Giảm tô đợt 7 (từ tháng 2 đến hết tháng 4 năm 1955)
Bắc Ninh tiến hành đợt 7 triệt để giảm tô giảm tức trên địa bàn 49 xã thuộc các huyện Gia Lương, Quế Dương, Yên Phong, Võ Giàng. Triển khai công tác giảm tô, Đoàn giảm tô Bắc Bắc tiến hành theo 5 bước:
Bước 1: Trọng tâm công tác là bắt rễ; đồng thời tiến hành tuyên truyền thời sự, chính sách và sơ bộ tìm hiểu tình hình các tổ chức, đặc biệt là chi bộ.
Bước 2: Họp lớp huấn luyện rễ; tuyên truyền chính sách, ổn định quần chúng, làm cho quần chúng nhận rõ âm mưu của địch, ngăn ngừa tự sát; phân loại chi bộ, đảng viên; đề cao cảnh giác, tìm và trừng trị những tên phá hoại.
Bước 3: Phát động một phong trào tố khổ rộng khắp trong nông dân lao động, tiến hành sâu chuỗi, xây dựng nông hội lớn mạnh để chuẩn bị đấu tranh.
Bước 4: Xét xử những tên địa chủ cường hào gian ác đầu sỏ; đấu tranh thanh toán; chia quả thực.
Bước 5: Chỉnh đốn tổ chức, chủ yếu là chi bộ, nông hội, chính quyền, công an, dân quân, du kích.
Ngay trước khi đoàn giảm tô về các xã trong tỉnh, dưới ảnh hưởng của phong trào đấu tranh của các địa phương khác, nhất là từ Bắc Giang, nhân dân các xã huyện trong tỉnh đã náo nức chờ đón phát động quần chúng. Khi về các địa phương, đoàn giảm tô được quần chúng nhân dân, nhất là bần cố nông hết sức hoan ngênh.
Sau khi về xã, các đội giảm tô tiến hành ngay các tuyên truyền chính sách, đồng thời tiến hành “ba cùng”, thăm nghèo hỏi khổ, “bắt rễ”, “xâu chuỗi”, tìm chỗ dựa. Tiếp đó, tiến hành đánh đổ giai cấp địa chủ, phát động quần chúng tố khổ để tìm ra “địa chủ bóc lột, có nhiều tội ác”. Sau khi giai cấp địa chủ bị “đánh gục”, công tác phát động quần chúng hướng vào việc bắt địa chủ giảm tô, giảm tức và chia quả thực trong đấu tranh cho nông dân nghèo.
Trải qua các bước, công tác giảm tô đã đạt được những kết quả sau: Về chính trị: Qua đấu tranh, đã quy 1.179 địa chủ, trong đó có 226 địa chủ cường hào gian ác, 874 địa chủ thường, 1 địa chủ kháng chiến, 34 địa chủ là Việt gian phản động nhưng không xếp vào cường hào gian ác, 44 địa chủ công thương nghiệp. Cho 99 địa chủ đi học, xử trí 74 án tù và quản chế, 5 án tử hình [27]
Về kinh tế: Sau khi đánh gục về ưu thế chính trị của giai cấp địa chủ, các đội cải cách ruộng đất đã bắt địa chủ phải giảm tô, giảm tức, thoái tô nhằm làm suy yếu thế lực về kinh tế của họ, đem lại một phần quyền lợi cho nông dân. Đối tượng thoái tô bao gồm cả địa chủ và phú nông. Đối với phú nông được miễn giảm hoặc trả hết tùy theo khả năng kinh tế của từng gia đình. Đối với các thành phần khác thì do nội bộ nông dân dàn xếp, thoái tô không đặt ra. Đi đôi với thoái tô, giảm tô, địa chủ phải giảm tức, xóa nợ, hoãn nợ và giảm mức lãi.
Kết quả, tổng số tô và công quỵt phải thoái là 743.350 kg thóc, sau khi trừ miễn giảm là 737.331 kg thóc, trong đó số thóc địa chủ phải thoái là 623.184 kg, phú nông là 114.147 kg. Đối tượng được trừ miễn giảm là phú nông, địa chủ thường, địa chủ nhà chung và một số ít địa chủ cường hào gian ác loại 2, 3. Tổng số tô và công quỵt thoái được quy ra thóc là 527.817 kg, đạt 71,6%. Hơn 80 mẫu ruộng được tịch thu [28, tr39].
Sau khi phát động quần chúng giảm tô, nông dân được chia quả thực bằng tiền và thóc, còn ruộng đất thì phải chờ đến khi cải cách ruộng đất mới giải quyết được. Trước mắt, những gia đình không có thước ruộng nào thì họ được tạm giao một ít diện tích để cấy. Công tác chia quả thực được tiến hành trên cơ sở bảo đảm đoàn kết bần cố nông, đoàn kết lương giáo, bảo đảm sản xuất cứu đói, diện tập trung vào bần cố nông. Kết quả, số thóc tô 476.048kg đã được chia cho cho 10.802 gia đình, 89.871 nhân khẩu (trong đó 996 gia đình trung nông được hưởng 44.070 kg; 7612 gia đình bần nông được hưởng 327.928 kg, 1636 gia đình cố nông được hưởng 76.543 kg, 590 gia đình dân nghèo được 27.507 kg) [27, tr49]
Về chỉnh đốn tổ chức: Khi về xã, với nhận định tình hình các tổ chức phức tạp, căn bản bị địch lũng đoạn, công tác chỉnh đốn chi bộ Đảng và các tổ chức đoàn thể ở nông thôn được chú trọng. Đã có 24% đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng. Sau khi chỉnh đốn, thành phần đảng viên có sự thay đổi đáng kể. Tỷ lệ đảng viên là bần cố nông tăng lên. Tỷ lệ đảng viên là trung nông và phú nông giảm, tất cả địa chủ đã bị loại ra khỏi Đảng. Cụ thể thành phần giai cấp của đảng viên như sau:
Bảng 2.1: Thành phần giai cấp đảng viên trước và sau giảm tô đợt 7 của 49 chi bộ Thành phần Trước chỉnh đốn Sau chỉnh đốn Công nhân 1 2 Cố nông 19 24 Bần nông 676 515 Trung nông 1148 943 Tiểu tư sản 51 58 Phú nông 101 48 Địa chủ 50 Thành phần khác 5 Tổng số 2046 1595
(Nguồn: Tài liệu thống kê chi bộ các đợt giảm tô, Hồ sơ số 391, Phông Ủy ban cải cách liên khu Việt Bắc, TTLTQG III, tr .77)
Qua phát động quần chúng giảm tô, bộ máy chính quyền các xã có sự thay đổi căn bản. Đến bước 5 giảm tô, Đội đã tiến hành tách xã. Theo đó, 49 xã cũ được chia thành 52 xã mới. Sau khi thanh thải được những phần tử “xấu”, các xã tiến hành Đại hội chính quyền bầu ra chính quyền mới thực hiện nhiệm vụ quản lí Nhà nước ở địa phương. Theo quy định, trung bình mỗi xã bầu 7 ủy viên, trong đó có 1 là phụ nữ, Chủ tịch thuộc thành phần bần cố nông, Phó Chủ tịch thuộc tầng lớp trung nông. Các Đội đã chú trọng đào tạo lãnh đạo xã từ “rễ”. Do đó, số lượng và thành phần chính quyền xã có sự thay đổi với 100% là bần cố nông, trung nông, dân nghèo và lao động khác, trong đó bần cố nông chiếm 71,9%.
Bảng 2.2: Thành phần giai cấp Ủy ban hành chính 49 xã trước và sau chỉnh đốn trong giảm tô đợt 7
Thành phần Trước chỉnh đốn Sau chỉnh đốn Chánh phó Chủ tịch Ủy viên Chánh phó Chủ tịch Ủy viên Cố nông 1 13 31 Bần nông 15 32 43 145 Trung nông 38 110 49 49 Phú nông 10 12 Địa chủ 5 1 Dân nghèo 1 7 Lao động khác 2 1 4 Tiểu thương 2 2 Tổng số 73 159 105 226
(Nguồn: Đoàn ủy Bắc Bắc (1955), Thống kê tổ chức chính quyền, quần chúng trước và sau chỉnh đốn đợt 7, Hồ sơ số 532, Phông Ủy ban cải cách liên khu Việt Bắc, TTLTQG III, tr.11 - 13)
Cùng với việc chấn chỉnh các chi bộ Đảng và bộ máy chính quyền các xã, tổ chức Nông hội cũng được củng cố, tăng cường. Qua phát động quần chúng giảm tô, nông hội đã khai trừ những hội viên là phần tử “địch” hoặc có lí lịch không trong sạch và phát triển hội viên mới được rộng rãi. Cụ thể: Trước chỉnh đốn, các tổ chức Nông hội trong 49 xã có: 65 chánh phó Bí thư, 187 hội viên chấp hành; sau chỉnh đốn tăng lên 109 chánh phó Bí thư, 261 hội viên chấp hành, 40.086 hội viên [25, tr11 - 13].
Bên cạnh đó, các ngành khác như công an, du kích cũng sa thải những phần tử “xấu”, thay vào đó là những cốt cán xuất thân từ bần cố nông. Đối với tổ chức công an: trước chỉnh đốn có 80 người phụ trách, 511 công an viên.
Sau chỉnh đốn, có 128 phụ trách, 990 công an viên. Tổ chức du kích: Trước chỉnh đốn có 156 ban xã đội, 3.902 đội viên; sau chỉnh đốn xây dựng được 195 ban xã đội và 6.004 đội viên [25, tr11 - 13].
Giảm tô đợt 8 (từ tháng 6 đến hết tháng 9 năm 1955)
Giảm tô đợt 8 được tiến hành trên diện rộng hơn so với đợt 7, trên 86 xã: Gia Lương (13 xã), Tiên Du (17 xã), Gia Lâm (15 xã), Thuận Thành (21 xã), Từ Sơn (20 xã).
Về chính trị: Đã quy 1.935 địa chủ trong đó 190 địa chủ cường hào gian ác, 1.745 địa chủ thường. Tiến hành xét xử 379 người, trong đó tử hình 87, xử tù 292. Cụ thể: Xử 188 địa chủ cường hào gian ác, trong đó tử hình 75 người, tù 113 người; trong 93 địa chủ thường có 7 người tử hình, 86 người xử tù; trong 17 phú nông bị xử có 2 người tử hình, 15 người tù; xử 6 ít ruộng đất trong đó tử hình 1, tù 5; xử 45 trung nông, trong đó tử hình 2, tù 43 [29, tr62].
Về kinh tế: Đã tịch thu hàng trăm tấn thóc, chia cho bần cố nông, góp phần quan trọng giải quyết nạn đói đang diễn ra trầm trọng ở các xã, tạo sự phấn khởi trong nông dân.
Chỉnh đốn tổ chức: 86 xã giảm tô đợt 8 chủ yếu thuộc vùng tạm chiếm, tổ chức Đảng, chính quyền và các đoàn thể ở những xã này được đánh giá là đã bị địch lũng đoạn, thậm chí một số nơi còn bị cho là đã thuộc về địch. Do vậy công tác chỉnh đốn tổ chức được đặc biệt coi trọng.
Trong chỉnh đốn, đã có 502 đảng viên bị khai trừ, chiếm 34,7% tổng số đảng viên (số đảng viên trước giảm tô là 1.445). Như vậy, so với giảm tô đợt 7, tỉ lệ đảng viên bị khai trừ nhiều hơn 10,5%. Đồng thời, đã có 110 chi ủy chiếm 52,9% chi ủy bị khai trừ. Sau giảm tô, nhiều chi bộ chỉ còn vài người, có 6 chi bộ đã phải giải tán. Trong khi phát động quần
chúng, các đội đã phát triển được 134 đảng viên mới. Họ chủ yếu là những cốt cán tích cực trong phong trào [29].
Cùng với Đảng, các tổ chức chính quyền, nông hội, công an, du kích và đoàn thể cũng được củng cố, thanh thải những phần tử “xấu”, đồng thời được bổ sung, tăng cường để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Lực lượng bổ sung chủ yếu là bần cố nông. Chính quyền 86 xã sau giảm tô có 537 Ủy viên, trong đó có 404 là bần cố nông, chiếm 75,2% [29, tr9]. Ban chấp hành Nông hội sau chỉnh đốn đã có 73% là bần cố nông, số hội viên nông hội phát triển lên tới 68.333 người [29, tr4].