Giai đoạn 2007 2011

Một phần của tài liệu Giải pháp hoàn thiệnchính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam (Trang 33 - 41)

2.1.4.1. Chính sách tỷ giá hối đoái

Ngày 11-1-2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của (WTO). Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, là kết quả của quá trình đổi mới nhằm mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập kinh tế quốc tế. Cũng như hầu hết các nước khi mở cửa, Việt Nam cũng có sự lựa chọn để đổi mới mình cho phù hợp với xu thế chung của thế giới. Nhất là với chính sách tỷ giá hối đoái, cần có sự lựa chọn thật hợp lý để tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động xuất nhập khẩu và đưa kinh tế đất nước không đi chệch hướng phát triển đã được định ra.

Khác với những năm trước, 4 năm mới thực hiện điều chỉnh biên độ dao động tỷ giá 1 lần, từ năm 2007 đến nay, NHNN đã thực hiện 8 lần thay đổi biên độ tỷ giá từ ±0,25 % lên ±0,5% (áp dụng từ 2/1/2007), ±0,75% (áp dụng từ 24/12/2007), ±1% (áp dụng từ 10/3/2008), ±2% (áp dụng từ 26/6/2008), ±3% (áp dụng từ 6/11/2008), ±5% (áp dụng từ 24/3/2009); ±3% (áp dụng từ 26/11/2009); và ±1% (áp dụng từ 9/2/2011).

Đồ thị 2.3: Biến động tỷ giá VND/USD 2008-2011

Đầu năm 2007, việc nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam khiến cho nguồn cung USD tăng, gây áp lực lên giá VND. Tỷ giá bán VND/USD tiếp tục cận sàn. Việc nới lỏng biên độ lên ±0,5% khiến các NHTM tiếp tục giảm tỷ giá giao dịch. Trong thời gian này, tỷ giá trên thị trường tự do tuy cao hơn tỷ giá niêm yết nhưng duy trì ở mức ổn định giảm dần, xấp xỉ mức 16070 VND. Đầu tháng 2/2007, NHNN can thiệp mạnh khi liên tục tung VND để mua USD đồng thời tăng dần tỷ giá công bố. Việc cung ngoại tệ tăng, doanh thu ngoại tệ tăng giúp NHNN có cơ hội nới lỏng chính sách quản lý ngoại tệ của mình bằng hàng loạt quy định mang tính tự do hoá như: NHNN nới lỏng quy định về bán ngoại tệ cho NHTM, theo đó NHNN sẽ bán ngoại tệ cho NHTM có trạng thái ngoại hối bằng hoặc dưới -5% thay vì -10% như trước.

Cuối năm 2007, và cả năm 2008, kinh tế Việt Nam đã trải qua những cú sốc nặng nề. Với việc tăng đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, tài chính, cung tín dụng tiếp tục tăng trên 50%, lạm phát tăng vọt lên 25%, nhập siêu vượt quá mức an toàn, thị trường chứng khoán suy giảm kỷ lục. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam. Xuất khẩu giảm cả về kim ngạch lẫn khối lượng, đối mặt với những khó khăn dồn dập từ nước nhập khẩu.

Năm 2008 cũng là năm chứng kiến sự gia tăng đột biến của tỷ giá VND/USD. So với cuối năm 2007, tỷ giá VND/USD mua vào - bán ra của các NHTM tăng khoảng 9%, mức tăng đột biến so với thay đổi quen thuộc quanh mức 1% những năm trước. Cũng trong năm 2008, NHNN đã 3 lần liên tiếp nới biên độ dao động tỷ giá: ±1% (áp dụng từ 10/3/2008), ±2% (áp dụng từ 26/6/2008), ±3% (áp dụng từ 6/11/2008).

Đến năm 2009, NHNN đã hai lần thay đổi biên độ tỷ giá. Ngày 23/3/2009, tại Quyết định số 622/QĐ-NHNN, Thống đốc NHNN quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giữa VND và USD tăng từ ±3% lên ±5%, có hiệu lực từ 24/3/2009. Lần thứ hai là vào ngày 25/11, theo quyết định số 2666/QĐ-NHNN về một số quy định liên quan đến giao dịch ngoại tệ của các TCTD được phép hoạt động ngoại hối thì tỷ giá bình quân liên ngân hàng được điều chỉnh từ 17.034 lên 17.961, và áp dụng biên độ tỷ giá mới là 3% thay vì 5% trước đó.

Tiếp tục, vào ngày 11/2/2010, NHNN Việt Nam một lần nữa phá giá VND. Như vậy, trong một thời gian ngắn, NHNN đã liên tục có 2 lần thay đổi mạnh tỷ giá giữa VND và USD. Lần thay đổi thứ nhất vào ngày 26/11/2009. Lần thay đổi thứ hai, chỉ cách lần thứ nhất chưa đầy 2 tháng, vào ngày 11/2/2010, NHNN định lại tỷ giá bình quân liên ngân hàng, theo đó tỷ giá VND/USD là 18.544, đã tăng thêm 3,36%. Trên thực tế, lạm phát của Việt Nam trong 3 năm 2007-2009 là trên 40%, trong khi lạm phát của Mỹ, cùng thời kỳ, chỉ khoảng trên dưới 20%. Nhưng cũng thời gian đó, tỷ giá chính thức VND/USD dường như thay đổi không đáng kể, khiến VND bị định giá cao ngay trong tương quan tỷ giá với USD. Vì vậy, sự điều chỉnh tỷ giá này là cần thiết, bất chấp động thái này có vẻ như ngược lại với xu hướng mất giá chung của USD trên thị trường thế giới. Có thể nói, linh hoạt tỷ giá, ngày càng trở thành phương châm hành xử phổ biến trong chính sách tỷ giá của hơn ¾ số nước trên thế giới hiện nay.

Ngày 17/8/2010, Ngân hàng Nhà nước đột ngột tăng tỷ giá USD/VND thêm 2,1%. Đột ngột vì giới quan sát cho rằng áp lực lúc đó là chưa rõ ràng, chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và tự do vẫn ở mức thấp với khoảng 500 VND. Một số lý giải nhìn nhận ở bước đi chủ động của nhà điều hành nhằm giải phóng bớt áp lực tăng tỷ giá dồn về cuối năm. Quả thực, áp lực đó sớm hiện hữu. Tháng 9/2010, lạm phát bắt đầu tăng nhanh; đi cùng với đó là tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tiếp tục bùng nổ; giá vàng thế giới tăng cao tác động bất lợi ở nhiều mặt; cầu ngoại tệ lớn cho nhập khẩu và mối quan ngại nhập siêu cao; lãi suất huy động USD nhảy vọt và hoạt động đầu cơ ngoại tệ trở nên nổi bật. Tháng 10-2010, thị trường ngoại hối bắt đầu đón một cơn sốt thực sự của tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do và kéo dài cho đến hết năm. Lần đầu tiên trong lịch sử chênh lệch giữa giá USD trên thị trường tự do với giá USD niêm yết của các ngân hàng thương mại có thời điểm lên tới gần 10%.

Sự căng thẳng của tỷ giá VND/USD cuối năm 2010 được chuyển tiếp sang đầu năm 2011. Và điều thị trường chờ đợi rồi cũng đến với sự kiện ngày 11/2/2011: lần đầu tiên trong lịch sử NHNN có quyết định tăng tỷ giá mạnh đến

vậy, với 9,3% đi cùng với việc siết biên độ từ +/-3% xuống còn +/-1%. Nguyên nhân được đưa ra là: Thứ nhất, đó là sự giải phóng áp lực dồn nén quá lớn sau một thời gian tương đối dài. Thứ hai, nhà điều hành muốn một bước để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giữa hai tỷ giá. Thứ ba, nhà điều hành đã sòng phẳng hơn và theo cung cầu trên thị trường… Và một điểm quan trọng của nó là xóa bớt kỳ vọng sẽ tiếp tục phá giá trong năm 2011 ở giới đầu cơ, hay trong tâm lý thị trường. Giá trị này đến nay đã đúng.

Mọi điều chỉnh của chính sách thường có độ trễ. “Sự kiện 11/2/2011” cũng vậy. Phải đến đầu tháng 4/2011 tỷ giá mới bắt đầu có dấu hiệu bình ổn. Cùng với sự điều chỉnh trên, dấu hiệu đó là kết quả của loạt giải pháp Ngân hàng Nhà nước triển khai mà giới quan sát vẫn dùng từ “ép” hay “vắt cung ngoại tệ”. Đó là cơ chế áp và siết trần lãi suất huy động USD, thực hiện kết hối và mở rộng đối tượng kết hối, xử lý loạt giao dịch bất hợp pháp trên thị trường tự do… Thêm vào đó, tín dụng ngoại tệ vẫn tăng cao tạo một nguồn cung thương mại từ vốn chuyển đổi cho thị trường; sự chuyển đổi vốn ngoại tệ sang VND cũng có ở các NHTM khi chênh lệch lãi suất cho vay quá hấp dẫn với khoảng 300% càng tạo cung cho thị trường… Có thể nói, ngày 29/4/2011 trở thành mốc sự kiến quan trọng cho quãng bình yên của tỷ giá về sau. Từ 29/4 và nối dài sau đó, Ngân hàng Nhà nước liên tục mua vào USD. Trạng thái dự trữ ngoại tệ có sự cải thiện mạnh và nhanh chóng. Với việc điều chỉnh tỷ giá linh hoạt theo tín hiệu thị trường, ngày 26/12/2011, tỷ giá trần của các NHTM vẫn giữ vững ở mức 21.036 đồng/USD. Trong khi đó, giá USD trên thị trường tự do mua vào - bán ra ổn định ở 21.270 - 21.300 đồng/USD, chỉ cao hơn tỷ giá ngân hàng gần 300 đồng.

Điểm lại, nửa sau năm 2011 NHNN đã thành công trong bình ổn tỷ giá và thị trường ngoại hối. Bên cạnh công tác quản lý điều hành, chính sách tỷ giá 2011 đã chứng kiến một sự hậu thuẫn lớn từ những yếu tố vĩ mô. Nhập siêu đã giảm rất mạnh trong năm nay và đặc biệt là sự trở lại ấn tượng của trạng thái thặng dư cán cân tổng thể (thặng dư tới 3,1 tỷ USD).

2.1.4.2. Tác động của chính sách tỷ giá hối đoái đến hoạt động xuất nhậpkhẩukhẩu khẩu

Từ năm 2007, chính sách tỷ giá được điều hành theo hướng VND yếu so với USD, kết hợp với sự kiện Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới WTO, thương mại bắt đầu tăng trưởng ngoạn mục. Kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng qua các năm.

Bảng 2.9: Xuất nhập khẩu Việt Nam trong tương quan với tỷ giá (Giai đoạn 2007 – 2011)

Năm Tỷ giá chính thức (USD/VND)

Xuất khẩu Nhập khẩu Tổng kim ngạch (triệu USD) Kim ngạch (triệu USD) Tốc độ tăng (%) Kim ngạch (triệu USD) Tốc độ tăng (%) 2007 16094 48561 21,93 62761 39,8 - 14200 2008 16590 62685 29,08 80710 28,59 - 18025 2009 16973 57096 -9,78 69952 -15,37 - 12856 2010 18722 72218 26,48 87805 25,52 - 15587 2011 20718 96910 34,2 106752 21,58 - 9842

Nguồn: Tính toán dựa trên số liệu của WB, Tổng Cục Thống kê, Vụ ngoại hối – Ngân hàng Nhà nước

Đầu năm 2007, nguồn cung USD vào nước ta tăng khá mạnh trên các kênh. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh qua các năm và năm 2006 đã lên đến trên 39,82 tỉ USD, lượng kiều hối năm 2006 cũng lên đến 5 tỉ USD… làm cho tổng phương tiện thanh toán tăng 36,9% đã gây áp lực tăng giá lên nội tệ. Đứng trước tình hình trên, từ ngày 1/1/2007, Ngân hàng Nhà nước quyết định, biên độ tỷ giá VND/USD được mở rộng từ mức +/- 0,25% lên +/- 0,5%.

Từ tháng 10/2007 – 04/2008, nhất là sau khi NHNN nới lỏng biên độ dao động tỷ giá từ 0,75% lên 1%, tỷ giá danh nghĩa VND/USD ngay sau đó đã giảm khoảng 1,2%. Kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2008 đạt 23,39 tỷ USD tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2007. Trong khi đó cũng trong 5 tháng đầu năm 2008, nhập khẩu đạt mức 37,81 tỷ USD, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2007. Như vậy, chỉ sau khi VND lên giá, nhập siêu đã tăng mạnh đạt mức quá cao 14,4 tỷ USD, cao hơn mức nhập siêu cả năm 2007 (14,2 tỷ USD). Tuy nhiên, liên tiếp trong 7 tháng cuối năm, nhập siêu được kiềm chế ở mức thấp; nhưng nguyên nhân chính là do giá hàng nhập khẩu trên thị trường thế giới giảm mạnh, đặc biệt là xăng dầu. Kết quả là, hết tháng 12 năm 2008, nhập siêu của Việt Nam là 18,025 tỷ USD đạt con số kỷ lục từ trước đến nay, tăng 27,7% so với con số 14,2 tỷ USD của năm 2007.

Năm 2009 kim ngạch xuất khẩu là 57,1 tỷ USD, giảm 9,78% so với năm 2008. Tương tự, kim ngạch nhập khẩu với 69,95 tỷ USD, cũng giảm 15,37% so với năm 2008. Như vậy, lần đầu tiên sau hơn 20 năm, xuất khẩu giảm so với năm trước. Nhập khẩu là năm thứ hai (sau năm 1998) kim ngạch cũng giảm so với năm trước đó, nhưng mức độ giảm mạnh hơn. Điều này do xuất nhập khẩu là lĩnh vực bị tác động trực tiếp và lớn nhất của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới 2008 – 2009.

Năm 2009 có thể coi là năm “tiền tệ” tại Việt Nam với 2 lần điều chỉnh tỷ giá VND/USD, một lần vào vào tháng 3 (+2%) do tăng biên độ giao dịch từ 3% lên 5% và lần thứ hai là vào tháng 11 (+3,4%). Mặc dù sau mỗi lần điều chỉnh, tỷ giá chính thức đều lên kịch trần nhưng tỷ giá trên thị trường không chính thức (tỷ giá thị trường tự do) vẫn luôn nằm ngoài biên độ cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Điều này cho thấy thị trường ngoại hối luôn căng thẳng. Nguyên nhân của tình trạng này là do suốt giai đoạn từ 2007-2009, VND đã luôn đứng trước áp lực giảm giá. Việc cố tình định giá VND cao so với USD trong một thời gian dài đã góp phần làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu, đồng thời khuyến khích nhập khẩu. Thực tế cho thấy nhập siêu của Việt Nam tăng nhanh liên tục cho đến hết năm 2010.

Năm 2010, NHNN cũng đã thực hiện hai lần điều chỉnh tăng tỷ giá, khoảng cách giữa tỷ giá thực và tỷ giá danh nghĩa được thu hẹp, làm tăng hiệu quả tác động của tỷ giá danh nghĩa đến hoạt động xuất nhập khẩu. Động thái này của NHNN đã góp phần khắc phục tình trạng tăng trưởng xuất nhập khẩu âm trong năm 2009 và kim ngạch xuất nhập khẩu cũng đạt cao nhất từ năm 2007. Tuy nhiên, nhập siêu vẫn tiếp tục tăng lên.

Bước sang năm 2011, NHNH đã có một quyết định tương đối bất ngờ là điều chỉnh tỷ giá USD/VND tăng khá cao so với những lần điều chỉnh khác, tăng 9,3% đồng thời giảm biên độ giao động từ +/-3% xuống còn +/-1%. Lần điều chỉnh tỷ giá này của NHNN là hành động đúng đắn và có trách nhiệm đã giúp hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá Việt Nam có nhiều điểm sáng trong bối cảnh kinh tế đất nước cũng như thế giới còn nhiều khó khăn. Tỷ giá tăng sẽ kiềm chế nhập khẩu và kích thích xuất khẩu. Như vậy chắc chắn mức giá nhập khẩu sẽ tăng về mặt tuyệt đối nhiều hơn so với mức giá hàng xuất khẩu được lợi và mức tăng tỷ giá này sẽ có tác động kiềm chế nhập khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ trực tiếp và có kết hợp sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước sẽ được hưởng lợi từ việc điều chỉnh tỷ giá; trong đó có các ngành thủy sản, may mặc, cao su và khoáng sản. Điều này được thể hiện trên hai phương diện: giúp tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu, mở rộng thị

phần và phần lợi nhuận tăng thêm mà doanh nghiệp được hưởng khi các khoản thu ngoại tệ được ghi nhận bằng VND. Kết quả tính đến hết ngày 25/12/2011, tốc độ tăng xuất khẩu vượt trội (đạt 33%), cao nhất kể từ năm 1995 đến nay; nhập siêu giảm mạnh so với 4 năm trước đó và tỷ trọng nhập siêu/xuất khẩu (gần 11%) thấp nhất kể từ năm 2002.

Tuy nhiên, cần lưu ý là không phải công ty nào xuất khẩu nhiều cũng được hưởng lợi nhất từ việc điều chỉnh tỷ giá lần này. Đơn cử như ngành xuất khẩu hàng dệt may và da giày. Theo thống kê của Tổng cục hải quan, 11 tháng đầu năm 2010, da giày xuất khẩu 4,56 tỉ USD, may mặc xuất 5,52 tỉ USD, tổng cộng hai sản phẩm chiến lược này là 10,8 tỉ USD. Trong khi đó, nhập khẩu của hai mặt hàng da giày và may mặc là 8,8 tỉ USD, xuất ròng của hai sản phẩm này chỉ còn 2 tỉ USD. Như vậy, việc hưởng lợi từ ngành may mặc và da giày xuất khẩu không phải cao như nhiều người vẫn nghĩ. Hoặc như các doanh nghiệp của ngành dầu khí, việc tăng tỷ giá khiến số doanh thu (VND) từ việc xuất khẩu dầu thô tăng đáng kể, nhưng hàng năm, nước ta nhập khẩu hàng triệu tấn xăng, dầu, điều đó chẳng khác nào “gió vào nhà trống”, lợi ít hại nhiều. Tuy nhiên, xét một khía cạnh nhất định nào đó thì việc tăng tỷ giá cũng làm cho nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp xuất khẩu ở một số ngành như cao su, thủy sản, khai khoáng, dệt may… vẫn giữ giá khá tốt, hay ít nhất là “giảm đà xuống dốc không phanh”

Một phần của tài liệu Giải pháp hoàn thiệnchính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam (Trang 33 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(64 trang)
w