Xác định đúng mục tiêu cách mạng và có biện pháp thực hiện phù hợp với thực tiễn

Một phần của tài liệu quá trình thực hiện chủ trương cải cách ruộng đất của đảng ở tỉnh bắc ninh từ 1954 1957 (Trang 99 - 102)

phù hợp với thực tiễn xã hội Việt Nam và từng địa phương

Đặc điểm phân hóa giai cấp và đấu tranh giai cấp ở Việt Nam nói chung và Bắc Ninh nói riêng mang những nét riêng biệt. Do đặc điểm đất chật người đông, sản xuất mang tính tiểu nông, sự phân hóa giai cấp diễn ra không lớn, bóc lột không nhiều. Giai cấp địa chủ Việt Nam nhỏ bé. Trong khi đó, là

nước thuộc địa, chịu ách thống trị thực dân, mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược nổi lên hàng đầu. Cách mạng Việt Nam trước hết phải giải quyết được mâu thuẫn này, phải đánh đổ đế quốc thực dân, giành độc lập tự do cho dân tộc. Để làm được điều đó, cách mạng phải tập hợp được đông đảo các giai tầng cùng chiến đấu vì mục tiêu chung. Do vậy, chủ trương cải cách từng phần được thực hiện. Với phương châm “cải cách lần lần, nhiều cuộc cải cách ruộng đất cộng lại thành một cuộc cách mạng ruộng đất”, cải cách từng phần đã động viên được giai cấp nông dân, đồng thời củng cố được Mặt trận dân tộc thống nhất, giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã cố ý duy trì chế độ bóc lột phong kiến làm công cụ bóc lột, phục vụ mưu đồ kinh tế - chính trị của chúng. Vì vậy, kẻ thù của nhân dân Việt Nam nói chung và giai cấp nông dân nói riêng chính là thực dân Pháp, xét cả về mặt chính trị và kinh tế. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi, miền Bắc được giải phóng, nhiệm vụ của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Bắc đã hoàn thành cơ bản. Mục tiêu của cuộc cách mạng đã đạt được. Việc xóa bỏ tàn tích của chế độ phong kiến, hoàn thành nốt nhiệm vụ của cuộc cách mạng dân chủ nhân dân không cần phải phát động một cuộc cải cách rầm rộ như đã làm.

Trong khi đó, ở miền Nam, cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc vẫn còn đang đòi hỏi sức mạnh đoàn kết của toàn thể dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hậu phương lớn miền Bắc phải đoàn kết, thống nhất để huy động được nhiều nhất, nhanh nhất về sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam đấu tranh thống nhất đất nước. Việc thực hiện phóng tay phát động quần chúng triệt để giảm tô, giảm tức và cải cách ruộng đất đã làm ảnh hưởng đến đoàn kết nông thôn, ảnh hưởng đến truyền thống tốt đẹp trong

quan hệ làng xóm, xã hội, gia đình, ảnh hưởng tới việc xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc.

Khi đã xác định được mục tiêu cách mạng, cần có biện pháp thực hiện phù hợp nhằm thúc đẩy sự nghiệp cách mạng nhanh chóng đi đến thành công. Để thực hiện mục tiêu giành độc lập tự do cho Tổ quốc, trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Đảng đã chủ trương cải cách ruộng đất từng phần, qua đó đã có tác dụng tích cực, vừa thu hẹp phạm vi bóc lột của địa chủ, bồi dưỡng lực lượng cách mạng, không làm ảnh hưởng đến việc xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất chống đế quốc.

Tuy nhiên, đến những năm 1953 – 1956, việc thực hiện chủ trương phóng tay phát động quần chúng triệt để giảm tô giảm tức và cải cách ruộng đất đã thể hiện tư tưởng nóng vội, tả khuynh, nguy cơ đi chệch mục tiêu cách mạng.

Xét theo ý nghĩa của khẩu hiệu “người cày có ruộng”, cải cách ruộng đất chỉ nhằm mục tiêu kinh tế, đem lại ruộng đất cho nông dân, cho bộ phận người lao động chưa có tư liệu sản xuất, để họ phát triển sản xuất. Điều đó có tác dụng động viên lớn đối với lực lượng cách mạng, thúc đẩy nhiệm vụ kháng chiến.

Tuy nhiên, cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức ở Bắc Ninh nói riêng và các địa phương toàn miền Bắc nói chung đã mang nặng yếu tố chính trị. Trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, việc xử lí, đấu tố, thanh thải, loại trừ được coi trọng. Trong khi chỉ nên chú trọng vào mục tiêu loại bỏ bóc lột, đem lại ruộng đất cho nông dân, cải cách ruộng đất lại đề cao việc xử lí những con người cụ thể, những cá nhân cụ thể. Thậm chí việc xử lí được tiến hành quá mức dẫn đến sai lầm nghiêm trọng. Điều đó đã làm ảnh hưởng đến việc xây dựng mặt trận đoàn kết toàn dân tộc để chiến đấu chống đế quốc xâm lược, giành hòa bình thống nhất cho đất nước.

Xét theo khía cạnh khác, bỏ qua ý nghĩa chính trị, việc tích tụ và tập trung ruộng đất trong tay một số ít người (trong giới hạn cho phép và có sự điều chỉnh loại bỏ chế độ bóc lột kiểu cũ) chính là một điều kiện khả quan cho sự phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Ruộng đất tập trung, không bị chia nhỏ, manh mún là điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch trong sản xuất, chuyên môn hóa và thúc đẩy sản xuất hàng hóa.

Sau cải cách ruộng đất, ruộng đất được chia cho các hộ gia đình, manh mún, bình quân; sản xuất nông nghiệp lại tiếp tục phát triển theo hướng tự cung tự cấp; như vậy không đáp ứng được yêu cầu xây dựng một nền sản xuất lớn, hiện đại, đạt được mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Do vậy, sau cải cách ruộng đất, công cuộc tập thể hóa được tiến hành. Ruộng đất và tư liệu sản xuất lại được tập trung lại tuy nhiên dưới một hình thức khác - kinh tế tập thể. Nhưng hình thức này lại không trực tiếp gắn với lợi ích của người lao động, trong điều kiện tập quán của một nước lạc hậu, do vậy đã không giải phóng được sức lao động, kích thích được sự sáng tạo của người lao động trong sản xuất. Không những mục tiêu xây dựng nền sản xuất lớn, hiện đại vẫn chưa đạt được, thậm chí là một bước lùi của lịch sử. Sau một thời gian hoạt động, những hạn chế của kinh tế tập thể đã thể hiện. Công cuộc đổi mới với chủ trương chấp nhận và khuyến khích phát triển kinh tế nhiều thành phần đó là sự tôn trọng quy luật khách quan của lịch sử, có lẽ nên được thực hiện ngay từ buổi đầu quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Một phần của tài liệu quá trình thực hiện chủ trương cải cách ruộng đất của đảng ở tỉnh bắc ninh từ 1954 1957 (Trang 99 - 102)