Thực chất và vai trò của nội dung thân dân trong tư tưởng chính trị của Minh Mệnh.

Một phần của tài liệu Khuynh hướng thân dân trong tư tưởng chính trị của minh mệnh (Trang 58 - 66)

TƯ TƯỞNG THÂN DÂN CỦA VUA MINH MỆNH 2.1 Khái quát về cuộc đời và sự nghiệp vua Minh Mệnh.

2.3. Thực chất và vai trò của nội dung thân dân trong tư tưởng chính trị của Minh Mệnh.

chính trị của Minh Mệnh.

Như chúng tôi đã trình bày ở chương I, tư tưởng thân dân cổ điển dù có sâu sắc đến đâu thì cũng vẫn thuộc khuôn khổ tư tưởng phong kiến. Khi xem xét vấn đề ở cái nhìn lợi ích, chúng ta càng thấy rõ như vậy. Các triều đình phong kiến hiển nhiên phải đặt lợi ích của hoàng gia nói riêng, lợi ích của giai cấp địa chủ nói chung làm ưu tiên hàng đầu, là hệ quy cho mọi suy nghĩ và hành xử của nhà vua, của triều đình. Với vấn đề thân dân cũng vậy. Các nhà tư tưởng chính trị ở phương Đông nhận ra vấn đề thân dân từ hàng ngàn năm trước đây, cả nội dung của những quan niệm thân dân, cả về vai trò của vấn đề thân dân trong mục tiêu củng cố lâu dài vị trí thống trị thiên hạ của triều đình.

Vua Minh Mệnh chắc chắn cũng không vượt qua được khuôn khổ này bởi những lý do sau đây:

Thứ nhất, chế độ phong kiến ở Việt Nam đến nhà Nguyễn đã ở rất sâu trong thời kỳ suy vong. Sự đối lập giữa lợi ích phong kiến và lợi ích của nhân dân lao động chỉ ở chiều hướng gia tăng chứ không thuyên giảm. Chỉ cần chỉ đến trạng thái nội chiến hơn 200 năm từ đầu thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX và số lượng, quy mô và cường độ của những cuộc khởi nghĩa nông dân là đã đủ minh chứng cho xu hướng này.

Thứ hai, bản thân triều Nguyễn đã sớm bộc lộ cái hố cách biệt về lợi ích với nhân dân ngay từ quá trình hình thành của nó. Vì mục tiêu đoạt được đại quyền, Nguyễn Ánh đã không từ một thủ đoạn nào, từ việc sử dụng lính

đánh thuê, các võ quan chuyên nghiệp phương Tây, đến việc ký các hiệp ước hẹn cắt dâng cho ngoại bang một phần lãnh thổ của Tổ quốc.

- Mặc dù sau này nó đã không thực hiện trên thực tế, thậm chí ông còn được cho là rước quân xâm lược về nước, “cõng rắn cắn gà nhà”. Một triều đại như thế thì thân dân chắc chắn chỉ là chính sách nhằm trước hết là củng cố vương vị.

Thứ ba, trong xu hướng thiết lập hệ thống cai trị, triều Nguyễn vay mượn nhiều ở nhà Thanh. Bộ luật Gia Long tham chiếu và xào xáo lại rất nhiều tư tưởng xây dựng luật, thậm chí cả nội dung của bộ Luật nhà Thanh thời vua Càn Long. Tính hà khắc, cố chấp và công khai đặt lợi ích Hoàng gia và giai cấp địa chủ phong kiến lên hàng ưu tiên số một là điều được giới nghiên cứu thừa nhận một cách rộng rãi.

Không vì định hướng lý luận chủ quan như vừa trình bày, ngay quá trình nghiên cứu khuynh hướng thân dân trong tư tưởng chính trị của Minh Mệnh, chúng tôi luôn bị phân tâm. Một mặt, không thể hy vọng một ông vua chuyên chế ở giai đoạn phong kiến suy tàn, xuất thân từ một gia tộc quý tộc thâm căn cố đế với lịch sử hơn hai thế kỷ lại thân dân như một hiệu ứng tư tưởng tự thân, như một thứ tình cảm sâu đậm kiểu như Nguyễn Trãi. Mặt khác, khi đọc những châu phê, chiếu chỉ, huấn dụ của Minh Mệnh thật khó mà chối cãi rằng ông luôn luôn quan tâm tới những vấn đề liên quan đến lợi ích của người dân. Nội dung thân dân trong tư tưởng chính trị của Minh Mệnh thực chất là gì, nó có vai trò như thế nào trong tư tưởng cai trị của ông vua này, luôn luôn là chuyện chúng tôi bị lôi cuốn và tìm hiểu.

Minh Mệnh là người rất giỏi chính sự. Đã thế, ông còn là một ông vua cần chánh, để hết tâm huyết vào công việc cai trị, có thể nói là ngồi ở chỗ yên nhưng luôn luôn nghĩ đến chỗ chưa yên, đến những nguyên nhân dẫn đến

trạng thái suy yếu của triều đình. Các nhà nghiên cứu gần như tất cả đều thống nhất ở nhận định này. Trong các dịp phải xa rời Kinh đô, ông nghĩ ngay đến nguy cơ mất ổn định, dặn dò cẩn thận các Hoàng tử và các quan đại thần: “Kinh đô là căn bản của quốc gia nên rất quan trọng, các người ở lại Kinh đô, hoàng tử và đại thần cùng những văn viên không theo giá… cứ đến giờ Mão (6h) họp nhau… cho đến giờ Tỵ (11h) mới thôi”[26, tr. 214].

Rõ ràng Minh Mệnh luôn luôn không yên tâm khi ngôi trên ngai vàng. Có thể là ông đã được chứng kiến quá trình lập nghiệp của vua cha quá vất vả, và cả quá trình Gia Long đã lần lượt loại bỏ các công thần để phòng xa nguy cơ thoán nghịch, rồi khởi nghĩa nông dân và hàng trăm những nguy cơ khác “Tự đời xưa làm chính trị để giữ cho quốc gia phải nghĩ xa và trông trở lại. Cần nhất là ở vào lúc thái bình vô sự cho nên tính việc khó ở lúc dễ, làm việc lớn ở lúc nhỏ, khuyên răn từ lúc không ngờ… đó là điều ác vua hiền thời trước rất chú ý đến.

Trẫm từ lúc lên ngôi chăm chăm tính việc cho thiên hạ được trị bình, nghiêm chỉnh kính cẩn và sợ hãi hơn 20 năm lúc nào cũng như lúc nào…”[27].

Trong tư duy của ông, an dân là mục đích chính trị trực tiếp “… nhưng thái bình đáng vui mà vẫn đáng lo, trẫm đâu dám cho là đã yên, đã trị mà lười biếng cho xong việc. Vậy người phải truyền dụ này sức hỏi đàng nam từ tỉnh Biên Hòa đến thành Trấn Tây, đàng bắc từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Cao Bằng hết thảy mọi địa hạt gần đây dân gian có được yên hay không?”[27].

Thường thì có hai cách an dân: một là dùng luật pháp hà khắc để răn đe, buộc dân vì sợ hãi mà ở yên; và hai là tạo ra môi trường xã hội (trọng nông, trị thủy, dụng thủy, hạn chế bóc lột, xây dựng đội ngũ quan lại không hà hiếp, bóc lột dân) để người dân có thể an cư lạc nghiệp. Chắc chắn là Minh

Mệnh sử dụng cả hai biện pháp, nhưng cũng rõ ràng là ông thiên về biện pháp thứ hai hơn. Bài học thân dân được ông quan tâm là từ căn cứ này: “Thiên hạ có thịnh trị hay bị loạn lạc đều vì phong tục tốt hay xấu. Người làm chủ nhân dân biết sùng thượng, tiết nghĩa, sửa sang phong tục có thể bồi bổ được mệnh mạch của quốc gia, làm nền móng cho việc trị an lâu dài đều ở việc ấy”[27, tr. 211]; “Dân bị cùng túng làm nghề trộm cướp là lỗi của quan giữ tỉnh không biết vỗ về dân”; “Quan địa phương cần phải thương đến dân. Triều đình đặt quan phân chức là vì dân, các người nên thận trọng giữ chức, thường tận tâm vào việc dân”[27].

Trong di cảo của Minh Mệnh, người ta thấy ông nhắc đến an dân, sinh dân, nuôi dân, dưỡng dân, chăn dân… ở khắp mọi nơi. Nhắc nhiều đến như vậy, nhưng sau trước vẫn là cái nhìn ban phát, ân huệ của ông con Trời tới lê dân, là sự chăm chút của một ông chủ đối với những giềng mối trụ cột làm nên cái gia sản của mình “…nếu dân không yêu vua, giúp vua thì làm sao mày hưởng sự giàu sang lâu dài được…”[27, tr. 334].

Cho nên, hễ nhắc đến dân thì ông ngay lập tức liên hệ đến cái gốc của xã tắc (tức chế độ chính trị) “Binh là việc lớn của nhà nước, đặt ra binh là để giữ dân… binh là ở dân mà ra, binh không chịu nổi, thì dân tất khốn. Thế thì binh và dân cùng giằng buộc nhau, vận mệnh của nhà nước quan hệ ở đấy”[23, tr. 23].

Như trên đã trình bày, nội dung thân dân trong tư tưởng chính trị của Minh Mệnh rất phong phú. Nhiều khi, nếu chỉ cảm nhận bằng trực giác khi đọc những lời lẽ, châu phê, chỉ dụ của ông liên quan đến dân, chúng ta có cảm giác ông có vẻ gắn bó với dân cả về mặt tình cảm, giống như thương xót của con người đối với con người. Nhưng đó chỉ là cảm giác thoáng qua. Phân tích kỹ lôgic tư tưởng, ta sẽ nhanh chóng phát hiện ra thực chất lợi ích của những

lời lẽ này. Trước sau, thân dân chỉ là một trong những phương thức chính trị có vai trò rất quan trọng trong tư tưởng chính trị của Minh Mệnh mà thôi. Ông không cao đến mức như vua Lý Thánh Tông, nhìn thấy con cái ngập trong chăm đệm ấm êm, chạnh nhớ tới thân phận tội tình của các phạm nhân trong lao tù, bột phát ra lệnh ngay trong đêm phải phát chăn cho họ. Đó là một ứng xử tình cảm xót thương thuần túy giữa người với người mà chắc là Minh Mệnh không thể có được.

KẾT LUẬN

Nghiên cứu về triều Nguyễn nói chung và thời kỳ Minh Mệnh nói riêng là một công việc hết sức phức tạp và vất vả. Phức tạp vì đây vừa là triều đại hình thành trong cuộc phản kích của giai cấp phong kiến chống lại phong trào nông dân thế kỷ XVIII và để cho đất nước rơi vào tay thực dân Pháp thế kỷ XIX, vừa là triều đại có công trong việc thống nhất đất nước từ mục Nam Quan đến mũi Cà Mau. Vất vả vì đây là triều đại phong kiến Việt Nam hiện còn để lại nhiều tư liệu nhất - cả tư liệu thành văn lẫn tư liệu truyền khẩu, cả tư liệu thư tịch lẫn tư liệu hiện vật. Ngay kể cả đối với Minh Mệnh, cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau . Sử thần triều Nguyễn tôn xưng Minh Mệnh như một “minh quân” của Việt Nam. Trong khi đó có sử gia nước ngoài lại coi ông như một “bạo chúa”.

Để thấy được tư tưởng thân dân của Minh Mệnh, theo chúng tôi phải đặt vào hoàn cảnh lịch sử đương thời. Bởi vì, tiến trình phát triển của lịch sử nếu nói một cách hình tượng giống như một dòng sông trôi chảy. Đó là sự vận động liên tục không bao giờ ngừng. Những giai đoạn lịch sử sau bao giờ cũng chịu chi phối, thậm chí bị quy định bởi các điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội của giai đoạn lịch sử trước đó. Luận văn đặt tư tưởng thân của Minh Mệnh trong bối cảnh lịch sử lúc đó để xem xét.

Thừa hưởng di sản của Gia Long để lại, thuận lợi có và khó khăn cũng không ít, Minh Mệnh đã ý thức được trách nhiệm của mình là làm sao tiếp tục duy trì sự ổn định và phát triển của đất nước. Không phụ lòng tin cậy của người cha, Minh Mệnh đã cố gắng hết mình và để lại nhiều công lao to lớn trong thời gian cai trị của mình. Những chính sách cải cách hành chính, khuyến nông… thực sự đã đem lại hiệu quả cho đất nước không chỉ lúc bấy giờ mà còn cả cho mai sau. Tuy nhiên, công bằng mà nói, để làm được những

điều đó không chỉ là công lao của riêng cá nhân ông mà còn cả sự đóng góp của nhân dân. Để những chính sách đó đi vào cuộc sống thì phải có niềm tin của dân chúng vào bộ máy cai trị. Do đó mà tư tưởng thân dân của ông đã thực sự được phát huy cao độ. Thân dân theo đó có thể hiểu đó là phải biết tôn trọng quyền và lợi ích của người dân, phải biết thương cảm cho số phận của người dân trong từng điều kiện cụ thể. Với một đất nước chủ yếu là dựa vào nông nghiệp thì sự chăm lo, phát triển nông nghiệp không thể không nghĩ tới. Hơn nữa, kinh nghiệm lịch sử đã cho thấy, khi đời sống nhân dân cực khổ thì xã hội tất sẽ mất ổn định, và đó chính là tai họa của một đất nước.

Tư tưởng thân dân của Minh Mệnh thực sự phần nào đã giúp cho sự ổn định xã hội, củng cố chế độ trung ương tập quyền. Bởi vì, ít nhiều tư tưởng thân dân của ông cũng đã đưa lại những kết quả khả quan. Thứ nhất, đó là đem lại sự ổn định cho đời sống nhân dân. Thứ hai, nó giúp cho quá trình mở mang và khẳng định bờ cõi đất nước. Thứ ba, nó làm cho xã hội ổn định. Và cuối cùng là mang lại sự phát triển về kinh tế - xã hội, chính quyền thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Đọc lại những chiếu chỉ, châu phê của Minh Mệnh, chúng ta còn tìm được nhiều điều bổ ích trong đó. Một trong số đó có điều mong ước cao cả nhất của ông, đó là:

“Đất nước có ngàn năm văn hiến

Ngày nay đã thống nhất rộng hàng vạn dặm Kể từ họ Hồng Bàng dựng nước đến nay

Nước Đại Nam đã trở nên thịnh vượng như đời Đường, Ngu”. Đây chắc chắn cũng là điều mong ước chung cho mọi người dân Việt Nam xưa và nay.

Mặc dù còn có nhiều điều cần bàn, nhưng Minh Mệnh vẫn là một trong số những ông vua triều Nguyễn có công đối với lịch sử dân tộc nói chung và nền văn hóa Việt Nam nói riêng. Với tư cách là một nhà chính trị , theo thiển ý của chúng tôi, vua Minh Mệnh cần phải được nghiên cứu sâu hơn nữa.

Luận văn xin được kết thúc bằng một lời dụ của Minh Mệnh cho con trai của mình là Miên Duy nhân việc Hoàng tử trưởng Duy vì lo cho sức khỏe cho cha xin chọn ngày khác làm lễ cầu phúc cho dân: “Con chỉ biết có một, chưa biết được hai. Làm vua cai trị muôn nước phải Kính trời, bắt chước tổ tiên, chăm chính sự và thương yên dân. Bốn việc ấy không lúc nào lãng quên được. Huống chi vì dân cầu phúc, lập nên lễ tế kính cẩn, đã có ngày nhất định thay đổi sao được”./.

Một phần của tài liệu Khuynh hướng thân dân trong tư tưởng chính trị của minh mệnh (Trang 58 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(69 trang)