Một số PPDH phức hợp theo hướng tích cực

Một phần của tài liệu thiết kế giáo án điện tử phần hiđrocacbon lớp 11 chương trình nâng cao theo hướng dạy học tích cực (Trang 31 - 38)

1.3.4.1. Dạy học nêu vấn đề

- Dạy học nêu vấn đề – ơrixtic là một trong những hướng đổi mới và phối hợp các phương pháp dạy học: Dạy học nêu vấn đề – ơrixtic (dạy học đặt và giải quyết vấn đề) không phải là một phương pháp dạy học riêng biệt mà là một tập hợp nhiều phương pháp dạy học liên kết chặt chẽ với nhau và tương tác với nhau, trong đó phương pháp xây dựng tình huống có vấn đề và dạy học sinh giải quyết vấn đề giữ vai trò trung tâm, gắn bó các phương pháp dạy học khác trong tập hợp. Dạy học nêu vấn đề có khả năng thâm nhập vào hầu hết các phương pháp dạy học khác và làm cho tính chất của chúng trở nên tích cực hơn.

- Bản chất của dạy học nêu vấn đề – Ơrixtic: là đặt ra trước học sinh các vấn đề của khoa học và mở ra cho các em những con đường để giải quyết vấn đề đó.

Như vậy, khi áp dụng dạy học nêu vấn đề thì tính chất cơ bản của hoạt động dạy là “xây dựng tình huống có vấn đề”, còn của hoạt động học là “tìm tòi phát hiện ơrixtic”.

- Dạy học nêu vấn đề chú trọng rèn luyện cho học sinh giải quyết các vấn đề học tập; góp phần nâng cao tính tích cực tư duy, phát triển trí thông minh; hình

thành cho các em phương pháp tư duy khái quát và năng lực giải quyết vấn đề do cuộc sống đặt ra sau này.

- Tình huống có vấn đề: Quá trình học tập bắt đầu mở đầu bằng giai đoạn giáo viên tập hợp tài liệu hoặc tổ chức quan sát để học sinh thấy mâu thuẫn giữa cái đã biết và cái chưa biết. Thật ra các mâu thuẫn đó bao giờ cũng tồn tại khách quan nhưng không phải lúc nào học sinh cũng nhận ra nó. Khi học sinh đã nhận ra mâu thuẫn đó và biến mâu thuẫn khách quan đó thành thắc mắc chủ quan của mình, nghĩa là mâu thuẫn đó tồn tại trong ý nghĩ của họ dưới dạng bài toán cần được nhận thức thì đó chính là vấn đề học tập. Vậy, tình huống có vấn đề là trạng thái mà khi đó có mâu thuẫn khách quan của bài toán nhận thức được học sinh chấp nhận như một vấn đề học tập mà họ cần và có thể giải quyết được, kết quả là họ nắm được tri thức mới.

- Tình huống có vấn đề gồm 3 yếu tố:

+ Kiến thức mới sẽ được khám phá trong tình huống có vấn đề.

+ Việc giải quyết vấn đề đặt ra sẽ gây ra nhu cầu muốn biết kiến thức mới. + Phù hợp với khả năng của học sinh.

- Những trường hợp thường làm xuất hiện tình huống có vấn đề:

+ Tình huống có vấn đề xuất hiện khi có sự không phù hợp giữa những kiến thức mà học sinh đã có với những sự kiện mà họ gặp phải trong quá trình hình thành kiến thức mới – tình huống không phù hợp, nghịch lí.

+ Tình huống có vấn đề xuất hiện khi học sinh phải chọn trong số những con đường có thể có ra một con đường duy nhất đảm bảo cho việc giải quyết các nhiệm vụ được đặt ra ; ở đây có khi học sinh phải xây dựng giả thuyết và đưa ra đề nghị nhằm giải quyết một vấn đề nào đó – tình huống lựa chọn.

+ Tình huống có vấn đề xuất hiện khi học sinh đụng chạm với những điều kiện mới của thực tế khi ứng dụng những kiến thức của mình – tình huống ứng dụng.

+ Tình huống có vấn đề xuất hiện khi học sinh phải phân tích để tìm ra nguyên nhân của một kết quả để trả lời cho câu hỏi tại sao – tình huống nhân quả.

- Quy trình dạy học sinh giải quyết một vấn đề học tập: gồm 8 bước + Bước 1: đặt vấn đề, làm cho học sinh hiểu rõ vấn đề.

+ Bước 2: phát biểu vấn đề, cụ thể hoá các ý cần giải quyết. + Bước 3: xác định phương hướng giải quyết, nêu giả thuyết. + Bước 4: lập kế hoạch giải theo giả thuyết.

+ Bước 5: thực hiện kế hoạch giải.

+ Bước 6: đánh giá việc thực hiện kế hoạch giải. Nếu xác nhận giả thuyết đúng thì chuyển sang bước 7, nếu sai thì quay trở lại bước 3 chọn giả thuyết khác.

+ Bước 7: kết luận về lời giải. Giáo viên chỉnh lý bổ sung và chỉ ra kiến thức cần lĩnh hội.

+ Bước 8: Kiểm tra lại và ứng dụng kiến thức vừa thu được.

1.3.4.2. Phương pháp grap dạy học

- Định nghĩa grap nội dung dạy học: Grap nội dung dạy học là sơ đồ phản ánh trực quan tập hợp những kiến thức chốt (cơ bản, cần và đủ) của một nội dung dạy học và cả logic phát triển bên trong của nó.

- Nguyên tắc xây dựng grap nội dung dạy học: gồm các bước cụ thể sau (còn gọi là algorit của việc lập grap nội dung dạy học)

+ Bước 1 – Tổ chức các đỉnh : Chọn kiến thức chốt tối thiểu, cần và đủ. Mã hóa chúng, có thể dùng ký hiệu quy ước. Đặt chúng vào đỉnh trên mặt phẳng.

+ Bước 2 – Thiết lập các cung : Nối các đỉnh với nhau bằng các mũi tên để diễn tả mối liên hệ phụ thuộc giữa các đỉnh, phản ánh được logic phát triển nội dung.

+ Bước 3 – Hoàn thiện grap : Làm cho grap được mô hình hóa về cấu trúc logic và giúp học sinh lĩnh hội dễ dàng nội dung đó, đảm bảo mỹ thuật trình bày.

- Tính năng của grap:

+ Tính khái quát: khi nhìn vào grap ta sẽ thấy được tổng thể của các kiến thức, logic phát triển của vấn đề và các mối liên hệ giữa chúng.

+ Tính trực quan: thể hiện ở việc sắp xếp các đường liên hệ , việc bố trí các hình khối.

+ Tính hệ thống: dùng grap có thể thể hiện được trình tự kiến thức của chương, logic phát triển của kiến thức thông qua các trục chính hoặc các nhánh chi tiết của logic và tổng kết được các kiến thức chốt và những kiến thức có liên quan. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

+ Tính súc tích: grap cho phép dùng các kí hiệu, qui ước viết tắt ở các đỉnh nên đã nêu lên được dấu hiệu bản chất nhất của các kiến thức, loại bỏ những dấu hiệu thứ yếu của khái niệm.

- Ưu điểm của phương pháp grap: Grap có ưu thế tuyệt đối trong việc mô hình hóa cấu trúc của các hoạt động từ đơn giản đến phức tạp, từ quy mô nhỏ đến vĩ mô. Đó là do ngôn ngữ của grap vừa có tính trực quan – cụ thể vừa có tính khái quát – trừu tượng. Trong mỗi hoạt động bao giờ cũng có mặt tĩnh (là cấu trúc của nó) và mặt động (là logic phát triển của hoạt động, là sự triển khai của nó theo thời gian, qua các bước hành động). Grap có khả năng diễn đạt rất thành công cả hai mặt tĩnh và động của hoạt động. Nó cho phép quy hoạch các hoạt động phức tạp, dựng nên sơ đồ của cấu trúc logic của hoạt động, trong đó diễn tả hệ thống các nhiệm vụ - mục tiêu của hoạt động, các công đoạn triển khai, đi theo các con đường khác nhau từ lúc khởi đầu đến lúc kết thúc hoạt động.

- Các hình thức – mức độ sử dụng phương pháp grap dạy học: Có 6 hình thức khác nhau tùy mức độ cao – thấp của kỹ năng sử dụng grap của trò:

+ Thứ nhất: Giáo viên giảng và triển khai nội dung grap cho toàn bài. + Thứ hai: dùng phương pháp grap cho một phần của bài giảng.

+ Thứ ba: Giáo viên cho trước một nội dung grap thiếu, học sinh tự lực hoàn chỉnh nó.

+ Thứ tư: Học sinh xây dựng grap nội dung dựa vào những sơ đồ câm và những câu hỏi gợi ý của giáo viên.

+ Thứ năm: Bài giảng được tiến hành dựa trên grap nội dung do học sinh tự lập trước ở nhà.

+ Thứ sáu: Học sinh tự lập grap cho bài học dựa vào sách giáo khoa và hệ thống câu hỏi của giáo viên. Sau đó tổ chức đàm thoại, cuối giờ giáo viên đưa ra grap mẫu.

- Một số dạng grap dạy học: + Grap ôn tập chương. + Grap bài tập.

+ Grap xây dựng nội dung bài học. + Grap ứng dụng.

+ Grap hệ thống hóa kiến thức.

1.3.4.3. Phương pháp algorit dạy học

- Khái niệm algorit dạy học: Algorit là bản ghi chính xác tường minh tập hợp những thao tác sơ đẳng, đơn trị theo một trình tự nhất định để giải quyết bất kì vấn đề nào thuộc cùng một loại hay kiểu.

- Tính năng của phương pháp algorit:

+ Tính xác định: những mệnh lệnh thực hiện, những thao tác ghi trong algorit là đơn trị, xác định, tương ứng với những thao tác dạy học sơ đẳng, ai cũng thực hiện đúng, dễ dàng và như nhau.

+ Tính đại trà: chỉ algorit hóa những hoạt động lặp đi lặp lại nhiều lần, mang tính đại trà, phổ biến, thuộc cùng một thể loại nào đó như giải bài toán, thí nghiệm, lắp ráp dụng cụ hóa học, …

+ Tính hiệu quả: nếu sử dụng phương pháp algorit chác chắn sẽ chỉ dẫn tới thành công, xác suất đạt kết quả của nó về lí thuyết p= 12

- Các kiểu algorit dạy học

+ Algorit nhận biết: Kết quả của algorit loại này là sự phán đoán đối tượng x thuộc về loại A.

+ Algorit biến đổi: Tất cả những algorit không phải là algorit nhận biết thì đều là algorit biến đổi.

- Ba khái niệm cơ bản của tiếp cận algorit:

+ Mô tả algorit: Phát hiện ra cấu trúc của hoạt động và mô hình hoá cấu trúc của hoạt động.

+ Bản ghi algorit: Bản ghi algorit có chứa một chức năng điều khiển, mách bảo cho chúng ta biết phải hành động như thế nào, theo logic nào, phải bắt đầu từ đâu, qua những bước gì và đi đến đâu.

+ Quá trình algorit của hoạt động: Dựa trên sự hướng dẫn khách quan của bản ghi algorit , người giải bài toán chỉ việc chấp hành chính xác những mệnh lệnh trong bản ghi đó và đi tới đáp số một cách chắc chắn. Đó là quá trình algorit của hoạt động.

- Lợi ích của phương pháp algorit trong việc dạy học môn hoá học:

+ Có ý nghĩa rất lớn đối với việc hình thành phương pháp chung của tư duy khoa học và của hoạt động có mục đích có kế hoạch.

+ Giúp học sinh tư duy khái quát hợp lý. Có phương pháp suy nghĩ, phương pháp làm việc trong đó quy định rõ các việc cần tiến hành theo một trình tự chặt chẽ để hoàn thành công việc.

+ Giúp học sinh biết suy nghĩ logic theo một trình tự nhất định, có ý thức, biết tôn trọng những quy tắc đã định.

+ Giúp giáo viên hình thành được các phương pháp giải bài toán, thực hành thí nghiệm, “dạy học chương trình hóa” một cách hệ thống, trọng tâm.

1.3.4.4. Phương pháp sử dụng trò chơi (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Đây là phương pháp thu hút được sự chú ý của học sinh, tạo ra nhiều niềm vui và sự hòa đồng trong tập thể lớp.Có nhiều hình thức trò chơi có thể bắt chước sử dụng trong dạy học, đồng thời giáo viên cũng có thể sáng tạo ra những trò chơi mới, quan trọng là phải phù hợp với nội dung dạy học và điều kiện dạy học. Tuy nhiên, phương pháp này lại tốn nhiều thời gian, công sức chuẩn bị nên cũng không thể áp dụng rộng rãi, chỉ nên áp dụng ở những tiết ôn tập, luyện tập hay trong các hoạt động ngoại khóa mà thôi.

1.3.4.5. Dạy học chương trình hóa

- Khái niệm: Dạy học chương trình hóa là một kiểu dạy mà nội dung dạy học được sắp xếp theo một chương trình trên cơ sở của nguyên tắc điều khiển hoạt động nhận thức, có tính toán đến đầy đủ khả năng tiếp thu tốt nhất của học sinh.

Trong dạy học chương trình hóa, nhiều chức năng dạy học đã được trao cho một chương trình dạy. Giáo viên không can thiệp trực tiếp vào quá trình học tập của học sinh mà các em tự lực làm việc theo sự chỉ dẫn của chương trình dạy đó.

- Những đặc điểm của dạy học chương trình hóa:

+ Sự khách quan: một số chức năng dạy được giao cho chương trình dạy đảm nhiệm nên đã hạn chế được yếu tố chủ quan nếu việc dạy được thực hiện bởi giáo viên.

+ Sự điều khiển: quá trình lĩnh hội của từng học sinh sẽ diễn ra đúng theo algorit dạy, ghi trong chương trình dạy và do chương trình dạy điều khiển.

+ Liên hệ nghịch: trong chương trình dạy, ứng với mỗi động tác cơ bản đều có ghi lời đánh giá , mỗi học sinh sau khi thực hiện động tác đó có thể tự kiểm tra xem mình làm đúng hay sai trước khi bước sang một động tác tiếp theo.

1.3.4.6. Dạy học cộng tác trong nhóm nhỏ

- Thiết kế bài lên lớp theo dạy học cộng tác trong nhóm nhỏ: Giáo viên chia lớp thành một số nhóm nhỏ có tính chất tạm thời. Số lượng và trình độ học lực của học sinh trong nhóm được lựa chọn theo mục đích và phương pháp dạy học của giáo viên. Căn cứ vào mục đích yêu cầu của bài lên lớp mà giáo viên xác định mục đích chung của các nhóm. Giáo viên giao cho mỗi nhóm nhiệm vụ giống nhau hoặc khác nhau để cùng thực hiện trong một thời gian nhất định. Nhiệm vụ mà giáo viên giao cho mỗi nhóm có thể cụ thể đến từng thành viên trong nhóm, mỗi thành viên phải tự lực hoàn thành nhiệm vụ của mình để báo cáo kết quả với nhóm, rồi cả nhóm sẽ phối hợp, trao đổi để đi đến kết quả chung của cả nhóm.

- Ưu điểm của phương pháp học tập theo nhóm

+ Phương pháp này đã chuyển trách nhiệm “phải chiếm lĩnh được kiến thức” sang cho người học, từ đó phát huy tính tích cực chủ động của người học.

+ Học tập theo nhóm bao giờ cũng sôi nổi. Nó tạo cơ hội cho học sinh sử dụng các phương pháp, các nguyên tắc và từ vựng được dạy. Các học sinh nhút nhát

không dám phát biểu trước lớp sẽ có môi trường được động viên để tham gia xây dựng bài.

+ Các hoạt động nhóm mang trong nó cơ chế tự sửa lỗi và học sinh dạy lẫn nhau, theo đó các lỗi hiểu sai đều được giải đáp trong bầu không khí thoải mái bạn bè.

+ Hoạt động nhóm cũng mang lại cho học sinh cơ hội thuận lợi để làm quen với nhau, khơi dậy sự gắn bó tập thể, đặc biệt là khi có yếu tố cạnh tranh giữa các nhóm.

+ Hoạt động nhóm của học sinh cũng giúp giáo viên có cơ hội tận dụng ý kiến và kinh nghiệm của người học.

+ Hoạt động theo nhóm sẽ giúp cải thiện quan hệ giữa các học viên với nhau, tạo cho lớp học một bầu không khí tin cậy và khuyến khích hơn, xây dựng cho người học thái độ tích cực đối với giờ học, do đó sẽ giúp làm tăng hiệu quả giảng dạy của giáo viên.

- Hạn chế của phương pháp học tập theo nhóm:

+ Nhóm đi chệch hướng (khi một thành viên trong nhóm hướng cuộc thảo luận theo ý riêng của mình).

+ Một số học sinh ỷ lại thụ động không chịu tham gia thảo luận. + Lớp học quá ồn ào làm ảnh hưởng đến những lớp bên cạnh. + Việc thảo luận chiếm quá nhiều thời gian của cả tiết học.

+ Học sinh không có sự chuẩn bị trước nên không có đủ thông tin để thảo luận.

Một phần của tài liệu thiết kế giáo án điện tử phần hiđrocacbon lớp 11 chương trình nâng cao theo hướng dạy học tích cực (Trang 31 - 38)