7. Kết cấu của luận văn
2.1.1. Quê hương trong tâm thức Nguyễn Du
Tìm hiểu ba tập thơ chữ Hán, ta thấy có tới 30 bài thơ Nguyễn Du nhắc đến địa danh sông Lam, núi Hồng; chỉ có 3 lần ông nhắc đến Trường An và 3 lần nhắc đến địa danh Thăng Long. Điều này đã cho thấy, với Nguyễn Du, mảnh đất Tiên Điền với sông Lam, núi Hồng chính là quê hương, là cái nôi yên bình, là nơi đem lại cho ông niềm vui. Nhưng cũng không thể phủ nhận kinh thành Thăng Long – nơi nhà thơ sinh ra cũng để lại không ít dấu ấn trong lòng nhà thơ.
Tiên Điền, một làng quê không lớn, không giàu nhưng từ lâu đã đi vào lòng người như là một trong những địa danh văn hóa lớn của đất Hồng Lam.
Trước mặt, về phía Đông, Tiên Điền trông ra biển Đông xanh trong, mênh mông với bãi cát phẳng lì, trắng xóa. Sau lưng, về phía Tây, Tiên Điền như tựa vào dãy Hồng Lĩnh, còn gọi là Ngàn Hống. Tương truyền núi Ngàn Hống có chín mươi chín ngọn núi hùng vĩ, nằm chắn ngang trời, được coi là một kỳ quan nằm ngay trên con đường thiên lí Bắc – Nam đã có từ ngàn xưa. Hồng Lĩnh có nhiều quả núi giống hình muông thú như núi Phượng Hoàng, núi Mào Gà, núi Con Mèo, núi Cổ Ngựa…, nhiều hang động, khe suốt đẹp như khe Đá Bạc, khe Vàng, khe Ngà, động Cơn Mai… Trên sườn núi và chân núi xung quanh Hồng Sơn có rất nhiều đền chùa, vừa là nơi thờ phụng tôn nghiêm, vừa là những thắng cảnh đẹp như đền Đô Đài, đền Tam Hòa, chùa Hương Tích, chùa Thiên Trượng… Về phía Nam, Tiên Điền được phủ xanh bằng những cánh đồng lúa, những cồn cỏ xanh tươi. Về phía Bắc, vùng đất này như được tắm mát bởi dòng sông Lam. Đứng bên bờ sông Lam, trên đất Tiên Điền, khi bầu trời quang mây, có thể nhìn rõ hòn Song Ngư - hòn đảo giống hình hai con cá nằm chắn ngang cửa sông Lam, nơi tiếp giáp với biển Đông. Có hòn Song Ngư, phong cảnh sông Lam càng trở nên hữu tình.
Núi Hồng, sông Lam là hai biểu tượng của quê hương Hà Tĩnh, là nơi nuôi dưỡng linh khí cho mảnh đất này. Theo cuốn sách Về Tiên Điền nhớ Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Đặng Tất, Đặng Dung của Đặng Duy Phúc, biểu tượng sông Lam núi Hồng đã được khắc lên Anh đỉnh và Tuyên đỉnh, hai trong cửu đỉnh của nhà Nguyễn (Cửu đỉnh tức chín cái đỉnh đồng được đúc dưới thời vua Minh Mạng đặt trước sân Thế Miếu. Trên đó chạm khắc các họa tiết với rất nhiều chủ đề về thiên nhiên vũ trụ, non sông xứ sở, sản vật, muông thú, vũ khí, tàu thuyền... tập hợp thành bức tranh toàn cảnh của đất nước Việt Nam thống nhất dưới thời Nguyễn...) [58]. Núi Hồng sông Lam, với vẻ đẹp thiên nhiên và bề dày lịch sử, trải
qua bao nhiêu biến đổi thăng trầm đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, hun đúc, bồi đắp nên khí chất thuần hậu cho con người xứ Nghệ.
Sau mười năm gió bụi, Nguyễn Du tìm về với quê hương Hồng Lĩnh. Những năm về sống ở Tiên Điền, tuy cuộc sống vật chất gặp nhiều khó khăn, nhưng lại được ở gần những người thân trong gia đình, được trò chuyện với bà con thân thuộc trong dòng họ, trong xóm làng, Nguyễn Du cũng khuây khỏa được phần nào. Ông thường rủ bạn bè, em, cháu chèo thuyền ra giữa sông Lam hay ra biển Nam câu cá, thỉnh thoảng lại cùng phường săn Tiên Điền vào Hồng Lĩnh săn hươu nai, coi mình như ẩn sĩ đích thực. Những lúc không đi câu, không đi săn, không đi thăm bạn bè đàm đạo văn thơ, thời cuộc, Nguyễn Du rảo bộ qua nhà hàng xóm vừa ngồi xem các chàng trai, cô gái vót nan tre, may nón lá, vừa xen vào những câu chuyện đùa vui dí dỏm với họ.
Ở Nghi Xuân và ở nhiều vùng đất Nghệ Tĩnh ngày trước, nhân dân thường tổ chức cúng lễ rất lớn vào rằm tháng bảy – ngày xá tội vong nhân. Chiều ngày mười lăm, mọi nhà đều cúng lễ. Làm lễ xong, người chủ gia đình mang đĩa bỏng ngô và bát cháo hoa đi rải khắp bờ bụi quanh nhà mời những cô hồn chịu nhiều đau khổ với mong muốn họ nhanh chóng được siêu sinh tịnh độ, không gây hại cho gia đình mình [58]. Nguyễn Du đã chứng kiến những điều đó, vì thế Văn chiêu hồn – tác phẩm thể hiện sự đồng cảm, yêu thương của nhà thơ ngay cả với những người đã khuấtđược ra đời cũng là một lẽ tất nhiên.
Tuy Nguyễn Du không sinh ra ở Hồng Lĩnh và thời gian sống ở đây cũng không dài nhưng thế giới tâm linh, cảnh tình sông núi, con người nơi đây đã làm cho ông gắn bó với quê hương một cách tự nhiên, sâu sắc. Hơn thế, khi sống lênh đênh nơi quê người đầy khó khăn, bất trắc, thì niềm tin vào chính khí Hồng Lam, vào tổ tiên công đức cao dày, vào sự thiêng liêng của nơi phát tích sẽ là chỗ dựa tâm linh, là nguồn động viên an ủi vô cùng lớn đối Nguyễn Du.
Còn Thăng Long là nơi Nguyễn Du sinh ra, cũng là nơi có không ít sợi dây tinh thần, tình cảm từng gắn bó mật thiết với cuộc đời ông. Trong cuộc đời rất nhiều “xê dịch” của Nguyễn Du, Thăng Long tuy không phải là nơi ông đã sống những năm tháng dài nhất, nhưng đó lại là nơi lưu giữ nhiều kỉ niệm của một tuổi thơ êm ả. Ông sinh ở phường Bích Câu, nơi đây ngày xưa cũng đã được mệnh danh là địa đàng với huyền thoại Tú Uyên – Giáng Kiều, gần đó còn có suối Ngọc từ Nùng Sơn chảy vào hồ Thủ Lệ, có đảo Rùa Vàng. Nguyễn Du cũng lớn lên bên cánh đào Nhật Tân. Ở Thăng Long còn có hồ Lục Thủy với tích trả kiếm, có hồ Trúc Bạch giáp Cổ Nguyệt Đường bên bờ hồ Tây. Xuất thân trong một
gia đình quý tộc có thế lực vào bậc nhất ở Thăng Long lúc bấy giờ, tuổi thiếu niên của Nguyễn Du đã trôi qua trong vàng son nhung lụa. Và lẽ tự nhiên, uy phong họ Nguyễn Tiên Điền lừng lẫy giữa kinh đô đã thấm vào cốt tủy của nhà thơ. Cả gia phong và quốc phong đã trở thành thứ vốn liếng tổng hợp ăn sâu bén rễ trong ông, là cơ sở tạo nên một đại thi hào dân tộc. Sau khi cha mẹ mất, ông tiếp tục sống một thời gian nữa trong gia đình Nguyễn Khản. Những buổi dạo thuyền giữa Tây hồ, những cuộc yến tiệc đàn ca thâu đêm tại nhà riêng, một nơi cảnh trí nên thơ giáp quán Bích Câu và chùa Tiên Tích… đã in sâu vào tâm trí Nguyễn Du, khơi gợi nơi ông sự hứng thú nghệ thuật. Mãi đến khi tai biến xảy ra với Nguyễn Khản, Nguyễn Du mới rời Thăng Long và từ đó bắt đầu nếm trải cuộc sống phong trần, ít có điều kiện trở lại, ngoại trừ những lần ông ra thăm người anh làm quan với Tây Sơn hoặc trên đường đi sứ ông có ghé qua Thăng Long. Cảnh tang thương dâu bể của nơi phồn hoa đô hội thân thuộc, từ nhiều tầng bậc khác nhau, với nhiều số phận bi hài trớ trêu diễn ra trước mắt cũng đã hằn sâu vào tâm trí nhà thơ những ấn tượng đặc biệt, bước đầu giúp cho ông có cái nhìn sâu rộng về cuộc đời. Có thể nói chính ở Thăng Long, lần đầu tiên Nguyễn Du đã tập được sự chiêm nghiệm cuộc sống. Vì thế, mảnh đất này đã góp phần không nhỏ tạo nên cốt cách tinh thần của nhà thơ.
Trên bước đường lưu lạc, Nguyễn Du thường nhắc đến Thăng Long như một địa điểm bắt đầu cuộc hành trình mười năm gió bụi:
Trường An khứ bất tức, Hương tứ tại thiên nha.
(Rời Trường An đi mãi chưa về, Lòng nhớ quê ở tận chân trời.) (Ký giang bắc Huyền Hư Tử)
Quả thật chặng đường kể từ khi ông rời bỏ kinh kỳ là một khúc ngoặt lớn trong cuộc đời Nguyễn Du. Cho nên, Thăng Long trong nỗi nhớ của nhà thơ trở thành một mốc lớn đánh dấu sự đổi thay của cả cuộc đời ông.
Cũng cần để ý rằng trong các bài thơ có nhắc đến địa danh Trường An, thì sau đó, Nguyễn Du thường nhắc đến quê hương Hồng Lĩnh:
Nam khứ Trường An thiên lí dư… … Cố hương đệ muội âm hao tuyệt
(Phía nam cách Trường An hơn nghìn dặm… … Em trai em gái nơi quê nhà bặt hẳn tin tức.)
(Sơn cư mạn hứng)
Điều này chứng tỏ, trong khoảng thời gian lưu lạc, Thăng Long và Hồng Lĩnh chính là hai địa điểm Nguyễn Du nhớ thương sâu nặng nhất. Thăng Long là nơi nhà thơ buộc lòng rời bỏ, không nghĩ đến ngày quay lại. Còn Tiên Điền là nơi ông đang mong tìm về nương náu, nhưng nơi ấy dường như vẫn còn rất mịt mờ, xa xôi. Hồng Lĩnh là cố hương, còn Thăng Long là cố quốc.
Thăng Long không chỉ là địa điểm đánh dấu khởi đầu chuỗi đường lưu lạc của Nguyễn Du mà còn là tượng trưng cho cái nước đã mất trong tâm hồn nhà thơ. Mặc dù vậy, trong lòng Nguyễn Du vẫn chưa bao giờ phai nhạt một Thăng Long vàng son, một Thăng Long với vẻ đẹp trong sáng. Tuy không phải thường xuyên song hễ có dịp là những gì đã lùi sâu vào ký ức nhà thơ khi còn ở Trường An lại bất chợt sống lại. Đó là khi nơi ấy hiện về qua hồi tưởng lúc nhà thơ đứng trước bến Giang Đình nơi quê nhà, bến sông mà cha ông từng cho thuyền ghé vào:
Bách niên đa thiểu thương tâm sự, Cận nhật Trường An đại dĩ phi.
(Trăm năm của cuộc đời biết bao cuộc thương tâm, Ngày gần đây Tràng An đã khác xưa nhiều.)
(Giang Đình hữu cảm)
và qua những giấc mơ với những nét ý nhị và thơ mộng hiếm có:
Kim thần khứ thái liên Nải ước đông lân nữ Bất tri lai bất lai
Cách hoa văn tiếu ngữ.
(Sáng nay đi hái sen,
Nên mới hẹn với cô láng giềng. Chẳng biết đến lúc nào không biết, Cách khóm hoa nghe tiếng cười nói.) (Mộng đắc thái liên)
Có lẽ trong những ngày ở Thăng Long, nhà thơ từng có lần đi hái sen ở hồ Tây và thú vui phong nhã này đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng ông, trở thành một nỗi niềm yêu thương len cả vào trong giấc ngủ. Hình ảnh cô bạn láng giềng gần như là một vầng sáng duy nhất, ngời lên giữa cả một tập thơ chứa đầy tâm trạng mệt mỏi, chán chường.
Có những bài thơ Nguyễn Du trực tiếp viết về Thăng Long:
Thiên niên cự thất thành quan đạo, Nhất phiến tân thành một cố cung. Tương thức mỹ nhân khan bão tử, Đồng du hiệp thiếu tẫn thành ông. Quan tâm nhất dạ khổ vô thụy,
Đoản địch thanh thanh minh nguyệt trung.
(Những ngôi nhà lớn nghìn xưa nay thành đường cái quan, Một tòa thành mới xóa đi cung điện cũ.
Những cô gái xinh đẹp mà ta quen biết trước kia nay đã thành những bà mẹ ẵm con,
Những bạn trẻ hào hiệp cùng chơi với nhau nay đã thành ông cả rồi. Suốt đêm bận lòng khổ tâm không ngủ được,
Tiếng sáo vẳng từng hồi trong ánh trăng sáng.) (Thăng Long I)
Ở cả hai bài thơ Thăng Long, một hiện thực với những vận động, biến đổi của cảnh và người nơi đây được hiện dần lên qua những hồi ức và liên tưởng của nhà thơ. Những hình ảnh tương phản đứng sóng đôi bên nhau đã tạo nên hai bức tranh khá cụ thể. Với Nguyễn Du, một mảnh trăng ngày trước soi xuống ngôi thành mới, một chốn cũ đã lạc mất dấu xưa, một tiếng đàn sáo có xen những âm thanh mới, những người bạn ngày xưa kẻ mất người còn… đều như một nghịch lí, lay động đến tận đáy lòng ông một nỗi buồn khôn tả. Chỉ qua việc khắc họa tâm trạng bâng khuâng của người trở về chốn cũ, Nguyễn Du đã cho thấy hình ảnh của Thăng Long sau những biến động bể dâu. Nếu như không gắn bó sâu sắc với Thăng Long thì làm sao, sau bao nhiêu năm mới trở lại, Nguyễn Du lại có thể cảm nhận được rõ sự thay đổi của kinh thành đến thế. Vì vậy, dù không được nhắc đến trong thơ nhiều như địa danh sông Lam, núi Hồng, nhưng Thăng Long với Nguyễn Du vẫn là cả một món nợ lòng sâu nặng và để lại nhiều dấu ấn trong tâm hồn nhà thơ.
Thời gian phải sống tha hương ở trong nước, quê hương mà Nguyễn Du nhớ đến nhiều nhất chắc chắn là Tiên Điền, đôi khi là nỗi nhớ về Thăng Long. Nhưng trên hành trình đi sứ, quê hương ông nhắc đến không còn bó hẹp trong phạm vi Hà Tĩnh, Trường An nữa mà được mở rộng ra là cả đất nước. Vì vậy, trừ những bài thơ trực tiếp nhắc đến các địa danh ở Hà Tĩnh, Thăng Long, các từ hương quốc, cố hương, hương quan… xuất hiện trong các bài
thơ của Bắc hành tạp lục có thể được hiểu là đất nước. Nhớ về quê hương cũng là nhớ về đất nước. Tình yêu nhà thơ dành cho Tiên Điền, Thăng Long cũng được mở rộng ra thành tình yêu đất nước.
Như vậy, trong tâm thức của Nguyễn Du không chỉ tồn tại một quê hương duy nhất. Người ta có thể khẳng định rằng, quê hương của nhà thơ là Tiên Điền, nhưng nói Thăng Long cũng là quê hương ông thì không phải không chính xác. Khi đi sứ Trung Quốc, quê hương với nhà thơ lại là cả đất nước. Chính sự nặng lòng với quê hương, xứ sở đã giúp Nguyễn Du viết nên những vần thơ thể hiện tình yêu quê hương, đất nước đầy thiết tha, xúc động.
2.1.2. Nhận thức của con người về thân phận tha hương
Dù không muốn, nhưng do hoàn cảnh xô đẩy nên phần lớn thời gian của cuộc đời, Nguyễn Du phải sống xa quê hương. Phải rời xa nơi chôn rau cắt rốn, lưu lạc quê người, ông vô cùng đau xót, cảm giác cô đơn, bơ vơ, lạc loài xoáy sâu trong tâm hồn ông.
Những biến động của thời đại đã tác động không nhỏ đến cuộc sống êm đềm, nhung lụa của Nguyễn Du. Từ địa vị một công tử trong một gia đình danh gia vọng tộc bậc nhất lúc bấy giờ, Nguyễn Du trở thành kẻ không nhà, phải gửi tấm thân nơi quê vợ ở Thái Bình trong mười năm trời. Đây cũng là điểm xuất phát cho hành trình tha hương gần như không có điểm dừng trong suốt cuộc đời thi nhân. Trong cả ba tập thơ chữ Hán, có tới trên dưới 80 bài nói tới tha hương, lưu lạc với những từ tha hương, cố hương, dị hương, gia hương, cố quốc…. Những từ này được lặp đi lặp lại nhiều lần như muốn nhấn mạnh, tô đậm hoàn cảnh thực tại của tác giả.
Nguyễn Đề - anh trai của Nguyễn Du đã từng có những vần thơ rất cảm động khi phải rời xa Hồng Lĩnh:
Lam hà thủy thiển ngã tình thâm, Kính hướng tân đầu xướng biệt âm. Tài bãi cúc bôi gia vạn lí,
Sạ văn quế trạo thủy thiên tầm. Để hồi trùng cử tha hương bộ, Khiển quyển nan phao cố lí tâm. Sầu dẫn cách giang hồi vọng nhãn, Hài nhi do lập liễu đê âm.
Hướng về bến sông, xúc động hát câu li biệt.
Vừa uống xong chén rượu cúc cảm thấy quê nhà đã xa, Mới khua mái chèo quê, sông nước tưởng đã cách nghìn tầm. Bồi hồi lại cất bước nơi tha hương,
Quyến luyến khó gạt bỏ nỗi lòng nhớ quê cũ. Tình sầu miên man, qua sông còn ngoái nhìn lại, Đám trẻ nhỏ vẫn đứng dưới bóng con đê dương liễu.) (Lam hà thu độ)
Nguyễn Du cũng có chung cảm xúc ấy. Với nhà thơ, mảnh đất Tiên Điền với sông Lam, núi Hồng chính là quê hương, chỉ cần một bước chân qua sông là quê hương đã trở thành “cố quốc”, còn bản thân mình trở thành “dị hương nhân”, chỉ cần cách biệt hai bên bờ sông thì bên này sông đã là “quê người”. Chỉ cần rời bước khỏi phạm vi núi Hồng, là trở thành người đất khách, cảm giác tha hương lập tức đeo bám nhà thơ:
Cố quốc hồi đầu lệ, Tây phong nhất lộ trần. Tài qua Long Vĩ thủy, Tiện thị dị hương nhân.
(Quê cũ ngoái nhìn nước mắt rơi, Gió tây thổi bụi suốt đường đi. Vừa qua sông Long Vĩ,
Đã là người tha hương.)