ảnh hưởng rất lớn đối với ngành chăn nuôi và còn ảnh hưởng đến dòng chảy của sông. Người ta cũng đã thu được từ Mai dương một loại acid là mimosine với hàm lợng 0,2% có thể gây độc đối với nhiều loài động vật. [15]
3.4.1.5. Tình trạng
Cây Mai dương hiện được xem là một trong số những loài cỏ dại nguy hiểm nhất đối với các vùng đất ngập nước nhiệt đới.
Hầu hết các nghiên cứu đến nay đều thống nhất là Mai dương Mimosa pigra
là sinh vật ngoại lai gây hại lớn nhất ở Việt Nam (Dương Minh Tú và Phạm Đinh Việt Hồng 2003, Nguyễn Công Minh 2005). Loài này đã được nghiên cứu khá kỹ ở Việt Nam (Storrs et al . 2001, Trần Triết et al . 2004, Trần Triết 2000, 2005). Chúng phân bố ở hầu hết các sinh cảnh tự nhiên và sinh cảnh nông nghiệp trên nội địa, các vùng nước ngọt và vùng ven biển, và chủ yếu là ở các khu vực gần nước ngọt. Đây là loài gốc Nhiệt đới châu Mỹ và được du nhập vào châu Á vào cuối thế kỷ XIX. Đầu tiên chúng phát tán chậm và lần đầu được ghi nhận ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam vào năm 1979 (tại huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An; Trần Triết et al. 2004), nhưng đến nay đã xuất hiện khắp trong cả nước. Loài này được xác định là cỏ dại nguy hiểm tại Thái Lan vào đầu những năm 1980 (Napompeth 1983; in Trần Triết 2005) và mới trở nên một loài gây hại nguy hiểm ở vùng hạ Mê
Kông trong thời gian gần đây. Loài này rất phổ biến ở các vùng đất sở hữu chung, như các khu bảo vệ, dọc đường, ven kênh rạch, sông suối, nhưng không phát triển mạnh được ở các vùng đất do tư nhân sở hữu, có thể là do chủ sử dụng đất kiểm soát chặt (Trần Triết 2005). Loài này đã trở thành một loài gây hại nghiêm trọng ở các vùng đất ngập nước như các Vườn Quốc gia Tràm Chim, Cát Tiên và Yôk Đôn, ở hồ Biển Lạc, và các hồ chứa Trị An và Đồng Mô-Ngải Sơn,... [15]
Ở Đức Huệ, Mai dương có mặt hầu hết các xã ở dạng quần thể nhỏ chứ không tập trung thành những quần thể lớn hàng chục ha như ở Vườn quốc gia Tràm Chim hay Cát Tiên. Vì vậy cần sớm có biện pháp phòng trừ chúng trong giai đoạn này trước khi chúng bùng phát mạnh như những nơi khác.