Hiệu lực của các hình thức pháp luật.

Một phần của tài liệu Ôn thi cao học trường kinh tế quốc dân (Trang 47 - 49)

- Công đoàn Việt Nam

3. Hiệu lực của các hình thức pháp luật.

Hiệu lực của hình thức pháp luật được hiểu là giá trị áp dụng của chúng được xác định trong phạm vi nhất định theo quy định của pháp luật.

Các phạm vi xác định hiệu lực của các hình thức này bao gồm phạm vi về thời gian, về không gian và theo đối tượng tác động của chúng.

Hiệu lực của tập quán pháp được xác định về thời điểm phát sinh về mặt thời gian khi một tập quán chính thức được nhà nước thừa nhận và về mặt không gian ở nơi mà tập quán ấy tồn tại trước khi nó được pháp luật hóa. Thông thường các tập quán sẽ có hiệu lực trong phạm vi (thời gian, không gian, đối tượng) nhất định khi chúng được các chủ thể có thẩm quyền áp dụng để giải quyết vụ việc cụ thể thực tế nào đó.

Đối với tiền lệ pháp, việc xác định hiệu lực dễ dàng hơn bởi thủ tục thừa nhận nó khá rõ ràng và cụ thể. Hiệu lực của một tiền lệ được xác định khi các phán quyết mẫu – sau khi có hiệu lực với vụ việc cần giải quyết, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và thường được đăng công khai trong những tập án lệ.

Do không mang tính khái quát nên án lệ có hiệu lực theo loại vụ việc với phạm vi không gian và đối tượng chịu sự tác động hẹp. Một tiền lệ pháp sẽ không còn hiệu lực khi nó được đưa vào quá trình pháp điển hóa khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.

Hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật là giá trị tác động lên các quan hệ xã hội của văn bản quy phạm pháp luật được xác định trong phạm vi thời gian, không gian và đối tượng nhất định. Như vậy, muốn áp dụng pháp luật phải xác định hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật theo các giới hạn về thời gian, không gian và đối tượng tác động.

Hiệu lực về thời gian của văn bản quy phạm pháp luật là giá trị tác động của văn bản lên các quan hệ xã hội xảy ra được xác định trong phạm vi thời gian kể từ khi phát sinh cho đến khi chấm dứt hiệu lực của văn bản đó.

Thời điểm phát sinh hiệu lực của văn bản thường được xác định trực tiếp trong chính văn bản nhưng có thể dựa vào sự quy định của một văn bản pháp lý khác của chủ thể có thẩm quyền. Nó có thể là văn bản công bố hay văn bản hướng dẫn thi hành. Sự hướng dẫn của các loại văn bản kiểu này thường có thể là chi tiết, cụ thể, trực tiếp chỉ ra thời điểm có hiệu lực của văn bản cần xác định.

Ngoài các cách xác định trên đây, một số văn bản được xác định hiệu lực theo sự quy định chung của pháp luật. Việc quy định như vậy của pháp luật là nhằm để khắc phục tình trạng các văn bản không tự xác định hoặc không có văn bản nào hướng dẫn việc thi hành như đã từng xảy ra trước đây làm cho các chủ thể tiến hành thực thi pháp luật không có căn cứ để xác định hiệu lực của chúng.

Khi một văn bản chấm dứt hiệu lực thì nó sẽ không được áp dụng đối với các vụ việc phát sinh từ thời điểm đó nữa. Thời điểm chấm dứt hiệu lực của văn bản có thể là mặc nhiên khi đến thời điểm mà văn bản đó đã tự quy định là hết hiệu lực hoặc không còn đối tượng áp dụng. Cũng có thể văn bản hết hiệu lực khi có một văn bản thay thế. Văn bản thay thế đó có thể là văn bản cùng loại với văn bản bị thay thế hoặc là văn bản có giá trị pháp lí cao hơn.

Văn bản còn có thể được xác định là hết hiệu lực khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bãi bỏ văn bản đó. Văn bản có thể không chấm dứt toàn bộ hiệu lực trong trường hợp nó chỉ bị sửa đổi, thay thế, hoặc bãi bỏ từng phần. Phần còn lại của nó vẫn tiếp tục có giá trị áp dụng như những trường hợp thông thường khác. Các văn bản hướng dẫn hay quy định chi tiết đối với văn bản hết hiệu lực cũng hết hiệu lực theo văn bản đó. Văn bản bị tạm ngưng hiệu lực khi có quyết định của chủ thể có thẩm quyền cho tạm dừng việc áp dụng văn bản đó cho đến khi có quyết định khôi phục lại hiệu lực của chúng. Nhưng cũng có thể chúng bị mất hiệu lực luôn sau khi bị xác định là văn bản trái pháp luật. Khi đó, thường sẽ có một quyết định hủy bỏ hoặc bãi bỏ của chủ thể có thẩm quyền.

Văn bản còn có hiệu lực trở về trước (hiệu lực hồi tố). Hiệu lực trở về trước của văn bản được hiểu là giá trị tác động của văn bản đối với những vụ việc xảy ra trước khi văn bản đó có hiệu lực. Việc lấy văn bản mới để áp dụng cho các vụ việc như vậy phải có những điều kiện là nó phải được pháp luật quy định và việc áp dụng đó không gây ra tình trạng bất lợi cho người bị áp dụng.

Hiệu lực theo không gian của văn bản quy phạm pháp luật là giá trị tác động của văn bản được xác định theo phạm vi lãnh thổ, vùng hay khu vực. Hiệu lực theo không gian của văn bản thường được văn bản tự xác định hoặc được xác định theo thẩm quyền của cơ quan ban hành văn bản. Theo đó, thông thường các văn bản do cơ quan nhà nước trung ương ban hành có hiệu lực trong phạm vi toàn lãnh thổ. Còn các văn bản do cơ quan nhà nước ở địa phương nào ban hành sẽ có hiệu lực trên phạm vi địa phương đó.

Tuy nhiên, việc xác định hiệu lực về mặt không gian của văn bản không chỉ thuần túy dựa vào những căn cứ trên mà cần phải chú ý đến mối quan hệ giữa nó với các văn bản khác hoặc xem xét trong mối quan hệ với đối tượng tác động.

Trường hợp chia tách hoặc sáp nhập các đơn vị hành chính lãnh thổ thì hiệu lực của văn bản thường được xác định theo phần lãnh thổ trước khi được chia tách hoặc sáp nhập cho đến khi đơn vị hành chính mới ban hành văn bản thay thế.

Hiệu lực theo đối tượng tác động là giá trị tác động của văn bản lên các quan hệ xã hội, trong đó xác định những loại chủ thể nào tham gia vào những quan hệ đó.

Khi xác định hiệu lực theo đối tượng tác động cần xem xét nó trong mối quan hệ với hiệu lực của văn bản về không gian tác động và các văn bản pháp lý khác, nhất là các văn bản có hiệu lực pháp lí cao hơn. Thông thường, hiệu lực theo

đối tượng tác động của văn bản được xác định trực tiếp trong chính văn bản đó. Nếu không, hiệu lực theo đối tượng tác động được xác định trên cơ sở thẩm quyền của cơ quan đã ban hành văn bản. Các văn bản do các cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành thường có hiệu lực đối với hầu hết các chủ thể đang hoạt động trong phạm vi lãnh thổ. Còn các văn bản do các cơ quan nhà nước ở địa phương nào ban hành thì có hiệu lực đối với các chủ thể trong phạm vi địa phương đó. Trong một số trường hợp đặc biệt thì hiệu lực theo đối tượng tác động của văn bản có thể bị thay đổi mà chủ yếu là thu hẹp phạm vi đối tượng do sự hạn chế của văn bản có hiệu lực cao hơn, nhất là các điều ước quốc tế mà quốc gia ban hành văn bản đó là thành viên.

Trong một số trường hợp, sự thay đổi một chế độ xã hội bởi một lực lượng cầm quyền khác có thể dẫn tới sự vô hiệu toàn bộ hoặc một bộ phận quan trọng của hệ thống pháp luật của từng quốc gia với tất cả các hình thức pháp luật. Tuy nhiên điều đó ít xảy ra trên thực tế trong thời đại ngày nay mà đặc biệt là đối với các điều ước quốc tế với tư cách là các văn bản pháp luật được các quốc gia kí tên hoặc phê chuẩn.

Câu 32. Sự khác biệt giữa hình thức pháp luật và nguồn luật?

Hình thức pháp luật là khái niệm chỉ ra ranh giới giữa pháp luật với các quy phạm xã hội khác, là phương thức hay dạng tồn tại cũng như quy mô, cách tổ chức các yếu tố cấu tạo nên hệ thống pháp luật. Theo đó, hình thức của pháp luật được xem xét dưới hai góc độ là cách thức tổ chức các yếu tố cấu tạo nên pháp luật và phương thức tồn tại cua pháp luật và tương ứng với nó là hình thức bên trong và hình thức bên ngoài.

Hình thức pháp luật mà cách thức mà giai cấp thống trị sử dụng để nâng ý chí của giai cấp mình lên thành pháp luật.

Nguồn pháp luật là tất cả các căn cứ được các chủ thể có thẩm quyền sử dụng làm cơ sở để xây dựng, ban hành, giải thích pháp luật cũng như để áp dụng vào việc giải quyết các vụ việc pháp lí xảy ra trong thực tế. Nguồn của pháp luật gồm có nguồn nội dung và nguồn hình thức.

Nguồn nội dung của pháp luật là xuất xứ, là căn nguyên của pháp luật bởi vì nó đc các chủ thể có thẩm quyền dựa vào đó để xây dựng, ban hành và giải thích pháp luật.

Nguồn hình thức của pháp luật là phương thức tồn tại của các quy phạm pháp luật trong thực tế hay là nơi chứa đựng, nơi có thể cung cấp các quy phạm pháp luật, tức là những căn cứ mà các chủ thể có thẩm quyền dựa vào đó để giải quyết các vụ việc pháp lí xảy ra trong thực tế.

Câu 33. Khái niệm, đặc điểm và nguyên tắc ban hành văn bản quy phạm pháp luật?

Một phần của tài liệu Ôn thi cao học trường kinh tế quốc dân (Trang 47 - 49)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(75 trang)
w