Khái quát về sự nghiệp của vua Minh Mệnh

Một phần của tài liệu Khuynh hướng thân dân trong tư tưởng chính trị của minh mệnh (Trang 33 - 37)

TƯ TƯỞNG THÂN DÂN CỦA VUA MINH MỆNH 2.1 Khái quát về cuộc đời và sự nghiệp vua Minh Mệnh.

2.1.2. Khái quát về sự nghiệp của vua Minh Mệnh

Trước khi nói về sự nghiệp của vị vua thứ hai triều nhà Nguyễn, theo thiển ý của tôi, chúng ta không thể không bàn đến một chút về triều nhà Nguyễn. Đây là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, và cũng là triều đại bị chê nhiều hơn khen. Nguyễn Ánh là vị vua đầu nhà Nguyễn vẫn được lịch sử nhận định là kẻ “cõng rắn cắn gà nhà”. Hơn thế nữa,

triều Nguyễn còn được coi là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của đất nước trước xu thế của lịch sử, biểu hiện ở chỗ đóng cửa giao thương với phương Tây, độc tôn Nho giáo. Chính vương triều này đã để đất nước rơi vào tay thực dân Pháp. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách khách quan thì sự kiện Gia Long sáng lập vương triều Nguyễn (1802), thu non sông về một mối mang một ý nghĩa quan trọng. Quang Trung - Nguyễn Huệ là người có công đầu tiên trong việc xây nền thống nhất quốc gia, xóa bỏ sự phân chia Đàng Trong - Đàng Ngoài. Còn vương triều Nguyễn với sự kế thừa những thành quả của triều đại Tây Sơn để lại đã có điều kiện củng cố nền thống nhất đất nước từ mục Nam Quan đến mũi Cà Mau.

Nói như thế không có nghĩa là chúng tôi bênh vực cho nhà Nguyễn. Vấn đề là ở chỗ, mặc dù đang còn nhiều ý kiến khác nhau khi nghiên cứu về triều đại này, nhưng không thể phủ nhận được những thành quả mà triều đại nhà Nguyễn đã đạt được, trong đó có một phần quan trọng là công lao của vua Minh Mệnh bằng sự nghiệp cai trị của mình.

Minh Mệnh bước lên ngôi báu khi ông đã trưởng thành hoàn toàn về mặt thể chất cũng như về mặt trí lực. Đây cũng là thời gian mà đất nước Đại Nam vừa bước ra khỏi cuộc nội chiến kéo dài gần 300 năm. Non sông đã thống nhất từ Bắc chí Nam. Và trong hơn 20 năm trị vì, Minh Mệnh đã làm được khá nhiều việc.

Minh Mệnh đã đề ra nhiều chính sách để khuyến khích kinh tế nông nghiệp, thực hiện nhiều cải cách trên các lĩnh vực: hành chính, giáo dục, đào tạo, tuyển dụng nhân tài, đề cao văn hóa dân tộc, hoàn thiện luật pháp và đề cao pháp trị, mọi người đều phải tôn trọng pháp luật, đặng củng cố chế độ quân chủ trung ương tập quyền. Khách quan mà xét, những thành quả trị nước của nhà vua đã có tác dụng củng cố ổn định xã hội, tạo điều kiện cho nền kinh

tế Việt Nam phát triển hơn một bước và làm phong phú thêm kho tàng văn hóa truyền thống nước nhà.

Một trong những dấu ấn mà vị vua thứ hai triều nhà Nguyễn đã làm trong thời kỳ trị vì đất nước là công cuộc cải cách hành chính. Bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương mà vua Gia Long để lại đang bộc lộ những điểm yếu kém của nó (Tất nhiên, điều này cũng do những yếu tố lịch sử mà ra). Để có được một nền thống nhất quốc gia thực sự thì cần phải có một cuộc cải cách hành chính toàn diện, và Minh Mệnh là người đã lãnh trách nhiệm lịch sử đó.

Minh Mệnh hiểu rằng để tổ chức một triều đình mạnh, có đủ khả năng chỉ đạo mọi hoạt động chính quyền trên toàn quốc thì không thể duy trì bộ máy hành chính như cũ. Song ông cũng hiểu rằng, công cuộc cải cách này không thể tiến hàmh một sớm một chiều mà xong ngay được. Minh Mệnh đã chỉ đạo thực hiện tiến hành dần dần từ triều đình, sau đó tới các thể chế hành chính của địa phương. Điển hình như việc ông cho lập Nội các, cơ quan chịu sự lãnh đạo trực tiếp của nhà vua, thay mặt nhà vua giải quyết mọi việc của các trấn trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh Nội các, Minh Mệnh cho thiết lập một cơ quan văn phòng đặc biệt gọi là Cơ Mật viện để giải quyết những việc quốc quân trọng sự. Ngoài ra, ông còn từng bước hoàn thiện tổ chức và chức trách của Lục bộ, Lục tự… Nhưng để tránh tình trạng cát cứ, phân quyền, Minh Mệnh tập trung cải cách hành chính ở địa phương, đặc biệt là cấp tỉnh. Song song với việc cải cách hành chính ở cấp tỉnh, Minh Mệnh còn thực hiện nhiều đổi mới, điều chỉnh hoặc quy chuẩn hóa bộ máy hành chính cấp phủ, huyện và cấp cơ sở là cấp xã.

Công cuộc cải cách hành chính dưới triều Minh Mệnh đã tăng cường chế độ trung ương tập quyền, tập trung mọi quyền lực vào tay Hoàng đế. Từ

đó, góp phần củng cố nền thống nhất quốc gia, giữ gìn sự ổn định chính trị, từng bước loại trừ khuynh hướng cát cứ phân quyền.

Một trong những hệ quả của công cuộc cải cách hành chính này đem lại cho đất nước ta là sự phân chia thành 31 tỉnh thành mà tính hợp lý của nó đã được thực dân Pháp sau này công nhận và kế thừa. Tính hợp lý đó được thể hiện ở chỗ nó được chia ra dựa trên những yếu tố địa chính trị, địa văn hóa và địa kinh tế. Từ đây, tỉnh là đơn vị hành chính thống nhất trong cả nước có cương vực và địa hình khá hợp lý. Nó thể hiện được tài năng và tầm nhìn của một vị vua anh minh và uyên bác.

Để củng cố cho ngôi vị và vương triều của mình, Minh Mệnh tiếp tục khẳng định và nâng cao vị trí của Nho giáo mà coi là hệ tư tưởng chính trị và đạo đức phù hợp với người Việt. Hơn thế nữa, đó chính là dây cương trói chặt kẻ bề tôi vào với triều đình. Minh Mệnh cũng là người đặc biệt đề cao Nho học, lấy việc tuyển chọn nhân tài thông qua khoa cử làm trọng. Đây là một biểu hiện cải cách lớn so với đời Gia Long. Bởi lẽ, khi con đường khoa cử được mở rộng thì bộ máy hành chính quốc gia sẽ do văn quan điều hành. Đây chính là một trong những tiêu chí để xét sự phát triển của nền hành chính dưới thời quân chủ Việt Nam.

Ngoài ra, trong sự nghiệp của Minh Mệnh, không thể không kể đến những chiếu chỉ, châu phê mà ông đã để lại. Tập hợp những chiếu chỉ, những châu phê này trở thành một văn bản quan trọng không chỉ có giá trị về mặt pháp lý mà còn có giá trị về mặt văn hóa. Nó đã trở thành di sản quý báu còn lưu giữ lại từ triều nhà Nguyễn.

Như chúng tôi đã nói ở trên, là một vị vua cần mẫn và siêng năng, lại lên ngôi ở tuổi 30 cho nên việc trị nước đã được Minh Mệnh tìm hiểu kỹ. Minh Mệnh là người luôn chăm lo công việc triều chính. Bất cứ chương sớ

nào tâu lên cũng được vua xem xét cẩn thẩn và gọi tận mặt những quan lại mắc lỗi để phê phán. Sử sách ghi lại nhiều đêm vua còn thắp đèn xem chương sớ rất khuya, đến trống hai, trống ba mới thôi. Với những việc quan trọng, cơ mật, vua đều tự tay soạn thảo hoặc phê ngay vào chương, sớ. Thuật ngữ châu phê cũng bắt đầu có từ đây.

Nói chung, trong hơn 20 năm trị vì đất nước, Minh Mệnh đã để lại nhiều công lao to lớn trong sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, do mục đích của luận văn này là cố gắng làm sáng tỏ tư tưởng thân dân của vua Minh Mệnh nên chúng tôi chỉ trình bày một số điểm nhấn trong sự nghiệp của ông. Trọng tâm chính của luận văn mà chúng tôi đang nghiên cứu sẽ là những phần tiếp theo.

Một phần của tài liệu Khuynh hướng thân dân trong tư tưởng chính trị của minh mệnh (Trang 33 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(69 trang)