Sự biến động các loài thực vật theo mùa

Một phần của tài liệu nghiên cứu thành phần loài và sự phân bố thực vật ở một số vùng đất ngập nước của huyện đức huệ, tỉnh long an (Trang 57 - 60)

Có sự biến động khá lớn về các loài thực vật giữa mùa mưa và mùa khô. Vào mùa mưa số lượng loài phong phú hơn, sự sống diễn ra mạnh mẽ hơn so với mùa khô.

Mùa mưa đất có ẩm độ cao nhiều loài thực vật ưa ẩm bắt đầu phát triển mạnh như Vòi voi (Heliotropium indicum), É lớn đầu (Hyptis rhomboidea), Tô liên rẫy (Torenia polygonoides), Màn đất (Lindernia antipoda),… mọc khắp bờ ao, bờ mương, các vùng đất ẩm thấp.

Mùa mưa cũng là mùa ra hoa kết trái của hầu hết các loài thực vật, phổ biến là họ Hòa thảo Poaceae và họ Lác Cyperaceae. Nhưng cũng có một số loài ra hoa vào mùa nắng như Cà na (Elaeocarpus hygrophilus); Hoàng đầu ấn (Xyris indica),…. Trong quá trình đi thực tế (dọc theo kênh xáng ấp 1, 2 xã Mỹ Bình) chúng tôi đã gặp những cánh đồng Hoàng đầu ấn nở hoa vàng rực.

Hình 3.18. Bobo Coix aquatica Roxb.. Nga. A - Dạng sống, B - Cụm hoa

Mùa lũ với mực nước ngập sâu, số loài thực vật giảm đi một cách rõ rệt. Nhiều loài đã chết đi nhưng cũng có rất nhiều loài thực vật sống được qua lũ nhờ có những cơ chế thích nghi: [22]

• Các loài thực vật thủy sinh nổi như Lục bình (Eichhornia crassipes), Bèo tai chuột (Salvinia cucullata) hay các loài thủy sinh chìm Kim ngư (Ceratophyllum demersum), Nhĩ cán vàng (Utricularia aurea),…trôi nổi trong nước nên có thể tồn tại được cả trong mùa mưa và mùa khô.

• Một số loài thân có thể dài ra theo mực dâng của nước nên vẫn có thể tồn tại qua mùa lũ như Lúa trời (Oryza rufipogon), Cỏ ống (Panicum repens), Cỏ bắc (Leersia hexandra), Năng ngọt (Eleocharis dulcis),…

• Một số loài khác như Cỏ mồm mỡ (Hymenachne amplexicaulis), Nghễ (Polygonum tomentosum), Cỏ bobo (Coix aquatica), Rau dừa nước (Ludwigia adscendens),… có thể kết thành bè nổi.

• Một số lớn các loài thực vật ở đây là các loài nhất niên có thể hoàn tất chu trình sống trong mùa khô trước khi nước lũ dâng cao.

Khi lũ dâng cao, các loài cây thân thảo và các loài lác là hai nhóm đối tượng có số lượng giảm đi đáng kể, nhưng lại xuất hiện vài loài mới như Súng trắng (Nymphaea pubescens), Điên điển hoa vàng (Sesbania cannabina), Lá hẹ (Blyxa aubertii),…

Hình 3.19.Thực vật kết thành bè nổi trên sông A - Quần thể Nghễ, B - Quần thể Rau dừa nước

Ở các thủy vực thấp (ruộng, bờ ao, bờ mương) rất nhiều loài thực vật hầu như không còn sống sót sau lũ như: Rau mương (Ludwigia octovalvis), Rau dệu (Alternanthera sessilis), Rau bợ (Marsilea quadrifolia), Màn đất (Lindernia antipoda), Rau đắng (Bacopa monnieri), Rau sam (Portulaca oleracea), Rau má (Centella asiatica), các loài lữ đằng (Lindernia ssp), một số loài u du (Cyperus ssp),…

Khi lũ rút dần khỏi đồng thì Nhĩ cán vàng (Utricularia aurea) và Rau mác bao (Monochoria vaginalis), Súng trắng (Nymphaea pubescens),… là những loài xuất hiện trở lại sớm nhất và chiếm ưu thế. Trong khi đó, số lượng loài của các cây thân gỗ và dây leo không có sự thay đổi đáng kể trong mùa lũ cũng như trong mùa khô, chúng chỉ giảm sức sống khi lũ đến và phát triển mạnh trở lại khi lũ đi qua.

B A

Khi lũ rút hẳn khỏi ra khỏi đồng, đất trở nên khô ráo hơn khi đó các loài thực vật chết trong lũ trước đó như Cỏ chỉ (Cynodon dactilon), Cú cơm (Cyperus halpan), Cỏ đẳng tán (Fuirena umbellata), Cỏ cháo (Fuirena umbellata), Cỏ chác (Fimbristylis miliacea),… phát triển trở lại nhờ hạt hoặc căn hành nằm trong đất.

Vào mùa khô, số lượng và số loài thực vật giảm đi đáng kể, nhất là các loài ưa ẩm. Các thực vật thủy sinh chìm hoặc nổi có diện tích thu hẹp lại chỉ còn trong các sông, rạch và các bưng, đìa.

Sự biến động theo mùa thành phần thực vật bậc cao khá quan trọng. Số loài thực vật giảm đi rõ rệt trong mùa lũ, thành phần loài cũng thay đổi nhiều giữa hai mùa. Thành phần các loài Cói và loài Thân thảo giảm đi rất nhiều trong mùa lũ, trong khi các nhóm dạng sống khác không có biến động lớn.

Một phần của tài liệu nghiên cứu thành phần loài và sự phân bố thực vật ở một số vùng đất ngập nước của huyện đức huệ, tỉnh long an (Trang 57 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)