7. Kết cấu của luận văn
1.2.2. Đổi mới mô hình tổ chức sản xuất
Kinh tế hộ
Từ sau Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (tháng 4/1988), nhất là sau khi thực hiện Nghị định 64/CP của Chính phủ về giao ruộng đất ổn định lâu dài cho hộ nông dân, hộ gia đình được xác định là đơn vị kinh tế cơ sở, vừa là một đơn vị sản xuất, vừa là một đơn vị tiêu dùng, đã từng bước tự chủ trong sản xuất, ngoài hoạt động nông nghiệp còn tham gia hoạt động phi nông nghiệp với mức độ khác nhau.
Nhằm tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển, thực hiện Chỉ thị số 14 – CT/TU (ngày 12/2/1997) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Về việc đẩy mạnh sản xuất trên cơ sở đổi ruộng từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn gắn với quy hoạch sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ nông dân.
34
Ngày 21/03/1997, UBND huyện Hoài Đức đã ra Nghị quyết số 61 – NQ/HU
Về chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn gắn với quy hoạch cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất chính thức cho hộ nông dân.
Trong 5 năm (1996-2000), huyện đã hoàn thành căn bản việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho các hộ nông dân; đồng thời tích cực vận động nhân dân chuyển đổi, dồn thửa, xóa bỏ các ô thửa ruộng manh mún, tạo chuyển biến thuận lợi cho việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, hình thành các trang trại sản xuất trong nông nghiệp. Kết quả trong 5 năm (1996-2000) huyện đã giảm được hơn 10 ngàn thửa ruộng, diện tích mỗi thửa tăng lên làm giảm đáng kể tình trạng đất canh tác manh mún, tạo thuận lợi cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành mô hình vườn trại, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng đất đai; từng bước tạo cơ sở đề quy hoạch tốt quỹ đất công. Đây là một thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn ở Hoài Đức.
Xu thế phát triển kinh tế hộ trên địa bàn huyện trong những năm 1996 - 2000 là từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa nhưng còn ở quy mô nhỏ với đa dạng sản phẩm. Cho tới năm 2000 có khoảng 30% số hộ có điều kiện vươn lên làm giàu, đời sống khá, có 56% số hộ đủ ăn, 14% số hộ còn nhiều khó khăn cần có sự giúp đỡ của xã hội.
Hộ gia đình tuy đã tự chủ trong sản xuất, nhưng không thể tự chủ một cách độc lập hoàn toàn mà vẫn cần tới vai trò của HTX nông nghiệp ở các lĩnh vực, các khâu hộ không làm được hoặc làm hiệu quả thấp như: thủy nông, bảo vệ thực vật, bảo vệ đồng ruộng, làm đất, giống mới, tiến bộ kỹ thuật, chế biến và tiêu thụ sản phẩm…
Kinh tế HTX
Thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới, các HTX ở Hoài Đức đều lúng túng trong việc chuyển đổi nội dung, phương thức hoạt động. Từ chỗ có
35
quyền chi phối toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, các HTX nông nghiệp đã phải chuyển sang làm dịch vụ cho kinh tế hộ theo cơ chế thị trường. Nghiêm chỉnh thi hành Luật HTX đã được Quốc hội khóa IX thông qua ngày 20/3/1996, các HTX trong huyện đã có những chuyển biến tích cực, đang dần thích nghi với cơ chế quản lý mới, làm tốt hơn vai trò hỗ trợ cho kinh tế hộ gia đình.
Nghị quyết số 51 – NQ/HU, ngày 10/02/1997, của Huyện ủy Hoài Đức Về tổ chức thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn đến năm 2000 theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đưa ra quan điểm chỉ đạo đối với các HTX là: “Căn cứ Luật HTX, tiếp tục đổi mới các loại hình HTX trên các lĩnh vực: thủ công nghiệp, thương mại, tín dụng, giao thông vận tải…trước hết cần đổi mới quản lý HTX nông nghiệp nhằm phát huy vai trò kinh tế HTX, thực hiện đúng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi, quản lý dân chủ. Nhiệm vụ của HTX là làm tốt công tác quy hoạch, hướng dẫn sản xuất, đưa tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi đến các hộ xã viên, phát triển kinh doanh, đảm nhiệm các khâu dịch vụ mà từng hộ xã viên không làm được, hoặc làm không có hiệu quả. Cùng với chính quyền chăm lo sự nghiệp phúc lợi xã hội” [41; 4].
Đảng bộ huyện đã chỉ đạo UBND huyện Hoài Đức xây dựng Đề án chuyển đổi hợp tác xã nông nghiệp của huyện Hoài Đức theo Luật hợp tác xã
(số 93 – ĐA/UB, ngày 20/4/1997). Trên cơ sở kết quả làm điểm chuyển đổi ở 2 HTX, ngày 12/9/1997, UBND huyện đã ra Kế hoạch số 87 – KH/UB về chuyển đổi HTX theo Luật HTX, đề ra một số nội dung chủ yếu chuyển đổi HTX nông nghiệp như sau:
1- Đánh giá lại thực trạng HTX nông nghiệp. 2- Kiểm kê tài sản, vốn, quỹ của HTX.
36
4- Xây dựng các đề án sản xuất kinh doanh dịch vụ. 5- Đại hội xã viên (Đại hội đại biểu xã viên).
6- Đăng ký kinh doanh.
7- Nâng cao vai trò quản lý Nhà nước của UBND xã đối với HTX nông nghiệp.
8- Khuyến khích phát triển các hình thức kinh tế hợp tác đa dạng. Tuy nhiên, thực tế các HTX nông nghiệp Hoài Đức trong quá trình chuyển đổi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Một số HTX sau khi chuyển đổi lại lâm vào bế tắc do cán bộ lãnh đạo không có đủ trình độ và năng lực để điều hành sản xuất và kinh doanh. Dẫn tới nhiều HTX kinh doanh không có lãi hoặc bị lỗ, nhân dân không thật gắn bó với HTX.
Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, Ban chỉ đạo thực hiện chuyển đổi HTX theo Luật của huyện đã có cố gắng trong triển khai, tổ chức thực hiện theo đúng trình tự hướng dẫn của tỉnh và của trung ương, làm tốt công tác tập huấn và chuẩn bị đủ tài liệu cho các xã, thị trấn. Các HTX đều thành lập Ban trù bị chuyển đổi theo Luật HTX, tuyên truyền cho các xã viên về chủ trương của Đảng và Nhà nước, thực hiện kiểm kê tài sản, vốn, quỹ, đất đai, xác định xã viên tham gia HTX, xây dựng Điều lệ HTX, phương án sản xuất kinh doanh và tiến hành tổ chức đại hội chuyển đổi theo Luật HTX.
Trong những năm 1996-2000 đã có 100% các Hợp tác xã nông nghiệp được chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã và từng bước thích ứng với cơ chế mới. Trên 97% số hộ với 36.021 xã viên đăng ký tham gia Hợp tác xã nông nghiệp tại thời điểm chuyển đổi theo Luật và sau khi đi vào hoạt động theo cơ chế mới đã nâng cao chất lượng các khâu dịch vụ như khâu giống, thuỷ lợi… một số khâu có lãi, nguồn vốn của Hợp tác xã được bảo toàn.
37
Đến năm 2000, kinh tế hộ, kinh tế tập thể và các thành phần kinh tế khác được tạo điều kiện phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các Hợp tác xã và hộ nông dân đã tăng cường các biện pháp khuyến nông: 100% các Hợp tác xã thành lập tổ khuyến nông hoạt động, ngân sách dành cho công tác này liên tục tăng qua các năm, đã góp phần tích cực nâng cao nhận thức cho các hộ nông dân về ý nghĩa và vai trò của việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt chăn nuôi, xây dựng một số mô hình có hiệu quả và khuyến khích các cơ sở tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Hầu hết các HTX chuyển đổi đã kế thừa, tiếp nhận, quản lý, sử dụng các công trình thủy lợi, điện, nước, đường giao thông, vốn, quỹ và kinh nghiệm tổ chức các dịch vụ được tích lũy từ những năm qua để phục vụ sản xuất và đời sống của xã viên cũng như nhân dân trên địa bàn. Ở đa số các HTX mới thành lập, xã viên tin tưởng vào HTX nên một số đã tự nguyện tham gia góp vốn để xây dựng HTX.
Về tổ chức chỉ đạo, điều hành sản xuất: HTX nông nghiệp sau khi chuyển đổi đã đổi mới và chuyển biến trong chỉ đạo, điều hành sản xuất, bỏ hình thức điều hành trực tiếp đến hộ. Ban quản trị HTX đã xây dựng quy hoạch, kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn cho xã viên thực hiện về chuyển đổi: cơ cấu giống cây trồng, hướng dẫn thời vụ, cung ứng tổ chức sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, tổ chức khuyến nông, phòng chống khắc phục thiên tai. Trách nhiệm của Ban quản trị được nâng lên, có sự phân công, kiểm tra, giám sát của Ban kiểm soát HTX.
Cán bộ HTX được tinh giảm, chất lượng cán bộ từng bước được nâng cao. Đồng thời cơ sở vật chất kỹ thuật của HTX được tăng cường, các tiến bộ kỹ thuật mới được đưa vào sản xuất ngày càng nhiều, đã tạo việc làm cho người lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cho hộ xã viên, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đời sống của nhân dân được ổn định
38
và từng bước cải thiện, xã viên tin tưởng vào HTX, nên đã góp phần củng cố quan hệ sản xuất mới ở nông thôn.
Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế HTX vẫn có những vấn đề còn tồn tại như:
Ban quản trị, Ban kiểm soát của một số HTX hoạt động còn yếu. Những HTX này chỉ tổ chức được 2 - 3 dịch vụ. Số vốn quỹ không tăng so với lúc chuyển đổi, công tác cán bộ thấp. HTX không quản lý điều hành sản xuất được đến thôn, đội sản xuất, mà thôn tự điều hành, thu chi kinh tế, HTX không thanh toán được đến hộ xã viên dẫn đến một số cán bộ thôn, đội sản xuất vi phạm về quản lý kinh tế.
Trình độ cán bộ HTX nhìn chung còn hạn chế trong việc tổ chức quản lý, hạch toán kinh doanh dịch vụ, đầu tư sản xuất…Tổng số cán bộ quản lý HTX trong huyện có trình độ chuyên môn đại học, cao đẳng là 11,5%, trung cấp là 16,6%, sơ cấp là 34%, còn lại chưa qua đào tạo. Do đó chưa đáp ứng được yêu cầu của HTX kiểu mới.
Tình trạng nợ đọng sản phẩm vẫn tăng, chưa có biện pháp hữu hiệu giải quyết để HTX có vốn hoạt động, mặt khác đã gây nên sự mất công bằng giữa các hộ xã viên trong HTX.
Những hạn chế, tồn tại trên là những vấn đề đặt ra để Đảng bộ và nhân dân Hoài Đức phấn đấu giải quyết tốt trong nhiệm kỳ tới.