Kinh nghiệm tuyển chọn quan chức trong lịch sử dân tộc

Một phần của tài liệu đổi mới phương thức tuyển chọn các chức danh lãnh đạo cấp cơ sở cấp phòng ở tỉnh hà tĩnh hiện nay (Trang 30 - 33)

6. Kết cấu của luận văn

1.3.1. Kinh nghiệm tuyển chọn quan chức trong lịch sử dân tộc

- Trong Văn bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên ở nước ta khắc ghi một phương châm chính trị nổi tiếng của nhà nước quân chủ Việt Nam: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước hùng mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi thấp xuống. Vì vậy các đấng thánh đế, minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sỹ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sỹ quan hệ với quốc gia trọng đại là thế, cho nên quý trọng kẻ sỹ không biết thế nào là cùng”.

Lịch sử của các triều đại phong kiến nước ta cũng đã ghi lại nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc sử dụng tổng hợp nhiều hình thức tuyển chọn quan lại khác nhau như khoa cử, tiến cử, bảo cử, tập ấm…, kết hợp giữa đánh giá

kết quả học tập sách vở, thi cử và kinh nghiệm tham chính nhằm đánh giá khách quan hơn đối với người có tài năng và thu hút, bồi dưỡng nhân tài để tạo ra một đội ngũ quan lại có tài năng, đức độ, đảm đương được nhiệm vụ cai quản dân chúng và bảo vệ đất nước.

- Khoa cử là con đường chính để Nhà nước tuyển chọn quan lại, cũng là con đường chính để mỗi người sau khi đỗ đạt ra làm quan với những chế độ ưu đãi của Nhà nước. Trong gần 850 năm giáo dục và khoa cử Nho học, Nhà nước phong kiến đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức học tập và thi cử, từ đó, kén chọn được một số lượng lớn Tiến sỹ, Hương cống (Cử nhân thời Nguyễn) có thực tài, là nguồn cung cấp chính các quan lại cho bộ máy Nhà nước từ Trung ương xuống cấp huyện.

Mặc dù chế độ khoa cử Nho học có một số nhược điểm nhất định song về cơ bản, những người thi đỗ đều là những người học thực, thi thực và về sau đều trở thành tài thực. Việc tuyển chọn quan lại bằng con đường khoa cử có 3 ưu điểm nổi bật: 1) Tiêu chuẩn khảo hạch thống nhất, đánh giá khách quan hơn, hạn chế được những chủ quan mà các hình thức khác thường mắc phải; đồng thời thúc đẩy việc giáo dục, học tập; 2) Những người tham gia thi cử tương đối bình đẳng: trừ nữ giới và nam giới là những người thuộc tầng lớp bị coi là “phản nghịch” hoặc “vô loài”, còn mọi người đều có thể qua khoa cử mà tham chính, không kể già trẻ, giàu có hay nghèo hèn; 3) Tạo ra sự kết hợp giữa học tập sách vở, thi cử và tham chính (tính thực tế, tính hiệu quả) trong mỗi con người được đào tạo. Ba mặt này kết hợp với nhau thúc đẩy xã hội trọng thi giáo dục, văn hoá, trọng thị sự rèn luyện tài năng cá nhân. Người làm quan đều đã qua học hành, là những cống sỹ, tiến sỹ giỏi thơ phú, biết cách cai trị dân, tạo ra trình độ quản lý cao và tương đối thống nhất. Hầu hết các bậc quan tiến sỹ này đều là những người tài, có nhiều đóng góp xây dựng triều chính và đất nước.

- Tiến cử là chế độ cho phép một vị quan được đề nghị đưa một người có tài nhưng vì nhiều nguyên nhân chưa có điều kiện đi thi (hoặc thi không

đỗ) được giữ một chức quan nào đó. Người tiến cử phải lấy tước vị, phẩm hàm của mình để bảo đảm rằng người được tiến cử là có tài, xứng đáng với chức vị được giao. Điều 174 Quốc triều hình luật quy định: “Những người làm nhiệm vụ cử người mà không cử được người giỏi thì bị biếm (giáng) hoặc bị phạt theo luật nặng nhẹ. Nếu vì tình riêng hoặc lấy tiền thì xử tội nặng thêm hai bậc”.

- Bảo cử là chế độ cho phép một vị quan được đề nghị đưa một người có tài năng và có kinh nghiệm thực tiễn quan trường vào một chức vụ nào đó đang bị khuyết người. Người đứng ra bảo cử phải lập hồ sơ người được bảo cử để trình lên bộ Lại và cũng phải lấy phẩm hàm, chức vụ của mình ra để bảo đảm rằng người được bảo cử là xứng đáng, không phải vì thân quen, tư vị. Thực chất của bảo cử là việc cử các quan lại có thâm niên và kinh nghiệm làm việc, có năng lực, đạo đức và hầu hết là những người xuất thân khoa bảng vào các chức vụ quan trọng đang bị khuyết. Việc bảo cử xuất hiện từ năm Hồng Đức thứ 15 (1484), Vua Lê Thánh Tông ra sắc chỉ có nội dung: nha môn nào bị khuyết chức nào thì cho phép bảo cử. Các quan hàng ngày biết người nào tài cán, học thức, thanh liêm, làm việc giỏi, đáng được bổ vào chức nào thì bảo cử lên bộ Lại. Các quan khoa, đài cộng đồng biên chép vào sổ rõ ràng, nếu sau này người được bảo cử tham lam, đê hèn, không làm nổi việc, không có công trạng gì thì sẽ đem hỏi tội viên bảo cử bậy (không cử được người xứng đáng) .

- Thế tập và tập ấm, gọi chung là thế tập, là chế độ thông qua địa vị quan chức của cha ông mà sử dụng con cháu vào quan trường, hay là chế độ bổ dụng con em do ấm thụ của cha ông. Đương nhiên chỉ có con cái các quan đại thần mới được hưởng thế tập.Việc thế tập được thực hiện từ thời Lý Trần và đầu Lê. Nhưng đến thời Lê Thánh Tông mới được ban bố thành các chỉ dụ cụ thể.

Trong lịch sử dân tộc ta đã xuất hiện nhiều phương thức tuyển chọn, đào tạo và sử dụng nhân tài khác nhau. Trong dân gian, đó là các lễ hội thi

tài. Về phương diện nhà nước là những khoa thi (đặc biệt là khoa cử Nho học và võ cử). Mỗi phương thức tuyển chọn và đào tạo nhân tài đều có những ưu điểm và những nhược điểm của nó. Điều quan trọng hơn đã được khẳng định chắc chắn là: dù là nhân tài thuộc lĩnh vực gì, dù họ có thể xuất lộ theo những con đường khác nhau thì việc đào tạo và bồi bổ tài năng vẫn giữ vai trò tối quan trọng trong việc đảm bảo cho đất nước, thời bình hay thời ly loạn, những thế hệ nhân tài đủ tài và đủ đức để đáp ứng nhu cầu khách quan của sự nghiệp Dựng nước và Giữ nước. Cần chú ý rằng ngay cả đối với những nhân tài tưởng chừng như tiêu biểu cho loại hình "nhân tài xuất lộ tự phát” thì cũng là kết quả của quá trình tự đào tạo. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, việc Nhà nước ta sớm có chiến lược nhân tài, sớm xác lập những cơ sở đào tạo nhân tài là điều tối cần thiết phục vụ cho nhu cầu phát triển cuả đất nước. Đây là điều ông cha ta đã làm, làm tương đối tốt, có lúc, có nơi rất tốt, ngày nay chúng ta càng có thể và phải làm tốt hơn.

Dù nhân tài có được phát hiện và đào tạo tốt đến đâu thì yếu tố quyết định đến giá trị của những đóng góp của nhân tài cho dân tộc, cho Tổ quốc chính là khâu sử dụng nhân tài. Sử dụng nhân tài vừa là cái đích, vừa là động cơ và vừa là một khâu trong quá trình đào luyện nhân tài. Đó chính là một bài học rút ra được từ thực tiễn đào tạo nhân tài trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Một phần của tài liệu đổi mới phương thức tuyển chọn các chức danh lãnh đạo cấp cơ sở cấp phòng ở tỉnh hà tĩnh hiện nay (Trang 30 - 33)