Việc trừng trị những hiện tượng tham quan, nhũng nhiễu nhân dân

Một phần của tài liệu Khuynh hướng thân dân trong tư tưởng chính trị của minh mệnh (Trang 52 - 58)

TƯ TƯỞNG THÂN DÂN CỦA VUA MINH MỆNH 2.1 Khái quát về cuộc đời và sự nghiệp vua Minh Mệnh.

2.2.4.Việc trừng trị những hiện tượng tham quan, nhũng nhiễu nhân dân

nhân dân

Minh Mệnh là một ông vua sáng suốt trong công việc tạo dựng một bộ máy nhà nước có hiệu quả hơn so với những giai đoạn lịch sử trước ông. Phải có được một bộ máy quan lại thanh liêm và mẫn cán, đó là ưu tiên lớn trong chiến lược trị quốc của ông. Vả chăng, bộ máy quan lại chính là khâu trung gian trong mối quan hệ giữa vua và thần dân của mình, nơi hiện thực hoá các chính sách, những tư tưởng chính trị, trong đó có tư tưởng thân dân của nhà vua trong thiên hạ. Do đó, tuyển chọn, giáo dục, bổ nhiệm quan lại một cách chính xác, trừng trị những tên tham quan là việc phải làm thường xuyên và triệt để.

Minh Mệnh lên ngôi vua khi ở tuổi “tam thập nhi lập” nên hơn ai biết, ông là người am hiểu rất rõ chuyện quan trường. Hơn nữa, là người thông minh, quyết đoán và đã từng được tham gia vào công việc triều chính từ khi còn là Hoàng thái tử, Minh Mệnh rất có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Trong rất nhiều lời dụ, ông khuyên bảo các quan lại hãy yêu thương dân như con của mình, khuyên các quan khi nhận việc phải nghĩ đến nước, đến dân, đừng vì chút tư lợi mà để lòng dân oán thán. “Vua nghe có tiếng đồn ở Kinh đô và các tỉnh, lại dịch các Nha mỗi khi cần thu sản vật của dân, thường hay lấy thêm nói để trừ hao, và cân nặng, cân nhẹ tự tay. Dân chúng lấy làm bất

mãn, rên rỉ. Vua sắc từ nay cân thu đo lường phải cho đúng mức. Hễ lấy thặng ra, sẽ kê tang trị tội”[ 27, tr. 425]. “Những người làm chức Giám lâm (thủ kho), nên thận trọng làm cho tròn nhiệm vụ, và thường ngày phải luôn gia công kê cứu kiểm soát để chấm dứt cái thói sâu mọt đục khoét, xâm khuy gian trộm của bọn lại ty”[27, tr. 423].

Ngay đối với bản thân mình, Minh Mệnh luôn luôn cố gắng làm sao đừng gây phiền phức gì đến dân. Trong những lần xa giá, vua sợ quan quân nhân dịp quấy nhiễu dân đen nên thường khuyên răn họ “Xa giá đi tuần du cốt để xem xét phương dân, kiểm soát quan lại, ra ơn cho dân chúng, vậy nên những quan binh tháp tùng, đi tới đâu không được giày đạp lên lúa ruộng và nhũng nhiễu nhân dân”.[26, tr. 260], “Điển lễ tuần du là muốn cho dân ta được yên. Phàm xa giá đi qua, mà địa phương cung ứng các vật liệu, đều trả giá hậu, không được gây thêm phí tổn cho dân” [27, tr. 271].

Vua cũng khuyên răn những người trong hoàng thân quốc thích đừng vì vị thế của mình mà bày trò ức hiếp nhân dân. Ông cũng hiểu muốn trị quốc trước hết phải tề gia. Do đó, mà ông không chỉ xử lý nghiêm đối với người ngoài mà đối với các em và con của mình ông cũng luôn nghiêm khắc. Ông luôn răn đe mọi người phải giữ lấy phép tắc. Nghe thấy Diên Khánh công Tấn tự ý đánh Lê Văn Hương, vua đã cho gọi và quở trách “Luật triều đình nếu các phẩm quan có tội, nên tâu lên, đã có công pháp, sao có thể tự tiện đánh đập người ta. Từ nay, nên giữ gìn pháp luật, để bảo vệ tiếng tốt, còn những việc trái phép không được làm nữa”[26]. Rồi cũng chính Diên Khánh công Tấn lầm nghe lời xin của thương nhân Diệp Liên Phong, giả làm thuyền của nhà Thanh, mạo nhận là thuyền miễn thuế để được khoan miễn. Minh Mệnh biết chuyện cho gọi, Diệp Khánh công Tấn sợ hãi dâng sớ xin nhận tội. Nhân sự việc này, Minh Mệnh răn các hoàng tử và thân công rằng:

Diên Khánh công Tấn sỡ dĩ được miễn tội là vì đã biết sợ lỗi, hối lỗi, thẳng thắn tâu bày, cũng được kể như luật đối xử với người đã biết tự thú. Không phải vì cớ các người là con em mà ta uốn cong phép nước! Nay, ta là chủ trong thiên hạ, nếu vì con em không tốt mà bỏ phép nước, thì lấy gì làm nêu ngay thẳng cho muôn phương?... Nếu mắc tội lỗi thì phép nước rất nghiêm, ta quyết không thể vì lũ người mà làm trái pháp luật được!”[2]. Đầy tớ nhà Thái trưởng công chúa Ngọc Du cậy thế lấn người mà không bị cấm, vua triệu con của công chúa truyền dạy nếu không khuyên răn cha mẹ thì đó là lỗi của mình. Hay như trường hợp Đinh Viễn công Bính kêu thợ làm mũ đến để bắt thợ chế mũ phường trò nhưng do trời mưa người thợ không đến được, Đinh Viễn công cho đánh đòn đến nỗi họ không đứng lên được. Nghe được thế, vua đã cho gọi ngay Đinh Viễn công vào khiển trách.[22].

Chỉ cần đọc đến đó thôi, chúng ta cũng thấy rằng, ở ngôi vị cao sang ấy, nhưng Minh Mệnh không vì “một người làm quan cả họ được nhờ”. Ông anh minh và cố gắng giải quyết sao cho trong ấm ngoài êm. Ông không vì tình riêng mà cho qua tất cả. Điều này càng làm cho chúng ta thấy sự rõ ràng, minh bạch trong con người của Minh Mệnh.

Đối với Minh Mệnh, tội ăn hối lộ, biển thủ công quỹ và hành hạ dân đen đều phải xử nặng. Theo đó, những trường hợp lính vệ lấy tiền đút lót của dân, hoặc dọa nạt lấy tiền đều bị trị tội rất nặng. Quan chức nhận tiền đút lót riêng tư sẽ bị giao cho Bộ Hình nghị án, xử tội. Minh Mệnh làm như thế vì ông hiểu rằng, quan lại làm điều nhũng nhiễu thì người ở trên dẫu có lòng yêu thương dân, thì ân huệ cũng sẽ không xuống đến con dân ở dưới. Năm Minh Mệnh thứ ba, Quảng Trị mất mùa nên giá gạo đắt, vua ra lệnh xuất thóc kho

để cấp phát cho dân. Ngô Thế Mỹ hội đồng cùng doanh thần phát chẩn. Tuy nhiên, rất nhiều người dân trong hạt không được lĩnh, người được lĩnh thì kẻ ít kẻ nhiều. Nghe Hộ bộ phúc tâu lên, Minh Mệnh rất tức giận: “Việc xuất thóc kho để cấp phát, bản tâm của trẫm muốn những người nghèo khổ và cùng khốn được nhờ ân huệ. Nay lũ kia dụng ý đê hèn, thông đồng làm điều nhũng tệ, đến nỗi hạt này, hai trăm mười một xã, dân chúng tịnh không được nhờ mảy may ơn huệ của trẫm tới nơi. Tội này nói sao cho xiết”[26, tr. 247] và truyền lệnh cho Hình bộ nghiêm trị. Sự kiện Phó tổng trấn thành Gia Định Hoàng Công Lý ăn hối lộ đã bị ông cho tịch thu tài sản và cho về làm dân thường là một bài học cho những tham quan nhũng nhiễu dân đen:

Gần đây có Hoàng Công Lý với tư cách bỉ lậu và thái độ tham tàn, coi thường pháp luật, ăn của đút lót có đến cả vạn, bắt dân phải phục dịch có đến vài ngàn người, mọt nước hại dân đến thế là cùng. Nghĩ con dân các người không có tội gì, gặp phải nọc độc này, dẫu tài lực có thể đền bồi, mà tệ hại chứa chất không thể cứu vãn được, nay tội nhân đã phải chịu tội trước công pháp, ắt có thể khiến cho nhân dân cả một địa phương ôm ấp sự uất hận, đều biết rõ cái ý trừ kẻ bạo tàn của triều đình, đưa lại sự an ninh tốt đẹp cho dân chúng”[26, tr. 238].

Nặng hơn thế nữa là trường hợp vụ án Đặng Văn Khuê. Tháng 11 năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), Quảng Đức và Quảng Trị gạo đắt, triều đình cho xuất 25.000 hộc thóc để bán cho dân. Người lính “kho kinh là Đặng Văn Khuê đong thóc để bán, mỗi hộc kém vài cáp”, Minh Mệnh bàn sai chém Khuê [2]. Theo ông, làm như vậy thì những kẻ khác không dám khinh nhờn pháp luật, mà người dân lại có lòng tin vào triều đình.

Theo Minh Mệnh, “quan lại tham nhũng là sâu mọt của dân”, do đó, trường hợp quan lại tham nhũng còn bị xử tội nặng hơn nữa. Tháng 3 năm Minh Mệnh thứ 15 (1834) phát hiện vụ án Tuần phủ Trịnh Đường tham tang tới 1.000 quan tiền công ở kho đến xuống thuyền chạy trốn, có viên nguyên Án sát Đặng Văn Nguyên trông thấy. Khi đến tỉnh lỵ đã thu phục, Trịnh Đường lại tâu man là tiền ở kho bị giặc lấy mất. Đến đây Tham tán Hồ Văn Khuê, nhân Đặng Văn Nguyên phát giác mới chỉ đích danh tham tặc. Minh Mệnh xuống dụ:

Trịnh Đường trước đây có lỗi đã được gạt bỏ vết xấu mà lại dùng. Để Hà Tiên thất thủ, tội đã khó tha thứ, lại còn dám nhân lúc ấy, lấy cắp tiền công đên 1.000 quan, vội bỏ thành trì đất đai mà chạy! Bản thân của y chính là nhằm lợi dụng lúc có giặc cướp để làm việc gian tham đó, thực đáng ghét! Nay lập tức cách chức, cho xích lại, giao viên Tiếp biện là Trần Chấn xét rõ, tâu lên. Còn Đặng Văn Nguyên thì phải triệt lưu để chờ đối chất”[2]. Quan lại mà hay hạch sách dân đen cũng được Minh Mệnh xử rất nghiêm minh. Trường hợp Quảng Oai công là quan chuyên thích chơi bời săn bắn. Hắn bắt thuộc hạ của mình lùng xem trong dân gian chỗ nào có chó săn giỏi bắt mang về phục vụ cho sở thích của mình. Minh Mệnh nghe tin liền truyền lệnh đánh roi Tổng sử và Cai đội về tội đi hạch sách nhân dân.[22, tr.149]. Hay như trường hợp khi thu thuế dân sản (thuế đánh vào hàng hóa vật hạng tự tay sản xuất hay làm ra) lại thuộc Cuộc Tạo tác bắt dân chịu điều khoản này nọ thay vì nạp thuế dân sản thực sự. Nếu dân không chịu sẽ bị hắn xua đuổi bằng mọi cách. Vua bèn ra lệnh cho quan cai trị phải nghiêm cấm việc làm phi pháp trên. Theo ông để tiện cho dân, khi dân chúng đem vải lụa tới nạp, tuy bề dài và bề ngang có thiếu hụt chút ít, cũng chuẩn y cho lấy thêm bề dài đắp vào bề ngang.

Với ông, làm quan mà không hoàn thành trọng trách của mình, lợi dụng chức vụ để nhũng nhiễu và gây phiền toái đến nhân dân cũng cần phải trị tội. Tỉnh thần Trần Danh Bửu là một ví dụ cụ thể. Hắn để cho nhân dân đói khổ vì mất mùa, nếu dân kêu ca thì không những không kịp tâu lên cho triều đình mà còn gây trở ngại bằng cách khám xét lôi thôi. Đến khi có lệnh phát chẩn, thì lại đòi dân khai báo và còn cấp phát không đúng quy định của triều đình. Nghe lời tâu, Minh Mệnh đã xuống dụ: “Từ ngày Trẫm lên ngôi đến nay chỉ lấy việc yêu thương, nuôi dưỡng lê dân làm lo; nay bọn Trần Danh Bửu có chức phận trách nhiệm chăn dân, mà lòng còn húy kỵ, xem dân như cừu thù, tội ấy không thể nói sao cho xiết”[27, tr. 322], sau đó lệnh cho bộ Hình nghiêm xét trị tội và giao cho quan khác tiếp tục làm công việc chẩn cấp cho dân nghèo.

Một trong những điều mà Minh Mệnh nhận ra là những nơi của cải trù phú dễ tạo điều kiện tham ô . Đối với những quan lại trị nhậm ở đó thì nên gia hạn thời gian làm việc, sau kỳ hạn đó phải chuyển đổi đi nơi khác, bổ sung số khác đến làm thay. “Phủ Nội vụ là nơi chưa chất rất nhiều của cải, mà nhân viên mẫn cán để làm việc không có mấy người… các quan địa phương đều phải chọn cử một số thừa ty và thơ lại có khả năng để điền đầy đủ vào số khiếm khuyết tại phủ Nội vụ và như vậy trong kỳ hạn ba năm. Mãn hạn này, họ sẽ được chọn đổi đi nơi khác và có số khác đến thay”[27, tr. 243 - 244]. Sau này, không chỉ Phủ Nội vụ mà ngay cả các kho tàng, để tránh bọn xảo quyệt mượn cớ vơ vét cho đầy túi tham, Minh Mệnh ra lệnh, cứ ba năm một lượt, mỗi khi có cuộc thanh tra phải thay đổi tất cả lại dịch và binh lính ở những nơi đó. Hóa ra người xưa cũng đã biết phòng hơn chống.

Một lần nữa, chúng ta lại thấy rằng, thân dân theo Minh Mệnh không chỉ là yêu dân, chăm lo đến đời sống của dân, mà còn phải biết ra tay trừng trị những hiện tượng tham quan, nhũng nhiễu. Muốn làm được điều đó chỉ có

cách xây dựng được bộ máy quan lại trong sạch và vô tư. Hay nói cách khác là vua phải biết dùng người. Nhưng muốn dùng được người thì trước hết vua phải là người công tâm chính trực. Minh Mệnh là một người như thế.

Một phần của tài liệu Khuynh hướng thân dân trong tư tưởng chính trị của minh mệnh (Trang 52 - 58)