Tự do hóa thị trường chứng khoán

Một phần của tài liệu Đánh giá về quá trình tự do hóa tài chính tại việt nam (Trang 25 - 27)

a) Thành tựu:

Cùng với công cuộc đổi mới sâu rộng nền kinh tế, kinh tế Việt Nam đã chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang cơ chế thị trường nhiều thành phần và cùng với đó là hàng loạt các vấn đề không năng động và hiệu quả đối với khu vực các DNNN. Khôi phục lại uy tín của hệ thống ngân hàng và giảm thiểu các khoản chi ngân sách đã trở thành những ưu tiên hàng đầu của chính phủ. Để tăng cường hiệu quả và năng lực tài chính của khu vực các DNNN, Chính phủ đã tiến hành hàng loạt các biện pháp đổi mới khu vực này trong đó có cả chính sách cổ phần hoá các DNNN.

Cùng với các nỗ lực cải cách khu vực DNNN, chính phủ cũng đẩy mạnh công tác phát triển thị trường vốn:

- Năm 1997, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đã được thành lập với nhiệm vụ xây dựng các khung pháp lý cơ bản cho các hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương lai. Khi thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động, ngoài chức năng xây dựng và ban hành các văn bản, thông tư hướng dẫn chi tiết của Pháp lệnh, Nghị định của Chính phủ về chứng khoán và thị trường chứng khoán; xây dựng các chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển của

thị trường thị trường chứng khoán, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước còn có chức năng quản lí giám sát thị trường, đưa ra các quyết định một cách nhanh chóng làm tăng tính ổn định, vững chắc cũng như uy tín của Sơ giao dịch chứng khoán và lòng tin cậy của cộng đồng đầu tư vào thị trường chứng khoán.

- Ngày 20/7/2000, Trung tâm giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức khai trương và mở phiên giao dịch đầu tiên ngày 28/7/2000. Việc thành lập Trung tâm giao dịch chứng khoán Tp. HCM được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý mọi hoạt động giao dịch chứng khoán. Thông qua UBCKNN, các giao dịch được thực hiện trên nguyên tắc công khai thông tin, đảm bảo công bằng, an toàn và hiệu quả.

- Theo các qui định hiện hành, các nhà đầu tư nước ngoài đều được phép tham gia có giới hạn vào TTCK Việt Nam vừa với tư cách của nhà đầu tư và cũng vừa với tư cách của một trung gian tài chính.

- Theo các qui định của Nghị định số 48/1998/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 1998 của chính phủ về chứng khoán và thị trường chứng khoán và quyết định số 139/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của các bên nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài được phép nắm giữ tối đa 20% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của tổ chức phát hành, chứng chỉ quỹ đầu tư của một quỹ đầu tư chứng khoán và/hoặc 40% tổng số trái phiếu đang lưu hành của một tổ chức phát hành. Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã được phép nắm giữ tối đa 30% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của tổ chức phát hành. Các tổ chức kinh doanh nước ngoài muốn kinh doanh chứng khoán tại Việt Nam phải thành lập Công ty liên doanh với đối tác Việt Nam theo giấy phép do Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cấp. Tỷ lệ góp vốn của bên nước ngoài trong công ty chứng khoán liên doanh tối đa là 30%.

Trước đó, mặc dù chưa có các qui định cụ thể về sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào TTCK thì đã có một số nhà đầu tư nước ngoài thông qua các quỹ đầu tư, bên cạnh việc đầu tư vào một số hạng mục công trình ở Việt Nam, cũng đã tiến hành đầu tư vào các cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam với một tỷ lệ tối đa cho phép là 30% theo qui định của Pháp lệnh ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính ngày 23/5/1990. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào các đợt phát hành trái phiếu có thể chuyển đổi và cổ phiếu của một số công ty được cổ phần hoá đã cho thấy thị trường vốn của Việt Nam cũng có một tiềm năng lớn dưới con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài.

b) Bất cập:

Nhìn chung, các qui định về mức độ tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào TTCK. Việt Nam hiện nay là hợp lý, thể hiện quan điểm thận trọng của Chính phủ đối với việc tham gia

của các nhà đầu tư nước ngoài vào một khu vực thị trường tương đối nhạy cảm và ở một chừng mực nào đó thì kinh nghiệm của chúng ta trên thị trường này vẫn gần như là một con số không.

Đặc biệt, trong bối cảnh hàng loạt các nước trong khu vực có nền kinh tế bị điên đảo sau cơn bão của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ mà một trong những nguyên nhân chính là sự bất lực của chính phủ các nước trước việc ngăn cản luồng vốn đầu tư danh mục của các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt rút khỏi thị trường cũng là một bài học kinh nghiệm quý báu mà Việt Nam cần phải lưu ý trong việc xây dựng lộ trình tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo qui định, một pháp nhân nước ngoài chỉ được phép nắm giữ 10% cổ phiếu của một DNNN cổ phần hoá cũng cần phải được xem xét hoặc cần phải mở rộng giới hạn để tạo điều kiện thu hút thêm nhiều định chế đầu tư tiềm năng từ nước ngoài. Kinh nghiệm nước ngoài cho thấy, ở các nước khu vực trước thời kỳ khủng hoảng tài chính, có khống chế giới hạn tỷ lệ cổ phần nắm giữ của nước ngoài 49% nhưng sau khủng hoảng đã mở rộng lên đến 100%. Như vậy, mức độ tự do hoá cao hơn nhiều và đó chính là điều kiện để thu hút vốn nước ngoài thuận lợi hơn.

Một phần của tài liệu Đánh giá về quá trình tự do hóa tài chính tại việt nam (Trang 25 - 27)