Giọng hoài niệm trữ tình

Một phần của tài liệu Đề tài đô thị hiện đại trong tản văn của các nhà văn hà nội (qua sáng tác của nguyễn việt hà, đõ phấn, nguyễn trương quý (Trang 69 - 77)

5. Cấu trúc luận văn

3.2.1. Giọng hoài niệm trữ tình

Là một họa sĩ lấn sân sang văn chương, Đỗ Phấn luôn mang đến cho các độc giả của mình những bức tranh được vẽ bằng chữ nhưng lại gợi lên những đường nét cụ thể, tỉ mỉ, chân thực. Con mắt quan sát tinh tế của một họa sĩ đã được ông sử dụng trong văn chương như một lẽ đương nhiên, tạo nên những mảng màu, những hình ảnh bắt mắt trong tâm trí người đọc. Chính giọng điệu thiết tha, nhớ nhung, có phần tiếc nuối những gì xưa cũ, đẹp đẽ của chốn Hà thành đã cuốn người đọc đi theo những trang viết của ông. Những hoài niệm trong ký ức của một tâm hồn yêu mến, gắn bó sâu sắc với Hà Nội từ thuở lọt lòng đã tự nó bộc lộ qua giọng điệu tâm tình, đầy thương, đầy nhớ mà ông thể hiện trong tác phẩm. Song điều đặc biệt ở Đỗ Phấn mà người đọc cảm nhận được chính là sự pha trộn hài hòa, thú vị trong giọng điệu hoài niệm của ông. Lấy giọng điệu hoài niệm làm chủ đạo thể hiện cảm

LVTN - Khoa Văn học, ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN 66

xúc song ở mỗi hoàn cảnh cụ thể giọng điệu ấy lại toát lên những cung bậc, những màu sắc khác nhau.

Đỗ Phấn đã gợi lên những hình ảnh của Hà Nội xưa bằng giọng điệu đầy hoài niệm, vấn vương. Từng hành động, từng cảnh vật, con người nơi đây hiện lên lần lượt như thước phim quay chậm khơi lại trong trí nhớ người đọc những khoảnh khắc đẹp đẽ, thiêng liêng vào mỗi dịp Tết đến, xuân về. “Người Hà Nội không mong gì hơn một ngày thường Hà Nội xa xưa. Bây giờ chỉ vào dịp Tết mới có dăm ngày. Lại được bồi hồi lắng nghe tiếng chuông chùa Trấn Quốc lan man trên sương khói Hồ Tây. Lại được ngước mắt nhìn lên những vòm cây ào ạt gió. Được nhìn thấy diện mạo toàn vẹn của một con phố không người. Được nhìn thấy nhau. Thấy những môi cười hết dấu âu lo. Thấy lúc trẻ tưng bừng đón xuân trong những bộ quần áo không phải đồng phục. Thấy những người già thanh thản tự tin dạo bước ở bên ngoài ngôi nhà của mình [33; 12] hay “Người thành phố cũng dần dà phải bỏ đi những tục lệ xa xưa. Hiếm còn nhìn thấy cảnh chồng com lê vợ áo dài tha thướt đi chúc tết họ hàng bạn bè suốt mấy ngày mệt lả. Cũng hiếm thấy cỗ bàn linh đình mâm trên mâm dưới ngồi xua ruồi đợi khách” [33; 22].

Giọng điệu hoài niệm pha chút vui tươi bộc lộ ra thật tự nhiên khi những ký ức tuổi thơ ấu tràn về trong hiện tại. Chính ông cũng thấy háo hức với những kỷ niệm bé thơ đầy hồn nhiên, trong sáng ấy “Thật ngạc nhiên là mình ngày bé cũng đã từng rất mong đến Tết. Trước hết là được nghỉ học đi chơi. Được ăn uống tùy ý quá với khẩu phần hằng ngày. Có thể còn được mặc quần áo mới. Và dĩ nhiên trong túi quần lúc nào cũng hãnh diện với thằng bạn mươi quả pháo tép nhàu nát tháo ra từ bánh pháo tiêu chuẩn của Tết gia đình” [33; 27].

Đỗ Phấn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chứng kiến biết bao đổi thay chóng mặt của thành phố, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, mọi thứ đều được hiện đại hóa, tất cả đều được làm sẵn, phục vụ sẵn khiến cho con người dường

LVTN - Khoa Văn học, ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN 67

như trở nên lười nhác hơn đã vô tình đẩy những phong tục truyền thống dần vào lãng quên. Người đọc không ít lần gặp giọng điệu hoài niệm mà ngân nga đầy tiếc nuối vô cùng. “Chỉ còn mỗi hoa đào thôi khi Tết đến bây giờ người Hà Nội đã không còn mặn mà với đồ ăn thức uống truyền thống. Bánh chưng mua hai chiếc thắp hương. Thịt mỡ không có nên cũng chẳng cần đến dưa hành. Giò chả ăn quanh năm nên chỉ mong sao Tết đến không có nó. Mười năm cấm pháo cũng quên cả mùi thơm thuốc pháo và những cánh giấy hồng mỏng manh đẫm ướt dưới mưa phùn. Mới biết trí nhớ con người suy tàn nhanh đến mức nào. Vài chục năm thôi đã xóa hết gần như toàn bộ những khái niệm lâu đời về Tết” [33; 39, 40].

Là người từng đi nhiều, am hiểu nhiều và từng trải nhìn cuộc đời bằng con mắt tinh tường, kỹ lưỡng, Đỗ Phấn chưa bao giờ nguôi day dứt về một Hà Nội xưa đã phôi pha và chấp nhận những bộn bề, xô bồ của thời hiện tại. Đó cũng là lúc giọng điệu hoài niệm của nhà văn cất lên đầy chiêm nghiệm, suy tư sâu sắc. Tác giả cố gọi ra cho hết những điều đang dần bị mất đi nơi phố phường tấp nập, ồn ào bằng giọng văn vừa man mác nỗi nhớ nhung vừa chất chứa nỗi buồn thường trực mà không thể định nghĩa. “Người Hà Nội đông lên gấp mấy chục lần so với giữa thế kỷ trước nhưng thực ra hình như lại vắng đi rất nhiều. Bắt đầu là vắng đi tiếng còi tầm Nhà Hát Lớn… Tiếp đến là vắng đi hừng hực tiếng còi xe lửa đầu máy hơi nước ậm ạch từ ga Hàng Cỏ… Tiếp nữa là vắng đi tiếng chuông leng keng tàu điện những sáng sớm rộn ràng đánh thức trong veo mặt Hồ Gươm… Vắng đi những người tinh tế khắt khe với ẩm thực, quà bánh dân dã thời tác phong công nghiệp được gói đựng bằng giấy ni lông buộc chun… Nhớ đến nao lòng nắm rơm nếp vàng chói giắt cạnh thúng cốm đậy lá sen xanh ngắt năm nào. Hà Nội đang vắng đi một cái gì đó tựa như… Hà Nội?” [33; 132].

Đỗ Phấn xuất thân là một họa sĩ. Chính vì vậy câu chữ của ông viết ra đều gợi dấu ấn của hình ảnh rất nhiều. Mỗi chi tiết ông khắc họa được thể hiện qua giọng điệu trữ tình đậm nét. Có những đoạn viết khi đọc lên người

LVTN - Khoa Văn học, ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN 68

đọc dường như cảm nhận đó là thơ được viết bằng văn xuôi bởi từng câu, từng lời dịu dàng, bay bổng đưa người ta lạc trong không gian mà tác giả vẽ ra. “Qua tết, người Hà Nội tìm một quán cà phê vắng vẻ trên đường Ngọc Hà buổi sáng. Kê ghế ngồi ngoài vỉa hè ngắm lên những cây bằng lăng trụi lá. Những quả khô lốm đốm đen trong đám cành gầy guộc phong sương. Vài chiếc lá màu cam chói lọi ướt mưa phùn. Có con chim bạc má rét mướt đứng trên cành rỉa lông cất tiếng kêu sắc lạnh như gió mùa. Gọi xuân. Và xuân đến. Bắt đầu là những cánh én lơ lửng tầng không xám bạc. Tiếng kêu rời rạc gọi bầy. Rồi đến đàn khuyên xanh kéo đến hàng cây phượng bên kia đường héo quắt quả đen treo ngoằn nghèo như những chiếc liềm rỉ. Đàn chim khuyên réo rắt như những nốt nhạc tự chơi trên khuông nhạc rối. Cà phê thì thầm nhỏ giọt. Quán có vài người khách tư lự nhìn xa xăm chẳng nói gì. Cái ồn ào của phố xá dường như được cất kín trong xa xăm ấy. Khói thuốc trong mưa nhẹ nhàng rơi xuống. Chạm xuân…” [33; 16]. Tác giả đã mê hoặc người đọc bằng chính giọng văn nhẹ nhàng pha chút thảnh thơi, điềm tĩnh của người nghệ sĩ đang bình tâm ngắm nhìn sự vận động của cảnh vật và lắng nghe giai điệu của thành phố trong ngày đầu xuân.

Dường như tác giả luôn ưu ái trong những trang viết về mùa xuân Hà Nội, về không khí của những ngày đầu năm mới chạm tới mọi ngóc ngách, ngõ phố của thủ đô yêu dấu. Tác giả truyền cho người đọc cảm hứng mùa xuân bằng giọng điệu chứa đựng những khát khao. Đó là sự mong mỏi gìn giữ một nét đẹp quý giá - biểu tượng của Tết miền Bắc, Tết Hà Nội. Hơn tất cả mọi thứ, hoa đào tự mang trong nó thiên chức thiêng liêng trong dịp đầu xuân và vì thế nó cần được nâng niu để thực hiện sứ mệnh của riêng mình. “Duy chỉ còn những cành hoa đào là vẫn bền bỉ e ấp mong manh giữ gìn một sắc màu rất riêng Hà Nội… Hoa đào rất cần một không gian phố cổ Hà Nội để mà khoe sắc… Màu hoa đào hồng trên má người con gái đương thì hay môi cười hàm tiếu thiếu nữ Hà Nội đậu trên những cành nâu sạm màu sương gió cũng khó lòng phân biệt?” [33; 38].

LVTN - Khoa Văn học, ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN 69

Giọng trữ tình không chỉ dùng bày tỏ cảm xúc khi ngắm nhìn cảnh vật mà còn thể hiện sự tiếc thương với một con người đã mãi mãi ra đi. Một con người bình dị nhưng lại là biểu tượng của sự gìn giữ văn hóa, cất giữ những tinh túy của ngày Tết dân tộc từ bao đời. Không còn là giọng trữ tình ngọt ngào, say đắm trước cảnh đẹp mà thay vào đó là giọng trầm lắng xuống chất chứa nỗi lòng bâng khuâng, da diết. “Từ ngày ông lão mất đi, những khách hàng quen thuộc vẫn thường quay lại vườn đào ấy để rồi ra về tay không. Vườn đào xác xơ vẫn còn đấy nhưng không có một cành nào ra hồn. Họ bâng khuâng đứng bên hồ lắng nghe trong gió những cánh đào xưa cũ vẫn ẩn hiện đâu đó rất gần. Chỉ thế thôi cũng là…” [33; 35]. Câu văn bỏ lửng giữa chừng có lẽ dành cho người đọc những giây phút tự lắng đọng cùng đồng cảm với tác giả trong cảm xúc nghẹn ngào không nói lên lời.

Với Hà Nội thì không có tuyết, Đỗ Phấn không chỉ vẽ ra trước mắt người đọc một bức tranh Hà Nội đủ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông bằng những nét chấm phá, điểm phác ấn tượng, mà hơn hết còn truyền cho họ cảm xúc về mỗi mùa Hà Nội thật riêng biệt, không giống bất kỳ nơi đâu. Tất cả hòa quyện trong giọng điệu hoài niệm trữ tình sâu lắng của tác giả để gợi lên tình cảm yêu mến và nhớ thương Hà Nội trong trái tim người đọc thật dịu dàng, tự nhiên.

3.2.2. Giọng suy tư, triết lý

Trong các tác phẩm viết về Hà Nội của mình, Nguyễn Ngọc Tiến đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn báo chí và văn khảo cứu, do vậy tác phẩm của ông luôn được độc giả coi như những tư liệu quý giá về văn hóa, lịch sử Hà Nội. Mỗi sự kiện, mỗi hiện tượng mà ông nhắc đến đều được kể lại bám sát theo dòng lịch sử từ khi ra đời đến từng giai đoạn phát triển cụ thể. Đi ngang Hà Nội chongười đọc thấy được cảm hứng chủ đạo của Nguyễn Ngọc Tiến là không ngừng suy ngẫm, chiêm nghiệm về con người, về đời sống từ quá khứ đến hiện tại. Vì vậy mà trong lời giới thiệu sách nhà phê bình Nguyễn Hòa có viết “Đọc Đi ngang Hà Nội, tôi nhớ về những điều đã trôi vào lãng quên, nghĩ

LVTN - Khoa Văn học, ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN 70

về những điều vẫn hiện hữu nhưng đã khác xưa. Vật đổi sao dời, quá khứ mang theo nó quá nhiều giá trị, quá nhiều câu chuyện không bao giờ trở lại”. [44; tr8]. Có lẽ, đây cũng chính là yếu tố chi phối giọng điệu của tác giả. Giọng văn trầm lắng miên man trong suy tư và vô cùng sắc sảo khi nhận định vấn đề.

Thương hiệu bia Hà Nội cõ lẽ đã quá nổi tiếng với mọi người không chỉ ở Hà Nội mà còn ở các tỉnh phía Bắc. Nguyễn Ngọc Tiến đã đưa ngòi bút khám phá về loại thức uống hấp dẫn đặc biệt với cánh mày râu này. Những ghi chép của ông không chỉ tản mạn ở cách uống bia, thưởng thức bia, đánh giá hương vị bia mà nó dường như là một quá trình tìm hiểu có lớp lang tương đối đầy đủ bao gồm thời điểm xuất hiện loại đồ uống này trên thị trường, giá cả ra sao, tầng lớp nào tiêu thụ chủ yếu và cả các địa chỉ bán bia tin cậy, chất lượng… “Cuối thập niên 90, các lò bia tư nhân xuất hiện tràn lan. Người ta gọi bia nấu thủ công là bia “cỏ”. Và bia “cỏ” có ở hang cùng ngõ hẻm trong thành phố với giá rẻ nên lôi kéo dân lao động. Chẳng cần ngon, miễn là có tí men ngủ cho dễ, để mai đi làm. Uống bia bây giờ cũng khác trước vốn tốn ít mồi thì nay ú hụ đồ nhắm trên bàn. Đầu những năm 2000, quán bia ở Câu lạc bộ Quân đội bán theo hơi hướng kiểu bao cấp, bia đựng vào bình nhựa, mồi cũng là những món bình dân. Quán rất đông, hầu hết là dân uống bia chuyên nghiệp, lý do là bia ở đây không bị pha trộn với các loại bia khác nên mùi vị vẫn như một thời. Quán ở phố Nguyễn Cảnh Chân có chất lượng rất ổn, mồi chỉ là lạc luộc nhưng chỉ bán cho cán bộ làm việc ở các cơ quan quanh khu vực này. Hà Nội không nói là đi nhậu mà là đi uống bia, nhậu nghe có vẻ loàm nhoàm thức ăn còn uống dù sao nghe có vẻ thanh hơn” [44; 37]. Những thông tin tác giả cung cấp cụ thể và chi tiết như bản đồ dẫn đường khiến ai không biết cũng có thể tìm đến một quán bia ngon để thưởng thức. Sau khi trình bày những tư liệu đã dày công sưu tầm, giọng điệu tác giả như lắng xuống, nhịp điệu câu văn có sự nhấn nhá thể hiện sự trân trọng, nâng niu và ý thức giữ gìn nét thanh lịch của người Hà Nội. Sự nhận định nghe có vẻ hài

LVTN - Khoa Văn học, ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN 71

hước của tác giả nhưng lại thể hiện sự quan sát tinh tế, kỹ lưỡng của ông. Tất cả đều được tác giả nắm bắt, thu lượm để chiêm nghiệm sâu xa. Chỉ một cách dùng từ khác nhau trong giao tiếp, sinh hoạt từ chuyện ăn uống hằng ngày cũng cần được nâng lên ở tầm văn hóa, thể hiện tính cách đặc trưng, riêng biệt của người Hà Nội. Đối với họ, sự thanh nhã, lịch lãm, kín đáo luôn là yếu tố hàng đầu cần được thể hiện trong mọi trường hợp.

Khi nhắc tới Hà Nội có lẽ không thể không nhắc tới kem Tràng Tiền - một thương hiệu kem bình dân nhưng lại có thời gian tồn tại lâu đời cho đến bây giờ vẫn phổ biến và được yêu thích đặc biệt. Đúng như tác giả miêu tả “Cho đến tận hôm nay, kem Tràng Tiền vẫn luôn luôn trong tình trạng phải xếp hàng. Người ăn kem chật cứng gần cả trăm mét vuông vỉa hè cũng là chuyện có thể ghi vào kỷ lục Việt Nam. Có người thích kem Tràng Tiền nói quá “Phi thực kem Tràng Tiền, bất thành người Hà Nội”. Kem trở thành “chuẩn” cho tất cả người ở quê ra Hà Nội, đi đâu làm gì không biết nhưng về là phải kể chuyện “ăn kem, xem tàu điện”, còn không kể được đi tầu điện thế nào và ăn kem ra sao coi như nói phét. Hoặc ra Hà Nội mà chưa đến Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền, chưa ăn kem Bờ Hồ và chưa biết tầu điện coi như chưa đến Hà Nội” [44; 112]. Xung quanh chuyện ra đời của cây kem còn bao những câu chuyện khác gắn với Hà Nội. Chẳng ai có thể lý giải tại sao cây kem Tràng Tiền lại gắn bó với Hà Nội lâu đến như vậy, tự nó đã trở thành một nét đặc trưng, nét “bản sắc” chỉ Hà Nội mới có, để ai đến với Hà Nội cũng cố gắng thưởng thức lấy một lần. Bằng cách viết dân dã, giản dị như thuật lại lời nói hằng ngày kết hợp với giọng điệu dí dỏm nhưng khẳng định chắc chắn, tác giả đã gợi nên một nét xưa cũ của Hà Nội trong quá khứ và thể hiện niềm vui trân trọng khi hôm nay những nếp sinh hoạt, nét ẩm thực mang tên Hà thành vẫn được lưu giữ và phát triển.

Điều đặc biệt ở Nguyễn Ngọc Tiến là khiến người đọc tin tưởng hoàn toàn về những cảm nhận, đánh giá của ông trước mỗi hiện tượng ông đề cập đến. Bởi nó xuất phát từ quá trình tìm hiểu chi tiết gắn liền với từng mốc thời

LVTN - Khoa Văn học, ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN 72

gian chính xác và được đúc kết lại bằng những triết lý sâu sắc mà ông rút ra sau khi tự mình trải nghiệm. Ông thuyết phục người đọc bằng giọng văn rất

Một phần của tài liệu Đề tài đô thị hiện đại trong tản văn của các nhà văn hà nội (qua sáng tác của nguyễn việt hà, đõ phấn, nguyễn trương quý (Trang 69 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)