TƯ TƯỞNG THÂN DÂN CỦA VUA MINH MỆNH 2.1 Khái quát về cuộc đời và sự nghiệp vua Minh Mệnh.
2.2.2. Sự thương cảm của Minh Mệnh đối với đời sống nhân dân
Như chúng ta đã trình bày ở trên, Minh Mệnh may mắn kế thừa sự nghiệp một nước Đại Nam Nhất Thống của vua cha để lại, nhưng đồng thời, ông cũng phải gánh nhận di sản bất hạnh của một đất nước ngót ba trăm năm nội chiến với những hậu quả khốc liệt của nó. Kinh tế thì kiệt quệ toàn diện, người dân lưu tán phiêu giạt khắp nơi, không một mảnh đất cắm dùi để làm lại cuộc đời. Cho nên trong suốt thời gian trị vì của mình, không lúc nào ông không nghĩ đến đời sống của người dân. Bởi một lẽ thường tình, đời sống của người dân có yên ổn thì sự tồn tại của triều đình mới được củng cố.
Trong năm đầu mới lên ngôi, vua đã xuống chiếu cho các địa phương được giảm các khoản tiền thóc thuế đinh, thuế điền, đối với dân lưu tán thì ruộng đất bỏ hoang đều được miễn thuế. Ở những nơi phải chịu sự tàn khốc của chiến tranh, mọi bề còn thiếu thốn, vua cho mở kho thóc, bán giảm giá hoặc cấp phát cho dân…. Cai quản một đất nước nông nghiệp thuần túy, ông hiểu đời sống của mọi người dân đều gắn chặt với cây lúa. Tuy nhiên, để bộ máy hành chính quốc gia tồn tại được thì phải dựa vào thuế khóa do nhân dân đóng góp. Song cũng không vì thế mà dồn ép, bóc lột họ để đạt được mục đích của mình. “Vua biết rõ nỗi khổ của dân, bèn hạ chiếu rằng: “Bậc vương giả lấy thuế của dân chỉ lấy chính cung, ruộng đất chia loại tốt xấu mà định thuế. Từ giặc Tây Sơn, lấy ruộng đất cấp cho tư gia, tự ý đánh thuế nặng, thành lệ chứa lâu ngày. Buổi quốc sơ đã toan sửa đổi, nhưng chưa có thì giờ. Trẫm nghĩ tới sự khó khăn của dân, rất chú ý đến chính sách bảo dưỡng. Vậy phải theo số mẫu và đẳng hạng mà định phép thuế””[22, tr. 131].
Đọc lại những chiếu chỉ, văn bản của Minh Mệnh để lại, chúng ta thấy rất nhiều lần ông như cùng vui với cái vui được mùa của người nông dân. Và ngược lại, ông cũng lo âu cùng với nhân dân trước sự khắc nghiệt của thời tiết
mà bất cứ lúc nào cũng có thể gây hại cho mùa màng. Niềm yêu thương tận tấc lòng dành cho người nông dân không phải là từ cửu trùng cúi xuống, mà hình như là sự hòa nhập vào số phận của người dân cày. Khi vua đến hai xã An Vân và Cổ Bưu xem mùa lúa, thấy các kỳ lão tâu năm nay lúa tươi tốt và được thời hơn so với năm trước, vua mừng lắm. Cái mừng ở đây là mừng thực sự cho người dân chứ không phải là cách bằng mặt để hòng có ý đồ khác. Nó thể hiện rất rõ khi các kỳ lão sợ nói được mùa, nhà nước sẽ tăng thêm thuế. Minh Mệnh rất thẳng thắn phán rằng: “Trẫm vì dân mà lo việc nông, gặp năm được mùa thời mừng, chứ không phải nhân thấy được mùa mà gia tăng thuế khóa đâu, nay trẫm hỏi mà không lấy sự thật tâu cho trẫm biết, há không phụ lòng tốt của trẫm hay sao?”[27, tr. 10].
Ngược lại, khi vua cùng quần thần đang xem lúa, bỗng thấy gió Bắc nổi lên, vua triệu Dinh thần dinh Quảng Đức (Thừa Thiên) và ban dụ rằng:
“Nay lúa mới trổ bông mà gió bấc lạnh lùng như thế. Trẫm rất lấy làm lo, vậy nhà ngươi nên quan sát lại mùa màng có bị tổn thương gì không? Sở dĩ Trẫm đêm ngày lo lắng đến như thế, không phải là muốn chuộng tiếng tốt, mà chính là vì nghĩ đến dân ta quanh năm cần cù khổ nhọc, nếu không may đến mùa không gặt lúa được, thời không khỏi đói rét vậy”[27, tr. 10]. Với Minh Mệnh, “bậc vương giả lấy sự thiên hạ vui làm sao, thời mình cũng vui như thế, chứ đâu có phải vì mặc áo gấm, ăn ngon mà mới bảo rằng vui hay sao”, còn nếu “trong dân gian khó làm ăn, thời thử hỏi với ai cùng vui”. Thương cảm với đời sống của người dân, niềm mong mỏi duy nhất của Minh Mệnh là mỗi năm được mùa lúa tốt, mọi nhà đều có ăn đầy đủ. Niềm mong mỏi đó thật giản dị nhưng có thể nói nó đã thể hiện đúng tấm lòng của vị vua khi cai quản một đất nước sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp.
Sống trong lầu son gác tía, chăn ấm đệm êm và muôn người cung phụng nhưng hình như Minh Mệnh không quên người dân một nắng hai sương, vất vả cần cù, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Ông thông cảm sâu xa với nỗi lao nhọc của người nông dân, khi vua thân cày ruộng tịch điền ba đường thì chưa thấy mệt. Quan cày theo chín đường thì mồ hôi đầm đìa. Từ đó mới biết người nông phu nhọc nhằn thế nào khi cày hàng ngàn mẫu ruộng [41]. Ông cũng tỏ niềm thương cảm với những cảnh đời khốn khó, mùa đông lạnh không biết sống ra sao. Trong những năm cuối của thời kỳ cai trị, năm nào ông cũng cử người đi xem xét trong đám dân nghèo nếu có người đói rét thì phát tiền, gạo và vải cho họ.
Việc đào sông như chúng ta biết vừa có ý nghĩa thông thương, lại vừa có lợi nông nghiệp. Nhận thức được điều đó, nhưng không vì thế mà Minh Mệnh bỏ qua những vất vả của người dân. Vua đã ban dụ cho Phó đô Thống chế Trương Văn Minh:
“Việc khai đào sông ấy vốn là muốn tiện cho dân, nhưng trước đó người đổng lý công việc không giỏi, nên đường sông chật hẹp, hai bờ cao dựng đứng, tát nước vào ruộng không tiện: nay nới rộng thêm ra, để vì lợi lâu dài cho dân ta, mà ngươi nên tiết dụng nhân công, làm việc đúng theo thời khắc, thì ai ai cũng đều vui vẻ, sẵn sàng cung ứng công việc này”[27, tr. 15].
Việc đào sông Vĩnh Tế vì mới yên dịch lệ, theo ông là lúc để dân nghỉ ngơi, công việc này có thể để thời gian sau làm tiếp, nên ông đã cho hoãn lại. Còn đối với việc đào sông của người Chân Lạp, vua nhận thấy sự vất vả và khổ nhọc nên đã xuống dụ phải hỏi han, chăm sóc, người ốm thì phát thuốc, người chết thì phải cấp tiền vải. Công việc đào sông Phổ Lợi diễn ra vào đúng
thời gian hè. Nhận thấy thời tiết nóng bức, Minh Mệnh đã phái thầy thuốc đến các công trường xem xét, nếu ai nhiễm bệnh thời điều trị ngay.
Sự thương cảm của Minh Mệnh đối với đời sống của người dân còn được thể hiện qua việc miễn giảm thuế, mở kho thóc phát chẩn hoặc bán với giá ưu đãi, phát tiền và vải cho những người bị chết ở những vùng miền bị dịch bệnh hoặc thiên tai địch họa. Bởi vì theo Minh Mệnh, “Đã nhận lãnh trách nhiệm về thiên hạ thời phải lo cái lo của thiên hạ là lẽ tự nhiên rồi”. Ông quan tâm đến đời sống của người dân dù ở bất cứ nơi đâu, từ Kinh đô cho đến những vùng xa xôi của đất nước. “Tại Kinh sư mưa lớn và lụt, vua ra lệnh cho các quan Kinh doãn chia nhau đi các nơi khám xét tình hình nạn lụt và chẩn cấp cho dân”[27, tr. 292]. “Các tỉnh thuộc Bắc kỳ năm trước bị nạn bão lụt, mùa màng tổn thương nhiều, trẫm rất quan hoài, đã nhiều lần sức hỏi, mà các quan tư mục không biết dự phòng để giúp đỡ dân. Mùa xuân này đã xuống dụ ra lệnh phát lúa kho bán, hoặc cho vay, hoặc phát chẩn…”[27, tr. 300]. “ Dân nơi biên thùy cũng là con đỏ của triều đình, hốt nhiên bị tai nạn thì có lòng mong mỏi cho ăn cho mặc há chẳng khát khao chờ đợi hay sao…”[27, tr.281]. Nhưng khi được các tỉnh thần tâu về việc làm của vua đã cho dân vui mừng và xưng tụng công đức, vua đã phê rằng “Có lẽ vì chính sự còn có chỗ sai lầm khuyết điểm, để cho dân đến đỗi phải chịu cảnh thiên tai, đó là trẫm tự nhận lấy điều sai lỗi của mình, lại có đức gì mà đủ để nói như
vây”. [27, tr. 239].
Đọc tư liệu ta thấy những việc làm như thế này của Minh Mệnh rất nhiều và ở khắp mọi nơi. Nó cũng cho ta một cảm giác dường như ở đâu có sự khó khăn sẽ thấy bóng vị vua này ở đó.
Minh Mệnh cũng chính là người đã ra lệnh truyền dụ đến các địa phương thành lập những sở dưỡng tế. Đây là nơi dành cho những người góa
bụa, côi cút và tàn tật không nơi nương tựa. Hàng ngày, họ sẽ được cấp tiền gạo để sinh sống, đến khi chết được cấp tiền, vải, gạo để chôn cất.
Trong suy nghĩ của vua Minh Mệnh, sự thương cảm không chỉ đối với những người dân cày lam lũ quanh năm mà nó còn đối với cả những binh lính. Theo ông, quân là nanh vuốt của nước. Họ thường phải đóng giữ ở những nơi xa xôi, hoặc phải làm việc rất vất vả. Do đó, những người quản quân phải biết thay vua yêu thương, quan tâm đến binh lính. Ông xuống dụ rằng: “Cấm người quản quân lấn xén của lính”, nếu bị phát hiện sẽ xử tội nặng. Trong một lần đi xem xét ở Kinh thành, Minh Mệnh thấy có bệnh binh nằm ở bờ ao, hỏi ra mới biết là lính ở vệ Ban trực tiền. Vua liền sai Thái y viện điều trị và dụ Bộ binh: “Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, không ngày nào không nghĩ đến việc yêu quân nuôi dân, đến những lính thú, dân biên mà còn sợ họ hãy nhiều nỗi khổ, thế mà ngay ở kinh sư lại có người ốm đau khổ sở không nơi nương tựa như vậy sao?”[22, tr. 128]. Sau đó ông ra lệnh trị cho Quản vệ 40 roi, Cai đội 80 trượng và sắc rằng từ nay người quản quân mà không biết thương nuôi bệnh binh để khốn đói ở đường sá thế này thì cứ y như lệ ấy mà trị.
Đối với Minh Mệnh, những quan võ mà mắc tội cũng bị ông xử phạt rất nặng. Ngay cả như Đề đốc Kinh thành Nguyễn Văn Phượng, vì cầm súng bắn bò nhưng bắn nhầm phải người lính đã bị Minh Mệnh dụ cho bộ Hình: “Pháp luật nghiêm ngặt có cho bậy bạ như thế đâu. Hơn nữa, Phượng là quan võ chức to, đánh gươm bắn súng vốn là nghề nghiệp của mình, lại bắn lầm pải lính. Thử nghĩ xem, quan võ bất tài như thế, còn dùng làm việc gì được. Vậy cách chức giao Bộ bàn. Người lính bị thương thì bắt bảo cô”[23, tr. 54].
Nhận thấy việc nhà binh vất vả và lo cho sức khỏe của họ, Minh Mệnh lệnh định hạn lại thì giờ cho các sở công tác: “Đã đến tiết mùa hè, trẫm ở nhà
cao cửa rộng còn thấy khí nóng nung nấu, huống chi binh và thợ cả ngày phơi nắng chịu sao nổi. Vậy định hạn làm việc để giữ sức… Lại sai Thái y chia nhau đi thăm các công sở, ai ốm thì chữa” [22, tr. 129]. Ông cũng xuống
dụ cho các Đốc biện không được bắt dân làm quá giờ quy định. Một biểu hiện nữa cho thấy, trong bất cứ hành động nào của mình,