Kết quả xuất khẩu chè của Việt Nam thời gian qua

Một phần của tài liệu Tiểu luận Kinh tế quốc tế: Đặc điểm thị trường chè thế giới và khả năng mở rộng thị trường chè ở Việt Nam (Trang 35 - 42)

Việt Nam được đánh giá là nước có ngành sản xuất chè truyền thống với nhiều vùng chè đặc sản nổi tiếng. Sản lượng chè hàng năm đạt 577 nghìn tấn chè thô. Chè Việt Nam đã được xuất sang 107 thị trường trên thế giới, trong đó có 68 thị trường thuộc các quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam vẫn xuất khẩu chủ yếu là chè bán thành phẩm với chất lượng ở mức trung bình. Câu hỏi mà ngành chè đang quan tâm nhất hiện nay là làm sao quy hoạch tốt nguồn nguyên liệu, nâng cao chất lượng chè phục vụ xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh, khẳng định được thương hiệu chè Việt Nam trên thị trường thế giới.

Trong 10 năm từ 1995 - 2005, diện tích trồng chè đã tăng gấp 2 lần, đến năm 2006 đạt 112 nghìn ha. Tính đến thời điểm tháng 8/2007, cả nước có 630 cơ sở, nhà máy chế biến của 34 tỉnh, thành phố tham gia vào trồng chè trên diện tích 125.000 ha. Sản lượng hàng năm đạt 577 ngàn tấn chè thô. Năng suất tăng 2 lần, đạt 50 tạ/ha. Diện tích nhân giống chè mới năng suất cao, chất lượng tốt đạt 32.5% tổng diện tích. Quỹ gien chè, kể cả trong nước và nhập nội, có gần 150 dòng. Chỉ với một thời gian ngắn, do mở rộng đầu tư, hợp tác với nước ngoài, Việt Nam đã nhập hơn 50 giống mới, trong đó có 8 giống mới được phép nhân rộng trong các dự án phát triển ở các tỉnh, thành phố góp phần năng cao năng suất, nâng cao chất lượng chè.

Nguồn: CIEM, 2007

Đến nay, cả nước có khoảng 400.000 hộ sản xuất chè, hơn 600 doanh nghiệp chế biến ở quy mô công nghiệp, hàng năm thu hút khoảng 2 triệu lao động tham gia vào lĩnh vực sản xuất, chế biến, thương mại và dịch vụ. Thị trường chè trong nước đã trở lại ổn định sau cơn bão chè vàng diễn ra từ những tháng đầu năm 2007. Do các địa phương và ngành chức năng đã khống chế được giá chè xuất ngoại nên giá chè đã giảm xuống và giữ mức ổn định. Tính đến tháng 9/2007, giá chè búp khô và tươi đã trở lại ổn định do không có sự tranh mua tranh bán của các tư thương xuất sang Trung Quốc. Giá chè các tỉnh không chênh lệch nhiều, và giá loại chè xanh búp khô thường được bán với giá cao gấp đôi chè đen cùng loại, với giá bán lẻ phổ biến ở mức 14.000 đ/kg - 16.000 đ/kg đối với chè đen búp khô, 28.000 đ/kg - 32.000 đ/kg đối với chè xanh búp khô. Còn giá các loại chè búp tươi thì không chênh lệch nhiều, mức giá bán lẻ phổ biến ở mức 2.000 đ/kg - 3.000 đ/kg.

Nguồn: Trung tâm Thông tin PT NNNT, www.agro.gov.vn

6 tháng đầu năm 2007, sản lượng chè xuất khẩu của Việt Nam đạt 47.000 tấn, với giá trị trên 45 triệu USD, tăng gần 9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2006. Tháng 7/2007, Việt Nam xuất khẩu được 12.000 tấn tăng 11,32% so với cùng kỳ năm 2006, tuy vậy tổng giá trị xuất khẩu lại thấp hơn 0,9% so với năm trước. Xuất khẩu chè tháng 8/2007 của Việt Nam đạt khoảng 11 nghìn tấn, giảm 1000 tấn so với tháng 7/2007. Nhưng do giá chè xuất khẩu tăng theo xu hướng chung trên thị trường thế giới nên giá trị xuất khẩu tháng 8 đạt trên 13 triệu USD, tăng gần 1 triệu USD so với tháng 7. Với kết quả trên, đã đưa khối lượng chè xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2007 lên mức 70 nghìn tấn, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2006. Giá trị xuất khẩu chè 8 tháng đầu năm 2007 cũng tăng 7,5% lên mức 72 triệu USD. Tốc độ tăng về giá trị xuất khẩu thấp hơn tốc độ tăng về khối lượng là do giá xuất khẩu bình quân của chè 8 tháng đầu năm 2007 thấp hơn 1% so với cùng kỳ năm 2006.

Nguồn: GSO, 2007

Hiệp hội Chè Việt Nam (Vinatea) đã đưa ra cảnh báo khả năng ngành chè mất thị trường EU sau khi khách hàng ở Anh và nhiều nước châu Âu có thông báo về việc dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm chè xuất khẩu vượt ngưỡng cho phép nhiều lần.

Ngoài ra còn một thực tế là nhiều năm nay ngành chè nước ta vẫn phải chấp nhận giá chè xuất khẩu thấp hơn giá chè quốc tế từ 0,5 đến 0,7 USD/kg (chỉ bằng 65% - 70% giá chè xuất khẩu của nhiều nước). Trong những tháng đầu năm 2007, giá chè xuất khẩu chỉ đạt bình quân khoảng 1.006 USD/tấn, giảm 4,6% so với mức giá bình quân của cả năm 2006 (1.062 USD/tấn). Nguyên nhân chính là do chè Việt Nam chưa cải thiện được chất lượng, vì vậy khó đáp ứng được những thị trường khó tính. Đồng thời, hiện nay Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu chè thô, chưa qua tinh chế, do đó giá bán chịu ảnh hưởng lớn từ thị trường thế giới đặc biệt là SriLanka và Ấn Độ. Tuy nhiên, do nhu cầu chè trên thế giới vẫn đang ở mức cao, mặc dù nguồn cung thế giới tương đối nhiều nhưng theo các chuyên gia dự báo, giá chè xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trong thời gian tới. Năm 2007, sản lượng chè của Ấn Độ cao hơn năm 2006, do đó sản lượng xuất khẩu sang các nước như Ai Cập, Pakistan, Irắc và Nga sẽ tăng. Ấn Độ hy vọng đạt 6 - 10 triệu kg chè xuất khẩu sang Ai Cập so với 2,7 triệu kg của năm 2006. Nhờ giao thông thuận lợi, giảm thuế và cước vận chuyển đã làm tăng lượng chè xuất khẩu sang Pakistan đạt 20 triệu kg chè, cao hơn 5 triệu kg của năm 2006. Xuẩt khẩu chè của Bănglađét có thể đạt 7 triệu kg trong năm 2007, cao hơn 2 lần so với 3 triệu kg năm 2006 nhờ thời tiết thuận lợi.

Chè Việt Nam đã được xuất sang 107 thị trường trên thế giới, trong đó có 68 thị trường thuộc các quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)- một kết quả mà không phải bất kỳ nước nào cũng đạt được, kể cả các nước thành viên của Tổ chức này. Trong số gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang tiêu thụ chè Việt Nam, có 18 thị trường truyền thống ở châu Á, châu Mỹ, châu Âu. Không chinh phục được thị trường chất lượng cao, các doanh nghiệp xuất khẩu chè Việt Nam đành hướng đến các thị trường trung bình như Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ và thị trường các nước Châu Phi. Theo Hiệp hội chè Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu chè cũng chỉ dừng lại ở việc cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chè các nước này. Đài Loan mỗi năm nhập khẩu khoảng 17 nghìn tấn chè của Việt Nam. Sở dĩ có lượng lớn như vậy là do Đài Loan có một ngành công nghiệp chế biến chè phát triển với những thương hiệu nổi tiếng. Chè của Việt Nam được bán vào Đài Loan với giá chè bán thành phẩm, nguyên liệu. Sau đó các doanh nghiệp Đài Loan chế biến lại, gắn nhãn mác mới và bán ra thị trường có giá trị cao. Những sản phẩm chè thành phẩm này lại được xuất đi khắp thế giới và ngay cả ngược lại thị trường Việt Nam với thương hiệu của Đài Loan. Tương tự như thị trường Nga, thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 của chè Việt Nam với khoảng 10 nghìn tấn/năm. Mặc dù Việt Nam đã có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường này nhưng xuất khẩu chủ yếu vẫn là chè nguyên liệu.

Lượng nhập khẩu chè Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2007 của một số nước châu Âu

Nước Lượng (Tấn) Trị giá (nghìn USD) Nga 7.260 7.444 Ba Lan 2.270 2.102 Đức 1.226 1.412 Anh 941 1.085 Hà Lan 1.104 1.230 Pháp 67 172

Nguồn: Trung tâm Thông tin Thương mại (vinanet)

Theo Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam khẳng định, dù muốn phát triển thế nào thì ngành chè Việt Nam cũng phải giải quyết khâu chất lượng nguồn nguyên liệu. Hiện việc phát triển vườn chè và cơ sở chế biến không gắn kết với nhau. Do đó nhà máy được quy hoạch nguồn nguyên liệu thì bị những cơ sở chế biến nhỏ lẻ tự phát tranh giành nguyên liệu. Hệ quả là vườn chè không được áp dụng công nghệ tiên tiến, người dân chăm bón không đúng cách, có khi dùng cả các loại chất đã bị cấm, rồi vì nguồn nguyên liệu mà người ta hái cả cẳng chè đi bán. Vinatea cho rằng, giá chè xuất khẩu giảm và nguy cơ mất thị trường một phần do mạng lưới cơ sở chế biến chè phát triển quá nhanh và mang tính tự phát,

không tương xứng với vùng nguyên liệu. Theo ông Nguyễn Kim Phong - Chủ tịch Vinatea, chỉ tính riêng các doanh nghiệp chế biến chè đã có trên 600 cơ sở công nghiệp với tổng công suất trên 3.100 tấn búp tươi/ngày (trên 600 nghìn tấn búp tươi/năm). Với sản lượng 546.000 tấn chè búp tươi năm 2005 chỉ đáp ứng được khoảng 88% nhu cầu nguyên liệu chè búp của các cơ sở chế biến công nghiệp. Chưa kể đến hàng trăm cơ sở chế biến chè thủ công, bán công nghiệp cùng than gia thu mua ngyên liệu để sơ chế.

Do thiếu nguyên liệu nhiều cơ sở không quan tâm đến kiểm soát chặt chất lượng nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; Giá cả thu mua không hợp lý nên không khuyến khích người sản xuất coi trọng chất lượng nguyên liệu, thiếu chăm sóc dẫn đến năng suất chè bình quân của cả nước chỉ đạt 5,7 tấn/ha trong khi nếu chăm sóc tốt, nhiều vườn chè cho năng suất 20- 25 tấn/ha. Bên cạnh đó, trang thiết bị công nghệ chế biến lạc hậu nên hầu hết chè Việt Nam được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu, chè thành phẩm mới chỉ chiếm 7% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Vinatea cho rằng, sản xuất chè hiện vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ 2 yêu cầu quan trọng hàng đầu là độ đồng đều của chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn thế giới. Thêm vào đó, quá trình đổi mới giống chè diễn ra quá chậm, 74% diện tích hiện được trồng bằng giống chè của các địa phương, chỉ có 26% diện tích được trồng giống mới (trong đó giống chè chất lượng cao chỉ chiếm 7%) cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng chè nước ta.

Vấn đề hiện nay là việc quy hoạch hệ thống cơ sở chế biến chè. Sau một thời gian mọi nơi, mọi người đều có thể mở xưởng chế biến chè bằng bất cứ công nghệ nào, sự phát triển manh mún đó dẫn đến sản lượng các vườn chè chỉ đáp ứng được 1/2 công suất chế biến, có địa phương chỉ được vài mươi phần trăm. Số cơ sở mở ra tự phát và đáng báo động như các địa phương Phú Thọ, Yên Bái… Điều này khiến cho nguồn chè sơ chế tốt của Việt Nam không có. Mặc dù các doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu chè bán thành phẩm nhưng giá chè của Việt Nam chỉ bằng khoảng 70% giá chè cùng loại của nhiều nước. Đây là một thiệt thòi trực tiếp cho chính các doanh nghiệp xuất khẩu và người nông dân. Tệ hại hơn, Việt Nam đã không có nhiều chè chất lượng cao để xuất khẩu và thế giới chỉ nhìn Việt Nam là một nước xuất khẩu chè chất lượng trung bình.

Chính sách phát triển ngành chè đến năm 2010

Năm 2010, diện tích trồng chè của cả nước sẽ đạt 120.000 ha. Năng suất bình quân là 7 tấn/ha. Sản lượng chè tươi đạt 840.000 nghìn tấn/năm và sản lượng chè thô đạt 200.000 tấn/năm. Đến năm 2020, diện tích trồng chè của Việt Nam sẽ là 140.000 ha, với năng suất bình quân đạt 9 tấn/ha. Sản lượng chè thô dự kiến đạt 1.260.000 tấn và đạt mức 300.000 tấn đối với sản lượng chè khô.

Phát triển thương hiệu chè Việt Nam an toàn trên cơ sở những vùng nguyên liệu sạch, bảo đảm các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của châu Âu, Nhật Bản là mục tiêu của doanh nghiệp chè Việt Nam trong thời gian tới. Bộ NN và PTNT đã có Chương trình hiện đại hóa ngành chè với kinh phí đầu tư trên 420 tỷ đồng tập trung đầu tư cho giống chè, xây dựng các mô hình chế biến chè chất lượng cao. Bên cạnh đó, theo Vinatea, việc quy hoạch các cơ sở chế biến công nghiệp phải gắn chặt với vùng chè, khắc phục tình trạng thừa nhà máy, thiếu nguyên liệu như hiện nay. Ngoài ra, cần khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào những vùng chè chủ lực, chuyển giao công nghệ chế biến theo tiêu chuẩn của những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... Đây được coi là những giải pháp hữu hiệu nhằm nâng giá chè xuất khẩu và giúp ngành chè tránh khỏi nguy cơ mất thị trường.

Việt Nam tiếp tục củng cố giữ vững các thị trường chủ lực trong xuất khẩu chè như thị trường Pakistan, Đài Loan, Irắc, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc…và tăng cường xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng: Philippin, Kenya, Xiry, Iran, Mexico, Lào, Chi Lê… cũng như mở rộng thị trường tại các nước và vùng lãnh thổ mới hoặc nhập khẩu chè Việt Nam còn ở lượng ít.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng cho chè Việt Nam trong thời gian tới, các cơ quan ban ngành đã phối hợp với Viện Khoa học Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc quy hoạch định hướng phát triển giống chè mới. Đến năm 2010, Viện sẽ cung cấp giống chè mới cho các khu vực trồng chè đảm bảo cơ cấu 60% diện tích là giống chè mới chất lượng cao, đưa năng suất bình quân lên 8 tấn tươi/ha, tăng thêm 2 tấn/ha so với hiện nay. Trên 70% diện tích chè Việt Nam hiện nay chỉ phù hợp cho chế biến chè đen, tỷ lệ giống cho chế biến chè xanh và các chè khác chỉ chiếm dưới 30%. Trong khi cơ cấu giống chè của thế giới thì ngược lại: giống chế biến chè đen chỉ chiếm khoảng 10%, giống cho chế biến chè cao cấp chiếm gần 25%, còn lại là giống chế biến được cả chè đen và chè xanh. Do vậy, việc quy hoạch vùng nguyên liệu và phát triển những giống chè mới, cho năng suất cao, đảm bảo chất lượng là vấn đề mà ngành chè đang cố gắng thực hiện trong tương lai.

CH

ƯƠNG III :

Một phần của tài liệu Tiểu luận Kinh tế quốc tế: Đặc điểm thị trường chè thế giới và khả năng mở rộng thị trường chè ở Việt Nam (Trang 35 - 42)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(49 trang)
w