Diễn biến chính

Một phần của tài liệu Hưng Nguyên trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945 (Trang 46 - 53)

6. Bố cục của luận văn

3.1.2.Diễn biến chính

Đêm 30/4 và ngày 01/5/1930, hưởng ứng chủ trương của Đảng về kỉ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5, truyền đơn, cờ đỏ búa liềm xuất hiện lần đầu tiên ở nhiều nơi: Lộc Đa, Đức Thịnh, Chợ Vực, Chợ Đón, Chợ Liễu, Thông Lạng… Có nơi như ở Đức Thịnh, khi rải truyền đơn, đảng viên đánh 3 hồi trống đình để nhân dân ra xem. Đặc biệt, ngày Quốc tế lao động 1/5/1930 được công nhân Vinh - Bến Thuỷ và nông dân một số làng xã của Hưng Nguyên lần đầu tiên kỉ niệm công khai bằng cuộc biểu tình lớn: Cuộc biểu tình ngày 1/5/1930.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng lấy ngày Quốc tế lao động 1/5/1930, phát động một cao trào đấu tranh dân tộc dân chủ mạnh mẽ, biểu

dương sức mạnh liên kết công nông binh. Xứ uỷ Trung Kỳ và Tỉnh uỷ Vinh - Bến Thuỷ quyết định tổ chức một cuộc biểu tình lớn vào ngày 1/5/1930. Để chuẩn bị kế hoạch cho cuộc biểu tình, ngày 20/4/1930, đồng chí Lê Mao thay mặt Tỉnh uỷ Vinh - Bến Thuỷ triệu tập một cuộc họp tại nhà đồng chí Hoàng Trọng Trì. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc thay mặt xứ uỷ Trung Kỳ về phụ trách. Hội nghị nhất trí phát động phong trào cách mạng bằng cuộc biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5, biểu dương lực luợng, đưa yêu sách đòi tăng lương, giảm giờ làm, bỏ sưu, giảm thuế, phản đối khủng bố, ủng hộ cuộc bãi công của công nhân Nhà máy sợi Nam Định, ủng hộ Liên bang Xô Viết.

Thực dân Pháp và Nam Triều cho mật thám và binh lính ngày đêm lùng sục khắp nơi. Trước tình hình đó, tối ngày 30/4/1930, Tỉnh uỷ Vinh - Bến Thuỷ triệu tập một cuộc họp khẩn cấp tại Yên Dũng hạ để điều chỉnh kế hoạch. Theo kế hoạch mới, để đánh lạc hướng kẻ địch, một bộ phận công nhân vẫn đi làm bình thường, đến 9 giờ sáng ngày 1/5/1930, công nhân nhà máy nào thì tập trung tại nhà máy ấy. Lực lượng dự định huy động là toàn thể công nhân các nhà máy ở Vinh - Bến Thuỷ và nông dân các làng Lộc Đa, Đức Thịnh, Yên Dũng, An Hậu, Đức Hậu thuộc tổng Yên Trường. Đoàn biểu tình dự định tập trung tại Quán Lau rồi tuần hành qua các nhà máy, qua ngã ba Bến Thuỷ, vào Yên Dũng hạ, ra đường quốc lộ 1, rồi lên Vinh, vây Toà sứ để đưa yêu sách. Không chủ trương vũ trang, bạo động.

Sáng ra, gần 1000 nông dân đã tập trung tại cây số 4 trên đường Vinh - Cửa Hội. Hôm đó lại là ngày phiên chợ Vinh (3/4 âm lịch), nhiều người đi chợ cũng nhập vào đoàn, nên đoàn biểu tình mỗi lúc một đông thêm. Người đi biểu tình tay không, xếp thành hàng ba, cờ đỏ búa liềm đi đầu cùng nhiều băng vải đỏ được căng lên với khẩu hiệu viết bằng sơn trắng. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Hoàng Trọng Trì, đoàn biểu tình rầm rộ kéo đi, tiếng hô khẩu hiệu vang lên như sấm dậy:

- Tinh thần ngày Quốc tế lao động 1/5 muôn năm!

- Giảm thuế ruộng, bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế muối, thuế đò! - Tịch thu ruộng công điền thổ chia cho dân cày nghèo!

- Cách mạng Việt Nam muôn năm! Việt Nam cộng sản Đảng muôn năm!

Và đây là lần đầu tiên từ đất nước Việt Nam, hàng ngàn công nông cùng một lúc đã gửi lời chào đến anh chị em công nông toàn thế giới, đến quê hương cách mạng Tháng Muời:

- Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại! - Ủng hộ Liên bang Xô Viết!

Qua Quán Lau đến trước cửa Nhà máy Trường Thi, đoàn biểu tình dừng lại. Cùng lúc đó, tri phủ Hưng Nguyên, cai tổng Yên Trường và một đoàn xe hơi chở đầy lính khố xanh từ phía tỉnh ập xuống. Mặc cho bọn chúng phỉnh phờ, ngăn chặn, hàng ngàn người vẫn hô khẩu hiệu:

- Công nông binh liên hiệp lại! - Chống khủng bố, chống đánh đập!

Rồi hàng ngàn chiếc nón khoa lên nồng nhiệt vẫy gọi anh chị em công nhân trong nhà máy. Cổng nhà máy đã bị bọn chủ ra lệnh đóng chặt, anh chị em công nhân đổ xô ra phá hàng rào, vẫy tay chào đáp lại anh chị em nông dân và cùng hô vang khẩu hiệu đồng tình. Bất chấp tri phủ, cai tổng và binh lính đe dọa, đoàn người vẫn hiên ngang kéo xuống Bến Thủy, vừa đi vừa nắm chặt tay nhau hát vang bài ca quốc tế (bằng thơ của Nguyễn Ái Quốc):

“Hỡi ai nô lệ trên đời

Hỡi ai cực khổ đồng thời đứng lên Bất bình này chịu sao yên

Đoàn biểu tình căm phẫn ào vào phá cửa nhà máy. Bọn lê dương chồm lên định bắn thì những người đi đầu đã xông vào cướp súng trong tay chúng. Bọn chúng hoảng loạn vừa lui vừa bắn bừa bãi vào đoàn biểu tình. Bọn chủ Pháp trên các nhà gác cũng xả đạn như mưa, 6 người nữa ngã xuống, 18 người bị thương, hàng chục người khác bị bắt.

Cuộc biểu tình bị đàn áp đẫm máu và phải giải tán nửa chừng. Nhưng kẻ thù không xoá được ý nghĩa đặc biệt và ảnh hưởng to lớn của nó. Đây là lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, hai giai cấp công nhân và nông dân kề vai sát cánh xuống đường, trực diện đấu tranh với quân thù. Báo

“Người lao khổ” - cơ quan của Xứ uỷ Trung Kỳ viết: “Thật là lần đầu tiên ở Việt Nam, công nông binh gặp nhau giữa trận tiền”.

Cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 của nhân dân nhiều làng xã Hưng Nguyên là hành động cách mạng chan chứa tinh thần quốc tế vô sản, là trận giáp chiến đầu tiên của công nông Nghệ Tĩnh đánh vào dinh lũy của quân thù. Đây là trận mở màn cho cao trào cách mạng 1930-1931 của Vinh - Bến Thủy nói riêng và Nghệ Tĩnh nói chung.

Tin về cuộc biểu tình 1/5/1930 của công nông Hưng Nguyên bị đàn áp được truyền đi nhanh chóng đã gây một làn sóng căm phẫn mạnh mẽ không những trong tỉnh mà trong cả nước. Ngay tối hôm đó, các chi bộ Lộc Đa, Đức Thịnh, Yên Dũng đã họp để kiểm điểm, rút kinh nghiệm, bàn kế hoạch ổn định tinh thần, tư tưởng nhân dân và quyên góp, giúp đỡ, an ủi các gia đình có người hi sinh, bị thương, bị bắt. Nhân dân nhiều nơi lại liên tiếp đứng lên đấu tranh. Ngày 25/5/1930, nông dân nhiều làng xã ở các tổng Phù Long, Văn Viên, Thông Lạng rải truyền đơn phản đối đế quốc Pháp bắn giết đồng bào và đòi chúng thả những người bị bắt. Ngày 30/8/1930, 100 nông dân Dương Xá cùng 3000 nông dân Nam Đàn kéo đến huyện lỵ Nam Đàn đấu tranh buộc tri huyện phải ký nhận làm theo bản yêu sách. Ngày 31/8/1930, nông dân nhiều làng xã tổ chức những cuộc mít tinh nhỏ hưởng ứng các cuộc đấu tranh ở Bến

Thuỷ và Hạnh Lâm. Ngày 11/9/1930, nông dân nhiều làng xã lại biểu tình, tuần hành, thị uy.

Trước tình hình cách mạng sôi sục khắp nơi, những người cộng sản Hưng Nguyên thấy cần phải phát động một cuộc đấu tranh quần chúng thật mạnh mẽ để vừa phối hợp với các nơi, vừa tập dượt, thử thách lực lượng quần chúng, đồng thời đòi kẻ địch phải giải quyết một số yêu cầu bức thiết của đời sống quần chúng.

Ngày 6/9/1930, đồng chí Lê Xuân Đào chủ trì cuộc họp các chi bộ. Đồng chí Lê Doãn Sửu được Tỉnh uỷ cử về phụ trách, chỉ đạo. Sau khi đã thảo luận mục đích, ý nghĩa cuộc biểu tình, khẩu hiệu đấu tranh và kế hoạch tiến hành, hội nghị đã phân công cụ thể cho từng chi bộ, từng đảng viên và cử ra ban chỉ huy cuộc biểu tình gồm 3 người: Đồng chí Nguyễn Ngọc Ngoạn - Tổng chỉ huy, Đồng chí Bùi Ngọc Quyến - Phó chỉ huy, Đồng chí Nguyễn Thị Phia - Tuyên truyền cổ động

Đây là cuộc biểu tình vũ trang. Lực lượng huy động gồm quần chúng 3 tổng: Phù Long, Thông Lạng và Nam Kim. Theo kế hoạch, đoàn biểu tình tập kết tại đình Xuân Hoà, kéo xuống ga Yên Xuân, rồi tiến về phủ lỵ Hưng Nguyên để đưa yêu sách cho tri phủ.

Chủ trương về cuộc biểu tình được quần chúng khắp nơi nhiệt tình hưởng ứng, nô nức tham gia. Mới 3 giờ sáng, từng đoàn, từng đoàn quần chúng mang theo gậy gộc, dáo mác, dây thừng, cờ đỏ búa liềm rầm rập đổ về đình Xuân Hoà. Đoàn của các làng Long Xuyên, Xuân Trạch, Mai Sơn, Đồng Châu cũng vượt sông từ đêm 11/9 bằng nốc đò của vạn nghĩa sơn, kịp sang tập kết. Đoàn biểu tình hàng ngũ chỉnh tề rầm rộ kéo xuống ga Yên Xuân, bắt trói xếp ga, cắt đứt dây điện thoại để triệt đường liên lạc của địch. Chị Nguyễn Thị Phia đứng lên một mô đất cao để diễn thuyết. Chị vạch trần tội ác của kẻ thù đối với nhân dân ta, nói rõ chủ trương làm cách mạng của Đảng,

hô hào quần chúng nhân dân đứng lên đánh đuổi đế quốc Pháp, đánh đổ phong kiến, giải phóng đất nước. Toàn thể nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng. Nhiều bó truyền đơn được tung lên trên các toa tàu. Tiếng vỗ tay, tiếng hô khẩu hiệu vang lên như sấm dậy:

- Đả đảo đế quốc Pháp

- Đánh đổ Nam triều phong kiến

- Bỏ sưu, giảm thuế, chia ruộng đất cho dân cày nghèo!

Trên đường đi, đoàn đã gặp đoàn của nhân dân tổng Nam Kim, như kế hoạch đã định hai bên nhập làm một. Toàn đoàn thẳng tiến về phủ lỵ Hưng Nguyên, dọc theo đường Phù Xá, Thông Lạng, Hoàng Cần, Thái Lão. Tới làng nào, đoàn cũng dừng lại diễn thuyết, cổ động, hô khẩu hiệu và vạch trần tội ác của địch, cảnh cáo một số tên tay sai gian ác của bọn đế quốc thực dân. Số người tham gia cuộc biểu tình mỗi lúc một đông thêm, đầu đoàn đã tới Phù Xá mà cuối đoàn vẫn còn ở ga Yên Xuân. Mặc cho trời mưa mỗi lúc một nặng hạt, đoàn vẫn vững vàng tiến bước trong trật tự.

Khi đoàn đến Thái Lão, máy bay Pháp từ sân bay Vinh bất ngờ nhào đến vừa bắn liên thanh, vừa ném bom bừa bãi xuống đoàn người biểu tình. Hàng trăm người đã ngã xuống, đoàn biểu tình phải giải tán giữa chừng. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Buổi chiều, khi nhân dân các làng xã ra khâm lượm và chôn cất những người hi sinh, máy bay Pháp lại đến ném bom, bắn giết một lần nữa. Hàng chục người nữa lại ngã xuống. Cả hai lần bọn chúng đã làm 217 người chết và 125 người bị thương.

Tỉnh ủy lập tức phát động phong trào đấu tranh tiếp tục chống Pháp. Nhiều cuộc đấu tranh ở các nơi liên tiếp nổ ra lên án đế quốc Pháp và Nam triều bắn giết, tàn sát dã man nhân dân Hưng Nguyên.

Ngay trong đêm 12/9/1930, 4000 nông dân hai tổng Bích Hào và Võ Liệt (Thanh Chương) biểu tình phản đối cuộc khủng bố của đế quốc và làm lễ truy điệu những người đã hy sinh.

Sáng 13/9/1930, công nhân các nhà máy ở Bến Thủy bãi công để phản đối vụ thảm sát ở Hưng Nguyên.

Cũng trong ngày 13/9, Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức lễ truy điệu các chiến sỹ hi sinh trong cuộc biểu tình ở Hưng Nguyên tại chợ Cồn (Thanh Chương). Tham dự buổi lễ này có đại biểu Trung ương, đại biểu các xứ Trung, Nam, Bắc, đại biểu các phủ huyện trong tỉnh và trên hai vạn nông dân huyện Thanh Chương trong đó có một ngàn đội viên đội tự vệ đỏ làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ. Dưới tấm băng đỏ mang dòng chữ “Truy điệu những chiến sỹ vô danh đã hi sinh vì nhiệm vụ để bênh vực lợi quyền cho quần chúng lao khổ ở An Nam” và hàng trăm lá cờ búa liềm, mọi người cúi đầu tưởng niệm những đồng bào, đồng chí đã hi sinh. Sau đó, phong trào tổ chức lễ truy điệu các chiến sỹ đã hi sinh ở Hưng Nguyên được tiến hành trọng thể ở nhiều huyện trong hai tỉnh, tạo nên sự phản ứng quyết liệt trong các tầng lớp nhân dân Nghệ Tĩnh đối với đế quốc Pháp và tay sai [6, tr45].

Báo Người lao khổ - cơ quan của Xứ ủy Trung Kì số ra ngày 18/9/1930 đã tường thuật cuộc đấu tranh của nhân dân Hưng Nguyên: “Tin cuộc thảm sát sáng 12/9 ở gần phủ Hưng Nguyên truyền đến, thì tức khắc ngay trong đêm bữa đó, 5000 anh chị em nông dân Nam Đàn tụ họp biểu tình, sống chết với đế quốc Pháp để bênh vực cho những anh chị em bị hại. Anh chị em phá cầu, triệt đường, rồi đánh trống, phất cờ tiến đến huyện Nam Đàn; ai nấy cũng đều một lòng căm thù đế quốc, tình nguyện đi chết với anh, chị em Hưng Nguyên. Thái độ can đảm, hi sinh lạ thường của anh chị em làm cho bọn chúng phải kinh sợ” [9, tr370 - 371].

Cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 tuy bị đàn áp đẫm máu, nhưng đã chứng minh hùng hồn sức mạnh vùng lên to lớn của nhân dân lao động Hưng Nguyên, đặc biệt là của giai cấp nông dân, khi có sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Sự đàn áp dã man của địch không những không làm cho nhân dân Hưng

Nguyên run sợ, chùn bước, mà làm lòng căm thù của họ đối với đế quốc Pháp cướp nước và phong kiến tay sai bán nước thêm sôi sục. Ngọn lửa đấu tranh như được đổ thêm dầu ngày càng bốc cao, làm chấn động cả thế giới. “Cái mặt nạ “khai hoá văn minh” của “mẫu quốc” đã phải vứt bỏ. Bộ mặt thật dã man tàn bạo của thực dân Pháp đã bị phơi trần. Chúng vô cùng hoảng sợ và hết sức lúng túng trước làn sóng cách mạng ngày càng dâng lên mãnh liệt đang làm cho nền thống trị của chúng rung chuyển đến tận nền móng”. [6, tr48].

Cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 đã đi vào lịch sử Hưng Nguyên và Nghệ Tĩnh như một bản anh hùng ca bất diệt. 12/9/1930 làm chấn động dư luận quốc tế, làm cho thế giới hiểu rõ tại Đông Dương đang có biến cố chính trị. Ngày 12/9 đã trở thành ngày Xô viết Nghệ Tĩnh, ngày kỷ niệm của toàn Đảng, toàn dân ta. Nghĩa trang liệt sĩ Thái Lão đời đời nhắc nhở các thế hệ con cháu tên tuổi và khí phách anh hùng của 217 liệt sĩ ngày 12/9/1930.

Như vậy, phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh diễn ra sôi nổi, quyết liệt, mạnh mẽ ở Hưng Nguyên đã hòa cùng phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh khắp các huyện khác trong tỉnh. Nhưng qua diễn biến của phong trào chúng ta thấy rõ điểm nổi bật, nét khác biệt của Hưng Nguyên. Phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh ở Hưng Nguyên với lực luượng đấu tranh chính là giai cấp nông dân và giai cấp công nhân, trong phong trào khối liên minh công - nông đã được hình thành, liên kết bền chặt.

Một phần của tài liệu Hưng Nguyên trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945 (Trang 46 - 53)