Lục bình – Eichhornia crassipes (Mart.) Solms

Một phần của tài liệu nghiên cứu thành phần loài và sự phân bố thực vật ở một số vùng đất ngập nước của huyện đức huệ, tỉnh long an (Trang 76 - 78)

Họ Lục bình Pontederiaceae

3.4.2.1. Đặc điểm nhận dạng

Cây thảo sống nhiều năm, nổi ở nước hoặc bám trên đất bùn, mang một chùm rễ dài. Lá mọc thành hoa thị, có cuống phồng lên thành phao nổi, gân lá hình cung.

Hoa mọc thành chùm ở ngọn, dài 15cm hay hơn. Hoa không đều, màu xanh nhạt hay tím; đài và tràng cùng màu, dính liền với nhau ở gốc, cánh hoa trên có một đốm vàng; 6 chỉ nhị (3 dài, 3 ngắn), bầu trên, 3 ô, chứa nhiều noãn, nhưng chỉ có một cái sinh sản. Quả nang. [7]

3.4.2.2. Sinh học và sinh thái

Thường gặp trong các bưng đìa, khúc sông rạch cạn... Lục bình không chịu được nước acid, phát triển mạnh ở nước bạc và đất phù sa. [17]

Ra hoa từ mùa hạ đến mùa đông. Tái sinh bằng cách nảy chồi. Một cây mẹ có thể đẻ cây con, tăng số gấp đôi mỗi 2 tuần. [7]

3.4.2.3. Giá trị

Nhân dân thường dùng toàn cây làm phân xanh, dùng lá và cuống lá làm thức ăn nuôi lợn.

Dùng Lục bình phơi khô tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ rất bắt mắt và được ưa chuộng trên thị trường như giỏ sách, bình hoa,…

Ngoài ra, nó còn được dùng làm thuốc, gần đây được nghiên cứu làm sạch nguồn nước, dùng trồng nấm.

A B

Hình 3.36Lục bình Eichhornia crassipes (Mart.) Solms A, B - Dạng cây

3.4.2.4. Tác hại

Lục bình sinh sản rất nhanh nên dễ làm nghẽn ao hồ, kinh rạch, làm cản trở lưu thông đường thủy. Khi mật số cây bèo tây quá nhiều sẽ có hiện tương cây bèo tây bị chết với số lượng lớn gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến hệ động vật trên sông.

Khi nước lũ dâng cao, Lục bình trôi rải rác trên các đồng ruộng và đây cũng là nơi trú ngụ của ốc bươu vàng (sinh vật ngoại lai hại lúa). Rễ lục bình là nơi thích hợp cho ấu trùng muỗi sống trong nước phát triển nhanh.

3.4.2.5. Tình trạng

E. crassipes được nhập vào Việt Nam từ Nhật Bản vào năm 1902 với mục đích làm cảnh. Trong điều kiện thuận lợi loài này có thể phát triển gấp đôi diện tích trong khoảng mười ngày và hiện đã phát triển phân bố rộng khắp các thủy vực nước ngọt ở Việt Nam. [15]

Ngày nay, hầu như tất cả các dòng sông, các kênh rạch đều có sự hiện diện của Lục bình và được xem là một trong những loài ngoại lai nguy hiểm.

Một phần của tài liệu nghiên cứu thành phần loài và sự phân bố thực vật ở một số vùng đất ngập nước của huyện đức huệ, tỉnh long an (Trang 76 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)