Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã chỉ ra những nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam bấy giờ là đánh đổ đế quốc Pháp và phong kiến tay sai nhằm giải quyết mâu thuẫn chủ yếu của dân tộc; đồng thời quan tâm tới nhiệm vụ dân chủ, nhằm cuốn hút giai cấp nông dân vào cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc. Trong việc thực hiện nhiệm vụ dân chủ, cương lĩnh đã nhấn mạnh “chỉ bọn đại địa chủ mới có thế lực và đứng hẳn về phe đế quốc” vì vậy, cần tập trung mũi nhọn đấu tranh vào đại địa chủ, còn trung và tiểu địa chủ thì phải lợi dụng hoặc trung lập. Yêu cầu xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc nhằm thực hiện nhiệm vụ dân tộc được coi trọng. Trải qua những khúc quanh của lịch sử, chủ trương đúng đắn của Đảng đã được khẳng định bằng thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Sau Cách mạng tháng Tám, tiếp nối đường lối đúng đắn của Đảng trong giai đoạn trước, từ 1945 - 1952, trong hoàn cảnh thực dân Pháp quay trở lại xâm lược, độc lập tự do của Tổ quốc đang bị đe doạ, Đảng đã mềm dẻo trong sách lược nhằm giữ vững độc lập dân tộc đồng thời tiếp tục thực hiện từng bước khẩu hiệu “người cày có ruộng”.
Ngày 26 tháng 10 năm 1945, Chính phủ ban hành Nghị định giảm 20% thuế điền và miễn thuế cho những vùng ngập lụt [54, tr50]. Ngày 13 tháng 11 năm 1945, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Bắc Bộ ra Thông tư số 55 - VP quy định phải “Giảm ¼ mức địa tô đối với tá điền và các người cấy rẽ, cấy thuê” [45, tr155]. Ngày 16 tháng 11 năm 1945, Chính phủ ra Thông tư về việc tạm chia ruộng đất công cho dân cày nghèo theo nguyên tắc dân chủ [54, tr50]. Ngày 20 tháng 11 năm 1945, Bộ Nội vụ của Chính phủ lâm thời đã ra Thông tư quy định chủ ruộng phải giảm 25% địa tô và giảm 20% thuế điền thổ; đề ra
nguyên tắc chia lại ruộng đất công cho cả nam và nữ, tạm giao ruộng đất vắng chủ cho một bộ phận nông dân thiếu ruộng [45, tr156].
Ngày 15 tháng 1 năm 1948, tại Hội nghị Trung ương mở rộng, Đảng đã nêu chính sách ruộng đất gồm 17 điểm, trong đó có quy định:
Triệt để thực hiện việc giảm 25% địa tô (nhiều nơi chưa làm). Bài trừ những thứ địa tô phụ thuộc, như tiền trình gặt, tiền đầu trâu, lễ lạt quá nặng. Bỏ chế độ quá điền. Đem ruộng đất và tài sản của bọn phản quốc tạm cấp cho dân cày nghèo, hoặc giao cho bộ đội cấy cày để tự cấp phần nào (sẽ có chỉ thị riêng).Chia lại công điền cho hợp lý và công bằng hơn. Đem ruộng đất đồn điền của địch cấp cho dân nghèo, chấn chỉnh các đồn điền do Chính phủ quản lý [15, tr31-32]
Đến Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ 4 (tháng 5 năm 1948), những chủ trương về ruộng đất tại Hội nghị Trung ương mở rộng tiếp tục được khẳng định và phát triển. Đặc biệt Nghị quyết Hội nghị đã xác định cụ thể cách thức sử dụng ruộng đất của thực dân Pháp và Việt gian: Tịch thu ruộng đất và tài sản của Việt gian. Ruộng đất thì Ủy ban kháng chiến hành chính thu cho dân cày cấy. Còn tài sản thì tuỳ trường hợp cấp cho dân cày cấy hoặc Ủy ban kháng chiến hành chính khu sử dụng.Chính phủ tạm thời quản lý những đồn điền của Pháp. Những ruộng mà trước kia các điền chủ Pháp cướp không của dân có bằng cớ rõ ràng thì trả lại cho dân.Thành lập ở mỗi đồn điền một Ban Quản trị để phân phối ruộng cho dân, giúp đỡ kế hoạch cho dân cày cấy, làm thế nào khỏi bỏ đất hoang, thu hoa lợi.
Tháng 8 năm 1948, Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ 5 được tổ chức. Trên cơ sở phân tích tình hình thực tiễn đất nước, đặc điểm cách mạng Việt Nam, Hội nghị đã khẳng định: Muốn xoá bỏ những tàn tích phong kiến, phát triển nông nghiệp, phải cải cách ruộng đất. Tuy nhiên phải “dùng phương pháp cải cách mà dần dần thu hẹp phạm vi bóc lột của địa chủ phong kiến bản
xứ lại (ví dụ giảm tô) đồng thời sửa đổi chế độ ruộng đất (trong phạm vi không có hại cho Mặt trận thống nhất chống thực dân Pháp xâm lược). … Đó cũng là một cách ta thực hiện cách mạng thổ địa bằng một đường lối riêng biệt” [15, tr199]. Đến đây, đường lối cách mạng ruộng đất của Đảng đã hình thành một cách rõ ràng. Đó là cải cách từng phần, dần dần thu hẹp phạm vi bóc lột của giai cấp địa chủ, đem lại ruộng đất cho nông dân.
Hội nghị cán bộ Trung ương Đảng lần thứ 6 (tháng 1 năm 1949) tiếp tục khẳng định: “Triệt để thi hành chính sách ruộng đất của Đảng đã quyết nghị trong Hội nghị cán bộ lần thứ nǎm, đặc biệt nhất là việc tạm cấp ruộng của Pháp và Việt gian cho dân cày, giảm địa tô chính, bỏ địa tô phụ, gây phong trào hiến ruộng” [16, tr57].
Thực hiện chủ trương cải cách dần dần, trong những năm 1949 - 1950, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ban hành nhiều sắc lệnh quan trọng. Ngày 14 tháng 7 năm 1949, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 78/SL quy định giảm 25% mức địa tô đã thu trước cách mạng Tháng Tám. Sắc lệnh số 87/SL về giảm tức. Sắc lệnh số 88/SL ngày 22 tháng 5 năm 1950 quy định thể lệ lĩnh canh. Sắc lệnh số 75/SL ngày 1 tháng 7 năm 1949 về tạm cấp ruộng đất của Việt gian cho nông dân nghèo. Sắc lệnh số 90/SL ngày 22 tháng 5 năm 1950 về quyền lợi khi sử dụng đất bỏ hoang...
Tại Hội nghị điều tra nông thôn tháng 2 năm 1950, Tổng Bí thư Trường Chinh đã giải thích về chính sách ruộng đất của Đảng: “Phương châm chính sách ruộng đất của Đảng ta là cải cách lần lần, nhiều cuộc cải cách ruộng đất tiếp tục cộng lại thành một cuộc cách mạng ruộng đất” [17, tr233].
Tháng 2 năm 1951, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II đã diễn ra. Đại hội đã là một bước tiến trong nhận thức về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta. Về việc thực hiện nhiệm vụ đem lại ruộng đất cho dân cày, Đại hội xác định: Cách mạng Việt Nam sẽ trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn một là
tiêu diệt đế quốc xâm lược, giải phóng dân tộc, củng cố Nhà nước dân chủ nhân dân; giai đoạn 2 là xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, triệt để thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”, hoàn chỉnh chế độ dân chủ nhân dân; giai đoạn 3 là làm xong nhiệm vụ dân chủ nhân dân, gây đầy đủ điều kiện để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội cũng chỉ rõ: Ba giai đoạn của cách mạng Việt Nam kế tục một cách mật thiết. Nhiệm vụ của giai đoạn thứ hai đã phải làm một phần nào ngay trong giai đoạn thứ nhất như giảm tô, giảm tức, tạm cấp ruộng đất của Pháp và Việt gian cho dân cày nghèo, v.v.. Nhiệm vụ của giai đoạn thứ ba cũng có thể làm một phần nhỏ trong giai đoạn thứ nhất hay giai đoạn thứ hai. Đại hội khẳng định:
Trong điều kiện cách mạng của nước ta, đánh đổ đế quốc xâm lược là một chiến lược, nằm trong một giai đoạn chiến lược. Thủ tiêu mọi di tích phong kiến và nửa phong kiến, thực hiện người cày có ruộng lại là một chiến lược khác, nằm trong một giai đoạn chiến lược khác. Vì trong hai giai đoạn đó, kẻ thù cố nhiên khác nhau, nhưng hàng ngũ các bạn đồng minh cũng có chỗ không giống nhau [18, tr92].
Trong quá trình hình thành nhận thức về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đường lối cách mạng ruộng đất của Đảng tiếp tục được khẳng định. Trong giai đoạn thứ nhất của chặng đường, nhiệm vụ giải phóng dân tộc là cần kíp nhất, do vậy cần tập trung lực lượng của dân tộc đánh đổ đế quốc xâm lược, giành độc lập dân tộc; bên cạnh đó, nhiệm vụ xóa bỏ tàn tích của phong kiến được thực hiện một phần. Sau khi đánh đổ được đế quốc xâm lược, khẩu hiệu “người cày có ruộng” sẽ được thi hành triệt để.
Tiếp nối chủ trương đúng đắn của Đảng trong giải quyết mối quan hệ giữa nhiệm vụ dân tộc và dân chủ từ khi Đảng ra đời, từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1953, đường lối cách mạng ruộng đất của Đảng được xác định là cải cách từng phần. Thực hiện chủ trương đó không những đem lại
ruộng đất cho nông dân, bồi dưỡng lực lượng nông dân mà còn đoàn kết được tất cả những giai cấp, tầng lớp có tinh thần yêu nước trong mặt trận dân tộc thống nhất chống đế quốc.