Hiện trạng về trình độ công nghệ

Một phần của tài liệu Quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 (Trang 28 - 30)

Trang thiết bị cơ khí nhìn chung nghèo nàn, lạc hậu, không đồng bộ. Trình độ công nghệ ở các cơ sở sản xuất ngành cơ khí của tỉnh nhìn chung thấp. Ngành cơ khí tỉnh đang trong quá trình từng bước được đầu tư nâng cấp để nâng cao năng lực sản xuất.

4.2. Ngành công nghiệp điện tử

Các nhà máy sản xuất các sản phẩm điện tử trên địa bàn Bắc Giang chủ yếu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được đầu tư trong những năm gần đây. Phần lớn có dây chuyền công nghệ trang bị một số thiết bị cơ khí hóa, bán tự động, nhưng một số công đoạn vẫn sử dụng lao động thủ công. Một số doanh nghiệp như TAEYANG VN,... tỷ lệ tự động hóa khá cao.

4.3. Ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm

Về công nghệ chế biến rau quả xuất khẩu: toàn tỉnh hiện có 13 doanh nghiệp chế biến rau quả xuất khẩu. Thời gian vừa qua các doanh nghiệp này đã không ngừng đầu tư đổi mới công nghệ, kỹ thuật nhằm tạo ra các sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Tuy nhiên một số công đoạn sản xuất của các đơn vị này vẫn là thủ công, năng suất và chất lượng sản phẩm chưa cao.

Về công nghệ sản xuất giấy: trên địa bàn có nhà máy giấy Xương Giang thuộc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bắc Giang mới được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2007, sử dụng công nghệ sản xuất giấy in, giấy viết hiện đại của Trung Quốc. Sản phẩm của Công ty được đánh giá có chất lượng tương đương sản phẩm cùng loại nhập ngoại.

Về công nghệ chế biến nông, lâm sản-thực phẩm khác: Phần lớn có trang thiết bị đơn giản, công nghệ lạc hậu, đa số vẫn sử dụng lao động thủ công.

4.4. Ngành công nghiệp hóa chất

Công nghiệp hoá chất của tỉnh chủ lực là Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên phân đạm và hoá chất Hà Bắc đã phục vụ tốt các nhu cầu cho sản xuất nông, lâm nghiệp trong và ngoài tỉnh và nhu cầu hoá chất cho sản xuất. Dây chuyền sản xuất Urê tương đối ổn định, trình độ thao tác và áp dụng công nghệ mới của dự án cải tạo kỹ thuật đã thành thục hơn, hạn chế được nhiều sự cố.

Phần sản xuất plastic đến nay có cả cơ sở trong nước và nước ngoài chuyên tái chế nhựa.

4.5. Ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng

Bắc Giang chưa có cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng nào sử dụng công nghệ cao. Tuy nhiên đã có một số cơ sở tiếp cận được với một số công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng trung bình tiên tiến trong nước, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và hạn chế ô nhiễm môi trường, cụ thể như:

- Sản xuất xi măng bằng công nghệ lò đứng của Trung Quốc, cơ giới hóa gần 100%, tự động hóa 30%. Hiện trên địa bàn có Nhà máy xi măng Hương Sơn đang trong quá đầu tư chiều sâu, chuyển sang sản xuất theo công nghệ lò quay hiện đại.

- Sản xuất gạch nung bằng dây chuyền đồng bộ có lò tuy nen.

- Sản xuất vật liệu chịu lửa samốt trên dây chuyền đồng bộ: máy ép 700 tấn, lò sấy nung liên hợp.

- Sản xuất sứ vệ sinh cao cấp (Khu công nghiệp Song Khê – Nội Hoàng). - Khai thác cát sỏi bằng tàu cuốc 30 m3/ngày và hút bằng máy bơm ly tâm 20 m3/ngày.

4.6. Ngành công nghiệp dệt may, da giầy

Công nghệ may: không quá phức tạp và vốn đầu tư cho trang thiết bị cắt may không quá lớn, nên phần lớn các doanh nghiệp may xuất khẩu trên địa bàn đều được trang bị dây chuyền thiết bị tiên tiến so với khu vực và thế giới.

Lĩnh vực công nghiệp dệt do suất đầu tư lớn, công nghệ phức tạp và đòi hỏi nhiều yếu tố đặc thù khác nên chưa phát triển. Dệt chủ yếu có trên địa bàn là tồn tại dưới hình thức dệt thủ công ở các vùng dân tộc ít người.

4.7. Ngành công nghiệp khai thác mỏ

Thiết bị, công nghệ khai thác, chế biến lạc hậu, ít được đổi mới; Công suất khai thác thực tế đa phần thấp hơn so với công suất thiết kế, sản lượng khai thác hàng năm không ổn định, thị trường không đa dạng.

Hình thức khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh hiện nay bằng hai phương pháp là khai thác hầm lò và có một phần khai thác lộ thiên:

Phương pháp khai thác hầm lò: Phần lớn các mỏ áp dụng phương án lò bằng và lò nghiêng. Khai thác bằng thủ công kết hợp khoan nổ mìn, thoát nước bằng bơm điện. Về vận tải sản phẩm được đưa lên xe gòong chuyển từ bên trong hầm ra phía bên ngoài; sau đó dùng ôtô tải chuyển tới bãi tập kết, khu vực chế biến; có một số ít đơn vị vận chuyển sản phẩm bằng băng tải đến nơi tập kết để tiêu thụ.

Phương pháp khai thác lộ thiên: Chủ yếu các mỏ áp dụng phương pháp thủ công kết hợp khoan nổ mìn và dùng các loại máy xúc, xe ô tô tải để khai thác và vận chuyển đến nơi tập kết để chế biến.

Một phần của tài liệu Quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 (Trang 28 - 30)