Bối cảnh hoạt động của SGB trong giai đoạn 2015-2020

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động huy động vốn tại ngân hàng TMCP sài gòn công thương (Trang 88 - 89)

Trong giai đoạn từ nay đến 2020, nền kinh tế trong nước và quốc tế vẫn sẽ có những chuyển biến và đổi mới, kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục đối mặt với những hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính như vấn đề nợ công, lạm phát, thất nghiệp…. Cán cân quyền lực kinh tế-chính trị thế giới đang biến đổi do sự suy yếu của các nước lớn như Mỹ, Anh, Đức…và sự phát triển mạnh mẽ của các nước Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ. Khu vực ASEAN với những lợi thế về địa thế và con người đang trở thành điểm hẹn đầu tư của nhiều công ty tài chính, nhiều quỹ đầu tư lớn quốc tế.

Nền kinh tế nước ta cũng sẽ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Các chính sách thắt chặt tiền tệ, thắt chặt chi tiêu công, thúc đẩy sản xuất trong nước, hạn chế tình trạng nhập siêu sẽ tiếp tục được duy trì. Tuy nhiên, với quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân, nền kinh tế đang dần ổn định trở lại, mối lo lạm phát được đẩy lùi, hoạt động sản xuất kinh doanh có điều kiện tiếp tục phát triển, đầu tư gia tăng, kinh tế tăng trưởng nhanh và dần vững chắc. Tới năm 2020, nước ta cơ bản sẽ trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, chính trị-xã hội ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao.Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước bình quân dự kiến đạt 6,5- 7%/năm, GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3000 USD. Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định hơn sẽ tạo điều kiện cho hoạt động ngân hàng bớt rủi ro, phát triển vững chắc, tiếp tục trở thành trung gian điều chuyển vốn hiệu quả.

Xu hướng chuyển dịch đầu tư quốc tế từ các cường quốc sang các nước mới nổi sẽ thúc đẩy đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ, góp phần tăng trưởng GDP trong nước, tạo điều kiện cho quá trình toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế của

79

nước ta diễn ra sâu rộng và mạnh mẽ. Thêm vào đó, khoa học công nghệ sẽ tiếp tục phát triển nhảy vọt, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao năm 2020 dự kiến đạt khoảng 45% trong tổng GDP.

Trong vài năm sắp tới, bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương. Sự phục hồi của nền kinh tế sẽ là điều kiện tốt để SGB mở rộng hoạt động kinh doanh, nâng cao lợi nhuận. Cụ thể, thu nhập của các cá nhân và doanh nghiệp gia tăng sẽ làm nguồn vốn huy động tiềm năng của Ngân hàng thêm dồi dào. Thị trường chứng khoán phát triển trở lại sẽ là kênh huy động vốn từ phát hành trái phiếu hữu hiệu cho Ngân hàng. Các doanh nghiệp tăng cường hoạt động sản xuất kinh doanh là tiền đề thúc đẩy hoạt động tín dụng, đầu tư sinh lời của Ngân hàng. Bên cạnh đó, hội nhập kinh tế và tiến bộ khoa học công nghệ cũng sẽ tạo cơ hội cho SGB trao đổi, hợp tác, tiếp cận công nghệ mới, tận dụng những kinh nghiệm chuyên sâu hơn về các nghiệp vụ ngân hàng, quản trị ngân hàng, cải thiện chất lượng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng mới.

Tuy nhiên, trước mắt, khi nền kinh tế còn bất ổn, SGB phải đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại. Công tác huy động vốn bị hạn chế, lạm phát tăng cao, hoạt động tín dụng đầu tư bị kìm hãm do các chính sách thắt chặt tiền tệ, tài khoá của Nhà nước. Về dài hạn, cạnh tranh giữa các ngân hàng sẽ ngày càng gay gắt, diễn ra trên mọi góc độ do sự xâm nhập thị trường của các ngân hàng nước ngoài, đòi hỏi Ngân hàng phải không ngừng phát huy những điểm mạnh, khắc phục điểm yếu, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thương trường.

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động huy động vốn tại ngân hàng TMCP sài gòn công thương (Trang 88 - 89)