QUAN ĐIỂM ĐIỀU HÀNH TỶ GIÁ CỦA VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2012 2020

Một phần của tài liệu Giải pháp hoàn thiệnchính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam (Trang 46 - 49)

Cũng như hầu hết các nước khi mở cửa hội nhập, Việt Nam đang phải đối mặt với hiện tượng “Bộ ba bất khả thi”. Đó là, khi dòng vốn nước ngoài vào nhiều, để ổn định tỷ giá, NHNN mua ngoại tệ, qua đó gây áp lực gia tăng lạm phát. Việc kiểm soát dòng vốn, theo quy định của Pháp lệnh ngoại hối, Việt Nam đã tự do hóa giao dịch vãng lai, các giao dịch vốn chưa được tư do hoàn toàn nhưng đã nới lỏng một cách tương đối. Theo lý thuyết này, với một tài khoản vốn mở, một quốc gia không thể đạt được cùng lúc 2 mục tiêu: ổn định lạm phát và ổn định tỷ giá (tỷ giá mục tiêu). Các nỗ lực tăng lãi suất để làm giảm áp lực lạm phát thì đồng thời cũng làm tăng khả năng hút các nguồn vốn từ bên ngoài. Vì vậy, tỷ giá lại được nâng lên, nhưng điều này lại làm suy yếu mục tiêu của các NHNN về tỷ giá hối đoái. Tác động hai chiều ngược nhau của chính sách này đã được thể hiện rõ nét trong môi trường hiện tại. Đối với các nền kinh tế mới nổi, nơi mà thị trường tài chính và tiền tệ còn kém phát triển, thì hiện tượng bộ ba bất khả thi là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng. Việc giải quyết hợp lý 3 mục tiêu vĩ mô này, đối với mỗi quốc gia lại có những cách khác nhau ở mỗi thời kỳ khác nhau. Xu hướng gần đây ở hầu hết các nước Châu Á đã nới lỏng hơn mục tiêu về tỷ giá để đạt được mục tiêu về lạm phát.

Vấn đề đặt ra lúc này đối với Việt Nam là phải khéo léo lựa chọn mục tiêu theo đuổi trong quản lý kinh tế vĩ mô hướng tới một nền kinh tế tăng trưởng bền vững. Trong 3 mục tiêu trên, trước hết kiểm soát lạm phát là mục tiêu số một, còn vấn đề tỷ giá và kiểm soát dòng vốn cần có sự lựa chọn phù hợp để hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng của “Bộ ba bất khả thi”.

Vậy cơ chế điều hành tỷ giá nào phù hợp với tình hình kinh tế và mức độ phát triển thị trường tài chính hiện nay của Việt Nam?

Theo IMF, Việt Nam nên áp dụng tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn nữa trước những áp lực về tỷ giá và nhận định rằng tỷ giá VND/USD vẫn khá ổn định. Họ khuyến nghị các nhà chức trách nên cho phép tiền đồng linh hoạt hơn trước những áp lực về tỷ giá. Về ngắn hạn, điều này giúp giảm áp lực lạm phát và

giảm chi phí can thiệp vào thị trường ngoại hối. Về dài hạn, tỷ giá linh hoạt sẽ tạo động lực để quản lý rủi ro tỷ giá hiệu quả hơn, làm cho thị trường tài chính phát triển sâu hơn, giúp Việt Nam tăng khả năng chịu đựng trước những cú sốc từ bên ngoài. IMF cũng cho rằng, tỷ giá hối đoái linh hoạt sẽ làm đơn giản hơn việc điều hành tiền tệ và giúp NHNN quản lý sự dịch chuyển các luồng vốn một cách có hiệu quả hơn.

Như vậy, với tình hình kinh tế và mức độ phát triển thị trường tài chính hiện nay, Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển, chưa có một tiềm lực kinh tế mạnh, chưa có một lượng dự trữ ngoại hối đủ lớn để có thể can thiệp vào thị trường khi cần thiết thì trong 5 đến 10 năm tới, Việt Nam nên lựa chọn cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý là phù hợp. Chính sách tỷ giá hối đoái sẽ được thực hiện theo hướng ngày càng linh hoạt, góp phần thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, hạn chế ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế, phù hợp với định hướng phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế. Đường lối và chiến lược phát triển kinh tế xã hội do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã nêu rõ: “Thực hiện chính sách tỷ giá linh hoạt theo cung cầu ngoại tệ, từng bước thực hiện tự do hóa tỷ giá hối đoái có sự quản lý vĩ mô của Nhà nước, tiến tới thực hiện đầy đủ tính chuyển đổi của đồng Việt Nam”. Bên cạnh việc không ngừng nâng cao vai trò của Nhà nước trong việc kiểm soát sự biến động của tỷ giá hối đoái và các luồng ngoại tệ đảm bảo sự ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, sự can thiệp của NHNN cũng sẽ theo hướng giảm dần. Hoạt động điều hành chính sách tỷ giá hối đoái sẽ được thực hiện theo hướng tăng cường sử dụng các biện pháp kinh tế, hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng các biện pháp hành chính.

Tóm lại, trước mắt cần áp dụng chính sách tỷ giá hối đoái linh hoạt có quản lý, có thể điều chỉnh tăng hay giảm tùy theo thực tế, chọn cách điều chỉnh tỷ giá từ từ, hạn chế gây sốc nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo cơ sở tăng trưởng kinh tế vững chắc. Việt Nam sẽ chỉ lựa chọn chế độ tỷ giá thả nổi hoàn toàn vào một thời điểm thích hợp. Tuy nhiên, chính sách điều hành tỷ giá trong mọi hoàn cảnh đều cần sự thận trọng, cân nhắc lợi hại cho hoạt động xuất nhập khẩu. Nhìn chung, để tiến tới tự do hóa tỷ giá hối đoái phải có một quá trình và nó chỉ có thể “an toàn” khi năng lực của nền kinh tế thực sự được nâng lên.

Bên cạnh việc đưa ra những quan điểm điều hành, chúng ta cũng nên có những định hướng rõ ràng để ngày càng hoàn thiện chính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam.

Bước sang thế kỷ 21, xu hướng quốc tế hoá nền kinh tế thế giới ngày càng trở nên mạnh mẽ. Sự hội nhập quốc tế của kinh tế Việt Nam thông qua cơ chế thị trường mở là nhu cầu khách quan và tất yếu, từ đó đặt ra yêu cầu cấp bách về cải cách thể chế và pháp luật, hoàn thiện chính sách kinh tế vĩ mô nói chung, và chính sách tỷ giá hối đoái nói riêng.

Những năm vừa qua, có thể nói chính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ, đặc biệt trong việc ổn định sức mua đối nội và đối ngoại của đồng Việt Nam, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện cán cân thương mại và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, khi nền kinh tế ngày càng phát triển, các nhân tố trong cơ chế thị trường ngày càng phát huy tác dụng thì cơ chế điều hành chính sách tỷ giá hối đoái như hiện nay mặc dù đã có những nét căn bản, phù hợp với hướng phát triển thị trường mở nhưng vẫn cần phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa trong thời gian tới.

Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, nền kinh tế với tỷ lệ lạm phát tương đối cao, năm 2010 là 11,75%; năm 2011 là 18,58% và tình trạng thâm hụt cán cân thương mại kéo dài, thì chính sách tỷ giá càng cần phải đưa ra mục tiêu rõ ràng. Thời điểm này, nên theo đuổi mục tiêu ổn định tỷ giá, song điều hành tỷ giá danh nghĩa nên bám sát tỷ giá thực hiệu quả. Điều đó từng bước tạo điều kiện cho tỷ giá trở thành công cụ hỗ trợ tích cực trong việc cải thiện cán cân thương mại, tăng khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên các mục tiêu này lại chỉ có thể đạt được khi nền kinh tế đủ những điều kiện nhất định như: Tiềm lực tài chính của quốc gia đã đủ mạnh; Thị trường tài chính phát triển đầy đủ và vận hành ổn định; Tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế được kiểm soát, lạm phát ở mức ổn định; đặc biệt cơ cấu xuất nhập khẩu phải có sự thay đổi theo hướng xuất khẩu các mặt hàng tinh chế, giá trị hàng xuất khẩu có tỉ lệ nội địa hóa cao.

Khi các điều kiện trên đã được thỏa mãn, có thể định giá VND theo hướng thấp hơn giá trị thực của nó. Điều này, giúp tăng khả năng cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp xuất khẩu và các doanh nghiệp cạnh tranh với nhập khẩu. Từ đó, đảm bảo tính bền vững của cán cân thanh toán nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, điều hành chính sách tỷ giá còn cần lưu tâm đến tình trạng nợ nước ngoài và khả năng chuyển đổi của VND. Nợ nước ngoài của Việt Nam hiện nay còn lớn (50 tỷ USD tương đương với 41,5% GDP năm 2011), đồng tiền Việt Nam chưa tạo được uy tín trên thị trường. Do đó, thực hiện điều chỉnh tỷ giá phải đồng thời từng bước tạo điều kiện cho đồng Việt Nam chuyển đổi và

không tạo thêm gánh nặng nợ quốc gia. Mặt khác giúp tăng dự trữ ngoại tệ để NHNN có thể thực hiện can thiệp vào thị trường ngoại hối.

Để đạt được các mục tiêu đã đặt ra, trong điều hành tỷ giá cần dựa trên các nguyên tắc:

- Một cơ chế tỷ giá phù hợp phải được phối hợp đồng bộ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác để đạt được mục tiêu kinh tế cuối cùng của Chính phủ trong từng giai đoạn. Bất kỳ nền kinh tế nào cũng tập trung vào hai nhóm mục tiêu chính là đạt được sự cân bằng bên trong (tận dụng nhân công, ổn định giá cả) và cân bằng bên ngoài (ổn định và cải thiện cán cân thanh toán).

- Điều hành tỷ giá phải xuất phát từ lợi ích chung của nền kinh tế, có nghĩa là tại một thời điểm phải xác định rõ yếu tố nào cần ưu tiên và yếu tố nào có thể hy sinh để đạt lợi ích tổng thể tối đa. Ví dụ, quyết định tăng giá nội tệ để giảm nhẹ sức ép trả nợ nước ngoài của Chính phủ và chấp nhận sự suy giảm tạm thời đối với xuất khẩu.

- Mỗi một chính sách tỷ giá chỉ đúng và phù hợp với những điều kiện, hoàn cảnh trong từng giai đoạn. Vì vậy, lựa chọn cơ chế điều hành tỷ giá phải thay đổi khi điều kiện và hoàn cảnh thay đổi. Ngoài ra cần có những dự kiến cho tương lai, những nhân tố có ảnh hưởng mạnh đến sự biến động của tỷ giá và có những biện pháp điều chỉnh kịp thời.

Hiện nay, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra yêu cầu tự do hóa tỷ giá hối đoái theo cung cầu thị trường tiền tệ. Quan điểm chung trong quản lý điều hành chính sách tỷ giá hối đoái là thay vì sử dụng các công cụ, biện pháp hành chính như trong cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, trong thời gian tới, Chính phủ phải chủ yếu sử dụng các công cụ, cơ chế gián tiếp để điều tiết thị trường ngoại hối. Nhà nước cần chuẩn bị những điều kiện cần thiết và xác định rõ mục tiêu điều chỉnh tỷ giá trong từng thời kỳ và có những công cụ, biện pháp điều tiết hữu hiệu, can thiệp đúng lúc khi xuất hiện những dấu hiệu bất ổn hay nguy cơ biến động chệch hướng so với mục tiêu đề ra.

Một phần của tài liệu Giải pháp hoàn thiệnchính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam (Trang 46 - 49)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(64 trang)
w