Con người bản năng tự nhiên

Một phần của tài liệu Truyện ngắn phạm duy nghĩa từ góc nhìn thể loại (Trang 25 - 28)

7. Cấu trúc của khóa luận

1.2.2.1.Con người bản năng tự nhiên

Nếu trước đây, văn học trong hoàn cảnh chiến tranh né tránh, không đề cập đến con người bản năng và phần bản năng của con người bị chìm xuống, dường như bị bỏ quên; thì văn học hôm nay quan tâm nhiều hơn đến những nhu cầu đời thường của cá nhân trong đời sống hàng ngày. Con người trở về đúng với con người cá nhân, với những khát vọng, ham muốn đời thường.

Viết về đề tài miền núi, Phạm Duy Nghĩa cũng chú ý đặc biệt đến phần con người bản năng. Anh viết nhiều về những người giáo viên cắm bản. Họ đã hi sinh đời mình cho sự nghiệp giáo dục, nhưng tận đáy sâu tâm hồn, họ là những con người có những khát khao mãnh liệt về cuộc sống bản năng. Những khó khăn thiếu thốn của cuộc sống hiện tại khiến họ rơi vào trạng thái cô đơn và có cảm giác “thèm người”. Viết về con người bản năng, nhà văn muốn đào sâu vào bản thể con người, anh muốn khẳng định niềm tin vào cái đẹp và phẩm giá con người. Qua đó thể hiện tính nhân văn sâu sắc mà tác giả

gửi gắm trong từng tác phẩm. Thuận (Cơn mưa hoa mận trắng) là cô giáo

vùng xuôi lên Kin Chu Phìn dạy học đã hơn ba năm, xa gia đình, xa chồng

con. Hơn lúc nào hết “ba năm sống cô độc ở Kin Chu Phìn, Thuận đã thấm thía nỗi sợ, nỗi buồn của người giáo viên cắm bản”. Kiên, một giáo sinh tình

nguyện lên dạy xóa mù chữ cho trẻ em người Dao, là chàng trai trẻ đầy lòng say mê, nhiệt huyết, tràn đầy lí tưởng và cũng một lòng chung thủy trong tình yêu. Cái nghèo đẩy họ ở cùng một gian nhà tranh ọp ẹp, không gian riêng tư

là hai chiếc giường kê cách nhau một sải tay, họ phải vượt qua, phải nín nhịn cái cảm giác “thèm người” chân thật đến giản dị. Trong khoảng không gian chật hẹp đó đã xảy ra cuộc đấu tranh nội tâm, sự giằng xé quyết liệt, dữ dội

của cả Kiên và Thuận. “Từ ngày có Kiên làm bạn, nỗi cô đơn của Thuận vơi đi một nửa. Nhưng về đêm, những khoảng thiếu hụt chưa được khỏa lấp càng nứt sâu thêm. Nó như cái lỗ thủng đói khát mở ra thăm thẳm, đen ngòm. Chị thèm chồng, thèm con” [14, 211]. Có lúc tưởng như chị không cưỡng lại được những ham muốn bản năng, “chị sẽ đổ ập xuống chiếc giường bên kia như một cây chuối rừng bật rễ. Sẽ bứt xé điên cuồng. Sẽ vỡ òa sóng sánh…”. Nhưng rồi “chị sững lại khi liếc nhanh xuống khoảng tối ở hai chiếc giường, cái khoảng trống lúc này nom sâu hoắm, đen ngòm như một lỗ huyệt…”.

Thuận đã chiến thắng những ham muốn đời thường dù nó không dễ vượt qua,

bởi “chị cảm thấy tóc trên đầu đang đổ trắng dần dần. Màu trắng của sự giằng giữ, bảo toàn đến tận cùng, khốc liệt”. Cuộc đấu tranh trong con người

Thuận hằng đêm, giữa một bên là bản năng tự nhiên và một bên là ý thức thánh thiện, càng khẳng định thêm niềm tin vào phẩm chất cao đẹp của con người. Ngòi bút sắc sảo, tinh tế của nhà văn đã chạm tới miền nhạy cảm, khát khao nhất của đàn bà. Đọc xong truyện, người ta tự hỏi cái khoảng tối đen giữa hai chiếc giường trong căn phòng tạm bợ có phải là nơi để cái cao thượng, thanh khiết lưu lại trong lòng người, để câu chuyện trở nên thánh

thiện hơn? Cơn mưa hoa mận trắng cho ta cảm nhận được cuộc đấu tranh lúc

âm thầm lúc sôi nổi, quyết liệt giữa con người bản năng và con người ý thức của những người giáo viên ở nơi tận cùng sơn dã.

Không phải trải qua đấu tranh, giằng xé trong tâm hồn, nhưng Vân

(Tiếng gọi lưng chừng dốc) cũng phải đối mặt với những thử thách của ham

muốn trần tục. Là giáo viên, Vân cũng luôn ý thức về mình, không để cho phần con người bản năng lớn dần theo những ham muốn. Cố giấu, nhưng

càng giấu thì nỗi “thèm người” lại càng trào dâng, Vân không thể ý thức được mình trong mỗi giấc mơ khi đêm về “Có đêm ngủ, nó mê man ôm chặt lấy chị, môi dính vào cổ chị nóng nhễ nhại như than hồng. Chị phải giằng ra”

[13, 16]. Có lúc, không tránh được những cám dỗ của ham muốn trần thế,

Vân đã bị cuốn theo “trò chơi xác thịt” : “Cơ thể em oằn xuống, run rẩy, dường như muốn bứt khỏi tôi. Nhưng một tay em lại siết chặt vào vai tôi. Môi em trượt qua má tôi nóng hổi ướt nhoèn. Tiếng Vân thở gấp gáp, khó nhọc”

[13, 22]. Có lẽ cuộc sống cô đơn quá lâu giữa núi rừng hoang dã, nên có lúc nhân vật của Phạm Duy Nghĩa không giữ được mình. Nhà văn để cho họ vùng vẫy vượt qua những ham muốn của chính mình, để qua đó khẳng định vẻ đẹp tâm hồn, và hơn hết là khẳng định những hi sinh của người giáo viên cắm bản đối với sự nghiệp giáo dục. Nhà văn đã đặt cái đạo đức ngàn năm và dục vọng nhất thời trong môi trường Sư phạm ở nơi biệt lập, heo hút để qua đó, bộc lộ tính cách, chiều sâu tâm hồn của nhân vật và những quan niệm nhân sinh sâu sắc.

Đặt nhân vật vào thử thách của ham muốn trần tục để từ đó khẳng định vẻ đẹp tâm hồn con người, ta không chỉ gặp ở những câu chuyện về người giáo viên được đào tạo trong môi trường Sư phạm, mà ta còn bắt gặp những cô gái điếm, nhưng ở đâu đó trong góc khuất của tâm hồn họ, vẫn thấy lóe

sáng vẻ đẹp nhân cách. Diễm (trong Cô gái xuống ga Vĩnh Yên) là một cô

gái “làm tiền”, nhưng lại có một tâm hồn đẹp, luôn khát khao tình yêu trong sạch, yêu mến văn chương. Chính cô đã từng thú nhận “Em yêu anh vì anh là người có tâm hồn”. Ba ngày ở lại căn phòng của “tôi” – một nhà văn, Diễm và “tôi” ngủ trên một chiếc giường, nhưng cô vẫn không hề vướng bận chuyện trần tục. Dù cho nhân vật “tôi” tìm mọi cách, dùng phép thử xác thịt với mong muốn “gỡ bung tấm mặt nạ và lột trần bản nguyên của cô gái”, nhưng Diễm vẫn nguyên vẹn sau ba đêm chung sống.

Có lúc, nhà văn để nhân vật của mình bất ngờ bị xô dạt về thời tiền sử, trở về cuộc sống thời hồng hoang, sơ khai để thử thách con người bản năng.

Việc con người (bốn nhân vật: tôi, Vui, Thụy và con trai Thụy) có mặt ở Trên đảo, như là cách để khảo sát nhân tính của họ, là cách để bản năng và đức

hạnh có dịp cọ xát, là cơ hội để kiểm nghiệm sự “giáo dục của tự nhiên”… Trước những ham muốn của cuộc sống bản năng đời thường, nhân vật của Phạm Duy Nghĩa dù khó khăn vẫn cố gắng vùng vẫy vượt qua. Phía sau sự tầm thường là tâm hồn trong sáng của con người. Đây là thông điệp quan trọng nhà văn muốn khẳng định trong tác phẩm, thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc và để lại ấn tượng trong lòng độc giả.

Một phần của tài liệu Truyện ngắn phạm duy nghĩa từ góc nhìn thể loại (Trang 25 - 28)