Giọng tự nhiên, dí dỏm

Một phần của tài liệu Đề tài đô thị hiện đại trong tản văn của các nhà văn hà nội (qua sáng tác của nguyễn việt hà, đõ phấn, nguyễn trương quý (Trang 80 - 83)

5. Cấu trúc luận văn

3.2.4.Giọng tự nhiên, dí dỏm

Nguyễn Trương Quý viết Ăn phở rất khó thấy ngon với giọng điệu dí dỏm, nóng hổi chuyện phố xá nhưng để lại dư vị sâu lắng. Không viết về Hà Nội một cách trực tiếp quanh những sinh hoạt, văn hóa, Nguyễn Trương Quý đi vào khai thác một mảng đề tài rất mới đó là cuộc sống, suy nghĩ của “dân văn phòng” thời mới trên nền của thành phố đông đúc, nhộn nhịp. Bằng những liên tưởng sinh động, phong phú, thú vị kết hợp với giọng điệu tự nhiên, dí dỏm tất cả mọi chuyện được tác giả phơi bày chân thật, châm biếm nhẹ nhàng thấm thía nhưng không mang lại cảm giác nặng nề.

Tác giả châm biếm nhẹ nhàng một tật xấu phổ biến của dân công sở hiện nay đó là vấn đề ngoại tình bằng cách nói theo kiểu “chán cơm thèm phở”. Hành động này tạo nên một nếp sống không văn minh chưa nói đến còn gây những hệ lụy đáng tiếc cho rất nhiều người và vì thế nó sẽ ảnh hưởng đến bộ mặt chung của toàn xã hội. “Ngày nghỉ thì đi nhà nghỉ nghe vừa tai thế. Những ai ngày thường không có nhau, nay ngày nghỉ, nói tôi phải đi công tác đột xuất, mẹ hay vợ/ chồng đừng nấu cơm, tôi ăn phở cũng được. Phở ở đây là “phở nhà nghỉ”, đôi lứa thần tiên suốt một ngày, chán phở thì chuyển sang bún, bún bung chân giò… Nếu dân Hải Phòng ngày nghỉ đi Đồ Sơn hay dân Sài Gòn đi Vũng Tàu để cua đào thì dân Hà Nội sang Gia Lâm. “Ăn Giáp Bát,

LVTN - Khoa Văn học, ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN 77

hát Thanh Xuân, ngủ Gia Lâm, đâm Thái Hà, chó Nhật Tân, vần Hồ Tây” [39; 13, 24]. Nguyễn Trương Quý không ngại ngần dấn thân vào những mảng tối của đời sống để mà đả kích, giễu nhại như góp một tiếng nói làm thức tỉnh những ai đã và đang có ý định “làm quen” với hiện tượng này. Những thói hư tật xấu này đang ngày một lan tràn nhanh chóng và rộng rãi khiến ai cũng có thể mắc phải. Chỉ chọn một thành phần “phức tạp về nghĩ ngợi” nhất trong xã hội để phản ánh nhưng thông điệp mà nhà văn gửi đi dành cho tất cả mọi người. Thể hiện bằng giọng điệu hài hước song đằng sau tiếng cười sảng khoái ấy lại chứa đựng sự quan tâm sâu sắc của tác giả với những biểu hiện tiêu cực của xã hội hiện đại. Trong guồng quay hối hả của thời đại hội nhập, ai ai cũng vội vã chạy đua, cạnh tranh không ngừng mà đã vô tình đánh mất đi những giá trị cốt lõi của cuộc sống, của hạnh phúc, mải mê kiếm tìm những cái hư ảo mà quên mất những người thân yêu ngay bên cạnh. Cách kể chuyện và bàn luận nghe có vẻ vu vơ, “vô thưởng, vô phạt” nhưng Nguyễn Trương Quý đã bộc lộ khả năng nhìn nhận đa chiều về mọi “ngóc ngách” của cuộc sống, ẩn chứa niềm đau đáu không nguôi của mình về con người và cuộc sống hôm nay.

Vẫn tiếp tục là những câu chuyện rất nhỏ nhặt của cuộc sống hằng ngày nhưng đều được Nguyễn Trương Quý phát hiện và ghi lại. “Vì đi bằng thang máy nên ở những tòa nhà mới này, dân viên chức về đến nơi thì mắt trước mắt sau tìm mọi cách leo lên căn hộ, nơi sự khép kín đảm bảo tuyệt đối, và kiểu mẫu mới lúc này là đèn nhà ai nhà nấy rạng. Mà có liếc ra đèn nhà khác thì cũng chỉ thấy những cánh cửa nằm im lìm quanh sảnh thang máy” [39; 58]. Đó chính là hình ảnh chúng ta vẫn bắt gặp mỗi ngày nhưng tất cả đều bỏ qua và không mấy quan tâm. Mọi người sống xa cách, không gặp gỡ, không giao lưu và chỉ biết đến mình, gia đình mình. Một cộng đồng người sống trong một tập thể, chung cư, các nhà liền kề nhau nhưng có người nhiều khi không biết hàng xóm nhà mình là những ai? có mấy người? làm nghề gì?… Chính lối sống này đã dần tạo nên thói vô cảm trong đời sống hằng ngày, mọi

LVTN - Khoa Văn học, ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN 78

người lạnh lùng, thờ ơ với những việc xảy ra xung quanh mình. Nhà văn gợi nhắc vấn đề bằng một giọng điệu dí dỏm nhẹ nhàng nhưng lại hướng độc giả đến sự suy ngẫm sâu xa, phê phán và thức tỉnh mọi người cần thay đổi thái độ sống của chính mình trước khi quá muộn.

Không chỉ ở Việt Nam mà trên khắp thế giới món Phở đã trở thành thương hiệu của người Việt Nam, bởi vậy mà nó đã được tìm hiểu, nghiên cứu rất nhiều nhưng với Nguyễn Trương Quý, phở lại được nhìn dưới một góc độ mới mẻ gắn với cách sống, cách cảm của con người hôm nay. “Phở không ngon vì 100 lý do: cuộc sống đã phong trần hơn, ăn đã sướng mồm hơn, Hà Nội đã bớt hữu tình hơn… nhưng có ai nghĩ là chúng ta sẽ để phở xuống giá thế thảm, để chất lượng bát phở đuểnh đoảng đến phát ngán và món phở, đã không còn là thức thời trân như thời của những “thương nhớ mười hai”. Hình như từ món phở này, cách sống với những giá trị của chúng ta soi từ đấy thấy cũng nông nông, tùy tiện” [39; 153]. Rất nhiều nhà văn đưa món ăn dân tộc này vào trang viết với những tình cảm ca ngợi, đưa người đọc đến khám phá cái ngon và hấp dẫn của phở thì Nguyễn Trương Quý lại chỉ ra cái không ngon. Song phở hôm nay không ngon không phải bởi hương vị, nguyên liệu… tự bản thân nó mà bởi những người nấu và ăn nó không đúng cách. Đó là sự cẩu thả trong chế biến, món ăn không được tạo nên bằng cái tâm và sự trân trọng của người nấu, người ta chạy theo những thị hiếu thị trường, kinh doanh chỉ hướng đến lời lãi, chỉ chăm chú chọn lấy những thứ nguyên liệu giá rẻ mà không quan tâm đến chất lượng của món ăn…. Và kết quả là hàng phở nào ra đời những nhang nhác nhau, mượn tạm “thương hiệu” của nhau. Tác giả mượn chuyện ăn phở để bàn đến cách sống của con người. Giữa chốn đô thị tấp nập này, ai cũng đang cuống cuồng chạy theo những công việc và kế hoạch của riêng mình vì vậy mà họ phải tiết kiệm thời gian để “soi gương” cho mình. Chỉ biết lao vào làm theo, bắt chước theo những thứ xã hội cần mà chưa bao giờ tự hỏi nó có phù hợp với mình không. Họ dần đánh mất ý thức phải khẳng định bản thân, nhiều khi cố gắng làm ngơ để hòa mình vào đám

LVTN - Khoa Văn học, ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN 79

đông, đồng ý theo đa số rồi vô tình lãng quên cá tính, bản sắc của riêng mình. Con người trở nên lười nhác, lười nhìn lại chính mình và lên tiếng với người khác, tất cả chấp nhận cuộc sống nhạt nhòa, chỉ “khát khao” đổi lấy sự yên thân ích kỷ. Nguyễn Trương Quý đã thể hiện sự tinh tế vô cùng trong quan sát, nhìn nhận và đánh giá vấn đề. Tác giả mạnh dạn lên tiếng trước những điều mắt thấy tai nghe mỗi ngày bằng cách lồng ghép vào những câu chuyện hài hước tưởng như không liên quan nhưng lại có khả năng nêu bật được vấn đề muốn bày tỏ. Đó là những chuyện ai cũng biết, ai cũng hiểu nhưng ít ai nói ra.

Bằng cách dẫn chuyện khéo léo, giọng điệu rất tự nhiên, hóm hỉnh, Nguyễn Trương Quý gửi đến người đọc những nghĩ ngợi sâu xa đằng sau mỗi câu chuyện hài hước mà tác giả ghi lại. Tuy chỉ tập trung chủ yếu khai thác vào đối tượng là dân văn phòng nhưng những gì tác giả đề cập đến dường như là vấn đề chung hiện này của rất nhiều người. Lấy bối cảnh chung của thành phố nhộn nhịp, nhà văn đi vào tìm hiểu cách sống và cách nghĩ của những con người nơi đây trước những biến chuyển liên tục của tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội. Ăn phở rất khó thấy ngon đã mang đến những câu chuyện rất đỗi giản dị gắn với việc sinh hoạt, đi làm, đi chơi hằng ngày của mỗi người nhưng lại chất chứa biết bao điều không hề giản đơn đáng để ngẫm, để xét và để thay đổi.

Một phần của tài liệu Đề tài đô thị hiện đại trong tản văn của các nhà văn hà nội (qua sáng tác của nguyễn việt hà, đõ phấn, nguyễn trương quý (Trang 80 - 83)