Những ưu điểm:
• Phương pháp này khá đơn giản để phân tích. Theo đó, các công ty có cùng rủi ro về sản
phẩm, khu vực địa lý, rủi ro kinh doanh, đặc điểm tài chính... phải có cùng mức giá.
• Phương pháp này sử dụng dữ liệu thực tế. Kết quả ước lượng giá trị công ty từ phương
pháp này dựa trên giá cổ phiếu hoặc giá các giao dịch thực tế chứ không phải dựa trên một số giả định hoặc dựa vào phán đoán hoàn toàn của nhà định giá như phương pháp tiếp cận thu nhập.
• Phương pháp này tương đối đơn giản để áp dụng. Phương pháp định giá dựa trên cơ sở
thu nhập đòi hỏi phải dựa trên một mô hình toán học cụ thể để chiết khấu dòng lợi ích trong tương lai của doanh nghiệp về hiện tại. Trong khi, phương pháp tiếp cận thị trường đưa ra các ước tính về giá trị doanh nghiệp từ các chỉ số tài chính tương đối đơn giản từ một nhóm các công ty tương đồng.
• Phương pháp này tính đến giá trị của tất cả tài sản đang hoạt động của một doanh nghiệp. Đây là một trong những lợi thế của phương pháp này so với phương pháp tiếp
cận tài sản. Sử dụng phương pháp tiếp cận tài sản, tất cả tài sản và nợ phải trả của một doanh nghiệp phải được xác định trong đó có giá trị của cả tài sản hữu hình và tài sản vô hình mà nhiều tài sản vô hình có thể không xuất hiện trên bảng cân đối kế toán. Ví dụ như các tài sản được ghi nhận ngoại bảng như tên thương mại, nhượng quyền thương mại, quyền phát minh, sáng chế và lợi thế thương mại. Đây là một trong những lý do mà phương pháp tiếp cận tài sản thường không được sử dụng để đánh giá các doanh nghiệp
đang hoạt động, mà là các doanh nghiệp trên cơ sở thanh lý trong đó giá trị của các tài sản vô hình này có thể nhỏ hoặc bằng không.
• Phương pháp này không dựa vào các dự báo rõ ràng. Đây là lợi thế của phương pháp này so với phương pháp định giá dựa trên cơ sở thu nhập. Cách tiếp cận thu nhập đòi hỏi các giả định được sử dụng trong việc ước lượng dòng tiền dự kiến của doanh nghiệp hay tài sản ở tương lai. Cách tiếp cận thị trường không đòi hỏi nhiều giả định như vậy mà chỉ cần ước lượng được tốc độ tăng trưởng của công ty để sử dụng trong mô hình bội số.
Những nhược điểm:
• Không tồn tại một công ty tương đồng nào tương đồng hoàn toàn với công ty mục tiêu.
Đây có thể là lý do lớn nhất mà phương pháp này không được sử dụng trong định giá. Nhà định giá có thể không thể tìm thấy các công ty tương đồng có đầy đủ các điều kiện tương đồng với công ty mục tiêu. Điển hình trên thực tế có một số công ty rất bất thường hoặc đa dạng ngành nghề kinh doanh đến mức không có các công ty tương đồng nào tương đồng.
• Dữ liệu được thu thập không đầy đủ từ các nguồn thông tin có sẵn trên thị trường. Mặc dù có thể có một số thông tin, nhưng không đủ để đưa ra các dấu hiệu cho nhà định giá thì phương pháp định giá này cũng không được sử dụng.
• Hầu hết các giả định quan trọng đều bị ẩn. Trong số những giả định quan trọng của phương pháp này là tăng trưởng kỳ vọng trong doanh thu hoặc lợi nhuận dự kiến của công ty thì thường là khó có thể đánh giá và nhận biết chính xác trên thị trường. Khác với cách tiếp cận thu nhập thì tốc độ tăng trưởng này thường được đưa ra dưới dạng các giả định của nhà định giá thì trong phương pháp tiếp cận thị trường sẽ không có giả định rõ ràng về tốc độ tăng trưởng của công ty mục tiêu. Do đó, sự tăng trưởng tiềm ẩn của công ty mục tiêu sẽ là một hàm của tốc độ tăng trưởng được đưa vào giá của các công ty tương đồng để từ đó làm cơ sở đưa ra giá trị của công ty mục tiêu. Các giả định quan trọng khác như rủi ro dự kiến và lợi nhuận kỳ vọng cũng không được nêu rõ.
Phương pháp tiếp cận thị trường không linh hoạt như các phương pháp tiếp cận khác.
Không giống như phương pháp tiếp cận thu nhập, trong phương pháp tiếp cận thị trường thì nhà định giá rất khó để nắm bắt các đặc tính hoạt động riêng biệt của công ty mục tiêu. Ví dụ, một sự thay đổi trong các sản phẩm hiện hữu của công ty dẫn đến lợi nhuận trong tương lai cao hơn, điều này thường không dễ dàng đưa vào phân tích theo phương pháp tiếp cận thị trường bởi vì không có công ty tương đồng nào có thể có thay đổi sản phẩm theo cách tương tự. Ngoài ra, các giá trị hợp lực khi công ty vừa thực hiện thâu tóm công ty khác của công ty mục tiêu có thể không có tác động trực tiếp vào việc phân tích.
Để ước tính được giá trị doanh nghiệp trong hai trường hợp này cần phải có sự kết hợp của phương pháp tiếp cận thị trường và thu nhập lại với nhau hoặc nhà định giá sẽ phải sử dụng sự đánh giá chuyên môn để điều chỉnh giá trị của các tham số được tính toán từ các công ty tương đồng. Hơn nữa, phương pháp thị trường thường không dùng để đánh giá một số tài sản vô hình cụ thể ví dụ như danh sách khách hàng, quyền bảo đảm thế chấp và các hợp đồng không có tính cạnh tranh.