Chính quyền Xô Viết Nghệ Tĩnh trên đất Hưng Nguyên

Một phần của tài liệu Hưng Nguyên trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945 (Trang 53 - 59)

6. Bố cục của luận văn

3.1.3.Chính quyền Xô Viết Nghệ Tĩnh trên đất Hưng Nguyên

Từ sau cuộc biểu tình ngày 12/9/1930, được Tỉnh uỷ Vinh - Bến Thuỷ uỷ nhiệm, đồng chí Vương Thúc Kỳ (tức Quýnh) - Bí thư Huyện uỷ Nam Đàn về triệu tập hội nghị cán bộ ở Hưng Nguyên gồm đại biểu 5 tổng: Nam Kim (Nam Đàn), Phù Long, Thông Lạng, Văn Viên, Đô Yên. Cuộc họp bàn kế hoạch ổn định lại tình hình, giúp đỡ các gia đình bị nạn và bàn kế hoạch tiếp

tục đấu tranh. Chỉ trong một thời gian ngắn, tình hình được ổn định, phong trào cách mạng lại trỗi dậy. Các cơ sở Đảng và quần chúng được củng cố và phát triển. Đã đến lúc phải có một cấp bộ lãnh đạo thống nhất trên toàn lãnh thổ. Để rồi sau Hội nghị đại biểu các chi bộ tại Phù Xá (10/1930), Phủ uỷ lâm thời Hưng Nguyên được thành lập.

Sau khi được thành lập, Phủ uỷ đã chia nhau về các chi bộ, các cơ sở chỉ đạo phong trào, quyết không lùi bước. Từ đó, phong trào cách mạng lại tiếp tục bùng lên sâu rộng, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hình thành một thế trận mới dồn dập tấn công đối phương về nhiều mặt: chính trị, kinh tế, quân sự… tiến lên đỉnh cao từ tháng 10/1930 đến tháng 4/1931, làm rung chuyển toàn bộ bộ máy cai trị của nhà cầm quyền ở đây.

Trước ngày 12/9/1930, có 6 cuộc đấu tranh, thì từ đó đến tháng 5/1931 có tới 92 cuộc, trong đó tháng 10/1930 có 15 cuộc, tháng 2/1931 có 12 cuộc, tháng 4/1931 có 17 cuộc…

Thời kỳ trước ngày 12/9/1930, phong trào nổi lên chủ yếu ở Phù Long, Thông Lạng, Yên Trường và Nam Kim (Nam Đàn); sau đó đã lan rộng thêm đến Đô Yên, Văn Viên, Hải Đô, gồm trên 80 làng xã. Giáo viên, học sinh các trường trong toàn phủ cùng bãi khoá hưởng ứng phong trào cách mạng của công nông, đồng thời đòi thực hiện các quyền tự do, dân chủ trong nhà trường.

Nội dung các cuộc đấu tranh đã kết hợp chính trị với kinh tế, vũ trang thị uy, trấn áp địch… nên quần chúng khắp nơi càng hăng hái, sôi nổi tham gia. Từ tháng 10/1930, đã nổ ra 37 cuộc đấu tranh kinh tế ở nhiều làng xã đòi cường hào, địa chủ trả lại các loại thóc, tiền…ruộng đất công họ chiếm dụng, đem chia cho dân cày nghèo.

Hàng loạt cuộc đấu tranh vũ trang liên tiếp nổ ra: ngày 11/10/1930 và 07/11/1930, tự vệ và nông dân Phúc Hậu, Yên Thái, Long Giang, Nghĩa Liệt,

Dương Xá đón đánh hai toán lính Tây và lê dương ở cầu Yên Xuân; tháng 4/1931, nhân dân Phù Long mấy lần đón đánh binh lính hoặc đi phá đồn. Các cuộc tuần hành thị uy của các đội tự vệ đã hạn chế được hoạt động của binh lính các đồn, vừa trấn áp được bọn mật thám và tay sai.

Đòn tiến công quyết liệt và dồn dập của phong trào cách mạng vào đối phương đã hình thành nên thế trận mới: phe cách mạng tiến công, nhà cầm quyền Pháp và Nam triều bị động đối phó. Thế trận này đã làm rung chuyển toàn bộ bộ máy cai trị của nhà cầm quyền ở đây và đưa tới sự ra đời của chính quyền Xô viết xã thôn. Báo Công luận 23/9/1930 và báo cáo của Rô-banh, toàn quyền Đông Dương thú nhận: “Hầu hết tổng lý theo phe loạn (tức phe cách mạng). Hội tề không trả lời mệnh lệnh của cấp trên. Các quan lại thì không còn uy tín gì nữa… Cộng sản đã thành lập các Xô viết hương thôn…”.

Các nơi như Hoàng Cần, Dương Xá, Thông Lạng, Phúc Mỹ, Khánh Sơn, Lộc Điền, Yên Dũng, Cự Thôn… bộ máy hào lý hoàn toàn tê liệt, tan rã. Các thôn bộ, xã bộ nông hội Đỏ công khai đứng ra giải quyết mọi công việc như một chính quyền cách mạng, dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Đảng. Họ vận động quần chúng thực hiện các khẩu hiệu của Đảng nhằm xây dựng một xã hội mới theo hình ảnh nước Nga mà họ đã cảm nhận được qua truyền đơn, sách báo của Đảng.

Chỉ trong thời gian chưa đầy 8 tháng, dưới sự chỉ đạo của Xứ uỷ và Tỉnh uỷ, Phủ uỷ Hưng Nguyên đã lãnh đạo các Xô viết đứng vững và thu được một số thành quả quan trọng, rất có ý nghĩa:

Về chính trị:

Lần đầu tiên trong lịch sử, người nông dân từng bị áp bức, bóc lột, khinh rẻ được đứng ra giải quyết công việc của xã hội, của đời sống chính mình với tư cách người chủ. Dưới chính quyền Xô viết, mọi luật lệ của đế quốc phong kiến bị xoá bỏ, quyền tự do dân chủ của nhân dân được ban bố.

Quần chúng, nữ cũng như nam được tự do và bình đẳng tham gia các đoàn thể cách mạng: 4450 nông dân đã trở thành Hội viên nông hội đỏ, lập thành 12 xã bộ, 76 thôn bộ, 150 thanh niên trở thành đoàn viên thanh niên cộng sản Đoàn trong 14 tổ; 948 phụ nữ thành hội viên Hội phụ nữ giải phóng gồm 42 tổ. Ngoài ra còn có 6 tổ cứu tế đỏ gồm 86 hội viên…

Tất cả mọi người được tự do hội họp, tự do thảo luận mọi công việc của xã hội. Mọi người tự do xem truyền đơn, sách báo cách mạng, tự do nghe, diễn thuyết về cách mạng… Họ chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của “xã hội” và sẵn sàng hi sinh tính mạng, tài sản vì “xã hội”. Cán bộ, đảng viên say sưa lao vào công việc của “xã hội”, quên cả việc nhà, quên cả mệt nhọc. Chị em phụ nữ cũng “phá bỏ xiềng xích nô lệ giam hãm đàn bà xưa nay mà ra vai dự cuộc đấu tranh” [6, tr48].

Về kinh tế:

Khắp nơi khẩn trương chấp hành chủ trương của Phủ uỷ trong việc thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng và đã giành được thắng lợi to lớn: Dương Xá 250 mẫu ruộng đất công, Lộc Điền, Khánh Sơn mỗi nơi 180 mẫu, Đức Quang 123 mẫu, Yên Thái 81 mẫu… Tổng số ruộng đất công thu hồi được là 1364 mẫu. Nơi nhiều diện tích thì chia cho dân đinh, người nghèo được chia nhiều hơn, nơi ít diện tích thì cày chung. Thật khó mà miêu tả hết được nỗi sung sướng đến bàng hoàng của người nông dân khi được cách mạng đem lại ruộng đất cho họ. Được cày cấy trên mảnh đất thực sự của mình mà họ cứ tưởng như trong mơ. Đó chính là sức mạnh đã gắn bó người nông dân Hưng Nguyên với Đảng, với giai cấp công nhân ngay từ khi mới gặp Đảng. Cũng vì lẽ đó nên ruộng đất là một trong những thành quả của chính quyền Xô viết được bảo vệ bền chắc nhất.

Song song với việc thực hiện chính sách ruộng đất, nhiều nơi đã tịch thu các công quỹ như: “nghĩa thương, tuần sương, hoa ngư lạc túc”, các

khoản do hào lý tham nhũng, phù thu lạm bổ… đem chia cho dân. Long Cù tịch thu được 2900 quan tiền; Yên Dũng 22 tạ thóc, 2200 quan tiền; Hoàng Cần, Phan Thôn, Phúc Mỹ mỗi nơi được 150 tạ… tất cả được đem chia cho dân cày nghèo.

Đến đầu năm 1931, để giải quyết nạn đói trầm trọng, Phủ uỷ đã kịp thời đề ra chủ trương phát động nông dân “vay lúa nhà giàu”. Các chi bộ Đảng và nông hội đã lãnh đạo quần chúng đấu tranh với 77 địa chủ, 16 phú nông, lấy được 773 tạ thóc, 24 tạ khoai và 16.450 quan tiền đem phân phát cho dân kịp thời chống đói và giúp đỡ những người bị nạn, những gia đình bị địch đốt phá nhà cửa.

Vấn đề sưu thuế, ở một số làng xã hào lý chưa nạp lên quan trên thì nhân dân đấu tranh đòi họ phải trả lại cho dân, không được đem đi nạp. Các thứ thuế chợ, thuế đò… đều bị bãi bỏ. Một số nơi đã xoá bỏ tô phụ như các lễ tết, lễ mừng, lễ làm công không cho địa chủ… Đối với nợ nần của nông dân thì nông hội vận động đấu tranh đòi giảm lãi suất xuống 3%, có nơi đòi xoá nợ, đốt hết khế tự. Đối với người đi ở, nông hội buộc các nhà chủ không được bắt xay lúa, giã gạo ban đêm, để anh chị em tự do đi dự các cuộc hội họp, mít tinh, biểu tình, học chữ quốc ngữ…[6, tr49].

Về quân sự:

Thực hiện chủ trương của cấp trên, Phủ uỷ đã lãnh đạo xây dựng các đội tự vệ đỏ (còn gọi là xích vệ). Nhiều làng xã đã tổ chức được đội tự vệ từ 30 đến 80 đội viên. Mỗi đội có một ban chỉ huy, có đảng viên phụ trách do chi bộ cử, nơi chưa có chi bộ thì nông hội cử người phụ trách. Tổng số có 49 đội tự vệ gồm 699 đội viên. Nhiệm vụ của tự vệ thời gian đầu là bảo vệ cơ quan, bảo vệ các cuộc họp, giữ trật tự trong các cuộc biểu tình, mít tinh. Khi địch khủng bố, tự vệ làm nhiệm vụ đi tiên phong trong các cuộc biểu tình, đấu tranh của quần chúng, trấn áp bọn mật thám, phản động. Trong khoảng 8

- 9 tháng (từ tháng 9/1930 đến tháng 5/1931), các đội tự vệ đã kết hợp với bạo lực chính trị của quần chúng tiến hành 54 vụ trấn áp, trừng trị 16 tên mật thám tay sai, 8 tên bang tá, chánh đoàn phu, 2 tên cai phó tổng phản động, làm chúng khiếp sợ phải chùn tay. Một số nơi, các đội tự vệ đã tổ chức các cuộc tập kích, phục kích địch đi tuần như các trận ở cầu Yên Xuân, đồng Đồng Lợi…

Sau này, khi quân địch lập lại được bộ máy hào lý, một số nơi thực hiện chủ trương của Đảng đã kịp thời lựa chọn những đội viên trung kiên, bí mật bố trí vào các tổ chức phu đoàn của địch để làm nội ứng cho cách mạng.

Về văn hoá - giáo dục:

Cùng với việc giáo dục, giác ngộ chính trị, Phủ uỷ chủ trương mở các lớp học chữ quốc ngữ, nâng cao dân trí, đồng thời vận động cải cách phong tục tập quán. Ở nhiều làng xã, chi bộ, nông hội đứng ra tổ chức các lớp học, chọn thầy, vận động hội viên. Các lớp thường được tổ chức vào buổi trưa, tối theo từng nhóm 5-7 người, do những người biết chữ trong làng dạy. Mọi người học đều được cấp giấy, bút, mực. Có nơi số người học khá đông và có nề nếp như: Phù Xá có 70 học viên, Yên Dũng 75 học viên, Đức Thịnh, Lộc Điền, Long Cù mỗi nơi 40 học viên… Thống kê trong 26 làng đã có 75 lớp gồm 690 học viên, 54 người dạy. Nhờ có phong trào học quốc ngữ, nhiều người đã biết đọc, biết viết, xem truyền đơn, đọc sách báo, đọc viết các khẩu hiệu của Đảng.

Nhằm giải phóng quần chúng khỏi vòng trói buộc của đồi phong, bãi tục phong kiến, Phủ uỷ đã chỉ đạo các chi bộ, nông hội tích cực vận động cải cách phong tục tập quán ở nông thôn như bài trừ nạn cờ bạc, rượu chè, bói toán, vận động bỏ váy mặc quần, bỏ đeo vòng khuyên…[6, tr53].

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo, phong trào cách mạng của nông dân và các tầng lớp nhân dân Hưng Nguyên đã nhanh chóng chuyển lên

cao trào và dẫn đến việc thiết lập nên chính quyền Xô viết ở nhiều thôn xã. Với những thành quả thiết thực, khá toàn diện, chính quyền Xô viết đã đứng vững trong 8 - 9 tháng giữa một hệ thống đồn bốt dày đặc, nằm sát nách trung tâm đầu não của bọn thống trị cấp tỉnh.

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Hưng Nguyên trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945 (Trang 53 - 59)