- Áp dụng pháp luật
1. Khái niệm ý thức pháp luật
Ý thức pháp luật là tổng thể những học thuyết, tư tưởng, quan điểm, quan niệm thịnh hành trong xã hội, thể hiện mối quan hệ của con người đối với pháp luật hiện hành, pháp luật đã qua và pháp luật cần phải có, thể hiện sự đánh giá về tính hợp pháp hay không hợp pháp trong hành vi xử sự của con người, cũng như trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội.
Ý thức pháp luật có 2 đặc trưng cơ bản:
Thứ nhất, ý thức pháp luật là một hình thái ý thức xã hội vì vậy nó luôn chịu sự quy định của tồn tại xã hội.
Thứ hai, ý thức pháp luật là hiện tượng mang tính giai cấp. Thế giới quan pháp lý của một giai cấp nhất định được quy định bởi vị trí của giai cấp đó trong xã hội. Mỗi quốc gia chỉ có một hệ thống pháp luật nhưng tồn tại một số hệ thống ý thức pháp luật. Về nguyên tắc chỉ có ý thức pháp luật của giai cấp thống trị mới được phản ánh đầy đủ vào trong pháp luật.Trong chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích cơ bản giữa giai cấp công nhân, nông dân và các tầng lớp lao động khác là thống nhất với nhau, do đó ý thức pháp luật xã hội chủ nghĩa có tính thống nhất cao. Sự thống nhất đó thể hiện ở những tư tưởng, quan điểm về bản chất, chức năng, vai trò và những giá trị xã hội của pháp luật xã hội chủ nghĩa, về sự đánh giá hành vi và về tình cảm, thái độ đối với pháp luật xã hội chủ nghĩa.