Thực trạng chất lượng rau an toàn hiện nay ở Hà Nội đang là mối quan tâm lớn của người dân. Theo thống kê của Cục an toàn vệ sinh thực phẩm, trong giai đoạn 2000 – 2006 đã có 174 vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể với 14.653 nạn nhân; 97 vụ ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất với 9.898 nạn nhân; 58 vụ ngộ độc thực phẩm trong các trường học với 3.790 cháu bị ngộ độc và 2 chấu bị chết; 161 vụ ngộ độc thực phẩm do thức ăn đường phố với 7.688 người mắc và 7 người chết. Những con số đáng giật mình. Theo kết quả điều tra gần đây của Cục bảo vệ thực vật, số mẫu rau, quả tươi có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chiếm 30 – 60%. Số mẫu rau kiểm tra ở Hà Nội và Hà Tây có hàm lượng asen cao hơn giới hạn cho phép chiếm 22 -33%. 100% mẫu đậu đỗ ở Hà Nội và Hà Tây, 66,6% mẫu rau cải tại TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai có dư lượng vượt giới hạn tối đa cho phép. Một số thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng như Methamidophos vẫn còn dư lượng trong rau. Ngay cả rau ở những nơi bán rau an toàn cũng không đảm bảo: Trong 905 mẫu rau tại các cửa hàng, siêu thị Hà Nội có 65 mẫu không đạt tiêu chuẩn rau an toàn. Kết quả phân tích 90 mẫu rau tại 15 siêu thị cho thấy tỷ lệ nhiễm các loại ký sinh trùng lên đến hơn 94%. Trong đó, 100% các mẫu rau đắng, rau má, xà lách xông, rau gia vị và 92% mẫu xà lách, rau cải, tần ô bị nhiễm ký sinh trùng; thấp nhất là rau muống cũng gần 85%.
Hình 2.6: Người tiêu dùng thiếu mặn mà với rau an toàn
Chi Cục bảo vệ thực vật đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn diều tra đánh giá thực trạng và tiến hành lấy mẫu đất, nước tưới ở 117 xã, phường có sản xuất rau để phân tích các chỉ tiêu về kim loại nặng, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và vi sinh vật. Tình hình nhập lậu một số thuốc ngoài danh mục cho phép tại các cửa khẩu biên giới, hiện vẫn diễn ra phức tạp, chưa quản lý được, nên thuốc không đảm bảo đang tràn vào các tỉnh và Hà Nội, gây khó khăn cho công tác quản lý ở địa phương. Những loại thuốc này đặc biệt nguy hiểm nhất là khi sử dụng trên rau. Thanh tra chuyên ngành bảo vệ thực vật và kiểm dịch thực vật đã tổ chức thanh tra, kiểm tra tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tiến hành lấy mẫu và phân tích 89 mẫu rau tại các vùng sản xuất và trên thị trường; kiểm tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thực hiện quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn của 390 hộ dân tại các huyện và quận Hoàng Mai, Long Biên; kiểm tra các cơ sở sản xuất rau trên địa bàn thành phố, đặc biệt tại các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất và sơ chế rau an toàn. Chi cục bảo vệ thực vật đã chủ động phối hợp với các đơn vị chuyên môn kiểm tra 6 siêu thị và 17 cửa hàng kinh doanh rau an toàn trên địa bàn thành phố. Kết quả có 14 cơ sở (chiếm 61%) kinh doanh một số chủng loại rau do người cung ứng rau thu thập ở chợ đầu mối, ở ngoài vùng sản xuất rau an toàn,
không rõ nguồn gốc như: cải bắp, cà chua, cà rốt, đậu trạch… trong đó có cả rau của các nước lân cận để cung ứng cho các cửa hàng, siêu thị. Đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 hợp tác xã sản xuất rau an toàn trên địa bàn huyện Đông Anh. Chi cục quản lý thị trường Hà Nội cho biết cơ quan đã kiểm tra 44 trên tổng số 66 cửa hàng có giấy phép kinh doanh rau an toàn và đã phát hiện 10 điểm không còn hoạt động, chiếm tỷ lệ 22,7%. Hầu hết các điểm còn lại (34/44, chiếm tỷ lệ 77,3%) đều vi phạm quy định về kinh doanh rau an toàn, phổ biến nhất là nguồn gốc rau không rõ ràng, số lượng không tương ứng với phiếu giao nhận… Thậm chí, cơ quan quản lý thị trường quận Hoàn Kiếm còn phát hiện một số cửa hàng đưa rau trôi nổi vào bán trong cửa hàng rau an toàn. Hiện nay người dân đang hoang mang lo sợ về loại thuốc bảo vệ thực vật giúp rau mọc rất nhanh chỉ sau vài ngày. Nguy hiểm hơn nữa lại có sự mập mờ đánh lận con đen giữa rau thường và rau an toàn. Điều này gây mất lòng tin của người tiêu dùng với rau an toàn, đồng thời làm giảm lượng tiêu thụ rau an toàn trong thời gian gần đây. Vấn đề đặt ra là tại sao phải mua rau an toàn trong khi rau an toàn cũng không đảm bảo chất lượng, việc giảm tiêu thụ rau an toàn sẽ là vấn đề tất yếu. Điều đáng nói hiện nay là làm thế nào để người tiêu dùng thật sự tin tưởng vào rau an toàn.
Chi cục bảo vệ thực vật đã phối hợp và tư vấn cho các quận, huyện, doanh nghiệp xây dựng được 3 thương hiệu rau an toàn mang tên Năm Sao, Bảo Hà, Yên Mỹ. Hiện rau Năm Sao chỉ cung cấp cho các bếp ăn, rau an toàn Bảo Hà, Yên Mỹ đang bán thị trường Hà Nội. Đa số rau an toàn vẫn được bán như rau thường, không hề có nhãn mác, khó kiểm tra được chất lượng cho dù các cơ sở cung cấp rau an toàn ở các tỉnh đã đăng ký mã vạch, đã quy hoạch vùng rau an toàn. Chính vì sự lập lờ giữa rau thường và rau an toàn đã kiến người nông dân và người tiêu dùng không mấy mặn mà với rau an toàn.
Hiện đã có một số cơ sở sản xuất đã được chứng nhận sản xuất rau an toàn. Tính đến 20/9/2007, Chi cục bảo vệ thực vật Hà Nội đã tổ chức kiểm tra, thẩm định và cấp được 29 giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn cho 29 cơ sở sản xuất với diện tích 184,7 ha; 8 giấy chứng nhận đủ điều kiện sơ chế rau an toàn cho 8
cơ sở. Sau khi cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, Chi cục bảo vệ thực vật tiếp tục thực hiện công tác hậu kiểm nhằm quản lý, kiểm tra việc áp dụng quy trình sản xuất, sơ chế rau an toàn, lấy mẫu rau kiểm tra đột xuất để đánh giá chất lượng rau an toàn và kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm tại các cơ sở trồng trọt cũng như sơ chế đóng gói. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một phần nhỏ chưa đủ để người tiêu dùng an tâm để sử dụng rau an toàn như một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Sản xuất rau an toàn cần được sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền cũng như các nhà đầu tư.