Sau một quá trình phát triển kể từ khi bắt đầu tiến hành Đổi mới đến nay, khu vực tài chính trong nước đã có những bước tiến dài cả về quy mô và chất lượng. Số lượng các định chế tài chính tham gia thị trường tăng mạnh. Các dịch vụ tài chính ngày càng được mở rộng, hoạt động của các định chế tham gia thị trường tài chính không còn bị kiểm soát chặt chẽ mà từng bước được nới lỏng.
Mở rộng hoạt động cung cấp dịch vụ tài chính cho các thành phần kinh tế và tổ chức tài chính trong và ngoài nước, từng bước chuyển từ hoạt động cung ứng dịch vụ độc quyền của ngành ngân hàng sang thị trường tài chính đa ngành.
Đa dạng hoá các loại hình ngân hàng và TCTD, đó là sự có mặt các loại hình TCTD nước ngoài như chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh với nước ngoài, VPĐD ngân hàng nước ngoài; công ty cho thuê tài chính liên doanh với nước ngoài; công ty cho thuê tài chính 100% vốn nước ngoài ... và theo đó là việc đa dạng hoá các loại hình sở hữu như sở hữu nhà nước, cổ phần, nước ngoài... trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Nâng cao quyền tự chủ của các TCTD: Các TCTD được quyền quyết định về việc cho vay hay không cho vay, có quyền quyết định về các khoản cho vay của mình có cần tài sản bảo đảm hay không cần tài sản bảo đảm, có quyền quyết định về lãi suất tiền gửi, và cho vay...
Bên cạnh các NHTM, nhiều các định chế tài chính phi ngân hàng khác như: quỹ hỗ trợ phát triển và các công ty chứng khoán, bảo hiểm... được thành lập đã tạo thành một mạng lưới tài chính, ngân hàng để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội. Những định chế tài chính phi ngân hàng tuy còn ít nhưng đang được phát triển để cung cấp các dịch vụ tài chính cho nhu cầu ngày càng lớn của một nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Đồng thời, theo lộ trình hội nhập quốc tế, khu vực dịch vụ tài chính sẽ phải mở cửa cho sự cạnh tranh từ bên ngoài. Mặt khác, thành quả kinh tế vĩ mô của Việt Nam, như tăng trưởng GDP cao, môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi, đang thu hút ngày càng nhiều dòng vốn quốc tế đổ vào nội địa.
Số lượng thành viên tham gia thị trường bảo hiểm đã tăng lên nhanh chóng nhờ chính sách từng bước mở cửa thị trường bảo hiểm, làm tăng mức độ cạnh tranh trên thị trường. Sản phẩm bảo hiểm ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Việc tham gia thị trường của những công ty bảo hiểm mới, đặc biệt là các công ty bảo hiểm nước ngoài làm đa dạng hóa và khiến thị trường sôi động hơn. Mở cửa thị trường tạo điều kiện tăng cường trao đổi kiến thức và kỹ năng chuyên ngành, góp phần thúc đẩy năng lực cạnh tranh của các công ty bảo hiểm trong nước. Thị trường bảo hiểm phát triển góp phần đáng kể cho việc phát triển thị trường vốn trong nước. Các doanh nghiệp bảo hiểm có thể trở thành các định chế tài chính trung gian hữu hiệu, nó có chức năng chuyển các nguồn vốn nhàn
rỗi ngắn hạn trong xã hội thành các nguồn đầu tư dài hạn.