Kết quả theo dõi quá trình thực nghiệm

Một phần của tài liệu Thiết kế và sử dụng trò chơi vận động mô phỏng nhằm kích thích hứng thú nhận thức cho trẻ mẫu giáo 34 tuổi trong hoạt động khám phá khoa học (Trang 77 - 82)

- Trẻ không tự giác tham gia hoạt động nhận thức

3.2.1. Kết quả theo dõi quá trình thực nghiệm

3.2.1.1. Đối với giáo viên

Chúng tôi lựa chọn thời gian tiến hành thực nghiệm là vào tháng 4, tháng 5, vì đó là thời gian các trường mầm non đang triển khai chủ đề “Thế giới động vật”. Điều đó đã tạo thuận lợi cho chúng tôi triển khai các trò chơi theo đúng hướng dẫn cách sử dụng đã đề xuất.

Chúng tôi đã đưa ra hệ thống trò chơi với nhiều mức độ chơi để giáo viên chủ động lựa chọn trò chơi, mức độ phù hợp với khả năng của trẻ lớp mình. Tất cả giáo viên các lớp thực nghiệm đều tiến hành cho trẻ chơi các trò chơi đầy đủ, nghiêm túc và đúng theo tiến trình tổ chức trò chơi đã yêu cầu.

Đầu tiên, chúng tôi phổ biến cho giáo viên cách tổ chức, hướng dẫn các trò chơi, cùng giáo viên thảo luận để lựa chọn và sắp xếp các trò chơi vào các chủ đề nhánh, trong các hoạt động giáo dục thích hợp. Vì các giáo viên đều có trình độ từ Cao đẳng nên rất nhanh chóng nắm bắt cách hướng dẫn tổ chức các trò chơi cho trẻ. Cụ thể như sau:

- Tổ chức môi trường chơi:

Giáo viên ở các lớp thực nghiệm đã chủ động trong việc xây dựng môi trường chơi cho trẻ. Với những trò chơi tổ chức trong lớp học, để tạo không gian tiến hành trò chơi, giáo viên đã kê dọn, sắp xếp lại một số giá đồ dùng đồ chơi của trẻ. Hầu hết các trò chơi có thể tận dụng những đồ chơi có sẵn trong lớp học. Nhưng có những trò chơi cần đồ chơi mới, giáo viên đã không ngại vất vả cùng trẻ làm những đồ chơi cần thiết. Chẳng hạn cô và trẻ đã cùng làm mũ mèo, mũ gà, để phục vụ cho trò chơi “Chú mèo con” , “Gà mẹ - gà con”, “Gà lên chuồng”, “Ếch xây nhà”,…

- Xác định các hình thức và tình huống chơi:

Chúng tôi đã cùng với giáo viên dựa trên mức độ nhận thức của trẻ ở lớp để chia số trẻ tham gia thực nghiệm thành các nhóm để lựa chọn các mức độ chơi phù hợp.

Hầu như ở các lần chơi đầu, giáo viên tổ chức dưới hình thức tập thể và ở mức độ chơi đơn giản nhất. Sau đó, cho trẻ chơi theo các nhóm tuỳ nhu cầu, hứng thú và khả năng chơi của trẻ.

- Hướng dẫn trẻ chơi:

Các giáo viên tham gia thực nghiệm đều có thâm niên công tác trên 5 năm nên có kinh nghiệm trong việc tổ chức các trò chơi cho trẻ. Biểu hiện là họ đều nắm được các bước tiến hành một trò chơi. Để chuẩn bị cho hoạt động KPKH đạt hiệu quả cao, chúng tôi đã cùng với giáo viên xem xét, trao đổi và điều chỉnh một số tài liệu thực nghiệm cho phù hợp với nội dung, hoàn cảnh thực tiễn của trẻ và cô. Các giờ hoạt động chiều hay hoạt động ngoài trời được chúng tôi và giáo viên kết hợp tổ chức hướng dẫn cho trẻ chơi các trò chơi được thiết kế nhằm cung cấp một số kỹ năng vận động mô phỏng cho trẻ, tích luỹ kinh nghiệm cho trẻ. Việc này giúp cho việc nhận thức của trẻ và tổ chức hoạt động KPKH trên lớp diễn ra dễ dàng hơn. Tuy nhiên có những

trò chơi tương đối mới nên lúc đầu còn hơi gượng ép và khô cứng, không khí chơi còn chưa được thoải mái. Bên cạnh đó, có những trò chơi giáo viên để tốc độ chơi quá nhanh, vội vàng nên trẻ hấp tấp, mệt mỏi. Sau một thời gian ngắn, các trò chơi đã được hướng dẫn linh hoạt hơn và sự hứng thú của trẻ tăng lên rõ rệt.

Việc sử dụng các phương pháp, biện pháp trong quá trình tổ chức chơi cho trẻ đã đảm bảo được tính trực quan và thực tiễn, tức là giáo viên đã kết hợp các biện pháp bằng lời nói (trao đổi đưa ra các câu hỏi, câu đố, lời đề nghị, gợi ý,... với biện pháp trực quan: quan sát các đồ chơi, tranh ảnh, băng hình,...) cùng với biện pháp thực tiễn (cho trẻ thực hành, được nói, được trình bày cho cô và các bạn hiểu ý đồ của mình, cho trẻ được thử sức mình trong tình huống, hoàn cảnh khác nhau).

Hầu như các trò chơi được lặp lại khoảng 3-5 lần. Có những trò chơi trẻ hứng thú cao nên tần suất lặp lại cao hơn như trò chơi “ Mèo rình chuột”, “Chú gà con”,... Ở những lần lặp lại, giáo viên đã biết thay đổi một vài yếu tố chơi nên trẻ vẫn thích thú và tích cực tham gia.

- Đánh giá trò chơi:

Sau một lượt chơi, giáo viên đã chú ý đến việc nhận xét, đánh giá trò chơi của trẻ. Lúc đầu việc nhận xét của giáo viên chủ yếu hướng vào kết quả chơi, chưa quan tâm nhiều đến quá trình chơi của trẻ. Nhưng sau một vài lần, việc nhận xét của giáo viên đã hướng vào cả quá trình chơi của trẻ, thái độ, sự hợp tác, sự hào hứng, thái độ để cùng nhau thực hiện nhiệm vụ chơi. Chính điều đó đã làm cho quá trình nhận xét có ý nghĩa hơn, trẻ thích thú và hưởng ứng trò chơi nhiệt tình hơn.

Nhìn chung, các giáo vên thực nghiệm đều đã biết cách sử dụng hệ thống TCVĐMP nhằm kích thích hứng thú nhận thức cho trẻ đã thiết kế. Việc đưa hệ thống trò chơi vào thực nghiệm không làm ảnh hưởng nhiều đến quá

trình chăm sóc giáo dục trẻ theo chương trình hiện hành. Các trò chơi đưa vào thực nghiệm cũng không gây ra những phiền phức, áp lực cho giáo viên, mà ngược lại, hầu hết giáo viên đều cho rằng bản thân họ cũng hứng thú với những trò chơi này.

3.2.1.2. Đối với trẻ

Theo quan sát, chúng tôi nhận thấy nhìn chung hầu hết trẻ đều thực hiện được luật chơi của các trò chơi.

Ở những trò chơi đầu tiên, do chưa quen nên nhiều trẻ còn tỏ ra lúng túng, dè dặt khi tham gia các trò chơi. Hơn nữa, mức độ nhận thức của trẻ còn chưa cao nên cũng gây khó khăn cho trẻ khi thực hiện các nhiệm vụ chơi, luật chơi. Thêm vào nữa, cách tổ chức của giáo viên còn hơi cứng nên chưa kích thích được hứng thú tham gia của trẻ.

Sau một thời gian, khả năng tham gia vào trò chơi của trẻ đã tiến bộ rõ rệt, đặc biệt là trẻ tỏ ra thích thú khi tham gia vào các trò chơi thực nghiệm và đến cuối giai đoạn thực nghiệm thì sự tiến bộ của trẻ là khá rõ rệt. Lúc đầu, có nhiều trẻ còn chậm chạp, nhút nhát, cô phải thường xuyên khuyến khích, động viên, chơi mẫu và hướng dẫn cá nhân. Những cũng chỉ sau một thời gian, được tham gia vào nhiều trò chơi, trẻ đã mạnh dạn hơn, tích cực, chủ động hơn, thậm chí có những trẻ còn thường xuyên đề nghị được chơi và tự chủ động rủ bạn cùng chơi một cách vui vẻ.

Do khả năng hợp tác của trẻ MG 3-4 tuổi còn hạn chế nên thời gian đầu, giáo viên thường tổ chức cho trẻ chơi dưới hình thức tập thể. Sau đó, giáo viên dần dần triển khai thành các nhóm lớn, nhóm nhỏ,... tuỳ nội dung chơi, hứng thú và khả năng của trẻ.

Sự thay đổi cách chơi, hình thức chơi sau các lần chơi cũng khiến trẻ hào hứng, sôi nổi hơn trong quá trình chơi. Quan sát việc tham gia

chơi của trẻ với các nhóm trò chơi, chúng tôi nhận thấy những trò chơi củng cố kích thước của đối tượng là trẻ dễ thực hiện hơn cả. Điều đó hoàn toàn là hợp lý bởi trẻ ở lứa tuổi này kinh nghiệm nhận thức về các con vật đã phát triển tương đối. Với những trò chơi mô phỏng vận động, đặc điểm của các con vật nhiều trẻ còn nhầm lẫn giữa động vật biết bay thường có cánh, con vật sống dưới nước thường có vây, động vật trên bờ thường có chân,... Hay mô phỏng các vận động khác nhau của cùng một con vật như cách con gà bới đất khác với cách con gà nhảy qua hàng rào,... nhiều trẻ còn nhầm lẫn. Vì vậy khi tổ chức cho trẻ chơi các trò chơi này, giáo viên luôn lựa chọn từ mức độ chơi đơn giản nhất, kết hợp với hướng dẫn tỉ mỉ, chơi mẫu, lựa chọn các hình thức chơi và duy trì tốc độ chơi phù hợp. Vì thế, sau một thời gian, trẻ đã có biểu hiện tích cực, thoải mái và dễ dàng hơn khi tham gia vào các trò chơi này.

Quan sát trẻ chơi trong hoạt động KPKH và các hoạt động hàng ngày, chúng tôi nhận thấy sự hứng thú tham gia vào các trò chơi của trẻ ngày càng rõ nét. Trẻ đã có tâm thế chờ đợi, hưởng ứng và sẵn sàng tham gia vào các trò chơi. Chẳng hạn như trong giờ hoạt động KPKH, khi cô giới thiệu con mèo và hỏi trẻ “Con mèo kêu như thế nào nhỉ?” thì trẻ không chỉ kêu “meo meo” mà còn giơ tay lên ngang mũi giả vờ mèo vuốt râu kêu meo meo; trong giờ hoạt động góc, một số trẻ chủ động rủ nhau về góc chơi dân gian tự lấy mũ các con vật ra đội vào chơi trò chơi “Chú mèo con”, “gà con tập nhảy”,... Thậm chí có trẻ còn thích bắt chước con mèo nằm ngủ trong giờ ngủ.

Nhìn chung, quan sát trẻ chơi trong các lớp thực nghiệm, chúng tôi nhận thấy hầu như trẻ đều có biểu hiện tích cực hơn, vui vẻ, hoà đồng với bạn bè, tỏ ra nhanh nhẹn hơn trong các hoạt động và nhận thức của trẻ cũng ngày càng được mở rộng, chính xác và khái quát hơn.

Một phần của tài liệu Thiết kế và sử dụng trò chơi vận động mô phỏng nhằm kích thích hứng thú nhận thức cho trẻ mẫu giáo 34 tuổi trong hoạt động khám phá khoa học (Trang 77 - 82)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(107 trang)
w