Kết quả thử nghiệm sinh sản nhân tạo cá mặt quỷ

Một phần của tài liệu Nghiên cứu bổ sung một số đặc điểm sinh học sinh sản, giá trị dinh dưỡng nguồn gen và thử nghiệm sinh sản nhân tạo cá mặt quỷ (synanceia verrucosa bloch schneider, 1801) (Trang 56 - 67)

3.3.4.1. Kiểm tra quá trình thành thục sinh dục

Chọn từ 32 con cá đạt kích thước thành thục sinh dục thu được từ quá trình nuôi vỗ để phục vụ cho thử nghiệm sinh sản nhân tạo. Lựa chọn cá cái khỏe mạnh, bơi lội linh hoạt, bụng to tròn và lỗ sinh dục ửng hồng, cá đực thân hình thon dài, khỏe mạnh, lỗ sinh dục ửng hồng để kiểm tra mức độ thành thục sinh dục.

Đối với cá đực, vuốt nhẹ bụng gần phần phụ sinh dục thấy có sẹ màu trắng đục chảy ra là được. Đối với cá cái tiến hành thăm trứng để kiểm tra mức độ thành thục. Khi kiểm tra cá cái, cho cá vào cáng hoặc vợt để cá không quẫy, lật ngửa hướng bụng cá lên trên, dùng ống nhựa mềm đường kính 1mm đưa vào lỗ sinh dục cá sâu khoảng 2 - 3cm, hút nhẹ lấy sản phẩm sinh dục để kiểm tra. Đối với cá cái thành thục sinh dục, trứng có màu vàng nhạt, hạt trứng tròn đều, rời nhau là đạt. Kết quả kiểm tra thành thục năm 2014 cho thấy có 8 con cá đực và 20 con cá cái thành thục, đủ điều kiện cho việc thử nghiệm sinh sản nhân tạo.

Hình 3.12. Tiến hành kiểm tra mức độ thành thục ở cá mặt quỷ

3.3.4.2. Kích thích sinh sản

- Kích thích sinh sản bằng phương pháp tạo dòng chảy và thay đổi mực nước: Sau khi kiểm tra thấy cá đã thành thục sinh dục chúng tôi tiến hành cho cá vào 2 bể đẻ và kích thích sinh sản bằng phương pháp tạo dòng chảy mạnh và thay đổi mực nước nhưng cả 2 phương pháp kích thích này cá đều không đẻ. Cá mặt quỷ sống và thành thục ở biển sâu, sống vùi, ít di chuyển, môi trường nước tương đối ổn định, ít chịu ảnh hưởng của thủy triều và cá không di cư vào vùng triều để sinh sản. Do đặc tính tính này nên có thể hai phương pháp kích thích trên không có tác dụng đối với quá

- Kích thích sinh sản bằng các chất kích dục tố:

Hiện có ba loại kích dục tố đã được thử nghiệm và thành công trong việc kích thích sinh sản một số loài cá biển đó là: HCG, LHRH_A, não thùy cá chép. Tuy nhiên, trong đề tài nghiên cứu này chúng tôi chỉ thực hiện kích thích sinh sản bằng LHRH_A kết hợp với Domperidone. Chúng tôi đã thực hiện 3 đợt nghiên cứu với 5 lần kích thích cho đẻ khác nhau, với điều kiện môi trường trong quá trình sinh sản cá mặt quỷ thể hiện qua bảng 3.13.

Bảng 3.13. Các yếu tố môi trường trong quá trình sinh sản nhân tạo cá mặt quỷ Đợt kích thích sinh sản Nhiệt độ (0C) pH Độ mặn Sáng Chiều Sáng Chiều Đợt 1 27 28,5 7,9 8,1 31 Đợt 2 Lần 1 26,5 28 8,0 8,2 32 Lần 2 27 28 8,0 8,1 32 Đợt 3 Lần 1 27 28,5 7,9 8,2 30 Lần 2 27 28 8,0 8,2 30

Kết quả theo dõi các yếu tố môi trường trong các đợt thí nghiệm sinh sản nhân tạo cá mặt quỷ cho thấy nhiệt độ nước dao động từ 26,5 - 280C, pH dao động từ 7,9 - 8,2. Độ mặn dao động từ 30 - 32‰. Việc giữ các yếu tố môi trường ổn định, không biến động trong suốt quá trình thí nghiệm là yếu tố rất quan trọng cho quá trình sinh sản nhân tạo cá biển nói chung và cá mặt quỷ nói riêng.

3.3.4.3. Kết quả sinh sản nhân tạo cá mặt quỷ bằng LHRH_A

Kết quả của 3 đợt thử nghiệm sinh sản nhân tạo cá mặt quỷ được thể hiện trong bảng 3.14.

Bảng 3.14.Kết quả thử nghiệm sinh sản nhân tạo cá mặt quỷ Chỉ tiêu Đợt 1 (tiêm 1 lần) Đợt 2 TN1 (tiêm 1 lần) Đợt 2 TN2 (tiêm 2 lần) Đợt 3 TN1 (tiêm 1 lần) Đợt 3 TN2 (tiêm 2 lần) Giới tính (số cá) ♀(4) ♂(2) ♀(2) ♂(1) ♀(3) ♂(2) ♀(2) ♂(2) ♀(2) ♂(2) Khối lượng (kg) 6,2 2,6 3,5 1,4 4,2 3 3,8 2,8 4 2,9 Liều lượng/kg 100µg + 5mg DOM liều lượng 1/2 cá cái 80µg + 5mg DOM liều lượng 1/2 cá cái 80µg + 5mg DOM liều lượng 1/2 cá cái 50µg + 5mg DOM liều lượng 1/2 cá cái 50µg + 5mg DOM liều lượng 1/2 cá cái Khối lượng cá cái tham gia sinh sản (kg) 0 1,6 2 3,8 2,4 Tổng số trứng thu được (trứng) 0 370.000 400.000 684.000 500.000 Sức sinh sản thực tế (Trứng/kg cá cái) 0 230.000 200.000 180.000 210.000 Đường kính trứng trung bình (mm) chưa xác định 1,46 ± 0,15 1,48 ± 0,14 1,51 ± 0,13 1,50 ± 0.13 Thời gian hiệu ứng thuốc (giờ) 38 41 42 45 47 Trứng thụ tinh 0 bắt gặp 0 bắt gặp 0 bắt gặp Có bắt gặp có bắt gặp

Bảng 3.14 cho thấy, trong đợt thử nghiệm sinh sản lần đầu tiên (5/5/2014) với liều lượng LHRH_A là 100µg + 5mg DOM cá không sinh sản. Theo ghi nhận của chúng tôi, 12 giờ sau khi tiêm cơ thể cá cái bắt đầu trương to, cá đực không có biểu hiện bên ngoài. Sau 24 giờ kể từ lúc tiêm cá cái trương lên rất lớn và hoàn toàn không sinh sản. Sau 24 giờ tiếp theo cá yếu dần và chết 4/6 con tham gia thí nghiệm. Nhận định ban đầu, có thể do liều lượng tiêm cao quá mức hoặc kỹ thuật tiêm chưa đảm bảo dẫn đến cá bị chết. Tiến hành giải phẫu cá chết nhận thấy một số bộ phận nội tạng cá trương lên, hoại tử, nâng cao nhận định trong thí nghiệm đợt 1 với liều lượng 100µg + 5mg DOM tiêm cho cá là quá cao.

Để khắc phục vấn đề ở thí nghiệm đợt 1 trong đợt thứ 2 (02/07/2014) chúng tôi tiến hành 2 thử nghiệm đồng thời với liều lượng thấp hơn 20% so với đợt 1 (80µg + 5mg DOM). Một thí nghiệm sử dụng phương pháp tiêm 1 lần, và 1 thí nghiệm tiêm 2 lần với liều lượng như nhau.

- Ở thí nghiệm 1 (tiêm 1 lần): Sau khoảng thời gian 12 giờ từ lúc tiêm thuốc cá đực vẫn chưa có biểu hiện thành thục, không bắt cặp, bụng cá cái bắt đầu trương to. Sau 41 tiếng kể từ lúc tiêm 1 con cá mặt quỷ cái khối lượng 1,6 kg bắt đầu đẻ, cá cái khối lượng 1,9 kg bụng trương to nhưng cá không đẻ. Sức sinh sản thực tế đạt 230.000 trúng/kg cá cái, đường kính trứng trung bình 1,46 ± 0,15mm. Thời gian hiệu ứng thuốc là 41 tiếng. Tuy nhiên trứng không thụ tinh.

- Ở thí nghiệm 2 (tiêm 2 lần): Sau thời gian hiệu ứng 24 giờ cá đực không có biểu hiện thành thục, vẫn nằm im dưới đáy bể, không có hiện tượng bắt cặp cùng cá cái. Cá cái chưa có hiện tượng rụng trứng. Chúng tôi tiến hành tiêm liều thứ 2 bằng liều lượng tiêm lần thứ nhất. Sau 18 tiếng kể từ lúc tiêm kích dục tố lần thứ 2 cá cái khối lượng 2kg bắt đầu đẻ. Sức sinh sản thực tế đạt 200.000, đường kính trứng trung bình 1,48 ± 0,14mm. Trứng không thụ tinh. Kiểm tra cá đực thấy có 1 con cá mặt quỷ đực có tinh trùng khá tốt chúng tôi tiến hành vuốt tinh trùng vào bể để tăng khả năng thụ tinh với trứng, tuy nhiên, kiểm tra trứng trên kính hiển vi vẫn chưa bắt gặp trứng thụ tinh. Sau 2 ngày tiếp theo 1 cá cái và 1 cá đực trong thí nghiệm 2 yếu dần và chết.

Hình 3.13. Tiêm LHRH_A cho cá

Nhận định ban đầu về đợt thử nghiệm thứ 2 là liều lượng tiêm cho cá vẫn khá cao, một số cá cái vẫn bị trương bụng nhưng không sinh sản, đồng thời cá yếu dần và

chết những ngày sau đó. Cá cái sinh sản (rụng trứng) nhưng trứng không thụ tinh có thể do liều LHRH_A cao làm cho trứng chín sớm nên mất khả năng thụ tinh trước khi cá sinh sản. Cá đực với liều 40µg + 5mg DOM vẫn khá cao, dẫn tới việc cá yếu, dù chất lượng tinh trùng khá tốt nhưng lại lệch pha so với cá cái.

Tổng kết rút ra các vấn đề còn tồn đọng ở hai đợt thử nghiệm sinh sản đầu, chúng tôi thực hiện đợt thử nghiệm thứ 3 (05/09/2014) với 2 thí nghiệm. Lần này, chúng tôi thử nghiệm với liều lượng kích dục tố LHRH_A là 50µg + 5mg DOM đối với cá cái, liều lượng của cá đực bằng 1/2 cá cái. Sử dụng 2 thí nghiêm tiêm 1 lần và tiêm 2 lần.

- Ở thí nghiệm 1 (tiêm 1 lần): Sau khoảng thời gian 36 giờ kể từ lúc tiêm, cá cái có biểu hiện bụng trương to, cá đực có hiện tượng bơi lội. Sau 45 tiếng kể từ lúc tiêm cá bắt đầu đẻ. Thu trứng và quan sát trên kính hiển vi bắt gặp trứng phát triển ở giai đoạn 2 tế bào, 4 tế bào, tiếp tục tiến hành quan sát nhưng không thấy trứng phát triển các giai đoạn tiếp theo. Sức sinh sản thực tế là 180.000 trứng/kg cá cái, đường kính trứng đạt 1,51 ± 0,13.

Hình 3.14: Trứng thụ tinh.

- Ở thí nghiệm 2 (tiêm 2 lần): Sau khi kích thích cá 24 giờ quan sát thấy cá cái chưa có hiện tượng rụng trứng, cá đực không có biểu hiện thành thục, chúng tôi tiến hành tiêm liều thứ 2 với liều lượng bằng liều đầu tiên. Kết quả sau 23 giờ kể tức lúc tiêm liều thứ 2 cá bắt đầu đẻ, quan sát trên kính hiển vi bắt gặp một số trứng ở giai đoạn 4 tế bào. Sức sinh sản thực tế đạt 210.000 trứng/kg cá cái, đường kính trứng đạt 1,50 ± 0.13mm.

Như vậy, sau ba đợt thử nghiệm sinh sản nhân tạo cá mặt quỷ có thể rút ra một số kết luận ngắn:

+ Bước đầu thành công trong thử nghiệm sinh sản nhân tạo khi bắt gặp trứng thụ tinh và phát triển ở giai đoạn 4 tế bào. Với liều lượng 50µg + 5mg DOM/kg đối với cá cái đã đem lại kết quả khác biệt so với hai đợt thử nghiệm trước đó.

+ Có thể sử dụng phương pháp tiêm 1 lần hoặc 2 lần tùy vào mức độ thành thục sinh dục của cá.

+ Sức sinh sản thực tế trung bình đạt 215.000 trứng. Đường kính trứng trung bình đạt 1,48mm.

Hình 3.15. Đo đường kính trứng

Năm 2012, Nguyễn Cao Lộc cho biết một số kết quả về thử nghiệm sinh sản nhân tạo cá mặt quỷ, tác giả cho biết đã kích thích cá mặt quỷ cái sinh sản thành công với liều lượng LHRH_A là 100µg + 5mg DOM/kg cá cái, tuy nhiên không có trứng thụ tinh [11]. Như vậy, kết quả thu được lần này bước đầu đã có sự tiến triển so với các nghiên cứu trước đây về sinh sản nhân tạo cá mặt quỷ, khi đã có trứng thụ tinh và phát triển đến giai đoạn 4 tế bào. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm trong thời gian dài hơn với số lượng nhiều hơn nữa mới mong thu được các kết quả trong thử nghiệm sinh sản nhân tạo loài cá này.

CHƯƠNG 4: KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT Ý KIẾN 1. Kết luận: (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

(1) Thu được một kết quả trong việc phân tích giá trị dinh dưỡng nguồn gen: Kết quả điều tra các đại lý hải sản tại ba tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận cho thấy, sản lượng cá mặt quỷ đánh bắt trong tự nhiên hiện còn rất thấp ước đạt 9.472-14.952kg với giá trị dao động 6.630-10.467 triệu đồng.

Kết quả phân tích thành phần sinh hóa trong thịt cá từ 30 mẫu cá mặt quỷ cho thấy, thành phần các chất Protein (18,37%±0,49%), lipit (8,82%±0,41%), các axit amin (147.534,26±2.351,32 mg/kg) và axit béo (80,21%±4,77%) có trong thịt cá là rất cao so với một số loài cá khác như cá Bớp, cá Hồi, cá Thu chấm hay cá Trắm cỏ.

(2) Đã phân biệt được cá đực, cái dựa vào hình dạng bên ngoài đối với cá mặt quỷ đạt kích thước thành thục.

(3) Nuôi vỗ thành công đàn cá mặt quỷ thuần dưỡng bằng hai hệ thống nước chảy và nước tĩnh với tỷ lệ sống đạt 30 - 60%, tỷ lệ thành thục với cá đực dao động 33.3% - 50%, tỷ lệ thành thục đối với cá cái đạt 18,2% - 50%. Tỷ lệ sống và tỷ lệ thành thụ trong các đợt nuôi vỗ ở hai mô hình không khác nhau.

(4) Kích thích cá mặt quỷ sinh sản thành công với hai liều lượng tiêm LHRH_A (80µg + 5mg DOM/kg cá cái và 50µg + 5mg DOM/kg cá cái) , hai hình thức tiêm (tiêm 1 lần và tiêm 2 lần). Với liều lượng 50µg + 5mg DOM/kg cá cái đã thu được trứng thụ tinh và phát triển đến giai đoạn 4 tế bào. Cá mặt quỷ trong thí nghiệm sinh sản nhân tạo được lấy hoàn toàn từ đàn cá nuôi vỗ.

2. Đề xuất ý kiến:

- Tiếp tục nghiên cứu các đặc điểm sinh học sinh sản của cá mặt quỷ trong đó chú trọng đến việc nghiên cứu các giai đoạn phát triển của tuyến sinh dục đực cái, nhằm phục vụ tốt hơn cho sinh sản nhân tạo.

- Thử nghiệm các hình thức nuôi vỗ khác, với các loại thức ăn và hình thức cho ăn, bổ sung các loại vitamin, nhằm nâng cao tỷ lệ sống và tỷ lệ thành thục trong việc nuôi vỗ đàn cá mặt quỷ.

- Thử nghiệm sinh sản nhân tạo với các loại chất kích dục tố khác, cũng như tiếp tục với LHRH_A để có thể thu được những kết quả khả quan hơn trong sinh sản nhân tạo.

- Có các đánh giá chuyên sâu hơn về thành phần dinh dưỡng thịt cá, nghiên cứu về thành phần độc dược, tạo cơ sở cho các công trình về bảo tồn giá trị dinh dưỡng nguồn gen loài cá này trong tình hình hiện nay khi sản lượng cá khai thác liên tục sụt giảm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO Tài liệu tiếng Việt:

1. Nguyễn Tường Anh, 1999. Một số vấn đề về nội tiết học sinh sản cá. Nhà xuất bản Nông nghiệp. 238 trang.

2. Bộ Thủy sản, 1996. Các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn vệ sinh thủy sản.

Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội. 500 trang.

3. Lục Minh Diệp, 2009, Hiện trạng và triển vọng nghề nuôi cá biển ở Việt Nam và trên thế giới: trang 4 - 12. Chuyên đề Nghiên cứu sinh, Trường Đại học Nha Trang, 2009.

4. Võ Thế Dũng, Lê Thị Thu Hương, Võ Thị Dung, 2011. Một số đặc điểm sinh học sinh sản cá mặt quỷ thu được ở khu vực Nam Trung Bộ. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, số 10/2011. Trang 68-74.

5. Võ Thế Dũng, Nguyễn Cao Lộc, Lê Thị Thu Hương, Võ Thị Dung, Phạm Quốc Hùng, 2012. Thử nghiệm sinh sản nhân tạo cá mặt quỷ. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Số 09/2012. Trang 81-85.

6. Võ Thế Dũng, Võ Thị Dung, Dương Văn Sang, Nguyễn Tiến Thành, Huỳnh Ngọc Hoàng Trang, 2014. Một số kết quả đánh giá bước đầu về giá trị dinh dưỡng nguồn gen cá Mặt quỷ. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, số 18/2014: 111-114.

7. Lê Thị Hồng Đào, Hà Thị Anh Đào, Nguyễn Thúy Dung. Hàm lượng acid amin trong một số loài cá Việt Nam, http://viendinhduong.vn/research/en/9/28/ham- luong-acid-amin-trong-mot-so-loai-ca-viet-nam.aspx.

8. Nguyễn Văn Hùng, Lê Quý Bôn, Nguyễn Văn Dũng, và Ishibashi Norihita, 2009. Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học sinh sản cá song da báo (Plectropomus leopadus) ở vùng biển Nha Trang, Khánh Hòa. Tuyển tập các công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III giai đoạn 2005-2009, trang 445-453.

9. Nguyễn Duy Hoan và Võ Ngọc Thám, 2000. Nghiên cứu sản xuất thử giống cá chẽm (Lates calcarifer Bloch 1790) tại Khánh Hòa. Báo cáo khoa học. Trường Đại học Nha Trang, Khánh Hòa, 82 trang.

10.Đỗ Văn Khương, Nguyễn Quang Hùng và CTV, 2005. Một vài kết quả nghiên cứu về sản xuất giống và ương nuôi loài cá song mỡ (Epinephelus tauvina).

Tuyển tập các công trình nghiên cứu nghề cá biển, tập III. Nhà xuất bản Nông nghiệp Hà Nội.

11.Nguyễn Cao Lộc, 2012. Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học sinh sản và thử nghiệm sinh sản nhân tạo cá mặt quỷ. Luận văn thạc sỹ Ngành Nuôi trồng Thủy sản, đại hoc Nha Trang.

12.Đỗ Văn Minh và CTV, 2003. Qui trình sản xuất giống cá giò (Rachycentron canadum). Tóm tắt báo cáo Hội nghị khoa học toàn quốc về nuôi trồng thủy sản (24-25/11/2003). NXB Nông nghiệp.

13.Nguyễn Trọng Nho và Tạ Khắc Thường, 2004. Nghiên cứu kỹ thuật ương cá con và kỹ thuật nuôi thương phẩm cá chẽm mõm nhọn (Psammoperca waigiensis Cuvier & Valenciennes, 1828) tại Khánh Hòa. Báo cáo khoa học, Trường Đại học Thủy sản Nha Trang, Khánh Hòa, 89 trang.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu bổ sung một số đặc điểm sinh học sinh sản, giá trị dinh dưỡng nguồn gen và thử nghiệm sinh sản nhân tạo cá mặt quỷ (synanceia verrucosa bloch schneider, 1801) (Trang 56 - 67)