Chủ thể vi phạm pháp luật

Một phần của tài liệu Ôn thi cao học trường kinh tế quốc dân (Trang 66 - 70)

- Áp dụng pháp luật

d. Chủ thể vi phạm pháp luật

Chủ thể vi phạm pháp luật là cá nhân, tổ chức có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Khi truy cứu ttrách nhiệm pháp lý nếu chủ thể hành vi trái pháp luật là cá nhân phải xác định người đó có năng lực trách nhiệm pháp lý ttrong trường hợp đó hay không, muốn vậy phải xem họ đã đủ độ tuổi theo quy định của pháp luật phải chịu trách nhiệm pháp lý trong trường hợp đó hay chưa? Khả năng nhận thức và điều khiển hành vi trong trường hợp đó như thế nào? Còn đối với chủ thể là tổ chức phải chú ý tới tư cách pháp nhân hoặc địa vị pháp lý của tổ chức đó.

Ở mỗi loại vi phạm pháp luật đều có cơ cấu chủ thể riêng, chúng ta sẽ xem xét tỷ mỷ trong từng ngành khoa học pháp lý cụ thể.

Câu 44. Phân biệt mối quan hệ giữa vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý?

Vi phạm pháp luật là cơ sở để truy cứu trách nhiệm pháp lý. Mọi hiện tượng vi phạm pháp luật đều có hại cho xã hội vì nó phá vỡ trật tự pháp luật, nó trực tiếp hoặc có nguy cơ gây ra những thiệt hại nhất định về vật chất và tinh thần cho Nhà nước, tổ chức xã hội và các cá nhân, xâm hại đến các quan hệ xã hội mà pháp luật

bảo vệ. Chính vì thế việc Nhà nước truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với các chủ thể vi phạm pháp luật là nhằm bảo vệ chế độ xã hội, quyền làm chủ của nhân dân bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích của nhân dân, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, tạo điều kiện cho những quan hệ xã hội phát triển đúng hướng, đảm bảo cho quá trình điều chỉnh pháp luật được tiến hành bình thường và có hiệu quả. Ngoài tác dụng trừng phạt, truy cứu trách nhiệm pháp lý còn có ý nghĩa rất lớn trong việc phòng ngừa, cải tạo và giáo dục những chủ thể vi phạm pháp luật (ngăn ngừa sự tiếp tục vi phạm pháp luật của chủ thể và cải tạo, giáo dục chủ thể ý thức tôn trọng, thực hiện pháp luật nghiêm minh). Truy cứu trách nhiệm pháp lý còn có tác dụng răn đe tất cả những người khác khiến họ phải kiềm chế giữ mình không vi phạm pháp luật, giáo dục ý thức tôn trọng và thực hiện pháp luật nghiêm minh, làm cho mọi người tin tưởng vào công lý, tích cực đấu tranh chống mọi biểu hiện vi phạm pháp luật, từng bước hạn chế và tiến tới loại trừ hiện tượng vi phạm pháp luật ra khỏi đời sống xã hội.

Câu 45. Khái niệm trách nhiệm pháp lí, truy cứu trách nhiệm pháp lí?

Trách nhiệm pháp lý là trách nhiệm của các chủ thể vi phạm pháp luật trước nhà nước, thể hiện ở mối quan hệ đặc biệt giữa nhà nước (thông qua các cơ quan hoặc nhà chức trách có thẩm quyền) với chủ thể vi phạm pháp luật, được các quy phạm pháp luật xác lập và điều chỉnh.

Trách nhiệm pháp lý thể hiện ở sự áp dụng những biện pháp cưỡng chế nhà nước đối với chủ thể vi phạm pháp luật. Thực chất thì trách nhiệm pháp lý là phương tiện để xóa bỏ hiện tượng vi phạm pháp luật xảy ra trong quá trình điều chỉnh pháp luật, bảo đảm cho cơ chế điều chỉnh pháp luật hoạt động bình thường và ngăn chặn những hành vi tương tự như vậy trong tương lai.

Truy cứu trách nhiệm pháp lí là việc áp dụng những biện pháp cưỡng chế (chế tài) đã được quy định trong pháp luật đối với các chủ thể vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, bản thân trách nhiệm pháp lí không phải là sự cưỡng chế mà chỉ là nghĩa vụ phải gánh chịu những biện pháp cưỡng chế do pháp luật quy định. Chủ thể vi phạm pháp luật bị buộc phải thực hiện những biện pháp cưỡng chế được quy định trong các quy phạm pháp luật. Như vậy, về nội dung thì trách nhiệm pháp lí là sự áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với chủ thể vi phạm pháp luật (những tổ chức, cá nhân ở vào những tình huống được nêu trong bộ phận giả định của quy phạm pháp luật) thực hiện các biện pháp cưỡng chế (chế tài) đã được dự liệu trong quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, cũng cần chú ý là có một số biện pháp cưỡng chế nhà nước được áp dụng không liên quan gì tới trách nhiệm pháp lí, nghĩa là nó được áp dụng cả khi không xảy ra vi phạm pháp luật. Chẳng hạn, nhà nước có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế nhằm cách li những người mắc một số bệnh truyền nhiễm; nhà nước có thể áp dụng biện pháp trưng thu, trưng dụng hay trưng mua một số tài sản nào đó khi thấy cần thiết...

Như vậy, trách nhiệm pháp lí là hậu quả bất lợi (sự trừng phạt) đối với chủ thể vi phạm pháp luật, thể hiện ở mối quan hệ đặc biệt giữa nhà nước với chủ thể vi phạm pháp luật, được các quy phạm pháp luật xác lập và điều chỉnh, trong đó chủ thể vi phạm pháp luật phải chịu những hậu quả bất lợi, những biện pháp cưỡng chế được pháp luật quy định.

Câu 46. Phân biệt chế tài và trách nhiệm pháp lí?

- Chế tài là bộ phận của quy phạm pháp luật dự kiến những biện pháp được áp dụng đối với các chủ thể khi chủ thể vi phạm pháp luật. Các biện pháp chế tài được xem như là các biện pháp vừa có tính chất răn đe, phòng ngừa, vừa có giá trị như là những biện pháp để trừng trị đối với chủ thể vi phạm pháp luật.

Chế tài là biện pháp được nhà nước dự liệu để áp dụng đối với các chủ thể không thực hiện đúng những yêu cầu được nêu trong phần quy định của quy phạm pháp luật. Những biện pháp này thể hiện thái độ của nhà nước đối với chủ thể vi phạm pháp luật. Các biện pháp chế tài rất phong phú đa dạng, trong đó chế tài hình sự (hình phạt) là những biện pháp chế tài nghiêm khắc nhất. Chế tài có thể là những biện pháp tác động về vật chất hoặc phi vật chất. Tùy thuộc vào mức độ vi phạm khác nhau mà mức chế tài cũng được dự liệu khác nhau. Đồng thời, tùy thuộc vào từng loại vi phạm pháp luật khác nhau mà biện pháp chế tài được nhà nước áp dụng khác nhau.

Chế tài là một trong những biện pháp cưỡng chế của nhà nước để đảm bảo việc thực hiện pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh những biện pháp cưỡng chế là các chế tài pháp luật được dự kiến để áp dụng đối với các chủ thể vi phạm pháp luật còn có những biện pháp cưỡng chế khác cũng được nhà nước đặt ra để đảm bảo việc thực hiện pháp luật cũng như để răn đe và phòng ngừa vi phạm pháp luật. Các biện pháp cưỡng chế này không phải là chế tài bởi vì chúng không được đặt ra để áp dụng đối với các chủ thể vi phạm pháp luật. Chẳng hạn, biện pháp bắt buộc chữa bệnh, các biện pháp ngăn chặn được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để đảm bảo việc điều tra, truy tố và xét xử trong tố tụng hình sự hoặc các biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng đối với các chủ thể đảm bảo việc xét xử và thi hành án trong lĩnh vực tố tụng dân sự, kinh tế, lao động...

- Trách nhiệm pháp lý là trách nhiệm của các chủ thể vi phạm pháp luật trước nhà nước, thể hiện ở mối quan hệ đặc biệt giữa nhà nước (thông qua các cơ

quan hoặc nhà chức trách có thẩm quyền) với chủ thể vi phạm pháp luật, được các quy phạm pháp luật xác lập và điều chỉnh. Trách nhiệm pháp lý thể hiện ở sự áp dụng những biện pháp cưỡng chế nhà nước đối với chủ thể vi phạm pháp luật.

Có thể thấy: Chế tài là hình thức thực hiện trách nhiệm pháp lý áp dụng đối

với chủ thể vi phạm pháp luật. Chế tài có phạm vi hẹp hơn trách nhiệm pháp lý. Trách nhiệm pháp lý bao quát hơn, còn chế tài là chỉ cái cụ thể, cái riêng. Trách nhiệm pháp lý có thời hạn nhất định, quá thời hạn này thì trách nhiệm pháp lý không xét đến nữa, đối với chế tài sau thì khi xác định được trách nhiệm pháp lý mới áp dụng chế tài để thực hiện trách nhiệm pháp lý đó, chủ thể chịu trách nhiệm pháp lý bị áp dụng chế tài cần thiết tương ứng với hành vi vi phạm...

Câu 47: Phân loại vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý. Phân loại vi phạm pháp luật

Vi phạm pháp luật là hành vi (hành động hoặc không hành động) trái pháp luật và có lỗi do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện, xâm hại tới các quan hệ xã hội được pháp luật xã hội chủ nghĩa bảo vệ.

Trong đời sống xã hội tồn tại nhiều những vi phạm, theo tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội có thể phân vi phạm pháp luật ra làm 2 loại: tội phạm và các loại vi phạm pháp luật khác.

Tiêu chí thứ hai được sử dụng nhiều hơn trong thực tế là dựa vào mối quan hệ giữa vi phạm pháp luật với các ngành luật, chế định pháp luật, ta có:

- Tội phạm ( vi phạm hình sự): là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Chủ thể vi phạm hình sự chỉ là cá nhân.

- Vi phạm hành chính: là hành vi do cá nhân ,tổ chức thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm các quy tắc quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm hình sự và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính.

Chủ thể vi phạm hành chính có thể là cá nhân và cũng có thể là tổ chức. - Vi phạm dân sự: là những hành vi trái pháp luật, có lỗi của các cá nhân, tổ chức có năng lực trách nhiệm dân sự, xâm hại tới các quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân.

Chủ thể vi phạm dân sự có thể là cá nhân cũng có thể là tổ chức.

- Vi phạm kỷ luật nhà nước: là những hành vi có lỗi, trái với những quy chế, quy tắc xác lập trật tự trong nội bộ cơ quan, xí nghiệp, trường học..., nói khác đi, là không thực hiện đúng kỷ luật lao động, học tập, phục vụ được đề ra trong cơ quan, xí nghiệp, trường học đó.

Chủ thể vi phạm kỷ luật có thể là cá nhân, cũng có thể là tập thể và họ phải có quan hệ ràng buộc với cơ quan, đơn vị, trường học... nào đó.

Trách nhiệm pháp lý là một loại quan hệ pháp luật đặc biệt giữa nhà nước (thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền) và chủ thể vi phạm pháp luật, trong đó nhà nước (thông qua cơ quan có thẩm quyền) có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế có tính chất trừng phạt được quy định ở chế tài quy phạm pháp luật đối với chủ thể vi phạm pháp luật và chủ thể đó phải gánh chịu hậu quả bất lợi về vật chất, tinh thần do hành vi của mình gây ra.

Tương ứng với các dạng vi phạm pháp luật là các dạng trách nhiệm pháp lý. Thông thường, trách nhiệm pháp lý được phân loại như sau:

- Phụ thuộc vào các cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng trách nhiệm pháp lý, ta có: trách nhiệm do Toà án áp dụng và trách nhiệm do cơ quan quản lý nhà nước áp dụng.

- Căn cứ vào mối quan hệ của trách nhiệm pháp lý với các ngành luật, ta có: trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự, trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm vật chất.

a. Trách nhiệm hình sự được Toà án áp dụng đối với những người có hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật Hình sự. Chế tài trách nhiệm hình sự là nghiêm khắc nhất trong số các biện pháp trách nhiệm pháp lý khi xem xét ở góc độ chung nhất.

b. Trách nhiêm hành chính chủ yếu do các cơ quan quản lý nhà nước hay nhà chức trách có thẩm quyền áp dụng đối với các chủ thể có hành vi vi phạm hành chính.

c. Trách nhiệm dân sự là loại trách nhiệm pháp lý do Toà án áp dụng đối với các chủ thể vi phạm dân sự.

d. Trách nhiệm kỷ luật là loại trách nhiệm pháp lý áp dụng đối với chủ thể vi phạm kỷ luật, do thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tiến hành.

đ. Trách nhiệm vật chất là loại trách nhiệm pháp lý do các cơ quan, đơn vị... áp dụng đối với cán bộ, công chức, công nhân, người lao động... của cơ quan, đơn vị mình trong trường hợp họ gây thiệt hại về tài sản cho cơ quan, đơn vị.

Câu 48. Khái niệm và đặc điểm của hệ thống pháp luật 1. Khái niệm hệ thống pháp luật

Hệ thống pháp luật là tổng thể các quy phạm pháp luật có mối liên hệ nội tại thống nhất với nhau, được phân định thành các chế định pháp luật, các ngành luật và được thể hiện trong các văn bản do nhà nước ban hành theo những trình tự, thủ tục và hình thức nhất định.

Một phần của tài liệu Ôn thi cao học trường kinh tế quốc dân (Trang 66 - 70)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(75 trang)
w