- Bảng 3.9. Nghiên cứu cho thấy ngã chiếm tỉ lệ cao nhất 63,1%, tiếp theo là tai nạn giao thông 14,1%.
+ Kết quả này tương đương với nghiên cứu của Nguyễn Quang Lâm tại huyện Tiên Lữ - Hưng Yên năm 2012[26], ngã chiếm tỷ lệ cao nhất 35,32%, tai nạn giao thông chiếm 17,22%; nghiên cứu của Nguyễn Khắc Sơn và cộng sự tại thành phố Hải Phòng[34], ngã chiếm tỉ lệ cao nhất 40,54%, tai nạn giao thông 14,13%, Đinh Văn Thức và cộng sự tại An Hải thành phố Hải Phòng[37] cho thấy ngã cũng chiếm tỉ lệ cao nhất 38,66%, tai nạn giao thông 12,85%, Phạm Tất Chủ và cộng sự nghiên cứu TNTT ở trẻ em tại Phú Xuyên Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội), trẻ ngã chiếm tỉ lệ cao nhất 33,6%[16].
+ Tai nạn thương tích do ngã chiếm tỉ lệ cao nhất do trẻ hiếu động, lúc còn nhỏ hay chạy, nhảy gây ngã. Khi đến tuổi đi học trẻ chạy nhảy, nô đùa, trèo cây, trèo tường...mặt khác trẻ chưa có ý thức được các nguy cơ gây tai nạn nên có lẽ nguyên nhân xảy ra tai nạn do ngã chiếm tỉ lệ cao nhất.
- Bảng 3.10: Cho thấy ngã cùng độ cao có tỷ lệ cao nhất 76%, ngã khác độ cao chiếm 24%.
+ Kết quả của chúng tôi phù hợp với nghiên cứu của Nguyễn Quang Lâm tại huyện Tiên Lữ - Hưng Yên năm 2012[26], ngã cùng độ cao (56,25%) chiếm tỷ lệ cao hơn ngã khác độ cao (43,75); nghiên cứu của Nguyễn Khắc Sơn và cộng sự tại thành phố Hải Phòng[34], ngã từ trên cao xuống chiếm 44,56%, ngã cùng độ cao chiếm 55,74%.
+ So sánh tỉ lệ tai nạn do ngã ở cùng độ cao ở thị trấn chiếm 74,2% và thuần nông chiếm 76% là tương đương (p >0,05).
- Loại phương tiện gây tai nạn giao thông: Xe đạp là phương tiện gây tỉ lệ tai nạn cao nhất 39,3%, xe máy chiếm 21,4%, các loại phương tiện giao thông khác chiếm tỉ lệ rất ít. Do trẻ còn nhỏ, chưa có ý thức khi đi xe, đạp xe khi sang đường thường không chú ý quan sát, xin đường, đi không đúng phần đường, đi hàng hai, hàng ba, vừa đi vừa nô đùa, đôi khi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, vì vậy cần có sự quan tâm của thầy cô và người lớn trong gia đình.
+ So sánh tỉ lệ phương tiện gây tai nạn giao thông giữa các khu vực nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt.
- Hoàn cảnh gây tai nạn giao thông: Trẻ tự đi xe đạp chiếm 50%, do người khác chở chiếm 17,9%, đang bộ hành chiếm 21,4%, chơi dưới lòng đường chiếm 10,7%; sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p >0,05) (bảng 3.12).
+ Kết quả này tương đương với với nghiên cứu của Nguyễn Quang Lâm tại huyện Tiên Lữ - Hưng Yên năm 2012[26], hoàn cảnh gây tai nạn giao thông do trẻ tự đi xe đạp chiếm 33,3%, người khác chở chiếm 21,79%, đang bộ hành chiếm 17,95%; nghiên cứu của Nguyễn Khắc Sơn và cộng sự tại thành phố Hải Phòng[34] : loại phương tiện gây TNTT do xe đạp chiếm tỉ lệ cao nhất 59,93%, xe máy chiếm 31,77%. Tỉ lệ TNTT do TNGT xe máy gây nên ở khu vực nội thành 43,48%, cao hơn ngoại thành 31,48%. Hoàn cảnh xảy ra tai nạn giao thông do trẻ tự lái chiếm tỉ lệ cao nhất 32,13%.
+ Từ kết quả nghiên cứu cho thấy có thể xe đạp là một trong những phương tiện phổ biến của trẻ em cả thị trấn và thuần nông. Việc chấp hành giao thông không tốt (trẻ hay đi hàng hai, hàng ba, nô đùa trong khi tham gia
giao thông) có thể là nguyên nhân dẫn tới tỉ lệ phương tiện gây ra TNTT trẻ em là xe đạp chiếm tỉ lệ cao nhất.
+ Tỉ lệ TNTT ở thị trấn cao hơn thuần nông, tỉ lệ phương tiện xe máy gây TNTT ở thị trấn cao hơn khu vực thuần nông, có lẽ do khu vực thị trấn thiếu nơi vui chơi, giải trí, trẻ em thường chơi đùa đá bóng ngoài vỉa hè, lòng đường, mặt khác tỉ lệ xe máy và mật độ giao thông lớn hơn khu vực thuần nông dẫn đến tỉ lệ TNTT ở thị trấn cao hơn thuần nông.
+ Để giảm thiểu nguy cơ TNTT do giao thông có lẽ chúng ta cần tăng cường giáo dục hơn nữa ý thức tham gia giao thông đối với trẻ em và dạy cho trẻ em cách qua đường, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông từ nhỏ để tạo thói quen cho trẻ các kỹ năng phòng chống TNTT khi tham gia giao thông ở cả gia đình, nhà trường và xã hội.
- Bảng 3.13: Kết quả nghiên cứu nhóm nguyên nhân gây bỏng
+ Từ kết quả nghiên cứu cho thấy trong các nhóm nguyên nhân gây bỏng: Nguyên nhân gây bỏng do lửa là 01 trường hợp chiếm 7,1%, do chất lỏng/dung dịch nóng chiếm 57,1%, do các vật nóng chiếm 35,7%; sự khác nhau giữa khu vực thị trấn và khu vực thuần nông không có ý nghĩa thống kê (p>0,05).
+ Trong gia đình mỗi người cần có ý thức, chủ động có các biện pháp bảo vệ cho trẻ như nơi để phích nước trên cao ngoài tầm với của trẻ hoặc trong hộp an toàn, nồi cơm, nồi canh, siêu nước nóng,... để cách xa trẻ. Không sai trẻ lấy nước nóng từ các phích, dọn cơm không để mâm cơm, canh nóng gần tầm tay trẻ mà cần có người trông giữ trẻ.
- Bảng 3.14: Có 3/3 trường hợp đuối nước xảy ra ở hồ ao và có 1 trường hợp tử vong.
Từ kết quả trên có thể thấy tai nạn do đuối nước chiếm tỷ lệ thấp nhưng lại có nguy cơ tử vong cao. Vì vậy cha mẹ cần có ý thức hơn trong việc dạy
bảo trẻ em tránh xa nơi có nước như sông, ngòi, ao, hồ không có rào chắn, bể, thùng nước không có nắp đậy… Mặt khác nên dạy trẻ cách tập bơi kể cả khu vực thị trấn và thuần nông, các địa phương cần chú ý phải có biển báo, rào chắn những nơi có ao, hồ, ngòi, thùng vũng để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra đặc biệt là những trường hợp chết nhiều trẻ cùng một lúc.