Những tồn tại, bất cập và nguyên nhân gây ra

Một phần của tài liệu Giải pháp hoàn thiệnchính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam (Trang 42 - 46)

Chính sách tỷ giá của Việt Nam hiện nay, đôi khi còn tỏ ra cứng nhắc và kém hiệu quả khi NHNN quy định khá chi tiết các mức biên độ và biên độ dao

động tỷ giá còn hẹp. Cụ thể, hiện nay NHNN công bố tỷ giá liên ngân hàng và quy định biên độ dao động là +/-1%. Có thể thấy, mức biên độ dao động này khá hẹp làm cho tỷ giá không biến động kịp thời với những thay đổi trên thị trường tài chính quốc tế.

NHNN còn can thiệp quá sâu vào việc kinh doanh ngoại hối. Hiện nay, thị trường ngoại hối Việt Nam còn nhỏ bé, hoạt động phân tán, chưa phản ánh đúng tính chất thuận mua vừa bán của thị trường. Điển hình, theo quy định quản lý ngoại hối của Nhà nước, mọi giao dịch ngoại hối được chuyển khoản thông qua tài khoản đồng Việt Nam mở tại tổ chức tín dụng được phép và tỷ giá trao đổi phải dựa trên tỷ giá bình quân liên ngân hàng do NHNN công bố. Ngoài ra, Nhà nước quy định chỉ một số trường hợp mới được phép giao dịch, thanh toán bằng ngoại hối. Ngoài các trường hợp đã được quy định sẽ không được phép giao dịch, thanh toán bằng ngoại hối.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa chính sách tỷ giá và các chính sách vĩ mô khác còn chưa hài hòa. Mặc dù, Chính phủ đã quan tâm đến tính đồng bộ khi ban hành các chính sách quản lý vĩ mô. Tuy nhiên, trong một số thời kỳ nhất định, các chính sách này còn thể hiện nhiều bất cập. Giai đoạn 1994 – 1996, tỷ giá VND/USD khá ổn định nhưng mức chênh lệch lãi suất giữa VND và USD lớn. Hậu quả tất yếu của nó là hầu hết các NHTM chuyển nguồn vốn ngoại tệ sang nội tệ để kinh doanh. Tình trạng ngoại hối của nhiều ngân hàng thời kỳ này ở trạng thái đoản. Sang giữa năm 1997, các NHTM đồng loạt thu vét ngoại tệ trên thị trường để cân bằng trạng thái ngoại hối. Thực trạng này đã đẩy sự mất cân đối ngoại tệ trong nền kinh tế ngày càng trầm trọng hơn. Ngược lại, trong giai đoạn cuối 1999 – 2000, tỷ giá VND/USD luôn có xu hướng tăng đều nhưng NHNN lại duy trì mức chênh lệch lãi giữa USD và VND nhỏ. Điều này làm gia tăng hiện tượng đôla hóa nền kinh tế và lãng phí nguồn ngoại tệ.

Gần đây nhất, đợt điều chỉnh tăng mạnh tỷ giá VND/USD đến 9,3% vào tháng 2/2011 đã gây ra ít nhiều hoang mang cho một bộ phận người dân và doanh nghiệp bởi mức điều chỉnh được cho là quá lớn. Vì thế, ngoài việc ban hành chính sách tỷ giá mới thì song song Chính phủ cần có những biện pháp kinh tế để hạn chế tối đa những tiêu cực từ chính sách này như việc một số bộ phận lợi dụng việc tăng tỷ giá để nâng giá.

Ngoài ra, đồng Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào đồng Đôla Mỹ. Hiện nay, NHNN Việt Nam thông báo tỷ giá VND/USD một ngày một lần, còn đối với hơn 20 loại ngoại tệ khác thì thông báo 10 ngày một lần và được tính chéo qua USD. Việc VND được neo vào USD cũng có thuận lợi vì USD là một trong những đồng tiền chủ yếu sử dụng trong thanh toán quốc tế và hầu hết các thanh

toán của Việt Nam với nước ngoài cũng như các nguồn thu ngoại tệ chủ yếu bằng USD. Do đó gắn VND với USD sẽ làm đơn giản hóa việc xác định tỷ giá đồng Việt Nam với các ngoại tệ khác. Tuy nhiên, điều này chỉ có tác dụng tích cực khi giá của đồng USD ổn định trên các thị trường tài chính quốc tế. Khi USD lên giá so với ngoại tệ khác cũng có nghĩa là VND lên giá so với ngoại tệ đó. Điều này đã xảy ra trong giai đoạn từ giữa năm 1995 và có ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cạnh tranh quốc tế của hàng Việt Nam. Từ đó làm hạn chế xuất khẩu, khuyến khích nhập khẩu, góp phần làm cho cán cân tài khoản vãng lai bị thâm hụt lớn.

Một khía cạnh nữa khiến chính sách tỷ giá chưa hiệu quả là do thị trường ngoại tệ liên ngân hàng hoạt động chưa năng động. Đây là nơi cung cầu ngoại tệ gặp nhau, nhưng thị trường này thời gian qua chưa phản ánh đúng thực trạng kinh doanh ngoại hối của nền kinh tế. Nguyên nhân là do NHNN chưa thực hiện tốt chức năng là người mua, bán cuối cùng để điều chỉnh thị trường.

Cụ thể, giai đoạn 1994 – 1996, cung ngoại tệ trên thị trường dồi dào là do hoạt động xuất khẩu gạo, dầu thô… phát triển vượt trội, nguồn vốn ODA, FDI tăng nhanh. Các doanh nghiệp có nhu cầu chuyển ngoại tệ sang nội tệ để kinh doanh. Tại thời điểm này, hầu hết các NHTM lại đặt lệnh bán ngoại tệ. Để cân đối thị trường và bổ sung nguồn dự trữ, lẽ ra NHNN phải mua ngoại tệ vào, nhưng điều này đã không được thực hiện một cách tương thích. Khi cung vượt cầu, tỷ giá VND/USD tất yếu có xu hướng hạ, giá trị đồng Việt Nam tăng vượt quá giá trị thực sẽ tạo áp lực lên giá cả hàng hóa.

Một điểm nữa là, NHNN chưa thu hút được nguồn ngoại tệ. Mặc dù, kim ngạch xuất khẩu luôn tăng, nguồn vốn nước ngoài, kiều hối khá phong phú nhưng một lượng lớn ngoại tệ đã được lưu giữ trong dân cư, trên tài khoản của doanh nghiệp xuất nhập khẩu hoặc tại kho quỹ của các NHTM. Nguồn ngoại tệ tập trung cho quỹ dự trữ ngoại hối của NHNN còn hạn hẹp. Tại nhiều thời điểm, NHNN không thể thỏa mãn nhu cầu ngoại tệ hợp lý của nền kinh tế. Cung cầu ngoại tệ luôn trong tình trạng mất cân đối, tạo áp lực gia tăng tỷ giá và tác động xấu lên cán cân thanh toán. Điều này là do niềm tin của công chúng vào nội tệ chưa nhiều dẫn đến tâm lý muốn găm giữ ngoại tệ.

Chính sách tỷ giá của Việt Nam trong thời gian qua còn cho thấy, ảnh hưởng của tỷ giá danh nghĩa chưa rõ nét trong việc tác động đến xuất nhập khẩu, trong khi đó, tỷ giá thực hiệu quả lại có tác động rất rõ nét đến thâm hụt thương mại do phản ánh đúng cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Nhìn vào đồ thị 2.4 ta thấy, có những thời điểm dù tỷ giá danh nghĩa tăng mà thâm hụt cán cân thương

mại vẫn không được cải thiện. Trong khi đúng ra, khi tỷ giá tăng sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, từ đó làm giảm thâm hụt cán cân thương mại. Điều này chứng tỏ tỷ giá danh nghĩa chưa sát với tỷ giá thực hiệu quả. Bởi mục tiêu điều hành tỷ giá trong thời gian qua được coi là công cụ để neo lạm phát có tính đến yếu tố khuyến khích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu.

Tỷ giá NHTM Thâm hụt CCTM

Đồ thị 2.4: Mối quan hệ giữa tỷ giá danh nghĩa với thâm hụt thương mại (Giai đoạn 1999 – 2010)

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước

Thực trạng này khiến Việt Nam luôn tồn tại cơ chế hai tỷ giá, chính thức và thị trường tự do (chợ đen) khiến cho các doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn, việc quản lý thị trường ngoại hối của Nhà nước gặp nhiều trở ngại. Các nhà đầu tư nước ngoài e ngại đầu tư vào Việt Nam vì lo ngại rủi ro tỷ giá, ngoại tệ “chạy ngầm” từ thị trường chính thức sang thị trường chợ đen (vì giá cao hơn), ngoại tệ trở nên khan hiếm. Trong khi dự trữ ngoại hối của nước ta mỏng, Chính phủ nhiều khi bất lực trước việc đầu cơ, thao túng giá USD trên thị trường tự do. Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc hạch toán chi phí vì phải mua ngoại tệ ở thị trường tự do với giá cao nhưng lại phải “phù phép” làm hợp lý hóa chi phí thực phải bỏ ra (vì tỷ giá giao dịch chính thức do NHNN quy định thấp hơn). Điều này tất yếu làm cho thị trường tài chính và báo cáo tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam thiếu minh bạch và tin cậy.

CHƯƠNG 3

QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI ĐỂ NÂNG CAO

HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG XUẤT NHẬP KHẨU CỦA VIỆT NAM CHO ĐẾN NĂM 2020

Một phần của tài liệu Giải pháp hoàn thiệnchính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam (Trang 42 - 46)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(64 trang)
w